Viêm hang vị dạ dày nên ăn gì và kiêng gì?

Viêm hang vị dạ dày là căn bệnh thường gặp, nhất là người ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là do chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất. Do đó, để cải thiện hoạt động của dạ dày, giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do căn bệnh này gây ra thì người bệnh cần nắm được viêm hang vị dạ dày nên ăn gì, kiêng gì tốt cho dạ dày nói riêng và sự hồi phục của sức khỏe nói chung.

Ăn gì, kiêng ăn gì khi bị viêm hang vị dạ dày là thắc mắc chung của nhiều người

Viêm hang vị dạ dày nên ăn gì?

Hang vị là một trong những bộ phận quan trọng của dạ dày, nó nằm ở phần ngang dạ dày từ bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị. Là bộ phận dễ tổn thương và viêm nhiễm khi dạ dày hoạt động không ổn định, quá tải hoặc tổn thương dẫn đến viêm nhiễm. Để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, cải thiện các triệu chứng khó chịu như ợ hơi, ợ nóng, nóng rát, đau âm ỉ vùng thượng vị… người bệnh nên tăng cường sử dụng các thực phẩm như:

1. Rau xanh các loại

Rau xanh là nhóm thực phẩm giàu chất xơ và các nhóm vitamin giúp cơ thể dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng. Không chỉ vậy, rau xanh còn dễ tiêu hóa, giúp giảm áp lực và tránh kích thích dạ dày. Đây cũng là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày để duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể.

Khi bị viêm hang vị dạ dày, người bệnh nên tích cực ăn nhiều rau xanh nhất là các loại rau như súp lơ xanh, mồng tơi, rau ngót, rau bina… Tuy nhiên, chỉ nên chế biến ở dạng luộc và nấu canh, không ăn sống hay xào rau vì nhiều dầu mỡ, không tốt cho dạ dày. Hơn nữa việc ăn sống dễ khiến vi khuẩn gây bệnh xâm nhập làm tình trạng viêm loét ở hang vị dạ dày thêm nghiêm trọng hơn.

2. Thực phẩm giàu tinh bột

Khi dạ dày gặp vấn đề, dịch acid dạ dày thường nhiều hơn bình thường. Do đó, người bệnh nên tích cực bổ sung nhóm thực phẩm có khả năng thấm hút dịch dạ dày để cải thiện tình trạng tăng tiết acid. Tinh bột không chỉ giúp dạ dày tiêu hóa dễ hơn, bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể mà còn có thể giúp giảm dịch dạ dày từ đó cải thiện các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn… Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn có tính bao bọc niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa các tổn thương giúp dạ dày nhanh hồi phục hơn.

Các thực phẩm thuộc nhóm này mà người bệnh nên sử dụng có thể kể đến như: bánh mì, bột sắn, cơm, gạo nếp… Người bệnh có thể ăn khoai lang, tuy nhiên không nên ăn lúc đói, không ăn quá nhiều vì dễ gây tăng tiết dịch vị, gây ợ chua, trướng bụng.

3. Ngũ cốc nguyên cám

Ngũ cốc nguyên cám hay ngũ cốc toàn phần, ngũ cốc nguyên hạt là loại ngũ cốc chứa 51% nội nhũ, mầm ngũ cốc và cám. Loại ngũ cốc này vẫn giữ nguyên các chất dinh dưỡng như phytochemicals, chất xơ, vitamin, khoáng chất. Được đánh giá là rất tốt cho cơ thể và có tác dụng cải thiện các bệnh như viêm dạ dày, viêm đại tràng. Đặc biệt, thường xuyên sử dụng ngũ cốc nguyên cám còn giúp ngăn ngừa ung thư, mạch vành. 

