Tinh trùng loãng có sao không? Điều trị như thế nào ?
Tinh trùng loãng là tình trạng tinh dịch có kết cấu lỏng và màu sắc trong suốt như nước. Tình trạng này là dấu hiệu cho thấy số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng bị dị dạng, sức sống kém hoặc tinh dịch không chứa tinh trùng. Nếu không sử dụng thuốc và can thiệp phẫu thuật kịp thời, nam giới có thể giảm khả năng sinh sản, hiếm muộn hoặc thậm chí là vô sinh.
Tình trùng loãng là gì? Dấu hiệu nhận biết
Tinh dịch là chất lỏng được bài tiết qua niệu đạo trong quá trình quan hệ tình dục hoặc thủ dâm. Tinh dịch có chứa tinh trùng và chất lỏng giúp tinh trùng tồn tại, phát triển. Thông thường, tinh dịch ở nam giới có màu trắng đục và sánh hơn so với nước lọc.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, tinh dịch có thể trở nên lỏng như nước và có màu sắc trong suốt. Tình trạng này được gọi là tinh dịch loãng hoặc tinh trùng loãng. Sự bất thường về màu sắc và kết cấu của tinh dịch cho thấy nam giới đang gặp phải các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Nếu không can thiệp khắc phục sớm, nam giới có thể đối mặt với các biến chứng nặng nề và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.
Dấu hiệu nhận biết nam giới bị tinh trùng loãng:
- Tinh dịch lỏng và màu sắc trong suốt như nước
- Một số trường hợp có tinh trùng loãng màu vàng nhạt
- Tinh dịch có mùi bất thường (chủ yếu là mùi hôi khó chịu do viêm nhiễm)
- Bên trong tinh dịch có các hạt nhỏ vón cục màu trắng đục
- Lượng tinh dịch xuất ra nhiều hoặc ít hơn bình thường
Nguyên nhân khiến tinh trùng bị loãng
Tinh trùng bị loãng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Theo các chuyên gia Nam khoa, tình trạng này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:
1. Số lượng tinh trùng thấp
Số lượng tinh trùng thấp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tinh trùng loãng. Thông thường 1ml tinh dịch sẽ chứa khoảng 15 triệu tinh trùng hoặc hơn. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, số lượng tinh trùng có thể giảm thấp, gây ra tình trạng tinh dịch loãng và trong suốt như nước.
Một số nguyên nhân gây giảm số lượng tinh trùng, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Các bệnh lý nhiễm trùng như viêm mào tinh hoàn, lậu, giang mai,… là nguyên nhân gây giảm số lượng tinh trùng. Vi khuẩn gây bệnh có thể tấn công vào tinh dịch, gây chết và dị tật tinh trùng. Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm trùng nặng có thể khiến tinh dịch đổi sang màu vàng nhạt.
- Giãn tĩnh mạch tinh: Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng tĩnh mạch ở túi tinh bị giãn bất thường. Bệnh lý này có thể làm giảm chức năng của tinh hoàn, từ đó gây suy giảm hormone testosterone, giảm số lượng tinh trùng và khiến tinh dịch hóa lỏng ngay sau khi xuất ra bên ngoài.
- U tinh hoàn: Tinh hoàn là cơ quan sản xuất và dự trữ tinh dịch. Khi tinh hoàn xuất hiện khối u, chức năng sản xuất tinh trùng có thể bị suy giảm, dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và gây loãng tinh dịch.
- Suy giảm nội tiết: Hormone testosterone là yếu tố cần thiết trong quá trình sản xuất tinh trùng. Tuy nhiên nồng độ hormone thấp có thể làm giảm số lượng tinh trùng và tinh dịch.
