Viêm da cơ địa ở trẻ và những thông tin phụ huynh cần nắm rõ
Viêm da cơ địa ở trẻ là một bệnh lý gây tổn thương da dễ tái phát. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ bởi làn da của trẻ thường nhạy cảm và hàng rào bảo vệ da chưa phát triển toàn diện. Dưới đây là những thông tin cần biết về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ mà bố mẹ nên tham khảo.
Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh gì?
Viêm da cơ địa hay còn được gọi là bệnh eczema hoặc chàm thể tạng – là một dạng viêm nhiễm ở da gây ngứa đỏ, sưng, nứt nẻ bề mặt da. Bệnh viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là tình trạng viêm da cơ địa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 tuần tuổi đến 5 tuổi. Trong giai đoạn này, bệnh không chỉ gây tổn thương trên da mà còn kèm theo một số bệnh lý khác như viêm tai giữa, tiêu chảy.
Bệnh viêm da cơ địa ở bé sơ sinh thường xuất hiện ở mặt, sau đó lan rộng ra trên toàn bộ cơ thể. Khi trẻ lớn hơn, bệnh thường có xu hướng ảnh hưởng đến mặt trong của đầu gối và bên trong của khuỷu tay.
Triệu chứng nhận biết bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
Trẻ em mắc bệnh viêm da cơ địa thường có làn da khô ráp, nứt nẻ và có thể bong tróc vảy. Ngoài ra, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ thường xuất hiện với những dấu hiệu như:
- Hình thành tổn thương có hình móng ngựa ở quanh miệng, má, trán, cổ, thân mình và bẹn.
- Bề mặt da nổi nhiều mụn nước li ti, mọc tập trung.
- Da bị khô ráp, bong tróc và rất ngứa ngáy.
- Xuất hiện các vết nứt nẻ, lở loét và bị rò rỉ dịch.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, các triệu chứng thường xuất hiện ở khu vực dễ bị ma sát, trầy xước như mặt, đầu gối, khuỷu tay. Ngoài ra, các dấu hiệu cũng có thể xuất hiện ở những bộ phận trên cơ thể có độ ẩm cao, không thông thoáng như khu vực mặc tã, gây viêm da cơ địa ở vùng kín.
Ở trẻ em lớn hơn, các triệu chứng của bệnh sẽ hình thành ở các nếp gấp cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, bàn tay. Đôi khi dấu hiệu của bệnh cũng xuất hiện ở khu vực da đầu, phía sau tai, vai gáy hoặc chân.
Khi vùng da bị nhiễm trùng, bề mặt da sẽ hình thành một lớp vỏ màu vàng hoặc xuất hiện nhiều mụn nước có mủ hoặc dịch lỏng ở bên trong. Da của trẻ sẽ trở nên dày hơn do tổn thương hoặc do cọ xát, gãi ngứa.
Dưới đây là một số hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa
Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu y học cho biết nguyên nhân gây ra bệnh có thể do di truyền, tác động từ môi trường và suy giảm hệ miễn dịch.
Di truyền
Nếu trẻ có cha mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một yếu tố nào đó trong môi trường thì trẻ em sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, có đến 30% trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ có liên quan đến đột biến gen sản xuất Filaggrin (FLG). Điều này sẽ làm tăng nguy cơ khởi phát sớm các triệu chứng của bệnh và phát triển thành bệnh hen suyễn.
Dị ứng
Trẻ em mắc viêm da cơ địa có thể liên quan đến tình trạng dị ứng hoặc do nhạy cảm với một chất nào đó trong môi trường. Khi trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng từ thực phẩm hoặc các yếu tố khác, dấu hiệu của bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Các chất dị ứng như mạt bụi, phấn hoa sẽ làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ. Bởi hệ thống miễn dịch và cơ chế chống dị ứng của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ em sẽ dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài môi trường. Điều này sẽ dẫn đến bệnh viêm da cơ địa và một số bệnh lý da liễu khác.
Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ
Trẻ nhỏ thường chưa biết cách tự vệ sinh sạch sẽ cơ thể do vậy một số lượng lớn vi sinh vật, bụi bẩn và côn trùng sẽ cư trú và gây bệnh trên da của trẻ. Tình trạng này sẽ khiến trẻ mắc phải một số bệnh lý ngoài da, trong đó có viêm da cơ địa.
Ngoài ra, trẻ nhỏ thường tiếp xúc với thú cưng và một số loại động vật khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lông thú nuôi hoặc vảy động vật có thể bám vào da trẻ, gây dị ứng và làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa.
