Táo bón ở trẻ em – Nguyên nhân, cách trị và phòng ngừa

Táo bón ở trẻ em là một trong những vấn đề về đường tiêu hóa thường gặp nhất. Tuy nhiên nếu không kịp thời khắc phục, táo bón có thể kéo dài và gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển, nhẹ cân ở trẻ.

Táo bón ở trẻ em và những thông tin cần biết

Táo bón ở trẻ em và dấu hiệu nhận biết

Táo bón là tình trạng rối loạn đại tiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Táo bón khiến phân cứng và khô hơn bình thường, do đó có thể gây đau rát, chảy máu và khó khăn khi đi đại tiện.

Phụ huynh có thể nhận biết táo bón ở trẻ em thông qua các dấu hiệu sau:

  • Trẻ không đi tiêu liên tục trong vòng 3 ngày và tần suất đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần
  • Phân có trạng thái khô, cứng, vón cục và thường có màu đậm hơn bình thường
  • Trẻ đau rát hậu môn và có xu hướng quấy khóc khi đi đại tiện
  • Trẻ thường “rặn” khi đi tiêu vì phân khó thoát ra bên ngoài
  • Bụng của trẻ luôn trong trạng thái căng và đầy do phân không được đào thải hoàn toàn
  • Một số trẻ có thể bị chảy máu khi đi tiêu
  • Tăng cân chậm
  • Hay xì hơi
  • Suy dinh dưỡng

Táo bón ở trẻ em được chia làm mấy loại?

Táo bón ở trẻ nhỏ thường được chia thành 2 loại, bao gồm táo bón bệnh lý và táo bón chức năng. Trong đó hơn 90% trường hợp thuộc nhóm táo bón chức năng.

  • Táo bón chức năng: Đề cập đến tình trạng táo bón do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học.
  • Táo bón bệnh lý (táo bón thực thể): Thuật ngữ này đề cập đến triệu chứng táo bón do các bệnh lý thực thể gây ra như phình đại tràng bẩm sinh, bệnh Crohn, bệnh trĩ, bệnh về tuyến giáp, rối loạn miễn dịch,…

Nguyên nhân gây bệnh táo bón ở trẻ em

1. Nguyên nhân thực thể

Nguyên nhân thực thể bao gồm các bệnh lý có thể gây rối loạn nhu động ruột và làm phát sinh triệu chứng táo bón ở trẻ em.

Phình đại tràng bẩm sinh là một trong những nguyên nhân thực thể gây táo bón ở trẻ em
  • Các bệnh lý về tuyến giáp: Tuyến giáp là cơ quan điều hòa hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Khi cơ quan này gặp phải vấn đề, quá trình tiêu hóa, bài tiết và miễn dịch của cơ thể đều bị ảnh hưởng. Trẻ mắc các bệnh lý về tuyến giáp dễ bị táo bón, người mệt mỏi, đổ mồ hôi, sụt cân bất thường, đau bụng,…
  • Tiểu đường: Bệnh tiểu đường cũng có thể gây táo bón kéo dài. Nguyên nhân là khi đường huyết tăng cao, lượng nước và nhu động ruột sẽ có
    xu hướng suy giảm, từ đó gây ra tình trạng táo bón.
  • Bệnh Crohn: Bệnh Crohn là một dạng viêm đường ruột tự phát có thể xảy ra trong những năm đầu đời. Bệnh gây viêm ở mô sâu của đường ruột và gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, loét miệng, đau xung quanh vùng hậu môn,…
  • Phình đại tràng bẩm sinh: Phình đại tràng bẩm sinh xảy ra khi cấu trúc đại tràng bất thường, gây giảm nhu động ruột và tắc nghẽn ruột già. Nhu động ruột kém là nguyên nhân làm chậm quá trình tiêu hóa và gây táo bón ở trẻ.
  • Các bệnh lý khác: Ngoài ra táo bón ở trẻ nhỏ cũng có thể bắt nguồn do các bệnh lý về thần kinh và cột sống.

2. Nguyên nhân chức năng

Nguyên nhân chức năng bao gồm chế độ ăn uống, thói quen đại tiện và sinh hoạt không khoa học:

Chế độ ăn ít chất xơ có thể khiến phân cứng, khô và tăng nguy cơ bị táo bón
  • Thường xuyên nhịn đại tiện: Trẻ nhỏ thường hiếu động và ham chơi. Vì vậy khi cơ thể có nhu cầu, trẻ có thể nhịn đại tiện để tiếp tục hoạt động vui chơi. Tuy nhiên thói quen này khiến phân ở bên trong ruột già lâu hơn, dễ mất nước và chuyển sang trạng thái khô, cứng.
  • Dùng sữa chứa nhiều protein: Trẻ sử dụng sữa chứa công thức giàu protein có thể bị táo bón do khó hấp thu.
  • Thiếu nước: Trẻ nhỏ thường có thói quen uống nước khi cảm thấy khát. Tuy nhiên cơ thể cần nhiều nước để duy trì hoạt động của các cơ quan. Vì vậy khi trẻ không uống đủ nước, phân thường có xu hướng cứng và khô hơn bình thường.
  • Chế độ ăn thiếu chất xơ: Trẻ nhỏ có xu hướng không thích ăn rau xanh và các loại trái cây. Tuy nhiên chế độ nghèo chất xơ và vitamin là nguyên nhân chính gây ra tình trạng táo bón.