- Các nguyên nhân khác: Giảm số lượng tinh trùng còn có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như mắc các bệnh tự miễn, xuất tinh ngược, chấn thương vùng kín,…
2. Dị tật bẩm sinh
Ngoài ra tình trạng tinh trùng loãng có thể xảy ra do một số dị tật bẩm sinh như teo tinh hoàn và tinh hoàn lạc. Các dị tật này khiến tinh hoàn suy giảm chức năng sản sinh hormone testosterone và tinh trùng, từ đó dẫn đến hàng loạt các vấn đề bất thường như tinh dịch loãng, xuất tinh sớm, vô sinh – hiếm muộn,…
3. Quan hệ tình dục quá độ
Trung bình mỗi lần xuất tinh, nam giới có thể giải phóng 2 – 6ml tinh dịch tương đương với khoảng 100 triệu tinh trùng. Tình trạng quan hệ tình dục quá độ hoặc lạm dụng thủ dâm có thể khiến nam giới xuất tinh nhiều hơn bình thường.
Việc xuất tinh quá nhiều có thể khiến tinh dịch loãng hơn do tinh hoàn chưa kịp sản sinh tinh trùng. Ngoài ra việc quan hệ tình dục quá mức còn gây suy nhược cơ thể và làm giảm chức năng của tinh hoàn.
4. Thiếu hụt kẽm
Kẽm là nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình sản sinh nội tiết nam và tinh trùng. Bên cạnh đó thành phần này còn giúp đảm bảo tinh trùng khỏe mạnh, bền bỉ và có vận tốc nhanh.
Tuy nhiên việc thiếu hụt kẽm có thể khiến tinh hoàn giảm hiệu suất làm việc, gây sụt giảm số lượng tinh trùng, dẫn đến chứng tinh trùng loãng, suy giảm ham muốn tình dục và khả năng sinh sản.
5. Các yếu tố rủi ro khác
Bên cạnh các nguyên nhân chính, nguy cơ bị tinh trùng loãng ở nam giới có thể tăng lên nếu có các yếu tố rủi ro như:
- Lạm dụng rượu bia và thuốc lá: Các thành phần có hại trong rượu và thuốc lá như nicotine, CO2, methanol, andehit,… không chỉ tác động xấu đến chức năng gan và hoạt động của hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh. Theo các nghiên cứu, nam giới có thói quen hút thuốc lá trong thời gian và nghiện rượu bia thường có nồng độ hormone và số lượng tinh trùng thấp.
- Do ảnh hưởng của các bệnh lý mãn tính: Tinh trùng loãng và đổi màu sắc bất thường có thể là ảnh hưởng của các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gout (gút), cao huyết áp hoặc ung thư.
- Căng thẳng kéo dài: Hormone testosterone được sản sinh ở tinh hoàn, vùng dưới đồi và tuyến yên. Khi hệ thần kinh bị căng thẳng, tuyến yên và vùng dưới đồi sẽ giảm sản sinh testosterone, dẫn đến tình trạng suy giảm nội tiết và số lượng tinh trùng.
Tinh trùng loãng như nước có sao không?
Tinh trùng loãng như nước là dấu hiệu cho thấy số lượng tinh trùng/ ml tinh dịch thấp hơn bình thường. Bên cạnh đó, một số trường hợp tinh trùng loãng còn là dấu hiệu cho thấy tinh dịch không chứa tinh trùng, tinh trùng bị dị tật và yếu ớt.
- Không có tinh trùng: Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất và là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng vô sinh ở nam giới.
- Số lượng tinh trùng thấp: Trong mỗi ml tinh dịch chứa ít hơn 15 triệu tinh trùng.
- Tinh trùng yếu ớt: Tinh trùng không có khả năng di động hoặc di chuyển kém, vận tốc chậm và dễ chết.
- Tinh trùng dị tật: Tinh trùng có cấu tạo bất thường hoặc không chứa thông tin di truyền.
Số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng dị tật và yếu ớt là nguyên nhân gây ra chứng vô sinh – hiếm muộn ở nam giới. Phần lớn các trường hợp này đều rất khó thụ thai vì tinh trùng thường có sức sống kém và hầu hết đều bị vô hiệu hóa trước khi xâm nhập vào bên trong tử cung.
