Nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và phác đồ điều trị
Nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ thường gây đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này có thể không gây bất cứ triệu chứng lâm sàng nào. Chính vì vậy, điều trị Hp cho trẻ phải được cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế những can thiệp không cần thiết.
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ em
Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) là vi khuẩn gram âm có thể tồn tại và phát triển trong niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể thông qua đường miệng – miệng, phân – miệng hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng trung gian.
Men urease được vi khuẩn Hp bài tiết có khả năng trung hòa dịch vị, phá vỡ màng nhầy bảo vệ niêm mạc và giúp vi khuẩn tồn tại trong môi trường có độ axit cao. Tuy nhiên màng nhầy bị phá vỡ có thể khiến dịch vị xâm lấn, ăn mòn và gây viêm loét niêm mạc dạ dày. Do đó nhiễm vi khuẩn Hp có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề tiêu hóa như viêm loét dạ dày, loét hành tá tràng, trào ngược thực quản và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Thông thường, nhiễm vi khuẩn Hp thường xảy ra ở người trưởng thành. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Khác với người lớn, trẻ em có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh và thể trạng kém nên vi khuẩn có khả năng phát triển mạnh, làm tổn thương dạ dày và gây rối loạn hoạt động tiêu hóa.
Các dấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ em:
- Thường xuyên khó chịu và đau vùng thượng vị (vùng bụng trên)
- Đầy hơi, chướng bụng
- Ăn uống kém
- Ợ hơi, ợ chua, trớ thức ăn
- Buồn nôn và nôn mửa, nhất là sau khi ăn
- Trẻ sụt cân hoặc không tăng cân
- Hôi miệng
- Đôi khi có thể đi kèm với sụt cân, người xanh xao, uể oải và mệt mỏi
Các biểu hiện nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ em thường không đồng nhất do hệ miễn dịch và thể trạng ở từng trẻ có sự khác biệt. Đối với những trẻ lớn, triệu chứng có thể không rõ rệt, mờ nhạt và khó nhận biết.
Trẻ bị nhiễm vi khuẩn Hp – Do đâu?
Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm vi khuẩn Hp thường là do lây nhiễm từ người lớn thông qua đường miệng – miệng, phân – miệng và lây qua vật dụng trung gian (dụng cụ cá nhân, thiết bị y tế,…).
Các hoạt động có khả năng lây nhiễm vi khuẩn Hp cho trẻ nhỏ, bao gồm:
- Ăn uống chung với người lớn, dùng chung bát nước chấm hoặc được người lớn mớm thức ăn
- Người lớn thường hôn môi trẻ
- Ba mẹ nhiễm vi khuẩn Hp nhưng không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn
- Trẻ tiếp xúc với vi khuẩn thông qua gián, nhặng, ruồi,…
- Trẻ sử dụng nguồn thực phẩm nhiễm khuẩn
- Do trẻ thăm khám và điều trị tại các phòng khám nhỏ, không đảm bảo vô trùng các thiết bị y tế như dụng cụ đè lưỡi, thiết bị nha khoa, nội soi,…
- Trẻ tiếp xúc với vi khuẩn qua đất hoặc nguồn nước nhiễm khuẩn
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh và không biết cách vệ sinh cá nhân nên có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn Hp từ người thân trong gia đình hoặc từ môi trường xung quanh. Thống kê cho thấy, có hơn 85% trẻ nhiễm vi khuẩn Hp có ba hoặc mẹ dương tính với loại vi khuẩn này.
Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ bằng cách nào?
Các triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ thường không có tính điển hình cao. Vì vậy khi nhận thấy biểu hiện bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.
Xét nghiệm chẩn đoán Hp chỉ được thực hiện đối với trẻ bị viêm loét đường tiêu hóa đã được phát hiện qua nội soi và chụp X-Quang cản quang. Ngoài ra, các xét nghiệm này cũng được thực hiện khi trẻ bị đau bụng mãn tính hoặc có ba mẹ có tiền sử nhiễm vi khuẩn Hp hoặc bị ung thư dạ dày.
Một số xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn Hp ở trẻ em:
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi đường tiêu hóa, bác sẽ tiến hành thu thập mô niêm mạc ở dạ dày nhằm quan sát mô bệnh học. Xét nghiệm này giúp bác sĩ loại trừ một số khả năng có thể xảy ra như loạn sản ruột (giai đoạn tiền ung thư dạ dày).
- Nuôi cấy vi khuẩn: Mô niêm mạc dạ dày sẽ được nuôi cấy trong môi trường lý tưởng nhằm xác định chủng vi khuẩn gây bệnh và đánh giá mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với các loại kháng sinh. Ngoài việc xác định sự hiện diện của Helicobacter pylori, xét nghiệm này còn giúp bác sĩ xây dựng kháng sinh đồ phù hợp.
