Cách điều trị tàn nhang hiệu quả được đánh giá cao từ chuyên gia
Điều trị tàn nhang bao gồm nhiều phương pháp như sử dụng kem bôi, thuốc uống, dùng tia laser, đốt điện, áp lạnh (dùng nitơ lỏng),… Các phương pháp này có thể làm mờ/ loại bỏ đốm nâu và cải thiện sắc tố da. Tuy nhiên, tàn nhang có liên quan đến yếu tố di truyền (gen) nên đa phần các trường hợp đều bị tái phát sau khi điều trị.
Tàn nhang là tình trạng da liễu thường gặp có tính chất di truyền. Tình trạng này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các đốm nhỏ có màu nâu nhạt đến nâu đậm ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như gò má, tay, cổ và lưng.
Các đốm tàn nhang thường không gây ngứa, đau hay khó chịu. Tuy nhiên tình trạng này có thể ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, ngoại hình, gây ra tâm lý thiếu tự tin khi giao tiếp và gặp gỡ.
Các cách điều trị tàn nhang được đánh giá cao hiện nay
Tàn nhang là một dạng tăng sắc tố da lành tính có chân nông (tập trung ở vùng thượng bì). So với nám da, tình trạng này thường dễ điều trị và chăm sóc hơn. Tuy nhiên, do có tính chất di truyền nên tàn nhang có xu hướng tái phát sau một thời gian nhất định.
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp điều trị tàn nhang. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, cần đánh giá tình trạng da, độ tuổi, sở thích và khả năng tài chính.
Dưới đây là một số cách điều trị tàn nhang phổ biến nhất hiện nay:
1. Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống
Thực tế, các đốm tàn nhang trên da là hệ quả do tế bào melanin tăng sinh quá mức. Đối với những trường hợp tàn nhang có màu nhạt và số lượng tương đối ít, bạn có thể sử dụng các loại thuốc bôi và thuốc uống để cải thiện. Các loại thuốc này có tác dụng ức chế melanin, làm sáng da, cấp ẩm, hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.
Một số thuốc bôi và thuốc uống thường được dùng để điều trị tàn nhang:
– Thuốc bôi chứa AHA (Alpha hydroxy acid):
AHA là loại axit có trong sữa tươi, đường, trái cây và một số loại thực vật khác. Loại axit này có khả năng tan trong nước và hoạt động mạnh trên bề mặt da. Tác dụng chính của AHA là tẩy tế bào chết, hỗ trợ giảm mụn, cải thiện độ mềm mịn của bề mặt da và dưỡng trắng.
Sử dụng kem bôi chứa loại axit này còn giúp làm mờ đốm tàn nhang, nám da, sẹo thâm do mụn và làm giảm nếp nhăn nhỏ, nông trên khuôn mặt. Tùy vào mức độ tàn nhang, bác sĩ Da liễu có thể chỉ định sử dụng các dẫn xuất AHA với nồng độ khác nhau như Lactic acid (5 – 10%), Glycolic acid, Mandelic acid, Citric acid,…
– Thuốc bôi chứa Hydroquinone:
Hydroquinone thường được sử dụng để điều trị các vấn đề da liễu do tăng sinh sắc tố như sẹo thâm, nám da và tàn nhang. Hoạt chất này có cấu trúc tương tự tiền chất của sắc tố melanin có khả năng ức chế enzyme tyrosinase nhằm làm giảm quá trình chuyển đối DOPA thành melanin.
Không chỉ tác động đến sự hình thành sắc tố đen sạm, Hydroquinone còn có khả năng tiêu diệt các tế bào melanin đã hình thành. Với tác động ức chế và tiêu diệt sắc tố melanin mạnh mẽ, hoạt chất này thường được sử dụng để điều trị các vấn đề da liễu do tăng sinh sắc tố với nồng độ 2 – 5%.
