Tổng quan về bệnh viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính (mãn tính) hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể gây loét và ung thư dạ dày nếu không được điều trị từ sớm.
Viêm dạ dày mạn tính là gì?
Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị sưng viêm kéo dài. Viêm dạ dày thường là hệ quả do vi khuẩn xâm nhập và làm tổn thương, loét cơ quan này. Vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm dạ dày là Helicobacter pylori (Hp).
Viêm dạ dày mạn tính thường phát triển trong một thời gian dài và rất dễ chuyển biến sang giai đoạn loét và ung thư nếu không được điều trị đúng cách.
1. Các loại viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính gồm có 3 loại chính:
- Viêm dạ dày mạn tính loại A: hình thành do hệ thống miễn dịch phá hủy tế bào trong niêm mạc dạ dày. Loại viêm dạ dày này khiến cơ thể thiếu máu, thiếu hụt vitamin và tăng nguy cơ ung thư.
- Viêm dạ dày mạn tính loại B: là loại viêm dạ dày thường gặp nhất, nguyên nhân là do nhiễm khuẩn Hp. Vi khuẩn này phát triển gây loét và ung thư dạ dày.
- Viêm dạ dày mạn tính loại C: nguyên nhân chủ yếu là do tác dụng không mong muốn của các loại thuốc điều trị (thường là thuốc chống viêm không steroid), đồ uống có cồn và các chất kích thích. Tương tự như các loại viêm dạ dày khác, viêm dạ dày loại C có thể làm xói mòn niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, bạn có thể gặp phải các loại viêm dạ dày ít phổ biến hơn như viêm dạ dày phì đại khổng lồ, viêm dạ dày bạch cầu ái toan,…
2. Triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm dạ dày mạn tính bao gồm:
- Đau bụng trên
- Giảm cân
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Khó tiêu
- Đầy hơi
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Ợ nóng/chua
Bạn có thể gặp phải các triệu chứng không được đề cập trong bài viết. Khi nhận thấy các biểu hiện khác lạ, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng mà mình gặp phải.
3. Nguyên nhân
Những nguyên nhân sau đây có thể gây kích ứng niêm mạc và dẫn đến tình trạng viêm dạ dày mãn tính:
- Nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương và loét. Ngoài vi khuẩn Hp, một số vi khuẩn khác không trực tiếp làm tổn thương niêm mạc nhưng chúng khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn. Sự mất cân bằng trong hệ thống tiêu hóa chính là môi trường để vi khuẩn xuất hiện và bùng phát.
- Lạm dụng thuốc điều trị: Thuốc giảm đau thông thường – như aspirin, ibuprofen và naproxen,… có thể gây ra viêm dạ dày cấp tính và mãn tính. Sử dụng các loại thuốc giảm đau này thường xuyên có thể làm giảm dịch nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Lạm dụng rượu bia: Rượu bia có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc, khiến dạ dày dễ bị tổn thương và loét. Lạm dụng rượu bia, đồ uống có cồn có thể gây ra tình trạng viêm dạ dày kéo dài.
- Tuổi cao: khi cơ thể già đi, hệ miễn dịch sẽ suy giảm. Đây là điều kiện thích hợp để vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa và làm tổn thương dạ dày.
- Rối loạn hệ miễn dịch: hệ thống miễn dịch gặp vấn đề khiến cơ thể tự tấn công vào các mô khỏe mạnh ở dạ dày. Tình trạng này được gọi là viêm dạ dày tự miễn. Phản ứng này bào mòn hàng rào bảo vệ dạ dày và gây ra tình trạng viêm sưng.
- Các nguyên nhân khác: viêm dạ dày mạn tính có thể do các bệnh lý như HIV/AIDS, bệnh Crohn, nhiễm ký sinh trùng gây ra.
Nếu bạn thường xuyên duy trì những thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học như hút thuốc, căng thẳng kéo dài, trầm cảm, chế độ ăn giàu chất béo, nhiều muối,… thì bạn đang có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính cao hơn gấp nhiều lần người bình thường.
4. Biến chứng
Viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến loét và chảy máu dạ dày. Tình trạng sưng viêm dạ dày
không được điều trị còn làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Các biến chứng do viêm dạ dày mạn tính không chỉ khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, bạn cần nghiêm túc trong quá trình điều trị bệnh lý này.
Phác đồ điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính
1. Chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính
Trước khi tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn và gia đình bạn. Nghiên cứu cho thấy người có người thân từng nhiễm vi khuẩn Hp sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn này cao hơn.
- Nội soi: bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ có máy ảnh đưa từ miệng xuống dạ dày để có thể được quan sát được thành và dịch axit trong cơ quan này. Bác sĩ cũng có thể lấy sinh thiết để xét nghiệm và xác định xem bạn có nhiễm khuẩn Hp hay không.
- Xét nghiệm máu: được thực hiện để xác định người bệnh có bị thiếu máu hay không. Thông thường, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Hp thường dễ mắc chứng thiếu máu.
- Xét nghiệm phân: xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định vi khuẩn và máu trong phân của bạn. Viêm dạ dày khiến người bệnh bị chảy máu ở niêm mạc, lượng máu này sẽ được thải trừ qua đường bài tiết. Do đó, xét nghiệm phân có thể giúp bác sĩ chẩn đoán đúng tình trạng mà bạn mắc phải.
2. Điều trị viêm dạ dày mạn tính
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nguyên nhân gây viêm dạ dày và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, quá trình điều trị thường tập trung vào 2 phương pháp: dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống.
