Chàm bìu là gì, ai hay bị? Dấu hiệu và cách trị bệnh
Chàm bìu là bệnh da liễu thường gặp ở nam giới, điển hình bởi tình trạng da bong vảy, dày sừng và gây ngứa ngáy. Bệnh lý này xảy ra chủ yếu ở người có chế độ dinh dưỡng không khoa học, vệ sinh vùng kín kém, mắc bệnh tiểu đường, suy thận mãn, căng thẳng thần kinh,…
Chàm bìu là bệnh gì?
Chàm bìu (Scrotal dermatitis) là một dạng tổn thương da xảy ra ở vùng bìu – cơ quan sinh dục ở nam giới. Tương tự bệnh chàm thông thường, chàm bìu đặc trưng bởi thương tổn da dày sừng, bong vảy, gây ngứa nhiều và có xu hướng lichen hóa theo thời gian. Bệnh lý này khởi phát do nhiều yếu tố cộng hưởng, trong đó quan trọng nhất là yếu tố tâm lý và các tác nhân dị ứng/ kích ứng.
Da bìu là vùng da có cấu trúc lỏng dẻo, mỏng và chứa nhiều mạch máu nên dễ bị sưng đỏ, viêm, phù nề, ngứa ngáy,… khi có tác động. Hơn nữa, vùng da này được bao phủ bởi quần áo, dễ ẩm ướt và có ma sát thường xuyên (dễ bùng phát thể chàm tiếp xúc).
Chàm bìu thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể hay chức năng sinh lý của nam giới. Tuy nhiên bệnh gây ngứa nhiều, dễ tái phát và dai dẳng nên có thể tạo cảm giác khó chịu, bứt rứt, giảm chất lượng đời sống tình dục và gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt.
Nguyên nhân & Đối tượng dễ mắc bệnh
Như đã đề cập, chàm bìu khởi phát chủ yếu do yếu tố tâm lý và một số yếu tố cộng hưởng khác như:
- Tác nhân dị ứng/ kích ứng: Chất nhuộm có trong vải, bao cao su, ảnh hưởng của thuốc kháng sinh, chất diệt tinh trùng có trong gel bôi trơn,… có thể gây kích ứng/ dị ứng da và bùng phát triệu chứng của bệnh chàm bìu.
- Ảnh hưởng của nhiễm trùng: Chàm bìu cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng của một số vấn đề nhiễm trùng do nhiễm HIV, Corynebacterium minutissimum, bệnh lime, sán máng, ghẻ, rận, giang mai,…
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Nam giới thiếu hụt kẽm, nicotinic acid và riboflavin thường có nguy cơ bị chàm bìu cao.
- Ảnh hưởng của các bệnh da liễu: Thống kê cho thấy, người mắc các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, vảy nến, viêm da tiết bã nhờn, lichen đơn mãn tính và bệnh Paget ngoài vú,… có khả năng phát triển tổn thương dạng chàm ở vùng da bìu.
Các đối tượng có nguy cơ bị chàm bìu cao:
- Người mắc bệnh tiểu đường và suy thận mạn
- Người có chế độ dinh dưỡng không khoa học
- Nam giới hoạt động tình dục quá độ và không an toàn
- Vệ sinh vùng kín kém
- Người làm công việc có tần suất tiếp xúc với dầu khoáng, dầu nhờn và Diesel cao
Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm bìu
Chàm bìu là hệ quả do nhiều yếu tố tác động, bao gồm yếu tố nội giới và ngoại giới. Khi có tác động, cơ thể có xu hướng phóng thích các chất trung gian hóa học và các chất ly giải protein, gây tổn thương da kèm ngứa ngáy và phát sinh phản ứng gãi.
Tác động cơ học (chà xát, gãi) lên vùng da này trong thời gian dài kích thích phản ứng viêm, khiến da dày sừng, ngứa ngáy và có dấu hiệu lichen hóa. Hiện tượng này kéo dài làm giảm hàng rào bảo vệ da, tăng tính thấm tế bào, tạo điều kiện cho các tác nhân dị ứng dễ dàng xâm nhập và gây tái phát bệnh thường xuyên.
Các triệu chứng điển hình của bệnh chàm bìu:
- Chàm bìu typ 1 (thể cấp): Thương tổn ở dạng khô, có mức độ và ranh giới rõ. Ban đầu bệnh gây rát bỏng kèm ngứa ngáy. Tuy nhiên sau khoảng vài ngày đến vài tuần, tổn thương da có xu hướng bong vảy và tự khỏi.
- Chàm bìu typ 2 (thể khô, mãn tính): Vùng da bìu giảm sắc tố hoặc xuất các mảng da đỏ, bong vảy trắng, kèm ngứa ngáy và bỏng rát. Ở một số trường hợp, thương tổn có thể lan đến thân dương vật và vùng bẹn đùi.
