Bệnh viêm da cơ địa tái đi tái lại làm sao hết ? [ Chuyên gia tư vấn ]
Viêm da cơ địa tái đi tái lại có thể là hệ quả do căng thẳng thần kinh kéo dài, thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên, không can thiệp điều trị, hệ miễn dịch suy yếu,… Mặc dù bệnh lý này không tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, tuy nhiên tình trạng tái phát nhiều lần có thể gây viêm da thần kinh, bội nhiễm da và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý cơ địa.
Viêm da cơ địa tái đi tái lại do đâu?
Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da mãn tính, có thể gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Bệnh lý này thường gây viêm đỏ da, ngứa ngáy, nổi mụn nước, rỉ dịch, bong vảy tiết, khô ráp và dày sừng. Cơ chế bệnh có liên quan yếu tố cơ địa kết hợp với một số yếu tố cộng hưởng như căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết, tiếp xúc với hóa chất, dị ứng thời tiết,…
Viêm da cơ địa được điều trị chủ yếu bằng thuốc bôi và thuốc uống. Tuy nhiên do tính chất mãn tính và hay tái phát, bệnh có thể phát triển trong suốt cuộc đời và tái đi tái lại nhiều lần.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên – Trưởng Khoa Da liễu tại Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc, viêm da cơ địa có thể tái phát nhiều lần do một số nguyên nhân sau:
1. Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên
Các yếu tố dị nguyên (thời tiết, hóa chất, phấn hoa, thực phẩm,…) có thể kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, làm tăng kháng nguyên, hoạt hóa tế bào lympho T và gây bùng phát các triệu chứng của viêm da cơ địa.
Ở những trường hợp đã phát bệnh, thói quen tiếp xúc với dị nguyên thường xuyên có thể khiến tổn thương da lan tỏa rộng, tiến triển dai dẳng và đáp ứng kém với các biện pháp điều trị.
2. Căng thẳng thần kinh kéo dài
Người bị viêm da cơ địa và các bệnh da liễu mãn tính thuộc tuýp thần kinh dễ bị kích động. Vì vậy tình trạng căng thẳng kéo dài có thể kích thích phản ứng miễn dịch dị ứng, khiến bệnh bùng phát mạnh và lan tỏa rộng.
Trên thực tế, người có các vấn đề thần kinh như căng thẳng, stress và trầm cảm thường đáp ứng kém với các biện pháp điều trị, bệnh tiến triển dai dẳng và có tần suất tái phát cao.
3. Thể trạng yếu và hệ miễn dịch suy giảm
Thống kê cho thấy, viêm da cơ địa có xu hướng bùng phát mạnh ở những đối tượng có thể trạng suy yếu và hệ miễn dịch suy giảm như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh da liễu mãn tính như tiểu đường, HIV,…
Ngoài ra, thể trạng suy yếu còn làm tăng mức độ quá mẫn của hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng dễ dị ứng và bùng phát mạnh các triệu chứng trên da.
4. Không tiến hành điều trị
Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da thường gặp và ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó nhiều bệnh nhân có tâm lý chủ quan, không tiến hành thăm khám và can thiệp điều trị.
Mặc dù không tác động nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh lý này có tính chất dai dẳng và rất ít khi tự thuyên giảm. Tình trạng bệnh kéo dài có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của cơ địa, kích thích sản sinh kháng nguyên và khiến tổn thương da lan tỏa rộng. Ở những trường hợp không chủ động khắc phục, bệnh thường có xu hướng kéo dài, phát triển mạnh và tái phát nhiều lần.
5. Tính chất bệnh
Viêm da cơ địa là một trong thể chàm có cơ chế phức tạp, bao gồm yếu tố nội giới và ngoại giới. Qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh có mối liên hệ với yếu tố di truyền (bất thường ở nhiễm sắc thể), cơ địa nhạy cảm, mức Acetylcholine trong da cao,…
Các yếu tố này cộng hưởng với một số tác động như căng thẳng, dị nguyên, yếu tố thời tiết,… tạo ra hoạt động miễn dịch dị ứng và gây bùng phát các triệu chứng lâm sàng. Vì vậy người bị viêm da cơ địa thường có tần suất tái phát bệnh cao và rất khó để điều trị hoàn toàn.
Ngoài ra, tình trạng viêm da cơ địa tái phát nhiều lần còn có thể do thói quen chà xát da liên tục, không chăm sóc da, vệ sinh kém, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia,…
Viêm da cơ địa tái phát nhiều lần có sao không?
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu lành tính, có tiến triển dai dẳng và rất dễ tái phát. Bệnh lý này chỉ gây tổn thương ngoài da kèm ngứa ngáy và đau rát nhẹ. Bệnh hầu như không ảnh hưởng đến chức năng nội tạng và sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên nếu viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần, bạn có thể đối mặt với một số biến chứng và ảnh hưởng như:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Viêm da cơ địa bội nhiễm là tình trạng vi khuẩn và nấm xâm nhập vào tổn thương da và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Biến chứng này là hệ quả do tổn thương da không được điều trị và vệ sinh đúng cách.