Bạn có thể nạp ngũ cốc nguyên cám bằng cách dùng bánh mì từ ngũ cốc nguyên cám, ăn gạo lứt, gạo nguyên cám, dùng bắp rang không bơ, yến mạch…

4. Thực phẩm giàu Omega-3

Các thực phẩm như cá hồi, bơ, hạt hạnh nhân rất tốt cho người bị viêm hang vị dạ dày

Omega-3 không chỉ tốt cho dạ dày mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe đặc biệt là hệ tim mạch. Đây là nhóm thực phẩm có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ làm lành các tổn thương ở niêm mạc dạ dày giúp cải thiện tình trạng viêm loét hang vị và bảo vệ dạ dày khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Ngoài ra, các thực phẩm này chứa nhiều chất béo tự nhiên, có thể cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể, mà lại không tạo áp lực cho dạ dày khi tiêu hóa.

Các thực phẩm thuộc nhóm này có thể kể đến như cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, hạt lanh, hạt chia, bơ, bơ thực vật, dầu ôliu…

5. Thực phẩm giàu protein

Nhóm thực phẩm này có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ sữa chữa các tổn thương ở vùng bị viêm loét. Thế nhưng, người bệnh chỉ nên dùng các thực phẩm giàu protein, ít béo hoặc dùng các chất béo và protein lành mạnh. Tuyệt đối không nên dùng các thực phẩm có hàm lượng đạm và chất béo cao vì dễ gây khó tiêu. 

Các thực phẩm thuộc nhóm giàu protein ít béo có thể kể đến như thịt gà, trứng gà, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, sữa tươi… Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều sữa tươi, không uống sữa lúc đói vì dễ gây tăng tiết dịch vị dạ dày.

6. Sữa chua

Nhắc đến các thực phẩm tốt cho sức khỏe mà người mắc viêm hang vị dạ dày nên ăn thì không thể không nhắc đến sữa chua. Sữa chua không chỉ chứa hàm lượng canxi cao mà còn giàu chất khoáng, chất kèm có khả năng trung hòa acid dạ dày. Không chỉ vậy, sữa chua còn chứa nhiều men vi sinh, có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, ức chế hoạt động của các vi khuẩn có hại và thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa. 

Những lưu ý khi ăn sữa chua:

  • Không ăn lúc đói vì lúc này dịch tiết dạ dày nhiều các lợi khuẩn trong sữa chua không thể sống được.
  • Để sữa chua phát huy công dụng tốt nhất, nên ăn sau bữa chính 1 – 2 tiếng
  • Nên ăn cùng các thực phẩm như bơ, dưa hấu, xoài, mãng cầu, dâu tây…
  • Không ăn sữa chua trước hoặc sau khi sử dụng thuốc kháng sinh, thịt hun khói, xúc xích vì dễ gây các vấn đề về tiêu hóa.

7. Nghệ và các chế phẩm từ nghệ

Với thắc mắc người bệnh viêm hang vị dạ dày nên ăn gì thì một gợi ý không thể bỏ qua cho người bệnh đó chính là nghệ. Nghệ đặc biệt tốt cho dạ dày do chứa curcumin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP, chống oxy hóa, chống viêm, tăng cường lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày. Không chỉ vậy, curcumin trong nghệ vàng còn thúc đẩy các vết loét nhanh hồi phục, giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do viêm dạ dày gây ra. 

Bạn có thể tăng cường bổ sung nghệ vào các món ăn hàng ngày hoặc dùng nghệ kết hợp với mật ong để chữa bệnh dạ dày.

8. Thực phẩm giàu Flavonoid

Ăn nhiều việt quất, dâu tây, cherry, anh đào… rất tốt cho sức khỏe dạ dày

Flavonoid là hợp chất của polyphenol, tác dụng chính là chống oxy hóa, ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do đến dạ dày. Không chỉ vậy, nhóm thực phẩm này cũng hỗ trợ tích cực làm lành vết loét dạ dày và ngăn ngừa tốt các triệu chứng bệnh.

