U nang buồng trứng trái là gì, có nguy hiểm không?
U nang buồng trứng trái là tình trạng khối u dạng nang xuất hiện ở buồng trứng bên trái. Điều trị bệnh lý này phụ thuộc vào loại u nang (u cơ năng, u thực thể và u ác tính), kích thước và độ tuổi của từng trường hợp.
U nang buồng trứng trái là gì?
U nang buồng trứng trái là tình trạng khối u dạng nang xuất hiện ở buồng trứng bên trái. U nang là một trong khối u thường gặp nhất, chiếm khoảng 3.6% các trường hợp mắc bệnh phụ khoa.
U nang buồng trứng trái có thể là u cơ năng, u thực thể (u nang bì, u nang nhầy hoặc u nang nước buồng trứng) và u ác tính. Với u cơ năng, khối u sẽ tự biến mất hoặc thuyên giảm kích thước sau 1 – 2 chu kỳ kinh nguyệt mà không cần điều trị.
Tuy nhiên với u ác tính và u thực thể, bạn cần điều trị trong thời gian sớm nhất nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm và tránh gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng trái
Nguyên nhân trực tiếp gây u nang buồng trứng nói chung và u nang buồng trứng trái vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với những yếu tố sau:
- Thường xuyên mất ngủ và căng thẳng kéo dài
- Có cân nặng vượt mức do chế độ ăn không thích hợp
- Thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa hormone
- Lạm dụng thuốc tránh thai
- Có vấn đề về tuyến giáp
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm và nhiều hóa chất
Dấu hiệu nhận biết u nang buồng trứng trái
U nang buồng trứng hiếm khi gây ra các triệu chứng bất thường. Chỉ khi khối u phát triển với kích thước lớn, bạn mới nhận thấy một số triệu chứng sau:
- Đau vùng bụng dưới bên trái, sau đó có dấu hiệu lan tỏa ra vùng đùi, chậu và thắt lưng.
- Khi khối u tăng kích thước, bạn có thể nhận thấy vùng bụng dưới đau âm ỉ, đầy bụng, buồn nôn và nôn mửa.
- Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục. Một số trường hợp u nang lớn có thể gây xuất huyết sau khi sinh hoạt vợ chồng.
- U nang gây chèn ép lên bàng quang và có thể gây tiểu tiện nhiều lần, tiểu nhắt,…
- Buồng trứng là cơ quan đảm nhiệm vai trò phóng noãn (rụng trứng) và gây ra chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy khi xuất hiện u nang buồng trứng, kinh nguyệt thường gặp phải một số vấn đề như vòng kinh ngắn hoặc dài hơn bình thường, đau bụng kinh dữ dội, máu kinh có màu sắc bất thường,…
U nang buồng trứng trái có nguy hiểm không?
Phần lớn các trường hợp u nang buồng trứng trái đều là các khối u lành tính, chỉ có rất ít trường hợp u phát triển thành các tế bào ác tính.
Với những trường hợp bị u cơ năng, khối u sẽ tự biến mất sau 1 – 2 chu kỳ kinh nguyệt mà không cần can thiệp phẫu thuật hay sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu bị u ác tính hoặc u thực thể, bạn cần điều trị trong thời gian sớm nhất. Bởi nếu để kéo dài, khối u có thể phát triển lớn và gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Vỡ nang: Vỡ nang khiến dịch nhầy chảy ra bên ngoài tử cung, vòi trứng và lan sang các cơ quan lân cận. Biến chứng này không chỉ gây ảnh hưởng đến buồng trứng mà còn gây ra hội chứng nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ nhiễm trùng máu và tử vong nếu không kịp thời can thiệp.
- Xoắn nang: Xoắn nang hay còn gọi là u nang buồng trứng xoắn là một trong những biến chứng thường gặp. Biến chứng này thường xảy ra với những khối u có cuống dài và vỏ ngoài căng bóng (u nang nước buồng trứng). Xoắn u nang làm tăng nguy cơ hoại tử buồng trứng, vỡ nang và vô sinh ở nữ giới. Do đó khi nhận thấy các dấu hiệu xoắn u nang (đau bụng liên tục, nôn mửa, choáng) bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
- Ác tính hóa: Một số tế bào ở thành u nang có thể phát triển thành các nhú gai và tiến triển ác tính hóa. So với u lành, u ác tính có diễn tiến rất phức tạp và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí gây tử vong nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Cách điều trị u nang buồng trứng trái
Điều trị u nang buồng trứng trái phụ thuộc vào loại u và kích thước khối u. Ngoài ra phương pháp điều trị được áp dụng còn dựa vào độ tuổi, mong muốn và chức năng sinh sản của từng trường hợp.
1. Điều trị u chức năng/ nang cơ năng
Nang cơ năng buồng trứng là loại u nang lành tính, hình thành sau thời kỳ rụng trứng và có xu hướng tự biến mất mà không cần điều trị. Trong trường hợp bị nang cơ năng, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi trong vòng 1 – 2 tháng để xem xét tiến triển của khối u.
Nếu khối u không thuyên giảm về kích thước, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ngăn ngừa rụng trứng để làm giảm kích thước nang và hạn chế các u nang mới hình thành.
2. Điều trị u nang thực thể
U thực thể là dạng u nang buồng trứng thường gặp nhất. Khác với u chức năng, u thực thể có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ ung thư hóa. Vì vậy điều trị ưu tiên đối với loại u này là phẫu thuật loại bỏ trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên phương pháp điều trị được chỉ định còn phụ thuộc vào từng loại u nang cụ thể, điều kiện sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân.