- Viêm da thần kinh: Viêm da thần kinh (lichen hóa) là một dạng tổn thương thứ phát do bệnh viêm da cơ địa kéo dài mãn tính và tái phát nhiều lần. Lichen hóa đặc trưng bởi tình trạng da thâm nhiễm, nổi cộm và gây ngứa dữ dội.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý cơ địa: Tình trạng viêm da cơ địa tái đi tái lại có thể kích thích sản sinh kháng nguyên IgE, tăng mức độ nhạy cảm của cơ địa và gây ra các bệnh lý như viêm da dị ứng, hen suyễn, sốt cỏ khô, viêm kết mạc dị ứng,…
Ngoài những ảnh hưởng kể trên, tình trạng viêm da cơ địa tái phát nhiều lần tác động không nhỏ đến giấc ngủ, ngoại hình, tâm lý và gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
Xử lý viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần
Với trường hợp viêm da cơ địa tái đi tái lại, cần kết hợp giữa các biện pháp điều trị với chăm sóc da đúng cách, nâng cao thể trạng và cách ly với các yếu tố kích thích.
1. Tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Viêm da cơ địa tái phát nhiều lần thường gây ra tổn thương dạng mãn tính (da khô, dày sừng, bong tróc, nổi cộm, ngứa và thâm nhiễm). Để làm giảm tổn thương da và cải thiện các triệu chứng cơ năng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:
- Dùng thuốc bôi: Các loại thuốc bôi được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa thường có tác dụng giảm viêm, dưỡng ẩm da, chống nứt nẻ, cải thiện ngứa ngáy và ngăn ngừa nhiễm trùng. Một số loại thuốc bôi được chỉ định phổ biến, bao gồm: Thuốc bôi corticoid, thuốc ức chế calcineurin, thuốc kháng sinh dạng bôi,…
- Thuốc uống: Thuốc uống được dùng khi các loại thuốc điều trị tại chỗ không đem lại hiệu quả như mong đợi. So với thuốc bôi, thuốc uống có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được sử dụng khi cần thiết. Các loại thuốc uống thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa, bao gồm: Thuốc corticoid, thuốc kháng histamine H1, thuốc kháng sinh, kháng nấm,…
- Liệu pháp ánh sáng: Viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần thường không có đáp ứng tốt đối với việc sử dụng thuốc. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu áp dụng liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp này sử dụng tia UV nhân tạo nhằm làm giảm hiện tượng dày sừng, cải thiện ngứa ngáy, ức chế quá trình phóng thích chất gây dị ứng,…
2. Nâng cao thể trạng và sức đề kháng
Viêm da cơ địa chỉ khởi phát ở những người có cơ địa nhạy cảm, thể trạng yếu và hệ miễn dịch kém. Vì vậy để giảm nguy cơ bệnh tái phát và hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng trên da, bạn nên thực hiện các biện pháp tăng cường sức khỏe đề kháng và thể trạng như:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, cà phê, thực phẩm chứa nhiều đường và dầu mỡ.
- Thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ sớm và ngủ đủ giấc nhằm nâng cao thể trạng, giảm căng thẳng thần kinh và cải thiện khả năng miễn dịch.
- Giảm khối lượng công việc và tránh căng thẳng quá mức.
- Thường xuyên tập thể thao – đặc biệt là những bộ môn tác động đến não bộ như yoga, thiền định,…
- Tắm nắng 5 – 10 phút/ ngày từ 6:00 – 9:00 sáng giúp cơ thể hấp thu vitamin D nhằm cải thiện sức khỏe xương, tăng cường chức năng miễn dịch và điều hòa hoạt động chuyển hóa của da.
3. Cách ly với dị nguyên và chăm sóc da đúng cách
Dị nguyên là yếu tố trực tiếp kích thích phản ứng dị ứng, làm tăng kháng nguyên, phóng thích các thành phần trung gian vào da và gây bùng phát viêm da cơ địa. Để hạn chế tần suất bệnh tái phát, nên chăm sóc da đúng cách và cách ly với các dị nguyên:
- Tránh tiếp xúc với côn trùng, mủ thực vật, hóa chất, lông chó mèo, phấn hoa,…
- Tìm hiểu về thành phần các sản phẩm trang điểm và chăm sóc trước khi chọn mua. Để ngăn ngừa tình trạng dị ứng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm an toàn và dịu nhẹ.
- Hạn chế dùng các đồ uống và thực phẩm có khả năng dị ứng cao như cà phê, rượu bia, hải sản, đậu phộng, thịt gà, nấm,…
- Vệ sinh da 2 lần/ ngày và dưỡng ẩm đều đặn nhằm bảo vệ da, giảm tình trạng khô ráp, nứt nẻ và ngứa ngáy.
- Hạn chế các tác động cơ học lên da như ma sát, gãi cào, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Một số loại thuốc có thể kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát. Vì vậy bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Làm sạch không gian sống, sử dụng máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí nhằm loại bỏ dị nguyên và duy trì độ ẩm lý tưởng.
Viêm da cơ địa tái đi tái lại có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm tăng nguy cơ bội nhiễm và gây viêm da thần kinh. Vì vậy bạn cần chủ động thăm khám, tích cực điều trị và phòng ngừa nhằm kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ tái phát.
Xem thêm: Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn
Tin mới nhất
- Bị ngứa khắp người không rõ nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả
- Buồng trứng đa nang là gì? Có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
- “Thổi bay” bướu ác tính di căn hạch ung thư nhờ cây mật gấu kết hợp Linh Chi
- Chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường: Nên và không nên ăn gì?
- Ung thư tinh hoàn – Nguyên nhân và cách điều trị
- Không nhổ răng khôn mọc lệch có sao không? Lưu ý khi chăm sóc răng
- Tiểu đường có được ăn xoài không: Biết để bảo vệ sức khỏe
- Đau Dạ Dày Uống Thuốc Gì? 9+ Thuốc Chữa Đau Dạ Dày Hiệu Quả
- TRÁI CÂY – BÀI THUỐC QUÝ QUANH TA – (P5)
- Ung thư mũi: Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị