Hòe Hoa

Dược liệu: Hòe Hoa

  1. Tên khoa học: Flos Styphnolobii japonici
  2. Tên gọi khác: Hòe, Hòe mễ, Lài luồng (Tày).
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hơi hàn .Vào các kinh can, đại tràng
  4. Bộ phận dùng: Nụ hoa đã phơi hay sấy nhẹ đến khô của cây Hòe.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Nụ hoa hình trứng có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, màu vàng xám. Đài hoa hình chuông, màu vàng xám, phía trên xẻ thành 5 răng nông. Cánh hoa chưa nở màu vàng. Mùi thơm, vị hơi đắng.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: Thái Bình
  7. Thời gian thu hoạch: Sau 3-4 năm hòe bắt đầu ra hoa và từ đó hàng năm thu hoạch. Thu hoạch từ tháng 7-9 dương lịch.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Hòe Hoa

Hòe thuộc loại cây nhỡ, cao 6 – 10m, sững lâu năm. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có 1 – 17 lá chét. Hoa nhỏ, mọc thành chùm ở đầu cành, màu vàng sáng. Quả loại đậu, trong chứa 1 – 4 hạt.

Hòe Hoa

2. Phân bố:

  • Thế giới:
  • Việt Nam: Cây Hòe được trồng Ở nhiều tỉnh trên đất nước ta. Các tỉnh có trồng nhiều hòe hoa là: Thái Bình, Nam Hà, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v…

3. Bộ phận dùng:

Nụ hoa đã phơi hay sấy nhẹ đến khô của cây Hòe.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Khi trời khô ráo (thường vào buổi sáng), ngắt các chùm hoa chưa nở, tuốt lấy nụ, loại bỏ các bộ phận khác của cây, phơi nắng hoặc sấy nhẹ cho đến khô.
  • Chế biến: Phơi hay sấy khô, sao vàng, sao đen.
  • Bảo quản: Để nơi khô, tránh mốc, mọt.

5. Mô tả dược liệu Hòe Hoa

Nụ hoa hình trứng có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 – 6mm, rộng 1 – 2mm, màu vàng xám.  Đài hoa hình chuông, màu vàng xám, dài bằng 1/2 đến 2/3 chiều dài của nụ hoa, phía trên xẻ thành 5 răng nông. Hoa chưa nở dài từ 4 – 10mm, đường kính 2 – 4mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng. Mùi thơm, vị hơi đắng.

6. Thành phần hóa học Hòe Hoa

Thành phần hóa học của Hòe hoa chủ yếu là hợp chất glycosid, trong đó hoạt chất chính là rutin (chiếm tối 20% trở lên). Trong Hòe giác cũng có chứa rutin nhưng tỉ lệ thấp hơn so với Hòe hoa.

7. Phân biệt thật giả

8. Công dụng – Tác dụng Hòe Hoa

  • Tác dụng: Lương huyết chỉ huyết, thanh can tả hỏa.
  • Công dụng: Chủ trị: Các chứng chảy máu, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt.

9. Cách dùng và liều dùng Hòe Hoa

Ngày 6 – 12g, dạng thuốc sắc.

10. Lưu ý, kiêng kị:

Phụ nữ có thai không dùng Hòe giác.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Hòe Hoa