- Chàm bìu typ 3 (thể ướt, mãn tính): Da bìu luôn trong trạng thái ẩm ướt, bề mặt da có nhiều mảng trắng, rỉ nước, nứt nẻ, đôi khi gây giãn mao mạch và đau nhức nhiều.
- Chàm bìu typ 4 (thể phù, loét): Đặc trưng bởi tình trạng da bìu sưng nề nặng, kèm dịch/ mủ từ các vết loét/ nứt nẻ. Ở thể này, thương tổn da thường gây đau nghiêm trọng và có thể dẫn đến hoại tử.
Bệnh chàm bìu có lây không? Nguy hiểm không?
Chàm bìu là bệnh da liễu thường gặp ở nam giới, cơ chế khởi phát có liên quan đến yếu tố tâm lý và các tác nhân cộng hưởng. Do đó bệnh hầu như không lây nhiễm thông qua tiếp xúc vật lý hay quan hệ tình dục. Hơn nữa, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có mức độ nhẹ đến trung bình và đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị.
Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, chàm bìu có thể xảy ra do các bệnh nhiễm trùng – trong đó có giang mai, HIV, ghẻ, rận,… Các bệnh lý này có mức độ nặng nề, khả năng lây nhiễm cao, dẫn đến suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho thương tổn da lan rộng, dai dẳng và tái phát nhiều lần. Ở những trường hợp này, chàm bìu thường phát triển thành typ 4 – thể phù, loét và có nguy cơ hoại tử.
Vì vậy khi nhận thấy da bìu xuất hiện các triệu chứng bất thường, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị tương ứng.
Chẩn đoán bệnh chàm bìu bằng cách nào?
Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám tổn thương thực thể và đặt một số câu hỏi liên quan (có kèm ngứa, nóng rát, thời điểm phát bệnh,….). Sau đó, bạn có thể thực hiện xét nghiệm test áp da để tìm dị nguyên.
Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự như:
- Nấm nông: Vùng da bìu ẩm ướt nên thường có nguy cơ nhiễm nấm men. Nấm da bìu thường gây tổn thương hình đa cung hoặc hình tròn, có ranh giới rõ, thường có hiện tượng bong vảy ở phần rìa tổn thương và gây ngứa nhiều. Chẩn đoán bệnh bằng cách nhuộm soi có nấm hoặc soi trực tiếp.
- Bệnh Paget ngoài vú: Bệnh lý này thường ảnh hưởng đến vùng da bìu, đặc trưng bởi triệu chứng đỏ da, bong vảy, viêm và đôi khi đi kèm loét. Cần dựa vào hóa mô miễn dịch và mô bệnh học để xác định bệnh.
- Lichen đơn mãn tính ở bìu: Đặc trưng bởi thương tổn có ranh giới rõ, tăng/ giảm sắc tố và có dấu hiệu dày sừng.
- Hội chứng miệng-mắt-sinh dục do thiếu kẽm/ riboflavin: Hội chứng này thường gây viêm da bìu, viêm lưỡi, viêm môi và viêm góc miệng. Ngoài ra thiếu hụt kẽm/ riboflavin còn gây ra tình trạng sợ ánh sáng.
Các biện pháp điều trị bệnh chàm bìu
Chàm bìu thường có đáp ứng tốt với điều trị. Các biện pháp thường được áp dụng, bao gồm:
1. Sử dụng thuốc Tây
Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh chàm bìu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng lâm sàng. Một số loại thuốc phổ biến, gồm có:
- Thuốc kháng histamine: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm phóng thích chất trung gian hóa học (histamine) nhằm giảm ngứa ngáy và hạn chế thương tổn da. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây buồn ngủ và thiếu tập trung trong thời gian sử dụng.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa và cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh ở người bị chàm bìu mãn tính, hay tái phát. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường được dùng chủ yếu là Amitriptyline với liều lượng từ 25 – 50mg/ ngày.
- Thuốc bôi chứa stetoid: Thuốc có tác dụng chống viêm và chống dị ứng. Do vùng da bìu khá mỏng và dễ phát sinh hiện tượng giãn mao mạch nên lựa chọn ưu tiên là thuốc steroid có hoạt lực nhẹ với liều dùng 1 lần/ tuần.
- Viên uống bổ sung: Trong trường hợp khởi phát do thiếu hụt chất dinh dưỡng, bác sĩ có thể kê toa viên uống bổ sung kẽm, acid nicotinic hoặc riboflavin.