Các thực phẩm giàu hàm lượng flavonoid có thể kể đến như: anh đào, nam việt quất, trà xanh nguyên chất tự nhiên, ớt chuông, cần tây…

9. Trà hoa cúc

Hoa cúc La Mã có chứa bisabolol, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, kích thích quá trình hồi phục của các tổn thương. Ngoài ra, trong loại hoa này còn chứa hoạt chất apigenin có khả năng ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư. Sử dụng trà hoa cúc sẽ giúp làm dịu dạ dày, giảm cảm giác viêm rát tại thực quả, chống viêm, kháng khuẩn, giảm thiểu và ngăn ngừa các cơn đau dạ dày rất tốt. Người bệnh có thể dùng 1 cốc trà hoa cúc ấm mỗi ngày để cải thiện tình trạng bệnh.

10. Chuối

Chuối không chỉ giàu kali và pectin, tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hóa mà còn có khả năng trung hòa acid dịch vị dạ dày. Có thể cung cấp lượng chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa sự lan rộng của vết loét. Người bệnh nên ăn 2 – 3 quả chuối mỗi ngày sau bữa ăn để cải thiện tình trạng bệnh của mình.

12. Mật ong

Viêm hang vị dạ dày thường khiến khả năng chuyển hóa và hấp thu dưỡng chất của dạ dày bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ vậy, các vết loét viêm nhiễm còn có thể lan rộng, dễ xuất hiện biến chứng. Do đó, khi bị các vấn đề về dạ dày, người bệnh nên tăng cường sử dụng mật ong. Mật ong có đặc tính kháng viêm, chữa lành vết loét và tiêu diệt vi khuẩn Hp gây bệnh. Có thể dùng mật ong pha nước ấm hoặc các món ăn có mật ong để hỗ trợ điều trị.

Món ăn bài thuốc chữa viêm hang vị dạ dày

Bên cạnh các nhóm thực phẩm nên ăn, người bệnh viêm hang vị dạ dày có thể tham khảo các món ăn bài thuốc tốt cho dạ dày sau đây:

1. Cháo gạo tẻ hạt sen

Có thể dùng gạo tẻ hoặc gạo nếp để nấu với hạt sen

Nguyên liệu: 30g gạo tẻ, 30g khiếm thực, 20g hạt sen, một ít đường trắng

Cách thực hiện:

  • Gạo tẻ vo sạch, ngâm trong 20 phút
  • Hạt sen bỏ tim, nếu dùng hạt sen khô thì ngâm nước trong 1 tiếng
  • Cho gạo, hạt sen, khiếm thực vào nồi thêm nước nấu thành cháo
  • Khuấy đều, thêm ít đường trắng để dùng.

2. Thịt nạc nấu nấm rơm

Nấm rơm vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chữa chứng khó tiêu và cải thiện các triệu chứng đau dạ dày hiệu quả. 

Cách thực hiện:

  • Nguyên liệu: 100g nấm rơm, 100g thịt lợn nạc
  • Thịt và nấm rửa sạch, nấm bổ đôi, thịt thái miếng vừa ăn
  • Cho thịt và nấm vào nồi, thêm ít nước, nấu trên lửa nhỏ
  • Khi thịt chín thì nêm nếm gia vị vừa ăn, ăn với cơm.

3. Cháo phật thủ đường phèn

Phật thủ giàu vitamin và khoáng chất, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy bụng khó tiêu, ngăn ngừa các triệu chứng do viêm hang vị dạ dày gây ra. Do đó, cháo phật thủ nấu với đường phèn có thể giúp chữa viêm hang vị dạ dày cũng như các bệnh liên quan đến dạ dày khác.

Cách thực hiện:

  • Nguyên liệu: Phật thủ, gạo tẻ hoặc gạo lứt, đèn phèn
  • Phật thủ rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa ăn, đun lấy nước
  • Dùng nước này bỏ phần bã, nấu cháo gạo lứt hoặc gạo tẻ như bình thường
  • Thêm ít đường phèn cho vừa ăn
  • Dùng cháo này 2 – 3 lần/ngày vào bữa ăn phụ. 