  • Trị chảy máu không cầm: Hòe hoa, Ô tặc cốt, lượng bằng nhau, để nửa sống nửa sao, tán bột thổi vào (Phổ Tế Phương).
  • Trị thổ huyết không cầm: Hòe hoa đốt tồn tính, bỏ vào một tý Xạ hương vào, trộn đều. Mỗi lần dùng 12g uống với nước gạo nếp (Phổ Tế Phương).
  • Trị lưỡi chảy máu không cầm: Hòe hoa tán bột, xức vào (Chu Thị Tập Nghiệm Phương).
  • Trị ho ra máu, khạc ra máu: Hòe hoa sao, tán bột. Mỗi lần uống 12g với nước gạo nếp, cúi ngửa một lát thì đỡ  (Chu Thị Tập Nghiệm Phương).
  • Trị tiểu ra máu: Hòe hoa sao, Uất kim (nướng), mỗi thứ 1 lượng tán bột lần 8g với nước sắc Đậu xị (Bí Tàng Phương).
  • Trị đại tiện ra máu: Hòe hoa, Kinh giới tuệ, các vị bằng nhau tán bột, uống lần 4g với rượu (Kinh nghiệm phương), hoặc dùng Trắc bá diệp 3 chỉ, Hòe hoa 6 chỉ sắc uống hàng ngày (Tập giản phương)
  • Trị đại tiện ra máu: Hòe hoa, Chỉ xác, các vị bằng nhau sao tồn tính tán bột, lần uống 8g với nước (Tụ Trân Phương).
  • Trị sốt cao đột ngột tiêu ra máu: Ruột heo sống 1 cái rửa sạch phơi khô, lấy Hòe hoa sao tán bột bỏ đầy vào trong ruột heo, lấy giấm gạo ngâm trong hũ sành nấu chín, làm viên bằng hạt đạn lớn phơi nắng, mỗi lần uống 1 viên lúc đói với rượu ngâm Đương quy (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
  • Trị đi tiêu ra máu do độc của rượu: Hòe hoa nửa sống nửa sao 40g, Sơn chi tử 20g,  tán bột uống lần 8g với nước (Kinh Nghiệm Lương Phương).
  • Trị lỵ ra máu, trĩ ra máu: Hòe hoa sao, tán bột, mỗi lần  uống 12g với rượu, ngày uống 3 lần hoặc dùng vỏ trắng của cây Hòe hoa sắc uống (Phổ tế phương).
  • Trị Rong kinh không cầm: Hòe hoa sao tồn tính, mỗi lần uống 8~12g với rượu nóng trước khi ăn (Thánh Huệ Phương).
  • Trị băng huyết không cầm:  Hòe hoa 120g, Hoàng cầm 80g, tán bột. Mỗi lần uống 20g với một chén rượu (Càn Khôn Bí Uẩn Phương).
  • Trị trúng phong mất tiếng: Hòe hoa sao, sau canh ba nằm ngửa nhai nuốt (Thế Y  Đắc Hiệu Phương).
  • Trị ung thư phát bối, nhiệt độc ở trong người, hoa mắt, đầu váng, miệng khô, lưỡi đắng, hồi hộp, lưng nóng, tay chân tê, có sưng ở sau lưng: Hòe hoa một mớ, sao cho thành mầu nâu đen, ngâm với một chén rượu con, lúc rượu còn đang nóng thì uống, nếu chưa đỡ, uống tiếp, sau khi uống thì nhọt sẽ nhúm mủ lại (Bảo Thọ Đường Phương).
  • Trị trĩ ngoại:  Hòe hoa sắc rửa nhiều lần và uống thì sẽ teo lên (Tập Giản Phương).
  • Trị độc nhọt lở sưng tấy, tất cả các loại ung nhọt phát bối, chẳng kể là có mủ hay chưa, nhưng có tấy sưng nóng đau: Hòe hoa sao qua, Hạch đào nhân đều 80g, Dấm 1 chén sắc uống. Nếu chưa đỡ thì uống 2 -3 lần, đã vỡ mủ thì uống 1 -2 lần thấy hiệu quả (Y Phương Trích Yếu Phương).
  • Trị phát bối tán huyết: Hòe hoa, Bột đậu xanh, mỗi thứ 40g sao như màu ngà voi, tán bột, dùng 40gTế trà sắc còn 1 chén, để ngoài sương một đêm, lấy 12g phết vào, chừa lỗ cho ra mủ (Nhiếp Sinh Diệu Dụng Phương).
  • Trị băng huyết, hạ huyết: Hòe hoa 40g, Tông lư thán 8g, Muối 1 ít, sắc với 3 chén nước còn nửa chén, uống (Trích Huyền Phương).
  • Trị bạch đới không dứt: Hòe hoa (sao), Mẫu lệ nung, các vị bằng nhau tán bột. Mỗi lần uống 12g với rượu (Trích Huyền Phương).
  • Trị độc dương mai và độc do dương minh tích nhiệt gây ra, dùng Hòe hoa 4 lượng sao qua bỏ vào 2 chén rượu sắc uống nóng, người bị hư hàn thì cấm dùng (Tập Giản Phương).
  • Trị thổ huyết: Hòe hoa 12g, Bách thảo sương 4g. Tán bột, uống với nước sắc rễ Tranh (Mao căn) (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
  • Trị trường phong hạ huyết:  Hòe hoa, Trắc bá (đốt cháy), Chỉ xác đều 12g, Kinh giới 8g. Tán bột uống với nước hoặc làm thang tể. (đại tiện ra máu) (Hòe Hoa Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị huyết áp cao: Hòe hoa, Hy thiêm thảo, mỗi thứ 20 ~ 40g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Bột:

Có nhiều hạt phấn hình cầu, đường kính 16mcm, có 3 lỗ rãnh, bề mặt có nếp nhăn dạng mắt lưới. Lông che chở đa bào gồm 2 – 4 tế bào, tế bào ở phía đầu dài và thuôn nhọn, tế bào ở chân ngắn. Mảnh biểu bì cánh hoa gồm những tế bào hình nhiều cạnh có nhiều vân nhỏ, xít nhau. Mảnh biểu bì đài hoa gồm những tế bào hình nhiều cạnh có mang lỗ khí (kiểu thập tự) và lông che chở. Mảnh mạch xoắn.

