Cách chữa bệnh trĩ nặng nhanh khỏi, ngừa biến chứng
Can thiệp ngoại khoa là cách chữa bệnh trĩ nặng tối ưu nhất. Phương pháp này giúp loại bỏ tận gốc búi trĩ, điều trị dứt điểm triệu chứng và phòng ngừa các di chứng nặng nề. Ở giai đoạn nặng, sử dụng thuốc và thực hiện các thủ thuật xâm lấn thường đem lại kết quả hạn chế và không thể điều trị bệnh hoàn toàn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ nặng?
Bệnh trĩ nặng là thuật ngữ mô tả tình trạng búi trĩ phát triển lớn, sa hoàn toàn ra bên ngoài ống hậu môn và không thể thụt trở lại – ngay cả khi sử dụng tay. Giai đoạn này còn được là bệnh trĩ độ 4.
Khác với trĩ độ 1, 2 và 3, điều trị bệnh trĩ nặng không có nhiều lựa chọn do búi trĩ đã phát triển lớn, niêm mạc trực tràng có dấu hiệu sa và cơ thắt hậu môn có xu hướng rối loạn chức năng co thắt. Lựa chọn tối ưu đối với giai đoạn này là phẫu thuật nhằm cắt bỏ búi trĩ và ổn định lại cấu trúc ống hậu môn – trực tràng.
Tuy nhiên đối với những trường hợp mong muốn trì hoãn phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định thuốc hoặc can thiệp thủ thuật xâm lấn để giảm kích thước búi trĩ và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ ở giai đoạn nặng:
- Búi trĩ phát triển lớn, sa hẳn ra ống hậu môn, gây vướng víu và bất tiện khi đại tiện, sinh hoạt và lao động
- Tăng ma sát giữa phân và búi trĩ trong quá trình đi tiêu khiến búi trĩ chảy máu nhiều, máu chảy thành tia và khó cầm máu
- Ống hậu môn xuất hiện mẩu thịt thừa
- Bề mặt búi trĩ có xu hướng căng bóng, phù nề, tím đậm/ tái nhợt hoặc có dấu hiệu xơ hóa, sần sùi
- Niêm mạc hậu môn viêm đỏ, ẩm ướt, ngứa ngáy và đau rát kéo dài
- Búi trĩ có thể bị chảy máu do ma sát với quần áo trong quá trình lao động và sinh hoạt
Trên thực tế, bệnh trĩ ở giai đoạn nặng có các triệu chứng nghiêm trọng và tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Các biến chứng của bệnh trĩ nặng
Bệnh trĩ là bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa dưới, thường xảy ra ở người trung niên – đặc biệt là ở nam giới. Bệnh được đánh giá tương đối lành tính, có thể điều trị dứt điểm và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe tổng thể. Ảnh hưởng chủ yếu của bệnh lý này là giảm chất lượng cuộc sống và hiệu suất lao động.
Tuy nhiên bệnh trĩ nặng không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề khác như:
- Trĩ ngoại tắc mạch: Búi trĩ sa ra ngoài trong thời gian dài có thể bị va đập dẫn đến vỡ mạch máu và hình thành cục máu đông. Cục máu đông xuất hiện ở tĩnh mạch làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu khiến búi trĩ căng phồng, viêm đỏ, phù nề và đau rát dữ dội.
- Trĩ vòng: Trĩ vòng là biến chứng thường gặp ở bệnh trĩ hỗn hợp giai đoạn nặng. Biến chứng này khởi phát khi các búi trĩ ở trên và dưới đường lược kết hợp tạo thành búi trĩ lớn, sa ra ngoài ống hậu môn và kéo niêm mạc trực tràng sa xuống. So với trĩ nội và trĩ ngoại đơn thuần, trĩ vòng có cấu trúc phức tạp nên bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa để cắt bỏ.
