Viêm đại tràng giả mạc là gì? Triệu chứng, biến chứng, hướng điều trị

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý nhiễm khuẩn ruột già do vi khuẩn Clostridium Difficile (C.difficile) gây ra. Lớp niêm mạc đại tràng bị tấn công là khởi phát các cơn đau đớn khó chịu cho người bệnh. Nếu không sớm điều trị kiểm soát, viêm đại tràng giả mạc kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, vỡ đại tràng,…

Viêm đại tràng giả mạc là gì?

Viêm đại tràng giả mạc còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như viêm đại tràng màng giả, viêm đại tràng do kháng sinh, viêm đại tràng C.difficile. Đây là một trong các dạng viêm đại tràng thường xuất hiện sau khi người bệnh dùng thuốc kháng sinh. Do đó, có thể xem trường hợp này là một trong những tác dụng phụ sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, không phải loại thuốc kháng sinh nào cũng gây ra viêm đại tràng giả mạc.

Viêm đại tràng giả mạc là gì?

Loạn khuẩn đường ruột dưới tác động của thuốc kháng sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn C.difficile phát triển mạnh mẽ. C.difficile tên đầy đủ là Clostridium Difficle, thuộc vi khuẩn gram dương, kỵ khí. Chúng có khả năng xâm nhập và tiết độc tố gây hại cho đường ruột. Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do chịu ảnh hưởng bởi một vài vi sinh vật khác, tuy nhiên không phổ biến.

Trước sự tấn công của hại khuẩn, niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm hình thành một lớp màng giả màu trắng dính vào ruột, dễ bong tróc. Gặp điều kiện thuận lợi, lớp màng này sẽ bong ra, tạo thành vết loét tại niêm mạc đại tràng, gây đau đớn cho người bệnh. Cần nhận biết sớm và điều trị, bởi viêm đại tràng giả mạc có nguy cơ cao gây ra biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng viêm đại tràng giả mạc

Vậy, triệu chứng viêm đại tràng giả mạc là gì? Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng bất thường sau 1-2 ngày sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh khởi phát sau đó vài tuần khi ngừng sử dụng thuốc. Cụ thể, các triệu chứng thường gặp như sau:

  • Người bệnh bị tiêu chảy, đôi khi trong phân có lẫn máu và các chất nhầy, mủ. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể người bệnh bị mất chất điện giải, mất nước nghiêm trọng, kéo theo suy nhược, da dẻ xanh xao thiếu sức sống,…
  • Vùng bụng bắt đầu xuất hiện những cơn đau quặn bất thường, khi ấn vào khu vực đại tràng cảm thấy đau. Ngoài ra, khi bệnh chuyển nặng, bụng sẽ chướng và sưng to.
  • Một số trường hợp người bệnh có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Ăn không ngon, thường xuyên bị buồn nôn, nôn, cơ thể hấp thu dinh dưỡng kém khiến cân nặng sụt giảm,…

Bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện trên. Đặc biệt nên can thiệp kiểm soát bệnh khi bị tiêu chảy kéo dài, đại tiện ra mủ hoặc máu, đau bụng nghiêm trọng kèm sốt cao.

Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng giả mạc

Thuốc kháng sinh được xem là nguyên nhân hàng đầu gây viêm đại tràng màng giả. Bên cạnh đó, trường hợp người bệnh đã trải qua giải phẫu, hóa trị điều trị bệnh cũng có thể nhiễm phải vi khuẩn, khởi phát viêm đại tràng màng giả. Cụ thể như sau:

Thuốc kháng sinh được cho là tác nhân chính gây viêm đại tràng giả mạc
  • Do thuốc kháng sinh: Đại tràng ở trạng thái bình thường có hệ vi sinh cân bằng giữa hại khuẩn và lợi khuẩn. Tuy nhiên, khi dùng thuốc kháng sinh sự cân bằng này có thể bị mất đi. Vi khuẩn có hại có thể phát triển ồ ạt tấn công lợi khuẩn, đặc biệt là C.difficile. Các loại thuốc có mối liên hệ mật thiết đối với chứng bệnh này như clindamycin, ampicillin, cephalosporin, fluoproquinlone,….
  • Do hóa trị điều trị ung thư: Một số bệnh nhân ung thư điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị có thể bị ảnh hưởng gặp di chứng viêm đại tràng giả mạc. Nguyên nhân là do tác dụng phụ của các thuốc hóa trị khiến hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng.
  • Do bệnh lý: Bệnh có thể khởi phát ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý về đại tràng, trong đó điển hình là bệnh crohn, viêm loét đại tràng.
  • Một số nguyên nhân khác: Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ viêm đại tràng giả mạc như chế độ ăn uống không phù hợp, ăn thiếu chất, tiền sử bị viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, sử dụng thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton,…

