Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi và cách chữa trị
Hiện tượng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi thường xảy ra do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, môi trường sống hoặc do mắc các bệnh lý về tim mạch, xương khớp. Liệu pháp hành vi kết hợp với việc sử dụng thuốc và vệ sinh giấc ngủ là những cách chữa trị đang được áp dụng để tìm lại giấc ngủ ngon cho người lớn tuổi.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Chứng rối loạn giấc ngủ xảy ra khá phổ biến ở người cao tuổi. Theo thống kê, có trên 50% người lớn tuổi phải chịu ảnh hưởng của chứng bệnh này. Nguyên nhân có thể bất nguồn từ những lý do dưới đây:
– Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa:
Càng lớn tuổi, tốc độ thoái hóa của các tế bào thần kinh càng diễn ra mạnh mẽ. Ước tính mỗi ngày, người cao tuổi có thể bị hủy hoại khoảng 3000 tế bào thần kinh. Điều này gây sa sút trị tuệ và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ, từ đó khiến cho chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo.
– Do môi trường sống:
Môi trường sống đông đúc, chật chội, ồn ào, không đảm bảo điều kiện vệ sinh cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ của người lớn tuổi.
– Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ:
Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất như magie, vitamin A, D, protein, kẽm, chất béo có thể khiến người cao tuổi bị mất ngủ, khó ngủ, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Ngoài ra, việc sử dụng nhiều chất kích thích và thói quen ăn khuya, uống nước nhiều trước khi đi ngủ cũng là nguyên nhân khiến cho người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ.
– Tác dụng phụ của thuốc:
Chứng rối loạn giấc ngủ được xem là một tác dụng phụ thường gặp khi người cao tuổi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm, bệnh tăng huyết áp hay hội chứng Parkison…
– Do tính chất công việc:
Nhiều người đi du lịch nước ngoài nên bị thay đổi về múi giờ. Tình trạng này có thể gây rối loạn giấc ngủ.
– Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi do bệnh lý:
Đôi khi, hiện tượng rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi có thể liên quan đến các vấn đề về sức khỏe. Người bệnh nên cảnh giác với các bệnh lý dưới đây, đặc biệt là khi có biểu hiện rối loạn giấc ngủ kéo dài:
- Các căn bệnh dị ứng: Chẳng hạn như bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc. Những bệnh lý này đều khởi phát khi cơ thể có biểu hiện quá mẫn khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như bụi bẩn, nọc độc côn trùng, lông sâu… Hiện tượng này kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể. Nó gây viêm mũi, tắc nghẹt mũi, viêm ngứa, nổi mẩn trên da khiến người cao tuổi khó chịu, ngủ không yên giấc, thậm chí thường xuyên bị mất ngủ vào ban đêm.
- Bệnh về xương khớp: Viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương hay bệnh thoát vị đĩa đệm nhìn chung đều có thể khiến người cao tuổi thường xuyên phải gánh chịu những cơn đau nhức khó chịu. Cơn đau có thể xuất hiện vào ban ngày lẫn ban đêm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi.
- Bệnh tim mạch: Các bệnh lý về tim mạch có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông tuần hoàn máu, qua đó làm suy yếu hoạt động của các cơ quan cũng như não bộ của người lớn tuổi. Đây chính là điều kiện thuận lợi để chứng rối loạn giấc ngủ phát triển ở người cao tuổi.
- Bệnh cường giáp: Căn bệnh này xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức. Nó đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể khiến người bệnh luôn có cảm giác bồn chồn không yên, đồng thời kích thích thần kinh khiến người cao tuổi tỉnh táo, khó đi vào giấc ngủ
- Bệnh trào ngược axit dạ dày: Những người mắc căn bệnh này thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ợ chia, ợ nóng, ho, đau họng, buồn nôn. Hiện tượng trào ngược dạ dày thậm chí còn khiến người bệnh có cảm giác khó thở, nghẹt thở khi nằm ngủ. Tình trạng này kéo dài tất yếu sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
- Các rối loạn về thần kinh: Trầm cảm, lo âu, căng thẳng kéo dài hay tâm thần phân liệt là các rối loạn thần kinh thường gặp ở người cao tuổi. Tất cả đều có thể khiến người bệnh bị mất ngủ vào ban đêm, khó chìm vào giấc ngủ.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Hội chứng này xảy ra khi không khí ngừng lưu thông từ 10 giây trở lên. Hiện tượng này có thể khiến người bệnh bị thiếu oxy dẫn đến một loạt những ảnh hưởng xấu về mặt sức khỏe như tăng huyết áp bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và cả bệnh rối loạn giấc ngủ.