- Búi trĩ sa nghẹt: Búi trĩ sa nghẹt là hệ quả do cơ vòng hậu môn co thắt quá mức khiến quá trình tuần hoàn máu trong búi trĩ bị gián đoạn. Biến chứng này có thể khiến búi trĩ sưng đau dữ dội, phù nề và có nguy cơ vỡ.
- Hoại tử búi trĩ: Hoại tử búi trĩ là biến chứng có mức độ nghiêm trọng, xảy ra khi búi trĩ bị viêm nhiễm không được điều trị kịp thời. Biến chứng này có thể khiến búi trĩ sưng đau nghiêm trọng, ứ mủ, bốc mùi hôi, khó chịu,… Nếu không được xử lý kịp thời, hoại tử búi trĩ có thể để lại nhiều di chứng nặng nề.
Bệnh trĩ ở giai đoạn nặng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, cần tiến hành thăm khám và xử lý sớm. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe tổng thể.
Cách chữa bệnh trĩ giai đoạn nặng
Như đã đề cập, lựa chọn ưu tiên đối với bệnh trĩ ở giai đoạn nặng là phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn các tĩnh mạch bị phình giãn, cải thiện tình trạng sa niêm mạc trực tràng và ổn định cấu trúc ống hậu môn.
Tuy nhiên bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc hoặc can thiệp thủ thuật xâm lấn đối với những trường hợp mong muốn trì hoãn phẫu thuật. Các biện pháp này chỉ có tác dụng giảm đau, viêm đỏ, phù nề và hỗ trợ thu nhỏ kích thước búi trĩ.
1. Phẫu thuật – Cách chữa bệnh trĩ nặng tối ưu
Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ là lựa chọn ưu tiên đối với bệnh trĩ nặng – đặc biệt là trường hợp đã phát sinh biến chứng hoại tử, sa nghẹt búi trĩ, sa niêm mạc trực tràng, trĩ vòng,… Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn búi trĩ ở ống hậu môn và điều trị dứt điểm các triệu chứng do bệnh trĩ gây ra.
Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho bệnh trĩ giai đoạn nặng bao gồm:
Phương pháp Longo:
Phương pháp này được ứng dụng vào năm 1993 và hiện nay được áp dụng tương đối phổ biến do tỷ lệ tái phát tương đối thấp, ít gây đau, tính thẩm mỹ cao và thời gian thực hiện nhanh chóng.
Phương pháp Longo tạo ra các đường khâu vòng trên đường lược có độ dài khoảng 3 – 4 cm bằng máy khâu chuyên dụng. Các đường khâu vòng này có tác dụng giảm lưu lượng máu tuần hoàn nhằm thu nhỏ kích thước búi trĩ và giảm tình trạng chảy máu khi đại tiện.
Phương pháp cắt trĩ PPH:
Phương pháp PPH được đánh giá là phương pháp hiện đại nhất hiện nay và có thể thực hiện cho tất cả các loại trĩ (trĩ ngoại, trĩ nội, trĩ hỗn hợp). Phương pháp này có mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau, tỷ lệ tái phát thấp, thời gian hồi phục nhanh, vết mổ có tính thẩm mỹ cao và ít gây tổn hại đến cơ vòng hậu môn.
Phương pháp PPH được thực hiện bằng cách sử dụng dùng máy khâu nối tự động (HYG-34) cắt bỏ tận gốc tĩnh mạch của búi trĩ nằm phía trên đường lược. Sau khi búi trĩ được loại bỏ, bác sĩ sẽ tiến hành khâu ống hậu môn nhằm tạo hình thẩm mỹ cơ quan này. Trên thực tế, phương pháp này có tỷ lệ tái phát rất thấp nhưng chi phí thực hiện khá cao nên nhiều bệnh nhân không có khả năng chi trả.