Viêm đại tràng giả mạc có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, không phân biệt độ tuổi và giới tính. Trong đó, người thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh là nhóm đối tượng dễ gặp phải chứng bệnh này. Ngoài ra, những yếu tố dưới đây khả năng cao tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Người đang mắc các bệnh về đại tràng, bệnh viêm ruột hoặc chứng ung thư đại trực tràng.
  • Bệnh nhân đã phẫu thuật đường ruột hoặc hóa trị điều trị ung thư.
  • Nhiễm vi khuẩn C.difficile từ tay nhân viên y tế chưa vô trùng vào cơ thể người bệnh.
  • Nữ giới c
    ó khả năng nhiễm vi khuẩn C.difficile cao hơn so với nam giới.
  • Ngoài ra, nhóm đối tượng làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe trong thời gian dài như trong bệnh viện, nhà chăm sóc,…có thể nhiễm phải vi khuẩn và mắc viêm đại tràng giả mạc cao hơn những người khác.

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và điều trị giúp người bệnh phòng tránh rủi ro. Bởi, bệnh viêm đại tràng giả mạc trên thực tế có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và can thiệp điều trị đúng phương pháp.

Các biến chứng viêm đại tràng giả mạc

Trường hợp bệnh nhân không điều trị, tình trạng viêm đại tràng giả mạc kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

Trường hợp không điều trị, bệnh có thể biến chứng viêm phúc mạc, thủng đại tràng đe dọa tính mạng
  • Mất nước: Tình trạng tiêu chảy liên tục do nhiễm vi khuẩn C.difficile khiến cơ thể người bệnh mất nước và chất điện giải nghiêm trọng. Vấn đề này khiến cho cơ thể không hoạt oddongj như bình thường, thường xuyên hạ huyết áp nguy hiểm.
  • Suy thận: Hệ lụy của việc mất nước kéo dài khiến người bệnh bị suy giảm chức năng thận nhanh chóng.
  • Phình đại tràng nhiễm độc: Đại tràng rối loạn chức năng không thải được khí và phân ra ngoài không những gây khó chịu mà còn có thể gây phình đại tràng. Nếu không sớm điều trị, bệnh có thể gây biến chứng, vi khuẩn xâm nhập vào khoang bụng nguy hiểm.
  • Thủng ruột: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm đại tràng giả mạc. Tuy nhiên trường hợp này không phổ biến, chỉ xảy ra trong trường hợp người bệnh không nhận biết và điều trị bệnh kịp thời. Thủng ruột còn là kết quả của việc tổn thương niêm mạc đại tràng hoặc sau khi phình đại tràng nhiễm độc không được cấp cứu. Lúc này, vi khuẩn từ ruột có nguy cơ tràn vào khoan bụng gây viêm phúc mạc nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
  • Tử vong: Biến chứng không được cấp cứu, nhiễm khuẩn C.difficile nặng nề khiến bệnh nhân tử vong.

Bệnh viêm đại tràng giả mạc có khả năng chữa khỏi nếu phát hiện sớm và can thiệp bằng biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể tái phát chỉ sau vài ngày, vài tuần, mặc dù trước đó đã điều trị thành công.

Chẩn đoán và hướng điều trị viêm đại tràng giả mạc

Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm phân: Đại tràng là cơ quan chứa chất thải cho cơ thể. Chính vì thế, để xác định bất thường ở đại tràng, thông thường bác sĩ sẽ tiến hành phân tích mẫu phân của người bệnh. Thông qua đó, bác sĩ có thể nhận diện có sự xuất hiện của hại khuẩn C.difficile trong đại tràng hay không.
  • Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu ở người bị viêm đại tràng giả mạc thường tăng cao. Do đó, phương pháp xét nghiệm máu là cách giúp xác định bệnh lý, kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn nếu người bệnh có triệu chứng tiêu chảy.
  • Nội soi đại tràng, đại tràng sigma: Áp dụng cho những bệnh nhân gặp vấn đề về đại tràng. Thông qua nội soi, bác sĩ quan sát được các màng giả bám bên trong ruột, đồng thời xác định mức độ tổn thương ruột già và đưa ra biện pháp điều trị.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Thường là chụp X quang hoặc CT bụng của người bệnh để kiểm tra, xác định biến chứng xảy ra trong đường ruột.

Sau khi có được kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng thực tế của mỗi bệnh nhân đưa ra hướng điều trị phù hợp. Người bệnh có thể được yêu cầu ngưng sử dụng thuốc kháng sinh đang dùng và đổi sang thuốc điều trị phù hợp hơn. Trường hợp nặng có thể phải cấy ghép phân hay phẫu thuật điều trị. Ngoài ra, người bệnh nên chú ý đến vấn đề chăm sóc tại nhà để bệnh sớm cải thiện, phòng ngừa biến chứng.