- Kỹ thuật sinh học phân tử (PCR): PCR giúp khuếch đại một đoạn ADN của vi khuẩn. Qua mã gen, bác sĩ có thể xác định được loại vi khuẩn hiện diện trong dạ dày. Xét nghiệm này cho kết quả chính xác cao nhưng có chi phí cao và ít cơ sở y tế thực hiện.
- Test hơi thở: Test hơi thở là một trong những kỹ thuật chẩn đoán vi khuẩn Hp không xâm lấn. Kỹ thuật này được thực hiện nhằm xác định carbon dioxide (sản phẩm bài tiết của vi khuẩn Hp) trong hơi thở. Test hơi thở không gây đau, khó chịu và hầu như không xâm lấn nên thường được ưu tiên sử dụng để tìm sự hiện diện của vi khuẩn ở trẻ nhỏ.
- Xét nghiệm phân: Khi dung nạp thức ăn, một lượng nhỏ vi khuẩn Hp sẽ theo thức ăn xuống tá tràng, đại tràng và được đào thải qua đường phân. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm phân để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn. Xét nghiệm này cho kết quả chính xác, không gây đau và khó chịu cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên quá trình lấy bệnh phẩm thường mất nhiều thời gian và tương đối bất tiện.
- Xét nghiệm nước bọt: Kháng thể của vi khuẩn Hp có thể tồn tại trong nước bọt và nước tiểu. Do đó ngoài những kỹ thuật xét nghiệm trên, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nước bọt để chẩn đoán vi khuẩn Hp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để thu thập thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết quả cuối cùng.
Khi nào cần điều trị vi khuẩn Hp cho trẻ?
Ở người trưởng thành, điều trị vi khuẩn Hp được chỉ định với hầu hết mọi trường hợp. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, bác sĩ chỉ cân nhắc điều trị trong những trường hợp cần thiết. Bởi dùng kháng sinh cho trẻ có thể gây ra một số tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Điều trị vi khuẩn Hp cho trẻ được cân nhắc trong những trường hợp sau:
- Trẻ bị viêm dạ dày Hp có cha hoặc mẹ bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc ung thư dạ dày
- Trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng dương tính với vi khuẩn Hp
- Bé bị viêm teo dạ dày và quan sát mô bệnh học nhận thấy hiện tượng chuyển sản ruột (giai đoạn tiền ung thư)
- Trẻ có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng và hiện nay dương tính với Helicobacter pylori
- Đối với trẻ em dương tính với vi khuẩn Hp nhưng chưa phát hiện bệnh lý ở dạ dày, tá tràng, bắt buộc phải tiến hành nội soi đường tiêu hóa trước khi can thiệp điều trị.
Trên thực tế ở một số trường hợp, vi khuẩn Hp có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào bất thường. Điều trị ở những trường hợp này thường không có giá trị lâm sàng, ngược lại còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vì vậy việc điều trị vi khuẩn Hp ở trẻ em phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những can thiệp không cần thiết.
Phác đồ điều trị Hp cho trẻ em
Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp cho trẻ em bao gồm ít nhất 2 loại kháng sinh và 1 – 2 loại thuốc làm giảm bài tiết axit dạ dày. Tuy nhiên trước khi xây dựng phác đồ, bác sĩ cần nuôi cấy vi khuẩn nhằm đánh giá mức độ nhạy cảm với kháng sinh để hạn chế tối đa nguy cơ vi khuẩn Hp kháng thuốc.
Thông thường, phác đồ điều trị vi khuẩn Hp được chỉ định trong 14 ngày. Tuy nhiên nếu không có đáp ứng tốt, thời gian điều trị có thể kéo dài trong nhiều tuần.
Phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori cho trẻ em:
– Trẻ dưới 8 tuổi:
- Amoxicillin + Metronidazole + PPI (thuốc ức chế bơm proton)
- Amoxicillin + Clarithromycin + PPI
– Trẻ trên 8 tuổi:
- Có thể áp dụng 1 trong 2 phác đồ trên
- Hoặc dùng Metronidazole + Doxycyclin/ Tetracyclin + PPI
– Liều dùng cụ thể:
- PPI (Omeprazole): 1mg/ kg/ ngày
- Amoxicillin: 50mg/ kg/ ngày
- Tetracyclin: 50mg/ kg/ ngày
- Doxycyclin: 5mg/ kg/ ngày
- Clarithromycin: 20mg/ kg/ ngày
Cần thông báo với bác sĩ độ tuổi và cân nặng chính xác của trẻ để được chỉ định phác đồ và hiệu chỉnh liều lượng phù hợp.
