Cấy chỉ là gì? Tác dụng của phương pháp cấy chỉ & lưu ý

Cấy chỉ là hình thức tác động vào huyệt vị tương tự bấm huyệt và châm cứu. Tuy nhiên, phương pháp này tác động liên tục đến kinh huyệt từ 15 – 20 ngày nên cho hiệu quả điều trị cao và lâu dài hơn so với các kỹ thuật truyền thống.

Phương pháp cấy chỉ là gì?

Cấy chỉ là phương pháp gì?

Cấy chỉ là phương pháp mới được cải tiến từ kỹ thuật châm cứu truyền thống. Phương pháp này sử dụng kim châm chuyên dụng đưa đoạn chỉ tự tiêu (chỉ Catgut) vào huyệt vị tương ứng. Chỉ tự tiêu có khả năng tồn tại trong cơ thể từ 15 – 20 ngày giúp kích thích liên tục lên huyệt vị và đem lại hiệu quả điều trị cao, lâu dài hơn so với các kỹ thuật truyền thống.

Hiện nay, phương pháp cấy chỉ (chôn chỉ, nhu châm, vùi chỉ) được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Ngoài ra, phương pháp này còn được tận dụng để cải thiện làn da và vóc dáng.

Cơ chế của phương pháp cấy chỉ

Phương pháp cấy chỉ đưa chỉ tự tiêu (catgut) vào cơ thể 15 – 20 ngày/ lần. Chỉ catgut có vai trò như “dị nguyên” nhằm kích thích cơ thể sản sinh kháng thể không đặc hiệu, từ đó làm thay đổi đáp ứng miễn dịch và không gây ra các triệu chứng dị ứng.

Khi được cấy vào huyệt vị, chỉ catgut tạo ra kích thích cơ học tương tự phương pháp châm cứu. Tuy nhiên, cấy chỉ tác động liên tục đến huyệt vị trong thời gian dài (từ 15 – 20 ngày) nên có thể đem lại hiệu quả điều trị cao và lâu dài.

Cấy chỉ sử dụng chỉ tự tiêu (catgut) tạo ra kích thích cơ học lên huyệt vị liên tục trong 15 – 20 ngày

Tác động lên huyệt vị trong thời gian dài có khả năng kích thích tăng sinh các chất nội sinh (adenosine, beta endorphin) có tác dụng chống viêm, giảm đau,… Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cân bằng trương lực cơ, điều hòa huyết áp, an thần, điều chỉnh cơ chế chuyển hóa và kích thích cân bằng nội tiết.

Theo y học hiện đại, tác dụng của cấy chỉ dựa trên cơ chế hóa sinh học và phản xạ thần kinh. Trong khi đó, y học cổ truyền quan niệm rằng phương pháp này có tác động hành khí thống kinh, điều hòa âm dương, chỉ thống (giảm đau) và khai uất trệ.

Tác dụng của phương pháp cấy chỉ

Với cơ chế trên, phương pháp cấy chỉ đem lại 2 tác dụng chính (chữa bệnh và thẩm mỹ).

Phương pháp cấy chỉ có tác dụng điều trị các bệnh lý mãn tính, làm căng cơ mặt, giảm béo,…

Cấy chỉ điều trị bệnh:

  • Cấy chỉ có khả năng điều trị các bệnh lý xương khớp như đau vai gáy, đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống và thoái hóa khớp.
  • Các bệnh lý tiêu hóa như viêm đại tràng mãn tính, đau dạ dày, chứng khó tiêu chức năng, ăn uống kém, trào ngược dạ dày
  • Chữa mất ngủ, căng thẳng, đau đầu và các chứng bệnh liên quan đến căng thẳng thần kinh
  • Điều trị các bệnh lý hô hấp như viêm xoang, hen phế quản và viêm mũi dị ứng
  • Cấy chỉ cũng có khả năng chữa các bệnh lý thường gặp ở nữ giới như đau bụng kinh, yếu sinh lý, rối loạn kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị vô sinh – hiếm muộn,…
  • Các chứng bệnh ở nam giới như thận yếu, di mộng tinh, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm,…
  • Ngoài ra, cấy chỉ còn giúp lưu thông khí huyết, cải thiện sức khỏe và hỗ trợ làm giảm tình trạng suy nhược cơ thể