Mặc dù có hiệu quả rõ rệt nhưng các chế phẩm chứa Hydroquinone có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khi sử dụng như viêm da tiếp xúc, bạc móng, kích ứng, ngứa và ban đỏ (thường xảy ra do sử dụng Hydroquinone có nồng độ trên 2%). Hơn nữa, thành phần này chỉ được dùng tối đa trong vòng 3 tháng và cần ngưng ít nhất 3 tháng trước khi sử dụng lại.
Nhiều nghiên cứu nhận thấy, Hydroquinone có thể khiến màu da bị thay đổi vĩnh viễn (thường gặp ở người da đen) và làm tăng nguy cơ ung thư. Chính vì vậy, hiện nay trên thị trường ít có các sản phẩm chứa hoạt chất này mà chủ yếu được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
– Thuốc bôi chứa Retinoid:
Retinoid là 1 nhóm dẫn xuất của vitamin A ở dạng bôi ngoài da. Thành phần này bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ năm 1940 đến nay. Retinoid có khả năng tái tạo tế bào, giảm tình trạng bít tắc lỗ chân lông, tẩy tế bào chết và giảm mụn trứng cá. Ngoài ra, thành phần này còn thúc đẩy tốc độ làm lành vết thương, cải thiện sắc tố da, ngăn ngừa sẹo rỗ và sẹo thâm.
Bên cạnh đó, Retinoid còn đẩy nhanh quá trình đổi mới tế bào thượng bì. Với cơ chế này, Retinoid được ứng dụng để điều trị nám da, thâm sạm, tàn nhang và được sử dụng để ngăn ngừa lão hóa. Hơn nữa, các chế phẩm dạng bôi chứa Retinoid còn được dùng trong điều trị bệnh vảy nến và viêm nang lông.
– Thuốc bôi chứa Acid azelaic:
Hiện nay, thuốc bôi chứa Acid azelaic được sử dụng thay thế Retinoid và Hydroquinone trong điều trị nám da, tàn nhang và mụn bọc. Hoạt chất này có khả năng ức chế vi khuẩn P. acnes, từ đó giúp cải thiện tình trạng viêm đỏ và số lượng mụn trứng cá.
Ngoài ra, Acid azelaic còn có tác dụng tẩy tế bào chết, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông, kháng viêm và làm mờ tàn nhang, thâm mụn và nám da bằng cách phá vỡ cấu trúc của tế bào melanin. Các chế phẩm dạng bôi chứa Acid azelaic được ưa chuộng vì có độ an toàn cao, hiệu quả rõ rệt và không gây kích ứng như các hoạt chất trị mụn, trị tàn nhang khác như Retinoid và Hydroquinone.
– Thuốc bôi và thuốc uống chứa Vitamin C:
Vitamin C (Ascorbic acid) là thành phần làm đẹp có trong nhiều sản phẩm chăm sóc da. Thành phần này có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sắc tố melanin và kích thích da sản sinh collagen. Hiện nay, các chế phẩm dạng bôi chứa vitamin C thường được sử dụng để trị thâm mụn, sẹo rỗ, tàn nhang, nám da, da lão hóa, sạm màu,…
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định viên uống bổ sung vitamin C nhằm giảm số lượng melanin trong cấu trúc, cải thiện đốm tàn nhang và độ săn chắc của làn da.
– Một số loại thuốc khác:
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc bôi và thuốc uống trị tàn nhang khác như Acid trichloracetic, Niacinamide, Acid kojic, viên uống vitamin PP, Arbutin,…
Đa phần các loại thuốc bôi và thuốc uống điều trị tàn nhang đều cho tác dụng chậm và hiệu quả tương đối hạn chế. Hơn nữa, các loại kem bôi còn có thể gây kích ứng, mẩn đỏ và làm tăng mức độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Vì vậy trong thời gian sử dụng, cần dùng kem chống nắng, đội mũ và đeo khẩu trang khi hoạt động, di chuyển ngoài trời.
2. Điều trị tàn nhang bằng laser
Điều trị tàn nhang bằng laser là phương pháp được áp dụng phổ biến. Phương pháp này sử dụng tia laser với bước sóng phù hợp (bước sóng 1064nm hoặc 532nm) tác động vào lớp thượng bì nhằm phân hủy tế bào melanin. Sau đó, tế bào này sẽ được đào thải ra bên ngoài qua các lỗ chân lông.