Người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, kết hợp chăm sóc để cơ thể sớm hồi phục

Hướng điều trị

Các biện pháp kiểm soát bệnh phổ biến như sau:

  • Ngừng sử dụng thuốc kháng sinh đang dùng: Một số thuốc kháng sinh điều trị bệnh có khả năng làm mất hệ vi sinh đường ruột, tăng khả năng phát triển và xâm lấn của vi khuẩn C.difficile. Do đó, để ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến phức tạp hơn, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh ngưng sử dụng thuốc đang dùng.
  • Thay đổi thuốc kháng sinh khác: Sau khi ngưng sử dụng thuốc có khả năng gây bệnh, nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bác sĩ có thể đề cập việc dùng thuốc kháng sinh khác nhằm ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn C.difficile. Thuốc có tác dụng cân bằng lại vi khuẩn, lợi khuẩn trong đại tràng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lúc này còn phải dựa vào mức độ nghiêm trọng của viêm nhiễm. Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp, thường thông qua đường uống, tiêm tĩnh mạch hay truyền ống mũi dạ dày.
  • Cấy ghép phân (FMT): Phương pháp này nhằm mục đích cân bằng hệ vi sinh trong ruột già. Dựa vào mức độ bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên tiến hành phương pháp này hay không.

  • Phẫu thuật: Áp dụng cho đối tượng bệnh nhân bị suy nội tạng, vỡ đại tràng hoặc viêm phúc mạc. Phương án này có những ưu và nhược điểm nhất định, được chỉ định cho trường hợp bệnh nhân đã không còn đáp ứng các biện pháp điều trị nội khoa hoặc gặp biến chứng nặng nề.

Chăm sóc tại nhà

Các lưu ý dưới đây có tác dụng cải thiện triệu chứng và giúp người bệnh phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc những dạng thuốc khác đã được kê đơn. Không tự ý ngưng sử dụng, trường hợp gặp phản ứng phụ cần thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ xử lý.
  • Uống nhiều nước, có thể sử dụng nước chứa muối, kali để cung cấp điện giải cho cơ thể. Không nên dùng thức uống chứa cồn, caffein hoặc các chất kích thích khác. Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung thêm nước ép hoa quả, rau củ để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
  • Ăn thực phẩm được chế biến sạch sẽ, dạng mềm dễ tiêu hóa, chế biến đơn giản. Tránh ăn những món chiên xào nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, cay nóng khiến đường ruột bị kích thích nghiêm trọng hơn.
  • Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy khi chưa được bác sĩ chỉ định. Việc này có thể làm triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn, khó điều trị về sau.
  • Thường xuyên rửa tay và vệ sinh các bề mặt, đồ dùng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột hoặc lây lan vi khuẩn.

Người bệnh được khuyên nên ở nhà trong ít nhất 2 ngày kể từ sau đợt tiêu chảy cuối cùng xảy ra. Bên cạnh đó, bạn nên liên lạc và tham khảo ý kiến của bác sĩ gia đình về tình hình sức khỏe. Nếu có triệu chứng bất thường nên chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Phòng ngừa lây lan và tái phát viêm đại tràng giả mạc

Bên cạnh việc điều trị viêm đại tràng giả mạc, người bệnh cũng nên lưu ý vấn đề phòng tránh lây lan vi khuẩn C.difficile. Các vấn đề như sau:

Phòng ngừa lây lan và tái phát viêm đại tràng giả mạc
  • Tránh dùng kháng sinh khi không cần thiết. Chỉ sử dụng sau khi thăm khám và được bác sĩ kê đơn.
  • Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật dụng nơi công cộng. Riêng nhân viên y tế nên đảm bảo vấn đề vệ sinh trong công việc. Sử dụng xà phòng diệt khuẩn, nước ấm để vệ sinh tay.
  • Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn C.difficilen thường được nằm phòng bệnh riêng, cách ly với những bệnh nhân khác để phòng nguy cơ lây nhiễm. Người chăm sóc, nhân viên y tế phải dùng đồ bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh như găng tay dùng một lần, áo choàng y tế.
  • Khử trùng bề mặt vật dụng, môi trường chăm sóc sức khỏe để loại bỏ khả năng bào tử C.difficile tồn tại tiếp tục lây nhiễm cho người xung quanh.
  • Ăn đầy đủ chất, bổ sung hoa quả, rau xanh giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Uống đủ nước mỗi ngày phòng tránh táo bón, hỗ trợ tăng cường trao đổi chất và thanh lọc độc tố cho cơ thể.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ nhằm kiểm soát bệnh lý và sớm phát hiện bất thường của cơ thể.

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý xảy ra khi ruột già bị nhiễm vi khuẩn C.difficile do sử dụng thuốc kháng sinh. Bệnh có khả năng chữa khỏi dứt điểm nếu nhận biết và điều trị sớm. Trường hợp kéo dài, viêm đại tràng giả mạc có nguy cơ gây biến chứng đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

  • Top 15+ thuốc chữa viêm đại tràng được chuyên gia khuyến cáo
  • Bật Mí 7 Bài Thuốc Nam Trị Viêm Đại Tràng Hiệu Quả Nhất
  • 7 cách giảm đau bao tử ngay lập tức giúp hết đau tức thì

Xem thêm: Bệnh zona thần kinh ở lưng làm sao chữa trị?

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!