Phương pháp cắt trĩ bằng laser:
Cắt trĩ bằng laser là thủ thuật ngoại trú, sử dụng các loại tia laser như laser ND và laser CO2 nhằm cắt bỏ hoàn toàn búi trĩ ở bên trong ống hậu môn. Mặc dù có mức độ xâm lấn thấp, thời gian thực hiện nhanh và ít gây đau nhưng phương pháp có khả năng tái phát tương đối cao (khoảng 2 – 5%).
Đối với trĩ ngoại, bác sĩ sẽ sử dụng chùm tia laser để loại bỏ búi trĩ. Ngược lại với trĩ nội, bác sĩ sẽ dùng tia laser có tần số cao để cắt bỏ các búi trĩ có kích thước lớn. Đồng thời sử dụng chế độ tia laser bốc hơi để loại bỏ các búi trĩ nội có kích thước nhỏ.
Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT:
Cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT (High-frequency capacitance pile treating) là một trong những kỹ thuật cắt trĩ hiện đại và được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này chỉ gây đau nhẹ hoặc thậm chí không gây đau trong quá trình thực hiện, đồng thời ít xâm lấn mô, thời gian lành vết thương và hồi phục nhanh.
Phương pháp cắt trĩ bằng sóng cao tần sử dụng sóng điện từ tần số cao ở 70 – 80 độ C nhằm giảm lưu lượng máu trên các búi trĩ bằng cách làm đông mạch máu và kích thích hình thành mô sẹo ở tĩnh mạch. Sau khi cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ búi trĩ tận gốc.
Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp siêu âm Doppler-THD
Phương pháp siêu âm Doppler-THD phù hợp với người bị trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ vòng. Phương pháp này ít gây đau, mức độ xâm lấn thấp và thời gian phục hồi khá nhanh chóng.
Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê để giảm đau và khó chịu. Sau đó tiến hành khâu niêm mạc trĩ nhằm giảm lượng máu lưu thông, từ đó khiến búi trĩ mất nguồn máu nuôi dưỡng và có xu hướng teo nhỏ, rụng dần.
Cắt trĩ với phương pháp Milligan Morgan:
Phương pháp Milligan Morgan có tỷ lệ tái phát tương đối cao (khoảng 5 – 7%), dễ bị nhiễm trùng, đau nhiều và có thể gây tổn thương niêm mạc nghiêm trọng nên hiện nay ít được áp dụng.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt bỏ từng búi trĩ đơn lẻ, sau đó khâu các niêm mạc ở giữa các búi trĩ với nhau. Khi thực hiện phương pháp Milligan Morgan, cần phải chăm sóc nghiêm ngặt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Phẫu thuật cắt trĩ với phương pháp khoanh niêm mạc cắt trĩ:
Hiện nay, phương pháp khoanh niêm mạc cắt trĩ hầu như không được áp dụng do phạm vi xâm lấn lớn và có nguy cơ tái phát cao (10%). Hơn nữa, phương pháp này còn gây đau đớn nhiều trong thời gian thực hiện và cả giai đoạn hậu phẫu, đồng thời có thể phát sinh các biến chứng nặng nề như hẹp lỗ hậu môn, rò hậu môn và mất tự chủ khi đại tiện.
Phương pháp khoanh niêm mạc cắt trĩ được thực hiện bằng cách cắt toàn niêm mạc chứa búi trĩ. Sau đó kéo phần niêm mạc phía trên xuống và khâu liền lại với vùng da hậu môn.
Phẫu thuật được đánh giá là cách chữa bệnh trĩ nặng tối ưu nhất. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, cần vệ sinh vết mổ đúng cách, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để hạn chế nhiễm trùng và một số biến chứng hậu phẫu khác.
2. Biện pháp trì hoãn phẫu thuật
Đối với những trường hợp chưa thể thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp trì hoãn như:
- Sử dụng thuốc mỡ/ thuốc đạn để giảm viêm, bảo vệ niêm mạc ống hậu môn và giảm ma sát khi đại tiện.