Sau khi kết thúc phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả tiệt trừ vi khuẩn Hp bằng kỹ thuật test hơi thở hoặc xét nghiệm phân. Các xét nghiệm này được thực hiện sau khi ngưng PPI 2 tuần và kháng sinh 4 tuần để đảm bảo kết quả chẩn đoán khách quan và chính xác nhất.
Điều trị vi khuẩn Hp thành công được xác định khi các xét nghiệm này đều cho kết quả (-) âm tính. Đối với trường hợp thất bại trong phác đồ điều trị đầu tiên, bác sĩ cần sinh thiết mô và nuôi cấy để xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn trước khi chỉ định phác đồ mới.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm vi khuẩn Hp
Sử dụng các loại thuốc tiệt trừ vi khuẩn Hp có thể khiến trẻ gặp phải một số phản ứng bất lợi như buồn nôn, nôn mửa, ăn uống kém, đau đầu,… Vì vậy bên cạnh phương pháp y tế, phụ huynh nên xây dựng chế độ chăm sóc khoa học nhằm làm giảm tác dụng phụ của thuốc, nâng cao hệ miễn dịch và thể trạng cho bé.
Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm vi khuẩn Hp:
- Nên tăng cường các nhóm thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn, chất xơ và vitamin như sữa chua, rau xanh, trái cây, các loại hạt và củ trong chế độ dinh dưỡng. Các thành phần này giúp tăng số lượng lợi khuẩn trong đường ruột, hỗ trợ điều hòa hoạt động bài tiết axit và co bóp của dạ dày.
- Nếu trẻ thường xuyên bị đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa,… phụ huynh nên cho trẻ ăn chín uống sôi, dùng thức ăn mềm, chia nhỏ khẩu phần để giảm áp lực lên dạ dày và đường ruột.
- Lựa chọn thực phẩm tươi sạch và cần ngâm rửa kỹ trước khi chế biến. Sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn ổ viêm loét ở dạ dày.
- Hướng dẫn trẻ cách rửa tay với xà phòng. Đồng thời dặn dò trẻ phải rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với nguồn nước, đất, động vật,…
- Cho trẻ ăn uống riêng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho người thân trong gia đình.
- Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo, các thành viên trong gia đình nên xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp và điều trị khi cần thiết.
- Cho trẻ uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời đưa trẻ tái khám theo lịch hẹn hoặc chủ động đến bệnh viện khi phát sinh các triệu chứng bất thường.
Điều trị nhiễm vi khuẩn Hp ở trẻ chỉ được cân nhắc trong những trường hợp cần thiết. Vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng sức khỏe và áp dụng phác đồ tiệt trừ vi khuẩn phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho con trẻ khi chưa tham vấn y khoa.
Tham khảo thêm: Viêm dạ dày HP nguy hiểm không? Dấu hiệu và cách điều trị
Xem thêm: Bệnh chàm sinh dục – Dấu hiệu và cách điều trị
Tin mới nhất
- Nguyên nhân ung thư đại tràng: Biết để phòng tránh!
- 10 bài thuốc đông y chữa đau dạ dày hiệu quả nhất
- 10 lợi ích từ bia tuyệt vời cho sức khỏe bạn cần biết
- Da bị nổi mụn nước và ngứa là bệnh gì? Cách điều trị hết ngứa, hết mụn nước
- Tác dụng tuyệt vời của việc dùng gạo lứt chữa thoái hóa khớp
- Công dụng của nấm liêm xanh trong việc hỗ trợ điều trị bệnh u não
- Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 15 câu hỏi về ung thư cổ tử cung: Đọc hiểu và Phòng tránh
- Viêm xoang bội nhiễm: Cẩn trọng với dạng viêm xoang nguy hiểm nhất
- Mách bạn 14 cách trị tiểu rắt tại nhà đơn giản mà hiệu quả
Video
- CHĂM SÓC NGƯỜI UNG THƯ Bệnh đau dây thần kinh tọa: Nhận biết triệu chứng và cách điều trị dứt điểm
- PHÒNG CHỐNG UNG THƯ 10 cách chữa đau họng cho bà bầu an toàn – tự nhiên
- Thị trường mua bán nấm lim xanh Giá nấm lim xanh trên thị trường nơi mua nấm lim ở đâu là chuẩn
- TIN TỨC UNG THƯ Các phương pháp điều trị vảy nến ở mặt được đánh giá cao