2. Định tính:

A. Lấy 0,5g bột dược liệu, thêm 10ml ethanol (TT). Đun sôi trong 3 phút, để nguội, lọc. Dịch lọc (dung dịch A) dùng làm các phản ứng sau và dịch chấm sắc ký lớp mỏng.

B. Lấy 2ml dung dịch A pha loãng với 10ml ethanol 90% (TT) rồi chia vào 3 ống nghiệm:

Ống 1: Thêm 5 giọt acid hydrocloric (TT) và ít bột magnesi (TT), dung dịch chuyển dần từ màu vàng nhạt sang màu hồng rồi tím đỏ.

Ống 2: Thêm 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 20% (TT), xuất hiện tủa vàng cam, tủa sẽ tan trong lượng dư thuốc thử.

Ống 3: Thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), dung dịch có màu xanh rêu.

C. Nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch A lên tờ giấy lọc, để khô, soi dưới đèn tử ngoại (ở bước sóng 366nm) sẽ quan sát thấy huỳnh quang màu vàng nâu.

D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silicagel GF254

Dung môi khai triển: n- butanol- acid acetic- nước (4: 1: 5).

Dung dịch thử: Dung dịch A

Dung dịch chuẩn: Hòa tan rutin trong ethanol 90% (TT) để được dung dịch có chứa 1mg/ml.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20mcl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366nm, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng phát quang màu nâu và cùng giá trị Rf với vết rutin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Hiện màu bằng hơi amoniac đậm đặc (TT), trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu vàng có cùng giá trị Rf với vết rutin chuẩn (Rf: 0,5 – 0,54) trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Định lượng:

Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 0,2g rutin chuẩn đã sấy khô (trong chân không) tới khối lượng không đổi, cho vào một bình định mức 100ml. hòa tan trong 70ml methanol (TT) bằng cách làm ấm trên cách thủy. Để nguội, thêm methanol (TT) đủ 100ml, lắc kỹ. Lấy chính xác 10ml dung dịch này cho vào một bình định mức 100ml khác. Thêm nước tới vạch, lắc kỹ (mỗi ml chứa 0,2mg rutin khan).

Xây dựng đường cong chuẩn: Lấy chính xác 1,0; 2,0; 3,0; 4,0; 5,0; và 6,0ml dung dịch chuẩn cho vào bình định mức 25ml riêng biệt, thêm nước cho tới 6ml ở mỗi bình rồi thêm 1ml dung dịch natri nitrit 5% (TT), trộn kỹ. Để yên 6 phút, thêm 1ml dung dịch nhôm nitrat 10% (TT), trộn kỹ, lại để yên 6 phút. Thêm 10ml dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), thêm nước tới vạch, trộn kỹ và để yên trong 15 phút. Đo độ hấp thụ ở bước sóng 500nm (Phụ lục 4.1). Vẽ đường cong chuẩn, lấy độ hấp thụ là trục tung, nồng độ là trục hoành.

Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 1g bột dược liệu thô đã sấy khô ở 60oC trong 6 giờ cho vào bình Soxhlet. Thêm 120ml ether (TT), chiết tới khi dịch chiết không màu. Để nguội và gạn bỏ ether. Thêm 90ml methanol (TT) và chiết tới khi dịch chiết không còn màu. Chuyển dịch chiết vào một bình định mức 100ml, rửa bình chiết bằng một lượng nhỏ methanol rồi cho tiếp vào bình định mức. Thêm methanol cho tới vạch và lắc kỹ. Lấy chính xác 10ml dung dịch trên cho vào bình định mức 100ml, thêm nước tới vạch và trộn kỹ. Lấy chính xác 3ml cho vào bình định mức 25ml, thêm 3ml nước rồi thêm 1ml dung dịch natri nitrit 5% (TT), trộn kỹ. Để yên 6 phút, thêm 1ml dung dịch nhôm nitrat 10% (TT), trộn kỹ, để yên 6 phút. Thêm 10ml dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), thêm nước tới vạch, trộn kỹ và để yên trong 15 phút. Đo độ hấp thụ ở bước sóng 500nm (Phụ lục 4.1). Tính khối lượng rutin (mcg) của dung dịch thử từ nồng độ đọc được trên đường cong chuẩn và tính hàm lượng phần trăm rutin trong dược liệu.

Hàm lượng rutin trong nụ hoa hòe không ít hơn 20%.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm:

Không quá 12 % (Phụ lục 12.13).

  • Tro toàn phần:

Không quá 10% (Phụ lục 9.8).

  • Tạp chất (Phụ lục 12.11):

Tỷ lệ hoa đã nở: Không quá 10%

Tỷ lệ hoa sẫm màu:  Không quá 1%

Các bộ phận khác của cây: Không quá 2% .

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Xem thêm: Đau ngực trái là dấu hiệu cảnh báo gì? Tìm hiểu các bệnh lý liên quan

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!