Cấy chỉ thẩm mỹ:

  • Làm căng da mặt, giảm nếp nhăn, chống lão hóa
  • Giảm béo, giảm mỡ vòng 2

Chỉ định – Chống chỉ định

Cấy chỉ là phương pháp cải tiến từ kỹ thuật châm cứu truyền thống. Hiện nay, phương pháp này thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính nhưng không có điều kiện thực hiện châm cứu hằng ngày
  • Bệnh nhân muốn thực hiện 1 biện pháp cải thiện đồng thời nhiều bệnh lý
  • Các trường hợp mong muốn cải thiện sức khỏe làn da và vóc dáng

Chống chỉ định cấy chỉ trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh đang bị sốt
  • Phụ nữ mang thai
  • Huyết áp cao trên 180/ 140 mmHg
  • Trường hợp dị ứng với chỉ catgut
  • Bệnh nhân chống chỉ định với châm cứu

Tuy nhiên trên thực tế, cấy chỉ cũng có thể được áp dụng trong những trường hợp không được đề cập trong bài viết.

Quy trình thực hiện phương pháp cấy chỉ

Cấy chỉ là phương pháp điều trị có quy trình khá đơn giản, mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau và thời gian phục hồi nhanh. Hơn nữa, phương pháp này tác động đến huyệt vị trong thời gian dài nên có thể tiết kiệm thời gian điều trị so với châm cứu truyền thống (cần phải thực hiện mỗi ngày).

1. Chuẩn bị trước khi cấy chỉ

Trước khi tiến hành cấy chỉ, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa châm cứu – phục hồi chức năng hoặc lương y đã được đào tạo cấy chỉ, châm cứu theo quy chế để được thăm khám và tư vấn cụ thể về hiệu quả, quy trình thực hiện và cách chăm sóc.

Mặc dù có mức độ xâm lấn thấp nhưng cấy chỉ tại các cơ sở y tế không đảm bảo có thể gây ra nhiều rủi ro. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn địa chỉ uy tín để được thăm khám và điều trị đúng phương pháp.

Trước khi cấy chỉ, bệnh nhân cần tắm rửa sạch sẽ và kiêng tắm, gió khoảng 5 – 6 giờ trước khi cấy. Đồng thời nên tránh tiếp xúc với bụi bẩn và môi trường ô nhiễm trong thời gian này.

Tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng cà phê trước khi cấy chỉ

Bên cạnh đó, không nên uống rượu bia, nước ngọt, cà phê, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không để thể trạng quá mệt mỏi và tránh lao động thể lực quá sức. Thay vào đó, nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc trước khi chuẩn bị cấy chỉ. Ngoài ra để tiện cho việc thực hiện, nên mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu mềm, thấm hút.

2. Tiến hành cấy chỉ

Quy trình cấy chỉ được thực hiện theo trình tự sau:

Cấy chỉ là phương pháp điều trị, làm đẹp có quy trình thực hiện tương đối đơn giản
  • Bệnh nhân nằm trên giường sao cho để lộ huyệt vị cần cấy chỉ
  • Bác sĩ tiến hành vô khuẩn vùng huyệt vị và phủ săng có lỗ
  • Sau đó cắt chỉ tự tiêu (catgut) thành từng đoạn khoảng 1 – 2cm, luồn chỉ vào kim chuyên dụng
  • Sát trùng vùng huyệt vị, đâm kim nhanh qua da sau đó đẩy từ từ kim vào huyệt vị sâu từ 1 – 3cm tùy vị trí huyệt.
  • Cho nòng vào ống kim, đẩy nòng vào huyệt vị và rút kim ra nhẹ nhàng sao cho chỉ catgut nằm lại bên trong huyệt vị
  • Sau đó, rút toàn bộ kim ra khỏi huyệt vị, sát trùng và dán băng gạc
  • Mọi thao tác, dụng cụ và thiết bị cấy chỉ phải được vô khuẩn hoàn toàn để tránh hiện tượng nhiễm trùng.