Do đó ngay khi nhận thấy tinh trùng loãng và có màu sắc bất thường, nam giới nên thăm khám để được xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời. Ở các trường hợp chủ động thăm khám và điều trị, bệnh tình thường có đáp ứng tốt và tỷ lệ thụ thai tăng lên đáng kể.
Tinh trùng loãng hay đặc thì tốt?
Tinh trùng loãng hay đặc đều là dấu hiệu bất thường cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn. Tinh trùng khỏe mạnh thường có kết cấu hơi sánh, màu trắng đục và không mùi.
Vì vậy khi nhận thấy kết cấu và màu sắc của tinh dịch thay đổi, nam giới nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán nguyên nhân và tiến hành khắc phục trong thời gian sớm nhất. Trong một số trường hợp, các bệnh lý tiềm ẩn không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản mà còn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của nam giới.
Các biện pháp chẩn đoán tinh trùng loãng
Để xác định nguyên nhân gây tinh trùng loãng, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm tinh dịch đồ. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách thu thập tinh dịch khi vừa mới xuất tinh nhằm xác định số lượng, chất lượng, hình dáng, chuyển động và vận tốc của tinh trùng.
Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định:
- Số lượng tinh trùng (chỉ số trung bình: 15 – 20 triệu/ ml)
- Thể tích tinh dịch trong mỗi lần xuất tinh (trung bình khoảng 2 – 6ml)
- Khả năng di chuyển (tính di động) của tinh trùng (khoảng 75%)
Ngoài ra với những trường hợp tinh dịch loãng kèm đổi màu, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân thông qua màu sắc của tinh dịch:
- Tinh dịch loãng màu vàng: Thường do nhiễm trùng tuyến tiền liệt, nước tiểu lẫn trong tinh dịch hoặc số lượng bạch cầu trong tinh dịch cao bất thường.
- Tinh dịch loãng có màu nâu đỏ/ hồng: Thường xảy ra do túi tinh hoặc tuyến tiền liệt bị viêm.
- Tinh dịch loãng màu trong suốt: Thường do dị tật bẩm sinh, thiếu kẽm, quan hệ tình dục quá độ hoặc do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường.
Sau khi thu thập được các thông tin cần thiết thông qua quan sát biểu hiện của tinh dịch và xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và chỉ định các biện pháp điều trị tương ứng.
Cách khắc phục tinh trùng bị loãng
Tinh dịch loãng là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Do đó sau khi chẩn đoán, nam giới cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất.
1. Sử dụng thuốc và viên uống bổ sung
Dùng thuốc thường được chỉ định đối với trường hợp tinh trùng loãng do thiếu hụt kẽm, suy giảm nội tiết hoặc do ảnh hưởng của một số bệnh lý khác.
Một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị tinh dịch loãng, bao gồm:
- Thuốc bổ sung testosterone: Nhóm thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ hormone nam, từ đó cải thiện chức năng của tinh hoàn và số lượng tinh trùng.
- Viên uống bổ sung kẽm: Với những trường hợp thiếu hụt kẽm nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng viên uống bổ sung kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học. Ngoài tác dụng làm tăng số lượng, kẽm có giúp cải thiện độ bền bỉ, khả năng di động và vận tốc của tinh trùng.
- Thuốc kháng sinh: Nếu tinh trùng loãng do các bệnh viêm nhiễm như lậu, viêm mào tinh hoàn, nhiễm trùng tuyến tiền liệt,… bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy vi khuẩn và chỉ định loại kháng sinh tương ứng.
- Các loại thuốc khác: Ngoài ra với từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo một số loại thuốc khác như thuốc giảm đau, thuốc ức chế alpha, thuốc thư giãn cơ tuyến tiền liệt,…
2. Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp tinh trùng loãng do giãn tĩnh mạch tinh hoặc dị tật bẩm sinh, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật được thực hiện nhằm sửa chữa các dị tật ở cơ quan sinh dục, từ đó giúp phục hồi chức năng và cải thiện khả năng sinh sản.