Nhiễm khuẩn
Da trẻ em thường có hàng rào bảo vệ rất yếu do đó dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn, nhất là vi khuẩn S.aureus – đây là một loại vi khuẩn phổ biến gây nên bệnh viêm da cơ địa. Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ bị viêm da cơ địa có thể kích hoạt sản xuất Cytokine. Điều này sẽ khiến tình trạng viêm da cơ địa trở nên nghiêm trọng hơn và rất khó kiểm soát.
Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trên, một số yếu tố thuận lợi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa trẻ bao gồm:
- Mắc phải một số bệnh lý: Trẻ em mắc một số bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, bệnh chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng sẽ có khả năng bị bệnh cao hơn.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Một số trẻ em bị dị ứng với hải sản, các loại hạt thì sẽ có xu hướng bị viêm da cơ địa cao hơn. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cho trẻ ăn thực phẩm chứa chất béo, dầu mỡ hoặc thức ăn khó tiêu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Thời tiết hanh khô, lạnh: Trẻ em sống ở khu vực có thời tiết lạnh, hanh khô thường dễ mắc phải các bệnh lý về da, trong đó có viêm da cơ địa. Các triệu chứng của bệnh sẽ có xu hướng thuyên giảm vào mùa hè và trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông.
- Sử dụng nguồn nước chứa nhiều canxi: Chưa có nhiều nghiên cứu rõ ràng cho nguyên nhân này, tuy nhiên sử dụng nguồn nước chứa nhiều canxi cacbonat có thể gây những thay đổi bất thường ở hàng rào bảo vệ da của trẻ. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa và khiến triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn.
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Có lây không?
Hầu hết các trường hợp mắc viêm da cơ địa thường lành tính, không ảnh hưởng đến tính mạng và không có những biến chứng nghiêm trọng nếu trẻ được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu phát hiện trễ thì bệnh sẽ dẫn đến một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng: Tình trạng da bị nứt nẻ có thể khiến vi khuẩn tấn công làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể khiến bé bị viêm da cơ địa bội nhiễm.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Có đến 75% trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa liên quan đến bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng này sẽ gây suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Chưa hết, bệnh viêm da ở trẻ em có thể để lại sẹo, vết thâm nám gây mất thẩm mỹ và khiến trẻ em trở nên khép kín và sống tự ti. Do vậy, để hạn chế những rủi ro và biến chứng mà bệnh gây ra, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời và điều trị đúng phương pháp.
Nhiều phụ huynh thắc mắc viêm da cơ địa ở trẻ em có lây không? Câu trả lời là đây là một căn bệnh không lây nhiễm nhưng nó có khả năng di truyền qua nhiều thế hệ.
Cách điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ có khỏi được không? Hiện tại, bệnh viêm da cơ địa chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, hầu hết em bé bị viêm da cơ địa thường khỏi sau 18 – 24 tháng tuổi. Một số trường hợp có thể kéo dài đến khoảng 10 tuổi. Một số ít trẻ nhỏ mắc bệnh có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành. Ở những trẻ nhỏ có làn da nhạy cảm, các triệu chứng của bệnh có thể tồn tại suốt đời.
Ở những trường hợp cần thiết, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp.
Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ bằng thuốc
Trong những trường hợp bé bị viêm da cơ địa toàn thân, tiến triển dai dẳng và gây ngứa ngáy dữ dội, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc bôi viêm da cơ địa ở trẻ em thường được sử dụng như:
- Hồ nước: Đây là một loại thuốc sát trùng, bảo vệ da và làm dịu làn da. Thuốc này được bào chế dưới dạng hỗn dịch dùng ngoài với thành phần chính là Glycerin, kẽm oxit, bột talc. Hồ nước là thuốc bôi tương đối an toàn và có thể sử dụng cho trường hợp viêm da cơ địa ở mặt trẻ sơ sinh.
- Thuốc bôi chứa Ceramides: Ceramides là lớp chất béo nằm trên bề mặt da, có tác dụng giữ nước và bảo vệ làn da khỏi những tổn thương. Khi Ceramides bị suy giảm, những yếu tố kích thích gây viêm nhiễm sẽ bùng phát mạnh. Do vậy, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ nhỏ sử dụng các loại thuốc điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em có chứa Ceramides để duy trì độ ẩm và giảm nhẹ những tổn thương trên da. Thuốc thường được sử dụng cho trẻ 3 tháng bị viêm da cơ địa.