Ưu điểm của phương pháp laser là có mức độ xâm lấn thấp, đem lại hiệu quả rõ rệt, thời gian điều trị nhanh chóng và giúp lấy lại làn da mịn màng, đều màu và khỏe mạnh. Ngoài ra, tác động từ tia laser còn giúp cải thiện nếp nhăn, se khít lỗ chân lông và làm chậm quá trình lão hóa.
Tuy nhiên trên thực tế, điều trị tàn nhang bằng laser có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau nhức, ngứa ngáy, sưng đỏ, thay đổi sắc tố da, để lại sẹo lồi, sẹo lõm và nhiễm trùng. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bạn nên lựa chọn các thẩm mỹ viện, spa uy tín và có chất lượng cao.
3. Trị tàn nhang với liệu pháp Mesotherapy
Mesotherapy là liệu pháp thẩm mỹ và điều trị các vấn đề về da. Liệu pháp này sử dụng hóa chất và các thành phần dinh dưỡng đưa trực tiếp vào vùng da cần điều trị nhằm khắc phục các khuyết điểm như rụng tóc, mụn trứng cá, da lão hóa, kém đàn hồi, nám da, sẹo và tàn nhang.
Đối với điều trị tàn nhang, bác sĩ sẽ sử dụng các thành phần (Kojic acid, vitamin C, Glutathione, Acid hyaluronic,…) có tác dụng ức chế sắc tố melanin, kích thích sản sinh elastin và collagen nhằm tăng độ đàn hồi, nuôi dưỡng và giúp da đều màu, sáng mịn. Mỗi liệu trình điều trị bằng Mesotherapy kéo dài khoảng 6 – 10 lần (tùy mức độ tàn nhang) và mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút.
Phương pháp này sử dụng kim tiêm nhỏ đưa dưỡng chất vào da nên ít gây đau, ngứa ngáy và chảy máu. Hơn nữa, thời gian thực hiện Mesotherapy khá nhanh chóng và cách chăm sóc tương đối đơn giản. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này chưa thực sự được công nhận và hiện nay ít có các cơ sở thẩm mỹ thực hiện.
4. Đốt điện trị tàn nhang
Đốt điện trị tàn nhang là phương pháp điều trị truyền thống. Phương pháp này sử dụng tia điện tác động đến các đốm tàn nhàng nhằm phá vỡ cấu trúc da và ức chế sắc tố melanin. Nếu chăm sóc đúng cách, vùng da bị tàn nhang có thể hồi phục và trở nên sáng màu hơn so với ban đầu.
Tuy nhiên, phương pháp đốt điện tiềm ẩn nhiều rủi ro như có nguy cơ để lại sẹo cao, quá trình chăm sóc phức tạp, nghiêm ngặt, gây đau, chảy máu khi thực hiện và dễ bị viêm nhiễm. Chính vì vậy, hiện nay phương pháp này hiếm khi được thực hiện.
5. Sử dụng nito lỏng trị tàn nhang (đốt lạnh xóa tàn nhang)
Phương pháp sử dụng nito lỏng (nhiệt độ -196 độ C) tiếp xúc trực tiếp với các đốm tàn nhang nhằm bóc tách tế bào thượng bì của những vùng da này.
Phương pháp này giúp làm nhạt màu đốm nâu và các vết thâm sạm do mụn, ánh nắng. Tuy nhiên, sử dụng nito lỏng trị tàn nhang có thể sẹo màu trắng (do giảm sắc tố) và sẹo lõm nên hiện nay ít được áp dụng.
6. Lột da bằng hóa chất/ Chemical peeling
Chemical peeling là phương pháp sử dụng axit ở nồng độ cao (thường là BHA và AHA) nhằm loại bỏ tế bào chết và cải thiện các khuyết điểm trên da như nếp nhăn, da sạm, tàn nhang, nám, thâm mụn, sẹo rỗ nhẹ và mụn trứng cá.