Cách điều trị bệnh táo bón ở trẻ em

Táo bón ở trẻ nhỏ chủ yếu bắt nguồn từ chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Do đó phụ huynh nên thiết lập lại chế độ dinh dưỡng và khuyến khích trẻ thay đổi một số thói quen thiếu lành mạnh.

Trong trường hợp tình trạng không có cải thiện đáng kể, bạn có thể áp dụng một mẹo chữa tại nhà và sử dụng thuốc điều trị táo bón cho trẻ.

1. Thiết lập chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống là yếu tố có tác động trực tiếp đến hoạt động của đường ruột và tình trạng táo bón. Vì vậy việc đầu tiên bạn cần làm là thay đổi các thói quen ăn uống thiếu khoa học của trẻ.

Cho trẻ ăn thực phẩm lỏng và nhiều chất xơ giúp làm mềm phân, giảm táo bón và đau rát khi đi tiêu

Thiết lập chế độ ăn uống khoa học cho trẻ bị táo bón:

  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, pate, snack,… Đồng thời không cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt và các đồ ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh, socola,…
  • Tránh chế biến thực phẩm ở dạng chiên, xào, nướng,… Thay vào đó nên nấu thực phẩm ở dạng súp, cháo, hấp,… để đảm bảo dinh dưỡng và giúp cơ thể dễ tiêu hóa.
  • Nên dạy trẻ cách ăn chậm nhai kỹ và ăn uống đúng giờ giấc. Tuyệt đối không để trẻ ăn uống khi đói hoặc khát.
  • Bổ sung nước cho trẻ theo nhu cầu của cơ thể. Trẻ từ 1 – 10kg cần 100ml nước/ kg cân nặng và trẻ từ 11 – 20kg cần 150ml nước/ kg cân nặng.
  • Với những trẻ đã bắt đầu ăn dặm, bạn có thể cho trẻ ăn các thực phẩm hỗ trợ làm mềm phân như rau mồng tơi, khoai lang, rau đay, rau dền, bơ, đu đủ, dưa leo,…
  • Cho trẻ ăn 1 – 2 hũ sữa chua/ ngày để cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột.

Sau khoảng 2 – 3 ngày thay đổi chế độ ăn uống, bạn sẽ nhận thấy trẻ ít gặp phải tình trạng ngứa ngáy và đau rát khi đi đại tiện. Ngoài ra chế độ dinh dưỡng lành mạnh còn hỗ trợ nâng cao thể trạng và giúp trẻ phát triển toàn diện.

2. Điều chỉnh thói quen đại tiện và sinh hoạt của trẻ

Như đã đề cập, trẻ có thể bị táo bón do thường xuyên nhịn đi tiêu. Vì vậy bạn nên điều chỉnh một số thói quen đại tiện và sinh hoạt của trẻ để khắc phục tình trạng này.

Tập cho trẻ thói quen đi tiêu đúng giờ giấc và tự giác đi tiêu ngay khi có nhu cầu
  • Dặn dò trẻ phải đi đại tiện ngay khi cơ thể có nhu cầu.
  • Ngoài ra bạn nên tập cho trẻ đi tiêu theo giờ. Thói quen này còn giúp trẻ tránh được tình trạng nhịn đại tiện.
  • Khuyến khích trẻ vui chơi các hoạt động thể chất để tăng cường sức khỏe và kích thích nhu động ruột. Trẻ lười vận động có thể bị béo phì và dễ táo bón.
  • Cho trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc. Ngoài ra bạn nên hướng dẫn trẻ thói quen tập thể dục vào buổi sáng để cải thiện hoạt động đào thải phân của ruột kết.

3. Mẹo giảm táo bón cho trẻ tại nhà

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo giảm táo bón cho trẻ ngay tại nhà.

– Massage vùng bụng

Chức năng tiêu hóa của trẻ thường chưa phát triển toàn diện. Vì vậy trẻ dễ gặp phải tình trạng đau bụng, đầy hơi, ợ, táo bón và tiêu chảy sau khi ăn. Với những trường hợp này, bạn có thể massage vùng bụng cho trẻ.

Hoạt động từ bàn tay giúp tăng cường tuần hoàn máu và kích thích nhu động ruột. Từ đó có thể ổn định và duy trì hoạt động tiêu hóa của cơ thể.

Massage vùng bụng cho trẻ có thể hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và đào thải của đường ruột

Bạn nên massage cho trẻ vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên nên massage cách thời điểm trẻ ăn khoảng 2 giờ đồng hồ để hạn chế tình trạng đau thượng vị và nôn trớ.