Nếu bạn bị viêm dạ dày mạn tính loại A, bác sĩ sẽ khuyên bạn bổ sung các thành phần dinh dưỡng mà cơ thể thiếu hụt. Với trường hợp bị viêm dạ dày mạn tính loại B, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng vi khuẩn và thuốc kháng axit để tiêu diệt vi khuẩn Hp. Đối với viêm dạ dày mạn tính loại C, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ngưng dùng NSAID hoặc không được uống rượu để ngăn ngừa tổn thương mới lên dạ dày.
Dùng thuốc
Các loại thuốc được bác sĩ kê toa để điều trị viêm dạ dày mạn tính bao gồm:
- Thuốc kháng axit
- Thuốc đối kháng histamin H2
- Thuốc ức chế bơm proton
Các loại thuốc chỉ giúp bạn giảm cơn đau và các triệu chứng của bệnh. Điều trị viêm dạ dày mạn tính đòi hỏi người bệnh phải kiên trì trong thời gian dài, do đó bạn cần kết hợp với chế độ ăn để hỗ trợ tác dụng của thuốc.
Chế độ ăn
Bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn để giảm kích ứng lên dạ dày. Bạn cần hạn chế các nhóm thức ăn khiến tình trạng viêm ở dạ dày chuyển biến nghiêm trọng hơn như:
- Thức ăn nhiều gia vị (đường, muối)
- Thức ăn nhiều dầu mỡ
- Rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas
- Thịt đỏ và đồ ăn đóng hộp
- Thức ăn cay nóng
Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng những thực phẩm lành mạnh để tái tạo dịch bảo vệ dạ dày và cải thiện tình trạng viêm sưng như:
- Bổ sung rau xanh và trái cây
- Thực phẩm giàu lợi khuẩn (sữa chua, đồ uống lên men,…)
- Thịt trắng (thịt gà, cá)
- Đạm thực vật (nấm, đậu, ngũ cốc)
- Bạn nên bổ sung đủ 2 lít/ngày để trung hòa axit trong dạ dày
Một số loại thực phẩm có chứa các thành phần tốt cho dạ dày, giúp giảm loét và viêm ở niêm mạc. Bạn có thể dùng những loại thực phẩm này để cải thiện bệnh.
- Tỏi: có thể có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn Hp.
- Gừng: có tính ấm, giúp giảm tình trạng đầy hơi, ợ chua do viêm dạ dày mạn tính gây ra. Bên cạnh đó gừng còn có tính kháng viêm, chống viêm và có hiệu quả ức chế đối với vi khuẩn trong dạ dày.
- Củ nghệ: củ nghệ chứa hoạt chất Curcumin – là một chất chống oxy hóa có tác dụng chữa lành vết loét, ngăn chặn vi khuẩn bùng phát.
3. Theo dõi và phòng ngừa
Trong quá trình điều trị, bạn phải thường xuyên gặp bác sĩ để được kiểm soát chặt chẽ tình trạng sức khỏe. Nếu dạ dày có dấu hiệu mới phát sinh, bạn nên báo với bác sĩ để được khắc phục ngay.
Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây lây nhiễm vi khuẩn Hp, do đó bạn nên phòng ngừa nhiễm khuẩn bằng cách rửa tay trước và sau khi ăn, đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa và môi trường sống thoáng mát,…
Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng căng thẳng, áp lực, không hút thuốc, sử dụng rượu bia, thuốc giảm đau trong thời gian điều trị. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc giảm đau, bạn nên báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân nhắc và điều chỉnh liều lượng thích hợp.
Khám bệnh viêm dạ dày mạn tính ở đâu?
Cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính. Bạn có thể tham khảo một số bệnh viện lớn để cân nhắc trước khi quyết định nơi khám và điều trị:
- Bệnh viện Bạch Mai: Địa chỉ số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
- Bệnh viện Đại học Y
Hà Nội: Địa chỉ số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội - Bệnh viện Chợ Rẫy: Địa chỉ số 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP HCM
- Bệnh viện Đại học Y dược: Địa chỉ số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP HCM
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày mạn tính, bạn nên chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán và can thiệp điều trị. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chẩn đoán, lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường ăn được cam không: Xem ngay để biết!
Tin mới nhất
- Cẩm nang 15 câu hỏi về chữa trị và phòng tái phát ung thư vú
- Gammopathy thể đơn dòng không xác định
- Địa chỉ tin cậy mua nấm lim xanh tại Phú Yên nấm lim xanh trị bệnh gì?
- 6 Cách chữa bệnh tổ đỉa bằng lá lốt hiệu quả chỉ với vài nghìn đồng
- Thống kinh là gì và cách điều trị thống kinh hiệu quả
- Biến chứng do thoái hóa khớp: Đừng xem thường!
- Làm sao để phân biệt hen suyễn và COPD?
- Nổi đốm đỏ trên da không ngứa – Dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm
- Top 8 Món Ăn Bổ Dưỡng, Ngon Khó Cưỡng Từ Nấm Linh Chi
- Người suy thận nên ăn rau gì để nhanh hồi phục?
Video
- TIN TỨC UNG THƯ Khối u lành tính và ác tính trong dạ dày: chẩn đoán và điều trị
- BỆNH LÝ LIÊN QUAN Bệnh Phong Thấp Ra Mồ Hôi Tay Chân và Cách Điều Trị Dứt Điểm
- CHĂM SÓC NGƯỜI UNG THƯ Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản Bộ Y tế chuẩn nhất
- TIN TỨC UNG THƯ TOP 10 thuốc đặc trị phì đại tiền liệt tuyến an toàn, hiệu quả