Đối với điều trị tàn nhang, bác sĩ thường dùng các dẫn xuất của AHA như Glycolic acid, Mandelic acid, Lactic acid và Citric acid với nồng độ từ 10 – 30%. Liệu trình điều trị thường kéo dài khoảng 3 – 6 lần, mỗi lần thực hiện cách nhau ít nhất 2 tuần.
Phương pháp lột da bằng hóa chất có thể làm nhạt màu đốm tàn nhang, cải thiện sắc tố da, giảm nếp nhăn và mụn trứng cá. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây kích ứng đối với những trường hợp có làn da nhạy cảm. Hơn nữa, Chemical peeling có thể khiến da mỏng và dễ bắt nắng nên cần chăm sóc nghiêm ngặt trong và sau khi điều trị.
7. Giảm tàn nhang với nguyên liệu tự nhiên
Các nguyên liệu tự nhiên thường được tận dụng để dưỡng ẩm, phục hồi và tái tạo làn da. Ngoài ra, một số thảo dược còn có khả năng giảm mụn, ngừa thâm và hỗ trợ cải thiện các vấn đề do tăng sinh sắc tố như tàn nhang, nám da.
Mặc dù hiệu quả điều trị tàn nhang không rõ rệt nhưng biện pháp này được khá nhiều người áp dụng vì có độ an toàn cao, dễ thực hiện, chi phí thấp và có thể duy trì làn da khỏe mạnh, ẩm mịn.
Các công thức mặt nạ tự nhiên có tác dụng giảm tàn nhang:
- Mặt nạ từ bột nghệ và sữa chua: Công thức từ nghệ và sữa chua có thể làm mờ các đốm tàn nhang trên da, làm sạch lỗ chân lông, dưỡng ẩm và tẩy tế bào chết dịu nhẹ. Ngoài ra, curcumin trong nghệ còn có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa. Khi áp dụng công thức mặt nạ này, nên thực hiện đều đặn 3 lần/ tuần để đạt được hiệu quả như mong đợi.
- Giảm tàn nhang với nước cốt chanh: Nước cốt chanh chứa hàm lượng acid citric và vitamin C dồi dào. Các thành phần này có tác dụng làm mờ đốm tàn nhang, vết thâm sạm và se khít lỗ chân lông. Ngoài ra, acid citric còn giúp tẩy tế bào chết dịu nhẹ, kháng viêm và kiểm soát dầu thừa ở vùng chữ T. Tuy nhiên, cần pha loãng nước cốt chanh với nước lọc theo tỷ lệ 1:1 để tránh gây kích ứng, xót và rát da.
- Gel nha đam giảm tàn nhang: Thoa trực tiếp gel nha đam lên vùng da bị tàn nhang có thể làm mờ đốm nâu, dưỡng ẩm và thúc đẩy da tái tạo, phục hồi. Bên cạnh đó, polyphenol và các axit amin trong thảo dược này còn có hiệu quả chống oxy hóa và tăng sức đề kháng cho da. Nha đam là nguyên liệu có độ an toàn cao và không gây mỏng da. Vì vậy, bạn có thể áp dụng mẹo chữa tàn nhang từ thảo dược này 3 – 5 lần/ tuần.
Cách điều trị tàn nhang bằng nguyên liệu tự nhiên cho kết quả chậm và hiệu quả hạn chế. Khi áp dụng, nên thực hiện đều đặn 3 – 5 lần/ tuần (tùy công thức) trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nên phối hợp với các biện pháp chuyên sâu và chế độ chăm sóc khoa học để tác động tích cực đến tình trạng da.
Tham khảo thêm: Tự chế 12 mặt nạ trắng da mờ vết thâm mụn tại nhà
8. Hỗ trợ trị tàn nhang bằng chế độ chăm sóc khoa học
Đa phần các trường hợp bị tàn nhang đều bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, người mắc phải tình trạng này có gen Melanocortin 1 receptor. Gen này có khả năng kích thích sắc tố melanin sản sinh quá mức ở một số vùng da nhất định và gây ra các đốm có màu nâu nhạt đến nâu đậm.