– Ngâm nước muối

Nếu trẻ thường xuyên “rặn” và quấy khó khi đại tiện, bạn có thể cho trẻ ngâm hậu môn với nước muối trước giờ tiêu. Nước muối ấm có tác dụng giảm ngứa ngáy và làm thư giãn cơ vòng hậu môn. Khi cơ vòng được giãn ra, phân sẽ dễ dàng đi ra ngoài và tránh gây đau đớn cho trẻ.

Thực hiện:

  • Hòa 1 lít nước đun sôi với nước lạnh để nhiệt độ nước ấm vừa phải
  • Thêm 2 – 3 thìa muối vào thau và hòa tan hoàn toàn
  • Cho trẻ ngâm hậu môn trong 10 – 15 phút trước khi đi tiêu

– Thoa kem Vaseline

Vaseline là sản phẩm chứa dầu khoáng, có tác dụng dưỡng ẩm và làm mềm da. Vaseline được sử dụng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai với nhiều mục đích khác nhau.

Thoa Vaseline vào hậu môn có thể giảm đau rát khi đi tiểu và hạn chế nguy cơ nứt kẽ hậu môn ở trẻ

Trong trường hợp trẻ khó khăn khi đại tiện, bạn có thể dùng một lượng Vaseline thoa ở xung quanh hậu môn để giúp phân đi ra dễ dàng. Ngoài ra sử dụng Vaseline thường xuyên còn hạn chế nguy cơ nứt kẽ hậu môn ở trẻ do táo bón kéo dài.

4. Sử dụng thuốc điều trị

Trong trường hợp trẻ bị táo bón mãn tính và không có đáp ứng tốt với các biện pháp tại nhà, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị táo bón cho trẻ.

Có thể dùng thuốc cho trẻ nếu táo bón kéo dài và không có đáp ứng với các biện pháp tại nhà

Các loại thuốc được dùng để trị táo bón cho trẻ nhỏ:

  • Men tiêu hóa (Probio, Biolac, Lactomin,…): Các loại men tiêu hóa có tác dụng bổ sung lợi khuẩn và kích thích nhu động đường ruột. Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất vì ít khi gây ra tác dụng phụ đối với trẻ nhỏ.
  • Thuốc nhuận tràng (Cascara và Bisacodyl): Nhóm thuốc này làm tăng nhu động ruột nhằm loại bỏ phân một cách dễ dàng. Tuy nhiên lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể gây tiêu chảy. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc cho trẻ khi có sự cho phép của bác sĩ.
  • Thuốc bôi trơn hậu môn (Microlac, Norgalax,…): Những loại thuốc bôi trơn hậu môn được sử dụng trực tiếp vào bên trong niêm mạc trực tràng nhằm giúp phân dễ dàng đi qua mà không gây kích thích hay đau rát.
  • Thuốc trị táo bón thẩm thấu (Lactitol, Forlax, Sorbitol): Nhóm thuốc này chứa muối vô cơ và đường. Sử dụng thuốc trị táo bón thẩm thấu có tác dụng giữ nước trong lòng ruột nhằm giúp phân mềm và dễ thoát ra bên ngoài.

Sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết chính xác liều dùng và tần suất sử dụng thuốc. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho con trẻ khi chưa có sự cho phép của nhân viên y tế.

5. Điều trị bệnh lý gây táo bón

Nếu trẻ bị táo bón do nguyên nhân thực thể, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để tiến hành thăm khám và điều trị. Việc chủ động thăm khám có thể giúp bệnh tình của trẻ nhanh chóng được kiểm soát và ức chế.

Ngược lại tình trạng chủ quan ở một số phụ huynh có thể tạo điều kiện cho bệnh chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Phòng ngừa táo bón ở trẻ em

Táo bón ở trẻ em không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, đau rát khi đại tiện mà còn khiến trẻ chán ăn, chậm phát triển và suy dinh dưỡng.

Cho trẻ uống đủ nước có thể hạn chế tình trạng táo bón và các bệnh lý ở hậu môn – trực tràng

Vì vậy phụ huynh nên bảo vệ sức khỏe của con trẻ bằng cách chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ, bao gồm tinh bột, protein, vitamin và khoáng chất.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung chất lỏng cho trẻ bằng các loại nước ép trái cây và rau xanh.
  • Xem xét công thức đạm trong từng loại sữa để lựa chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của trẻ.
  • Rèn thói quen đi vệ sinh theo giờ cho trẻ và dặn dò trẻ tự giác đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu.
  • Hướng dẫn trẻ các bài tập thể dục đơn giản. Đồng thời nên khuyến khích trẻ vui chơi các hoạt động thể chất nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao thể trạng và ổn định hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
  • Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột với sữa chua và phô mai.
  • Tích cực điều trị các bệnh lý thực thể có nguy cơ gây táo bón.

Táo bón ở trẻ em có thể được điều trị bằng cách xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và áp dụng một số mẹo chữa tại nhà. Tuy nhiên nếu để kéo dài, táo bón có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và khiến trẻ mắc các bệnh về hậu môn – trực tràng như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn,…

Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân trẻ bị ngứa hậu môn và cách khắc phục tận gốc

Xem thêm: Nhiễm toan

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!