- Kháng sinh: Nếu có bội nhiễm, có thể dùng kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống tùy vào mức độ nhiễm khuẩn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Bệnh chàm nói chung và chàm bìu nói riêng thường gây suy giảm hàng rào bảo vệ da. Vì vậy cần sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên nhằm củng cố sức đề kháng cho da và giảm tình trạng mất nước.
2. Áp dụng bài thuốc Đông y
Nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Tây, bạn có thể tìm gặp bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn về các bài thuốc Đông y điều trị chàm bìu.
- Bài thuốc trị chàm bìu thể cấp tính: Dùng long đởm thảo và sơn chi mỗi thứ 8g, khổ sâm, trạch tả, mộc thông, hoàng cầm, xa tiền tử và sinh địa mỗi thứ 12g. Đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc trị chàm bìu thể mãn tính: Chuẩn bị các nguyên liệu như trên, đem tán bột các vị và làm thành hoàn. Mỗi ngày uống 20g hoàn cho đến khi bệnh khỏi.
3. Các biện pháp khác
Ngoài các biện pháp nói trên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị chàm bìu khác như:
- Trị liệu bằng ánh sáng: Biện pháp sử dụng ảnh hưởng tia UVB dải hẹp với bước sóng 311nm nhằm làm sạch thương tổn da, giảm ngứa ngáy và ức chế tăng sinh tế bào sừng.
- Kiểm soát các tác động cơ học: Các tác động cơ học như chà xát, gãi,… là nguyên nhân khiến chàm tiến triển mãn tính và tái phát thường xuyên. Do đó cần hạn chế các tác động cơ học nói trên. Bên cạnh đó, nên mặc quần lót có chất liệu mềm, rộng và thấm hút để giảm ma sát lên da.
- Loại bỏ tác nhân kích thích: Cần cách ly với tác nhân kích thích (bao cao su, gel bôi trơn,…) và kiểm soát/ điều trị dứt điểm các bệnh lý ảnh hưởng.
- Hỗ trợ tâm lý: Tâm lý là yếu tố chính trong cơ chế hình thành bệnh chàm bìu. Vì vậy ở những trường hợp bệnh kéo dài, nên điều trị tâm lý để cải thiện mức độ thương tổn da và giảm nguy cơ tái phát.
Phòng ngừa chàm bìu tái phát và tiến triển xấu
Song song với các phương pháp điều trị, bạn nên thực hiện đồng thời một số biện pháp nhằm phòng ngừa bệnh tái phát và chuyển biến theo chiều hướng xấu như:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách – nhất là sau khi quan hệ tình dục nhằm giữ cho vùng da này luôn trong trạng thái thông thoáng.
- Lựa chọn quần lót có chất liệu mềm, thấm hút và kích cỡ phù hợp. Thường xuyên giặt quần lót và phơi dưới trời nắng để loại bỏ nấm men và vi khuẩn.
- Thận trọng khi lựa chọn bao cao su, gel bôi trơn, sữa tắm,… Có thể trao đổi với bác sĩ da liễu để được tư vấn các sản phẩm an toàn và lành tính.
- Tránh căng thẳng bằng cách giảm thời gian làm việc, nghỉ ngơi điều độ, quan hệ tình dục lành mạnh và ăn uống khoa học.
- Tăng cường luyện tập nhằm nâng cao sức khỏe và giải phóng suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên nên ưu tiên các bộ môn ít đổ mồ hôi như bơi lội và yoga. Chạy bộ, đạp xe, gym,… có thể làm tăng ma sát lên vùng da bìu, khiến da đổ nhiều mồ hôi và dễ kích thích chàm bùng phát.
Chàm bìu là bệnh ngoài da thường gặp và hiếm khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gây ngứa ngáy dữ dội và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy bạn cần điều trị sớm và chủ động phòng ngừa nhằm kiểm soát hoàn toàn triệu chứng và tiến triển của bệnh.
Tham khảo thêm: Chàm đồng tiền là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị
Tin mới nhất
- Cách sử dụng kem chống nắng phát huy hết tác dụng
- Cách trị đau lưng bằng cây đu đủ có thực sự hiệu quả?
- Bạch cương tàm điều trị nám tàn nhang, liệt dương, động kinh
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp
- Cảm giác chán ăn buồn nôn – Nguyên nhân và cách khắc phục
- VIÊN UỐNG TRẮNG DA
- Ngăn ngừa bệnh gan tiềm ẩn từ nấm lim xanh cổ truyền Tiên Phước
- Cùng uống trà nghệ để cơ thể khỏe hơn mỗi ngày
- Bật mí 8 cách giảm đau gout cấp tốc tại nhà từ chuyên gia
- Điều trị rối loạn nội tiết tố nữ bằng cách nào hiệu quả ?