Tuy nhiên, phạm vi và màu sắc của tàn nhang có xu hướng nghiêm trọng khi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng và chăm sóc da không đúng cách. Vì vậy để giảm nhẹ mức độ tàn nhang và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp y tế, bạn cần kết hợp với chế độ chăm sóc đúng cách.
Chế độ chăm sóc da giúp hỗ trợ điều trị tàn nhang và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh:
- Người bị tàn nhang cần chú trọng bước chống nắng và bảo vệ da. Tia UVB trong ánh nắng có thể kích thích tế bào melanocytes sản sinh melanin và làm đậm màu các đốm tàn nhang. Vì vậy, nên sử dụng kem chống nắng và che chắn da khi ra ngoài trời.
- Hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng có cường độ mạnh (trong khung giờ 9:00 – 16:00 hằng ngày) – ngay cả khi có sử dụng kem chống nắng.
- Không nên lựa chọn các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da chứa hương liệu. Các thành phần tổng hợp có thể khiến da trở nên nhạy cảm và bắt nắng hơn.
- Tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử khi không cần thiết. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này cũng có thể khiến tàn nhang lan rộng và đậm màu hơn theo thời gian.
- Vệ sinh da mặt 2 lần/ ngày và cần sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên.
- Nên bổ sung nhiều nước, vitamin và khoáng chất – đặc biệt là vitamin C. Chế độ dinh dưỡng khoa học có thể hỗ trợ làm giảm tàn nhang, thâm sạm và nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong.
- Thay đổi một số thói quen xấu như thức khuya, căng thẳng quá mức,…
Một số lưu ý khi điều trị tàn nhang
Tàn nhang là một dạng gia tăng sắc tố lành tính có tính chất di truyền. Vì vậy, quá trình điều trị tình trạng này thường kéo dài trong nhiều tháng và đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, khi điều trị tàn nhang cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Không nên đến các cơ sở thẩm mỹ và spa không đảm bảo về chất lượng dịch vụ và chuyên môn.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi và thuốc uống trị tàn nhang không rõ nguồn gốc – xuất xứ.
- Nên kiên trì trong quá trình điều trị, hạn chế tình trạng bỏ dở giữa chừng hoặc thực hiện không đều đặn. Những yếu tố này đều có thể làm giảm hiệu quả, gây gián đoạn quá trình điều trị và hao phí tài chính.
- Tàn nhang có tính chất di truyền nên có thể tái phát ngay cả khi điều trị và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa tình trạng này.
Bài viết đã tổng hợp các cách điều trị tàn nhang phổ biến nhất hiện nay. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, nên cân nhắc về tình trạng da, độ tuổi và khả năng tài chính. Hoặc có thể tìm gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị thích hợp nhất.
Tham khảo thêm:
- Top 10 spa trị nám, tàn nhang hiệu quả cao tại TP HCM
- Trị nám, tàn nhang ở đâu tốt, uy tín nhất tại Hà Nội?
Xem thêm: Top các cách phá thai an toàn được sử dụng nhiều nhất
Tin mới nhất
- Bà bầu có nên ăn dưa hấu? Đọc ngay để tìm câu trả lời nhé!
- Đi ngoài ra máu tươi là dấu hiệu của bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?
- THÔNG TIN TỔNG QUÁT và những điều bạn nên biết về ung thư tinh hoàn
- Thuốc tránh thai khẩn cấp: Dùng sao cho an toàn mà hiệu quả
- Danh sách chi tiết thực phẩm giàu kẽm cho bé hay ăn chóng lớn
- Ô nhiễm không khí đang hủy hoại sức khỏe của chúng ta như thế nào?
- Hóa ra bia cũng có thể chăm sóc da và tóc
- Bệnh gút kiêng rau gì và nên ăn rau gì để cải thiện các cơn sưng viêm?
- 30 yếu tố nguy cơ có thể gây ra đột quỵ
- Cách bấm huyệt chữa đau dạ dày (có video hướng dẫn)