4. Dạ dày lợn nấu cùng bạch truật, gạo tẻ

Dạ dày lợn nấu bạch truật là món ăn rất tốt cho dạ dày

Nguyên liệu: 1 cái dạ dày, 30g bạch truật, 100g gạo tẻ, 10g gừng tươi

Cách thực hiện:

  • Dạ dày lợn rửa sạch, thái miếng vừa ăn
  • Bạch truật, gừng tươi rửa sạch, thái miếng, sắc lấy nước
  • Dùng nước này ninh cùng gạo và dạ dày lợn thành cháo
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn, chia làm nhiều lần sử dụng trong ngày.

Viêm hang vị dạ dày cần kiêng ăn gì?

Người bị viêm hang vị dạ dày nếu không điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ khiến bệnh tiến triển nặng, lâu hồi phục và dễ gây các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, thủng dạ dày… Do đó, ngoài việc nắm được viêm hang vị dạ dày nên ăn gì, người bệnh cũng cần kiêng các thực phẩm sau đây:

1. Thực phẩm cay nóng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các thực phẩm cay nóng không tốt cho người mắc bệnh dạ dày. Nguyên nhân là do chúng chứa các chất kích thích khiến niêm mạc dạ dày dễ tổn thương, làm vết loét lan rộng, sưng tấy và khó lành hơn. Không chỉ vậy, các thực phẩm này còn gây ra tình trạng khó tiêu, khiến các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, nóng rát dạ dày thêm nghiêm trọng hơn.

Những thực phẩm này bao gồm tỏi, tiêu, ớt, sả, riềng…

2. Trái cây chứa nhiều axit

Như đã đề cập, khi dạ dày bị viêm loét, dịch vị dạ dày sẽ tiết ra rất nhiều gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày, buồn nôn, nôn, nóng rát thượng vị… Nếu tiếp tục sử dụng các thực phẩm có tính acid cao sẽ khiến các vết loét và tình trạng viêm nhiễm thêm nghiêm trọng hơn. Không chỉ vậy, chúng còn gây kích thích niêm mạc dạ dày, dễ gây ra biến chứng cho người bệnh.

Các trái cây này có thể kể đến như cà chua, cam, quýt, bưởi, chanh, khế chua… 

3. Hải sản

Hải sản thường có tính mát khi dung nạp vào cơ thể có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của dạ dày. Không chỉ vậy, chúng còn chứa protein lạ, dễ gây kích ứng dạ dày, cần có thời gian dài để tiêu hóa. Do đó, tốt nhất người bệnh nên hạn chế dùng hải sản, nếu muốn ăn thì nên ăn kèm vài lát gừng tươi để hạn chế kích ứng. Các loại hải sản nên tránh xa có thể kể đến như cua, ốc, hàu, hến…

4. Rau nhiều chất xơ không tan

Người mắc viêm hang vị dạ dày tốt nhất không nên ăn lá hẹ

Các chất xơ không tan, xơ già dễ gây ra tình trạng khó tiêu. Điều này khiến dạ dày phải làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi. Vì vậy, khi mắc viêm hang vị dạ dày, người bệnh cũng cần tránh các thực phẩm này.

Chúng bao gồm rau hẹ, đậu khô, khoai môn, củ cải già…

5. Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Thức ăn nhiều dầu mỡ khiến dạ dày phải tiết ra nhiều dịch vị để có thể tiêu hóa hoàn toàn. Không chỉ vậy, lúc này dạ dày còn phải co bóp mạnh, nếu không tiêu hóa hết sẽ gây ra hiện tượng đầy hơi, khó tiêu. Điều này khiến niêm mạc hang vị dạ dày bị kích thích từ đó khiến các triệu chứng như buồn nôn, ợ chua, đau thượng vị xuất hiện nhiều hơn.