Biểu hiện của rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Bệnh rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi bao gồm các triệu chứng đặc trưng dưới đây:
– Mất ngủ:
- Gặp khó khăn để chìm vào giấc ngủ
- Ngủ không sâu giấc
- Không duy trì được giấc ngủ quá lâu
- Có thể thức dậy nhiều lần trong đêm và khó để quay lại ngay với giấc ngủ
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải khi ngủ dậy
– Ngủ nhiều:
- Thời gian ngủ tăng quá mức, hơn 10 tiếng mỗi ngày
- Mặc dù ngủ nhiều nhưng vẫn có cảm giác buồn ngủ liên tục vào ban ngày
- Không có bệnh lý đi kèm
– Rối loạn trong nhịp thức ngủ
- Thức nhiều về đêm và ngủ vào ban ngày
- Có cảm giác ngủ không được sâu giấc và có sự thỏa mãn về giấc ngủ khi thức dậy.
– Mộng du
Mộng du cũng là một trong những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh tự động rời khỏi giường trong giấc ngủ một cách vô thức và sau đó hoàn toàn không còn nhớ bất kỳ chuyện gì liên quan. Trong lúc mộng du, người bệnh thường có nét mặt trống rỗng, mở hoặc nhắm mắt và không có phản ứng đáp lại khi người khác trò chuyện.
Hiện tượng mộng du thường diễn ra ở giai đoạn 1/3 thời gian đầu của giấc ngủ. Mặc dù không gây ra biến chứng nghiêm trọng song người cao tuổi có thể bị chấn thương khi mộng du làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Biểu hiện hoảng sợ khi ngủ
- Người bệnh có những cơn hoảng sợ tột độ khi ngủ vào ban đêm
- Có thể la hét, phát ra âm thanh to hoặc cử động cơ thể mạnh
- Thở gấp
- Giãn đồng tử
- Vã mồ hôi
- Các cơn hoảng sợ có thể kéo dài từ 1 – 10 phút
- Sau khi ngủ dậy, người bệnh không còn nhớ đến tình trạng này.
– Gặp ác mộng khi ngủ:
Những cơn ác mộng có thể xảy ra với người cao tuổi ngay cả vào ban đêm lẫn ban ngày. Kèm theo đó, người bệnh có thể khóc, nói mớ và có thể nhớ được các chi tiết trong giấc mơ.
Cơn ác mộng có thể chi phối đến cảm xúc của người lớn tuổi. Người bệnh có thể có cảm giác đau buồn, sợ hãi hoặc thậm chí là ám ảnh sau khi tỉnh dậy.
– Ngủ rũ
Mặc dù đã ngủ đủ giấc nhưng người cao tuổi mắc chứng ngủ rũ vẫn luôn có cảm giác thiếu ngủ, buồn ngủ liên tục. Tình trạng này diễn ra ngay cả khi đang hoạt động, trò chuyện với người khác. Các cơ hai bên bị mất trương lực một cách đột ngột.
Cách chữa trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Để điều trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi hiệu quả đòi hỏi người bệnh phải tiến hành thăm khám các nội khoa để xác định đầy đủ bệnh lý đi kèm, kể các các loại thuốc đang sử dụng cũng cần được ghi nhận nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.
Trước hết, người bệnh cần điều trị các bệnh lý nội khoa có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh ở tuyến giáp, bệnh dị ứng hay các rối loạn tâm thần. Nếu các căn bệnh này không được khắc phục triệt để thì chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi cũng khó bị loại bỏ.
Liệu pháp hành vi nhận thức có thể được áp dụng để điều trị cho người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ có các biểu hiện như mất ngủ, mộng du hoặc thường xuyên gặp ác mộng trong lúc ngủ. Phương pháp này đòi hỏi phải được tiến hành bởi một bác sĩ, chuyên gia được đào tạo bài bản và mất nhiều thời gian để thấy được hiệu quả.
Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống loạn thần… để cải thiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn giấc ngủ.
Cách phòng ngừa rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Vệ sinh giấc ngủ kết hợp với chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ đẩy lùi chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho người bệnh:
– Ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa:
Giấc ngủ vào buổi trưa có thể giúp người bệnh bớt mệt mỏi và tỉnh táo hơn cho các hoạt động vào buổi chiều. Tuy nhiên, đừng ngủ quá nhiều vào giấc này vì giấc ngủ quá dài có thể khiến cơ thể chệnh choạng khi ngủ dậy và gây tỉnh táo, khó ngủ vào buổi tối. Người cao tuổi chỉ nên ngủ từ 15 – 20 phút mỗi ngày.