– U nang nhầy buồng trứng
U nàng nhầy là loại nang có vỏ ngoài dày, màu trắng hoặc trắng ngà. Bên trong nang chứa dịch sánh màu vàng hoặc vàng nâu. U nang nhầy ít khi chuyển biến ung thư nhưng có khả năng tái phát cao.
Với người trẻ, bác sĩ sẽ tiến hành bóc tách khối u ra khỏi buồng trứng trái và thăm khám 6 tháng/ lần để kịp thời phát
hiện khối u tái phát. Tuy nhiên với người cao tuổi đã sinh đủ con, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ cả 2 buồng trứng nhằm hạn chế các nguy cơ có khả năng phát sinh.
– U nang nước buồng trứng
U nang nước là dạng nang có cuống dài và dễ gây biến chứng xoắn. Vì vậy bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, với những trường hợp nang có kích thước nhỏ và bệnh nhân có mong muốn trì hoãn phẫu thuật, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc tránh thai và ức chế hormone nhằm ngăn chặn quá trình phóng noãn của buồng trứng. Từ đó làm giảm tình trạng tích tụ chất lỏng bên trong nang nước.
Việc sử dụng thuốc chỉ có tác dụng trì hoãn phẫu thuật. Do đó khi đến thời điểm thích hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bóc tách u để tránh ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng.
U nang nước ít có khả năng tái phát hơn u nang nhầy. Tuy nhiên với những người cao tuổi, bác sĩ vẫn khuyến cáo nên cắt bỏ 2 bên buồng trứng để hạn chế nguy cơ tái phát.
– U nang bì buồng trứng
U nang bì buồng trứng (u nang quái) là dạng nang có chứa dịch nhầy, tóc, mảnh xương và răng ở bên trong. So với 2 dạng u thực thể trên, u bì dễ tiến triển thành ung thư. Vì vậy bác sĩ cần tiến hành phẫu thuật bóc tách u nang trong thời gian sớm nhất.
Lưu ý: Với trường hợp u nang buồng trứng khi mang thai, thời điểm phẫu thuật bóc tách u thích hợp nhất là vào tháng thứ 4 – tháng thứ 6 thai kỳ. Tuy nhiên nếu xuất hiện biến chứng, bác sĩ buộc phải phẫu thuật loại bỏ u trong bất cứ thời điểm nào nhằm đảm bảo tính mạng cho sản phụ.
3. Điều trị u nang ác tính
U ác tính/ ung thư buồng trứng xảy ra khi tế bào biểu mô phát triển bất thường và tiến triển thành tế bào ác tính. So với các dạng u lành, u nang buồng trứng ác tính có khả năng di căn sang những cơ quan khác, làm tăng nguy cơ vô sinh và giảm tỷ lệ sống.
Phương pháp điều trị u nang buồng trứng ác tính phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển, kích thước khối u và điều kiện sức khỏe của bệnh nhân.
Một số phương pháp điều trị u nang buồng trứng trái ác tính, bao gồm:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u ác ra khỏi buồng trứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp đã có di căn gần, bác sĩ buộc phải cắt bỏ hạch bạch huyết và cả 2 bên buồng trứng để ngăn chặn tình trạng khối u tái phát.
- Hóa xạ trị: Với những trường hợp không thể phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành hóa xạ trị (sử dụng thuốc và tia X để tiêu diệt tế bào ung thư). Tuy nhiên phương pháp này chỉ có tác dụng ngăn chặn ung thư phát triển nhưng không thể loại bỏ khối u hoàn toàn.
Phòng ngừa u nang buồng trứng trái
U nang buồng trứng trái không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh với những biện pháp sau đây:
- Nữ giới trên 18 tuổi phải thăm khám phụ khoa ít nhất 1 năm/ lần. Với những người có tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng, đa nang buồng trứng, u nang buồng trứng,… cần thăm khám 6 tháng/ lần.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung nước, chất xơ, vitamin, protein, Omega 3, khoáng chất và tinh bột. Hạn chế các loại gia vị (đường, muối), dầu mỡ và thức ăn đóng hộp.
- Tích cực trong việc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp.
- Thường xuyên tập thể dục nhằm điều hòa nồng độ nội tiết tố, tăng cường miễn dịch và kiểm soát cân nặng.
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh để tình trạng mất ngủ và căng thẳng kéo dài.
- Ngưng hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và các đồ uống chứa cồn khác.
U nang buồng trứng trái là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong và sau độ tuổi sinh sản. Hầu hết các bệnh phụ khoa đều có triệu chứng mơ hồ và không điển hình, vì vậy bạn nên chủ động thăm khám 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
Xem thêm: Thực đơn giảm cân KETO có tốt không? Nguyên tắc và lưu ý áp dụng
Tin mới nhất
- Thắc mắc em bé trong bụng có ngoan không?
- Viêm họng là gì? Hình ảnh, phân loại, triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa
- Viêm hang vị dạ dày trào ngược dịch mật – Biểu hiện và Điều trị
- 6 tin đồn đáng sợ về ung thư bạn không nên tin
- Cứng khớp vai
- Bệnh đường huyết: Lưu ý và cách kiểm soát
- Chảy máu thực quản: Biến chứng không thể xem thường
- Gout cấp tính: Cách điều trị và lưu ý khi mắc bệnh
- 16 loại thực phẩm chống mất nước giúp bạn tươi tắn mỗi ngày
- Mua bán nấm lim xanh ở đâu tại Huế và công dụng của nấm lim rừng