6. Thức ăn cứng

Với người mắc bệnh về dạ dày, các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên ăn thanh đạm, ăn thức ăn mềm để dạ dày dễ tiêu hóa. Nếu sử dụng các thực phẩm cứng, dạ dày và đường ruột phải mất rất nhiều thời gian cho việc nghiền nát thức ăn. Do đó, người bệnh cần tránh các thức ăn cứng nhất là các loại hạt như hạt điều, đậu phộng… Tốt nhất phải ninh nhừ thức ăn để dạ dày đỡ vất vả trong việc tiêu hóa.

7. Thực phẩm đông lạnh

Nhóm thực phẩm này khiến các vết loét tại hang vị dạ dày thêm nghiêm trọng hơn. Không chỉ vậy, chúng còn ảnh hưởng đến răng và cổ họng. Vì thế, hãy tránh xa các thực phẩm như kem, nước đá, đồ ăn ướp lạnh… Tốt nhất nên thay thế bằng các thực phẩm tươi sống được chế biến kỹ.

8. Thực phẩm muối chua

Cải chua nhiều acid, đặc biệt không tốt cho dạ dày khi đang bị viêm loét

Các thực phẩm muối chua như cải chua, dưa muối, củ kiệu… rất giàu axit. Khi được nạp vào cơ thể, chúng sẽ khiến nồng độ axit trong dạ dày tăng cao khiến mức độ tổn thương thêm nghiêm trọng hơn. Không chỉ vậy, các thực phẩm này còn dễ gây ra hiện tượng khó tiêu, ợ hơi, ợ chua… nên tốt nhất người bệnh không nên sử dụng khi dạ dày đang gặp vấn đề.

9. Nước uống có ga

Nước uống có ga cũng nằm trong danh sách những thực phẩm người mắc viêm hang vị dạ dày nhất định phải kiêng. Rất nhiều người thích sử dụng các loại nước uống này, thế nhưng chúng chỉ bổ sung calories, đường cho cơ thể, gây hiện tượng no giả mà không hề chứa dưỡng chất nào tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, người bệnh rất dễ bị thiếu vitamin, khoáng chất, hệ tiêu hóa không hoạt động tốt, vùng niêm mạc dạ dày bị kích thích nếu sử dụng loại thức uống này. 

10. Rượu bia, cà phê

Cà phê và rượu bia cũng ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày. Chúng không chỉ gây kích ứng dạ dày mà còn khiến các triệu chứng bệnh thêm trầm trọng hơn. Không chỉ vậy, rượu bia, cà phê, thuốc lá, chất kích thích còn làm vết loét ở niêm mạc hang vị dạ dày khó hồi phục thậm chí dễ bị loét sâu hơn.

Những lưu ý cho người mắc viêm hang vị dạ dày

Ngoài việc phải nắm được viêm hang vị dạ dày nên ăn gì, kiêng gì, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Cần ăn uống đúng giờ, chia làm nhiều bữa nhỏ, không được để cơ thể quá no hoặc quá đói sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày.
  • Nếu gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày, nên nghỉ ngơi thư giãn, tốt nhất là ngủ một giấc ngắn hoặc sử dụng các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà gừng… để cải thiện.
  • Nên ăn các món lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo 1 – 2 lần/tuần để giảm áp lực cho dạ dày
  • Ăn chín uống sôi, không vừa ăn vừa nói hoặc vừa ăn vừa làm việc, tránh vận động mạnh sau khi ăn
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, không thức khuya, tránh tình trạng mệt mỏi, căng thẳng kéo dài
  • Vận động cơ thể với các bài tập nhẹ nhàng vừa sức để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

Trên đây là một số thông tin giúp bạn xác định được khi bị viêm hang vị dạ dày nên ăn gì, kiêng ăn gì. Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, người bệnh nên thường xuyên thăm khám bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Viêm hang vị phù nề xung huyết là bị gì? Có nguy hiểm không?
  • Viêm xung huyết hang vị dạ dày: Dấu hiệu và thuốc điều trị
Nguồn: https://ihs.org.vn/viem-hang-vi-da-day-nen-an-gi-kieng-gi-13184.html

Xem thêm: Tiểu đường khi mang thai – Những điều bạn tuyệt đối không được bỏ qua

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!