Thông thường, cấy chỉ được thực hiện 3 – 4 tuần/ lần. Mỗi liệu trình kéo dài từ 2 – 6 lần tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.

3. Chăm sóc sau khi cấy chỉ

Sau khi cấy chỉ, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện/ phòng khám nghỉ ngơi từ 15 – 30 phút. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra huyệt vị trước khi cho bệnh nhân trở về nhà.

Sau khi cấy chỉ, cần tránh dùng thức ăn tanh như tôm, cua, cá, mực và món ăn từ gạo nếp

Để hạn chế rủi ro sau khi cấy chỉ, nên thực hiện các biện pháp chăm sóc như:

  • Tránh lao động quá mức và vận động mạnh sau khi cấy chỉ.
  • Có thể tắm rửa sau 4 – 6 giờ. Tuy nhiên khi tắm, không nên tác động quá mạnh vào huyệt vị được cấy chỉ.
  • Hạn chế các loại thực phẩm tanh như cá, mực, cua, tôm và các món từ được làm từ nếp (xôi, bánh chưng, chè,…)
  • Tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích sau khi cấy chỉ.
  • Có thể kết hợp với vận động nhẹ nhàng và ăn uống điều độ để phục hồi chức năng xương khớp, cải thiện sức khỏe và nâng cao thể trạng.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Các biến chứng của phương pháp cấy chỉ và cách xử lý

Cấy chỉ được đánh giá là phương pháp điều trị có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với châm cứu. Tuy nhiên nếu mắc sai lầm trong quá trình thực hiện và chăm sóc, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng như:

1. Vựng châm

Vựng châm là tình trạng bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện như mặt tái, hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt, tụt huyết áp, đổ mồ hôi và người lạnh sau khi châm cứu hoặc cấy chỉ. Tình trạng này thường xảy ra trong quá trình thực hiện do người bệnh bị suy nhược, có tâm lý lo sợ, thể trạng mệt mỏi, bụng quá no/ quá đói hoặc do thầy thuốc kích thích lực quá mạnh vào những huyệt vị nhạy cảm.

Trong trường hợp này, thầy thuốc sẽ rút kim ra khỏi huyệt vị, để người bệnh nằm ngửa, đầu thấp và cho uống nước đường ấm. Hoặc có thể kết hợp với day bấm huyệt Bách hội, Thái dương và Nhân trung trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên trên thực tế, một số bệnh nhân có thể bị vựng châm nặng (huyết áp tụt nhanh, mạch nhanh, nhỏ) và cần phải điều trị y tế kịp thời.

2. Chảy máu tại huyệt vị

Cấy chỉ và châm cứu có thể gây chảy máu tại huyệt vị. Đối với trường hợp này, bác sĩ sử dụng băng gạc thấm máu đến khi huyệt vị ngừng chảy máu. Tình trạng xảy ra khá phổ biến và hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe.

3. Dị ứng chỉ catgut

Trong trường hợp dị ứng chỉ catgut (ngứa ngáy, nổi mề đay, khó chịu, sưng huyệt vị,…), nên thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine để cải thiện các triệu chứng dị ứng.

Một số trường hợp có thể bị dị ứng chỉ tự tiêu (catgut) khi thực hiện cấy chỉ

Những bệnh nhân bị dị ứng chỉ catgut tuyệt đối không được thực hiện phương pháp cấy chỉ lần 2. Phản ứng dị ứng ở những lần tiếp theo có thể nặng hơn so với lần đầu tiên và gây ra nhiều phản ứng bất lợi cho sức khỏe.

4. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là một trong những biến chứng thường gặp của phương pháp cấy chỉ. Biến chứng này xảy ra khi quy trình cấy chỉ không được vô trùng hoàn toàn hoặc do bệnh nhân chăm sóc không đúng cách.

Nhiễm trùng có thể gây sưng đau, ứ mủ, nóng rát,… ở huyệt vị. Trong trường hợp này, phải chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định kháng sinh tương ứng.

5. Các biến chứng khác

Ngoài ra, cấy chỉ còn có thể gây choáng đầu và lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân do dụng cụ, thiết bị cấy chỉ không được vô trùng.

Ưu điểm và Hạn chế của phương pháp cấy chỉ

Mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy trước khi can thiệp biện pháp cấy chỉ, bệnh nhân nên cân nhắc giữa ưu điểm và mặt hạn chế của phương pháp này.

– Ưu điểm của phương pháp cấy chỉ:

  • Tác động sâu đến huyệt vị, đem lại hiệu quả cao và lâu dài hơn so với châm cứu truyền thống.
  • Đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giảm mất ngủ, phục hồi chức năng, giảm đau, giải tỏa căng thẳng, cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị các bệnh lý mãn tính.
  • Ít gây ra tác dụng phụ và hiếm khi dẫn đến hiện tượng phụ thuộc như sử dụng thuốc
  • Cấy chỉ được thực hiện 1 lần/ 14 – 20 ngày nên có thể tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với châm cứu

– Mặt hạn chế của phương pháp cấy chỉ:

  • Không phù hợp với người bị dị ứng chỉ catgut, phụ nữ mang thai, người có huyết áp cao hoặc đang bị sốt
  • Có thể gây ra một số rủi ro sau khi thực hiện như nhiễm trùng, chảy máu, vựng châm,…
  • Chỉ giúp cải thiện triệu chứng, hỗ trợ lưu thông khí huyết và nâng cao sức khỏe. Để điều trị bệnh hoàn toàn, cần kết hợp với chế độ chăm sóc và các biện pháp chuyên sâu khác.

Lưu ý khi thực hiện cấy chỉ chữa bệnh, làm đẹp

Hiện nay, cấy chỉ được ứng dụng trong quá trình điều trị nhiều bệnh lý mãn tính. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp chống lão hóa, giảm nếp nhăn, căng da mặt và cải thiện vóc dáng.

Tuy nhiên trước khi quyết định can thiệp cấy chỉ, bệnh nhân nên chú ý một số thông tin sau:

  • Cấy chỉ có cơ chế tương tự châm cứu nhưng cho hiệu quả kéo dài và giúp tiết kiệm thời gian điều trị. Vì vậy, phương pháp này không thể thay thế cho việc sử dụng thuốc và các biện pháp y tế khác.
  • Điều trị bằng cấy chỉ chỉ có tác dụng hỗ trợ. Do đó, người bệnh không nên quá phụ thuộc vào mẹo chữa này. Thay vào đó cần phối hợp với các phương pháp chuyên sâu và xây dựng chế độ chăm sóc khoa học.
  • Để giảm thiểu rủi ro và biến chứng, nên cấy chỉ tại các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có tay nghề cao, cơ sở vật chất và thiết bị y tế hiện đại, vô trùng.
  • Nên thực hiện cấy chỉ theo liệu trình được bác sĩ chỉ định để đạt được hiệu quả tối ưu. Thực hiện không đều có thể làm giảm tác dụng, gây gián đoạn và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Bài viết đã tổng hợp các thông tin cơ bản về phương pháp cấy chỉ. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về chi phí và liệu trình cụ thể.

Nguồn: https://ihs.org.vn/cay-chi-18265.html

Xem thêm: Những công dụng của trà Phổ Nhĩ với sức khỏe

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!