Tuy nhiên can thiệp ngoại khoa lên dương vật có thể đi kèm với một số rủi ro như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, nhiễm trùng,…
Lối sống khoa học cho nam giới bị loãng tinh trùng
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, số lượng và chất lượng tinh trùng còn chịu ảnh hưởng của chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng. Do đó bên cạnh việc dùng thuốc và can thiệp ngoại khoa, bạn có thể cải thiện tinh trùng loãng bằng cách xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.
1. Thường xuyên tập thể dục
Hoạt động thể chất không chỉ giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe xương khớp mà còn nâng cao thể trạng, tăng nồng độ hormone testosterone và chất lượng tinh trùng.
Bên cạnh đó, thói quen tập luyện thường xuyên còn thúc đẩy hoạt động của tinh hoàn, giải phóng các suy nghĩ tiêu cực và giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương.
2. Bổ sung thực phẩm lành mạnh
Nam giới có thể cải thiện sức khỏe và độ bền bỉ của tinh trùng bằng cách bổ sung các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt, thịt, trứng, sữa,… Nghiên cứu cho thấy, việc cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cho cơ thể giúp tăng số lượng và cải thiện khả năng di chuyển của tinh trùng.
Ngoài ra chế độ ăn uống khoa học còn hỗ trợ làm tăng nồng độ testosterone và kích thích hoạt động phóng thích tinh trùng.
3. Xây dựng đời sống tình dục an toàn
Quan hệ tình dục không an toàn, lạm dụng thủ dâm hoặc quan hệ quá mức là các thói quen gây ra tình trạng tinh trùng loãng. Nếu tiếp tục duy trì các thói quen này, số lượng tinh trùng có thể sụt giảm đáng kể và làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.
Do đó nam giới cần xây dựng đời sống tình dục an toàn bằng cách:
- Chỉ quan hệ với 1 bạn tình, tránh hoạt động tình dục với những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm cao.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh xã hội.
- Quan hệ tình dục và thủ dâm với tần suất phù hợp. Yếu tố này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người. Do đó bạn nên thăm khám để được bác sĩ đưa ra lời khuyên hữu ích.
4. Không sử dụng rượu bia và hút thuốc lá
Các thành phần độc hại trong khói thuốc và rượu bia là nguyên nhân gây tinh trùng loãng và tác động xấu đến chức năng sinh sản. Vì vậy nam giới cần tránh uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh tình trạng hít khói thuốc lá thụ động.
Tinh trùng loãng/ tinh dịch loãng là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề tiềm ẩn. Vì vậy khi nhận thấy tinh dịch lỏng và có màu sắc bất thường, bạn nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tình trạng chủ quan và lơ là có thể khiến bệnh tình chuyển biến xấu và làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.
Tham khảo thêm: [ Thú vị ] Tinh trùng sống được bao lâu sau khi xuất tinh ra ngoài ?
Xem thêm: Hẹp thanh quản
Tin mới nhất
- Nghẹt mũi, ù tai, nhức đầu là bệnh gì và cách khắc phục?
- Thuốc Corticoid: Tác dụng, cách sử dụng ngoài da & tác hại
- “Thổi bay” bướu ác tính di căn hạch ung thư nhờ cây mật gấu kết hợp Linh Chi
- Ung thư di căn xương
- Bánh cho người tiểu đường: Gợi ý 3 loại vừa ngon vừa an toàn
- Công dụng nấm lim xanh cụ thể nấm lim xanh chữa bệnh gì hiệu quả
- Cách Giảm Cơn Đau Dạ Dày Siêu Hiệu Quả [2019] Hướng Dẫn A-Z
- Bà bầu ăn nấm có ảnh hưởng gì đến mẹ lẫn con không?
- Sa búi trĩ là gì – Làm sao để búi trĩ thụt vào khi lòi ra ngoài?
- TOP 15 cách chữa đau dạ dày tại nhà bằng dân gian dễ thực hiện