- Dùng thuốc tăng trương lực tĩnh mạch nhằm làm tăng độ bền của mạch máu, hạn chế tình trạng xuất huyết và biến chứng tắc mạch, vỡ búi trĩ,…
- Thuốc điều hòa nhu động ruột được sử dụng nhằm giảm tần suất đi tiêu, làm mềm phân và hạn chế tình trạng đi ngoài ra máu.
- Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật xâm lấn như áp lạnh búi trĩ, chích xơ hóa búi trĩ, dùng laser,… nhằm giảm kích thước búi trĩ và cải thiện một số triệu chứng do bệnh trĩ nặng gây ra.
Hầu hết các phương pháp này đều cho kết quả rất hạn chế và chỉ được áp dụng cho bệnh trĩ ở giai đoạn 1, 2 và một số trường hợp ở giai đoạn 3. Ở giai đoạn 4, sử dụng thuốc và can thiệp thủ thuật xâm lấn chỉ giúp cải thiện triệu chứng và trì hoãn thời gian phẫu thuật.
Lối sống lành mạnh cho người bị trĩ nặng
Lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh trĩ nói chung và bệnh trĩ nặng nói riêng. Chế độ chăm sóc khoa học có thể hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp y tế, ngăn ngừa biến chứng hậu phẫu và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
Lối sống lành mạnh cho người bị bệnh trĩ ở giai đoạn nặng, bao gồm:
- Tránh tuyệt đối các hoạt động làm tăng áp lực lên vùng trực tràng – hậu môn như tập thể dục quá mức, ngồi xổm, lao động nặng, mang vác vật cồng kềnh,… Ngoài ra, bạn cũng cần thay đổi một số thói quen xấu khác như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, café, thức ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ.
- Tăng cường chất xơ, nước và vitamin vào chế độ ăn hàng ngày. Các thành phần này giúp làm giảm tình trạng táo bón, điều hòa nhu động ruột và hạn chế ma sát lên búi trĩ khi đi tiêu.
- Trong trường hợp trĩ là hệ quả của các bệnh lý như tiểu đường, gút, giãn tĩnh mạch, cần kết hợp đồng thời với điều trị bệnh lý nguyên nhân để hạn chế nguy cơ tái phát.
- Nên nghỉ ngơi khoảng vài ngày sau khi phẫu thuật, đồng thời cần vệ sinh vết mổ đúng cách và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Sau khi mổ, nên giảm lượng thức ăn, ăn chậm nhai kỹ và ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, ít gia vị để tránh gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa và giảm ma sát lên vết mổ khi đi tiêu.
- Thông báo ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường trong giai đoạn hậu phẫu như hậu môn sưng nề, đau nhức, tiết dịch có mùi hôi, chảy máu kéo dài,… Hoặc tái khám theo lịch hẹn nếu không phát sinh biến chứng.
Trên đây là những thông tin về cách nhận biết và phương pháp chữa bệnh trĩ ở giai đoạn nặng. Tuy nhiên để được đề xuất hướng điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Sau mổ trĩ khó hoặc không đi cầu được phải làm sao?
Xem thêm: Bạn đã biết cách chọn thảm tập yoga chưa?
Tin mới nhất
- Viêm da cơ địa sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Điều trị bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường [Update mới nhất]
- Mụn do rối loạn nội tiết tố: Đặc điểm và cách điều trị tận gốc
- Trào ngược dạ dày gây ho đờm – Biến chứng không nên chủ quan
- Các Loại Thuốc Bôi Vảy Nến Tốt Nhất Được Bác Sĩ Khuyên Dùng [UPDATE 2020]
- Bật mí bí mật tuổi dậy thì: Bí quyết để con dậy thì thành công
- Người bị thoát vị đĩa đệm nên ăn gì và kiêng gì?
- 7 Sản phẩm bổ sung canxi cho bà bầu tốt nhất được nhiều chị em chia sẻ
- Đông trùng hạ thảo Vietfarm có tốt không?
- Viêm họng nên ăn và kiêng gì để giảm đau, nhanh hết?