– Nói không với các đồ uống có tính kích thích:
Để không bị mất ngủ vào ban đêm, người cao tuổi nên tránh sử dụng các thức uống chứa caffeine kể từ sau 1 hoặc 2 giờ chiều, đặc biệt là vào buổi tối. Chúng bao gồm các loại trà, cà phê, thức uống có socola hay các loại nước ngọt. Khi sử dụng các đồ uống trên, caffeine có thể ức chế hoạt động của adenosin – một chất đóng vai trò thúc đẩy giấc ngủ được não bộ tiết ra.
Ngoài ra, để tránh bị rối loạn giấc ngủ, người cao tuổi cũng cần nói không với bia rượu và từ bỏ hút thuốc lá. Chúng không chỉ là tác nhân gây rối loạn giấc ngủ mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm trong cơ thể.
– Chăm chỉ tập thể dục hàng ngày:
Tập thể dục mỗi ngày là phương pháp đơn giản để kéo dài tuổi thọ cho người cao tuổi, đồng thời nó cũng giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ.
Việc tập luyện đảm bảo cho quá trình lưu thông máu đưa dưỡng chất và oxy đến nuôi dưỡng não bộ cũng như các cơ quan trong cơ thể. Qua đó nâng cao thể chất, sức khỏe, mang đến cho người bệnh một giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Người cao tuổi có thể tham gia tập luyện các bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi của mình như đi bộ, tập dưỡng sinh, thiền định, yoga… Mặc dù vậy cần lưu ý tránh tập luyện trước khi đi ngủ một vài giờ.
– Thiết lập chu kỳ ngủ – thức khoa học:
Người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ nên tập cho mình thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một mốc thời gian ở tất cả các ngày. Điều này có thể giúp thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể, ổn định chu kỳ ngủ – thức mỗi ngày.
– Tạo không gian lý tưởng cho phòng ngủ:
Để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, người cao tuổi cần được nghỉ ngơi trong phòng có không gian yên tĩnh, thoáng khí, mát mẻ và có nệm hay giường nằm ngủ thoải mái. Phòng ngủ cũng phải đảm bảo đủ tối khi ngủ để dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
– Không ăn khuya:
Bữa tối của người lớn tuổi nên kết thúc trước khi đi ngủ ít nhất vài tiếng để dạ dày tiêu hóa thức ăn kịp thời. Tránh ăn quá khuya gây đầy bụng, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nếu cảm thấy đói bụng, người già có thể uống một ly sữa hoặc ăn nhẹ với các đồ ăn dễ tiêu như táo, bánh mì để xoa dịu cơn đói cồn cào trong bụng.
– Tránh các hoạt động gây kích thích thần kinh khi ngủ:
Bao gồm xem tivi, coi phim kinh dị, bàn bạc về công việc hay suy nghĩ quá nhiều đến một vấn đề nào đó. Những hoạt động này đều có thể khiến thần kinh bị kích thích dẫn đến khó ngủ, mất ngủ.
– Không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ
Hạn chế uống nước trước lúc đi ngủ từ 2 – 3 tiếng sẽ giúp người cao tuổi không phải bị đánh thức nhiều lần giữa đêm vì mót tiểu.
Kiên trì thực hiện tốt các biện pháp tự nhiên nói trên có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ ở
người cao tuổi. Tuy nhiên nếu căn bệnh này vẫn tiếp tục kéo dài ngay cả khi đã điều chỉnh lối sống thì người già nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được tư vấn, chữa trị.
Tham khảo thêm
- 20 cách ngủ ngon – chìm sâu vào giấc ngủ mỗi đêm
- Danh sách thực phẩm giúp dễ ngủ, ngủ ngon mỗi ngày
Xem thêm: Điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
Tin mới nhất
- Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có nguy hiểm không?
- Bệnh ung thư cổ tử cung ở bà bầu: Những điều cần biết
- Muốn con cứng cáp, mẹ bầu phải bổ sung vitamin D
- 13 thuốc trị hắc lào (lác đồng tiền) tận gốc có bán tại nhà thuốc
- 6 tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị ung thư bằng xạ trị
- Đa u tủy xương và những điều bạn cần biết
- Bệnh thoát vị đĩa đệm tiếng anh là gì? Từ vựng và dịch thuật
- Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat
- Cây xạ đen wikipedia: Đặc điểm và công dụng hỗ trợ điều trị bệnh
- Viêm khớp nhiễm trùng sinh mủ
Video
- Cách sắc nấu và sử dụng nấm lim xanh Cách dùng nấm lim xanh hiệu quả cách nấu uống ngâm nấm lim xanh
- TIN TỨC UNG THƯ Dây khổ qua rừng hỗ trợ điều trị tiểu đường
- Cách sắc nấu và sử dụng nấm lim xanh Cách nấu nấm lim xanh khô và cách uống nấm lim xanh rừng đúng
- TIN TỨC UNG THƯ Bài tập Kegel: 4 điều cực kỳ quan trọng cần biết