- Thuốc bôi chữa viêm da cơ địa ở trẻ em chứa Panthenol: Panthenol là dẫn xuất của vitamin B5 – dưỡng chất được sử dụng nhiều trong các sản phẩm chăm sóc và điều trị bệnh da liễu. Thuốc thường được dùng để điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh nhằm giảm ngứa rát, viêm đỏ và duy trì độ ẩm trên da.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc trị viêm da cơ địa cho bé có hoạt tính mạnh như thuốc bôi corticoid, thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin H1… trong những trường hợp cần thiết. Phụ huynh không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Một số bài thuốc Đông y cũng có thể cải thiện tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em. Tiêu biểu là các bài thuốc:
- Bài thuốc chữa viêm da cơ địa của Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng Đông y Việt Nam với các thành phần chính như tang diệp, ô rô, phật phà, sinh địa, mạch môn đều, thăng ma, đơn bì, tử thảo, phục linh, địa phu tử.
- Bài thuốc Thanh bì Dưỡng can thang của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc với một số thảo dược là trầu không, ích nhĩ tử, mò trắng, thiên mã hổ, bí đao, mật ong, bồ công anh, tang bạch bì, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, đơn đỏ. Bài thuốc là sự tổng hòa của 3 bài thuốc nhỏ là bài thuốc ngâm rửa, bài thuốc bôi ngoài và bài thuốc uống.
Chăm sóc và cải thiện bệnh tại nhà
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc chữa viêm da cơ địa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ có thể làm giảm tổn thương và cải thiện làn da cho trẻ bằng một số biện pháp như:
- Thoa kem dưỡng ẩm: Da khô ráp là điều kiện tốt để các yếu tố gây bệnh xâm nhập và kích ứng gây viêm da cơ địa dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thế, bố mẹ có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm và thoa cho trẻ từ 2 – 3 lần/ngày. Tuy nhiên, phụ huynh cần lựa chọn các loại sản phẩm lành tính và đã được kiểm chứng an toàn với trẻ sơ sinh.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: Vệ sinh cho trẻ kém có thể khiến làn da tổn thương nặng nề. Tốt nhất bố mẹ cần tắm cho trẻ 1 lần/ngày bằng những sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, lựa chọn quần áo thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt.
- Vệ sinh không gian sống: Các tác nhân như bụi, nấm mốc, bông vải, khói thuốc… có thể kích thích gây viêm da cơ địa và khiến trẻ mắc phải một số bệnh lý hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng… Chính vì thế, mẹ nên vệ sinh nhà
cửa thường xuyên và trồng nhiều cây xanh quanh nhà.
Quang trị liệu
Quang trị liệu hay còn gọi là liệu pháp ánh sáng là phương pháp sử dụng tia cực tím để cải thiện tình trạng viêm da cơ địa. Phương thức điều trị này được kiểm chứng là an toàn và phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Quang trị liệu có sự kết hợp giữa các loại thuốc và ánh sáng UVB, UVA để giảm ngứa, chống viêm và phục hồi các mô da bị tổn thương. Ngoài ra, phương pháp này sẽ được chỉ định khi áp dụng các cách điều trị viêm da cơ địa khác mà không mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, quang trị liệu cũng gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ như gây lão hóa da sớm và tăng nguy cơ bị ung thư da. Do vậy, bố mẹ cần trao đổi kỹ với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi áp dụng phương pháp này cho trẻ.
Biện pháp chăm sóc trẻ khi bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một căn bệnh khó có thể điều trị dứt điểm và thường tái phát lại. Bên cạnh việc điều trị, bố mẹ cần có biện pháp chăm sóc cũng như phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng những cách như sau:
- Giữ môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ và duy trì độ ẩm đạt chuẩn.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thú cưng như chó, mèo…
- Lựa chọn quần áo cho trẻ được làm từ chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, tránh dùng các loại vải gây kích ứng.
- Tắm và vệ sinh cho trẻ mỗi ngày bằng nước ấm hoặc nước mát.
- Tăng cường bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, omega 3 để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Viêm da cơ địa ở trẻ là một căn bệnh không gây nguy hiểm nhưng cần được chăm sóc phù hợp nhằm hạn chế gây ra những biến chứng. Đồng thời, bố mẹ cần có những biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bệnh tái phát.
Xem thêm: Bật mí 8 cách giảm đau gout cấp tốc tại nhà từ chuyên gia
Tin mới nhất
- Huyết trắng và khí hư là gì? Thông tin cần biết
- Nôn trớ ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách xử lý an toàn
- Vô sinh không rõ nguyên nhân và thông tin cần biết
- Bệnh gan nên ăn gì và kiêng gì ?
- Lấy cao răng: Muốn có nụ cười đẹp nhất định phải làm!
- Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
- Núm vú phụ nữ: 7 bí mật quan trọng chị em nên biết
- 10 nguyên nhân vì sao bạn không có kinh nguyệt
- Chi tiết về các loại thuốc chữa viêm gan
- Mua nấm lim xanh ở đâu tốt đúng giá nấm lim xanh Tiên Phước