Lao thanh quản là bệnh gì? Hình ảnh, chẩn đoán và điều trị
Lao thanh quản là căn bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao Mycobacterium gây ra, gây ảnh hưởng đến giọng nói, đường nuốt và hô hấp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh lao thanh quản, cách điều trị hiệu quả giúp đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng của bệnh.
Lao thanh quản là gì?
Lao thanh quản là một dạng bệnh viêm thanh quản do vi trùng lao Mycobacterium gây ra. Đây là một thể lao bên ngoài phổi thứ phát, bệnh hình thành và phát triển ở thanh quản. Biểu hiện lao ở thanh quản rất đa dạng, được chia thành những thể sau đây:
- Thể thâm nhiễm
- Thâm nhiễm phù nề
- Thâm nhiễm sùi
- Thâm nhiễm loét
- Thể u lao
- Thể lao kê
Theo chuyên gia, lao thanh quản là căn bệnh rất hiếm gặp và có khả năng lây nhiễm sang người khác rất cao. Khi mắc bệnh, giọng nói của bạn sẽ có sự thay đổi và cảm thấy khó khăn hơn khi hô hấp.
Nguyên nhân gây bệnh lao thanh quản
Tác nhân chính gây ra bệnh lao thanh quản là vi khuẩn lao M.tuberculosis. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao bắt đầu tấn công vào máu, bạch huyết và đường hô hấp để đi đến các bộ phận khác trên cơ thể. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao thanh quản là:
- Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, không tiêm phòng BCG.
- Sống ở những nơi đói nghèo, môi trường làm việc bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh.
- Mắc các căn bệnh mãn tính làm suy giảm hệ miễn dịch như gan, tiểu đường, thận,…
- Mắc một số bệnh cấp tính như cúm, quai bị, sởi.
- Mắc bệnh ung thư khiến hệ miễn dịch suy giảm, không có khả năng chống lại tác nhân gây hại.
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài làm suy giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch.
- Thường xuyên sử dụng đồ uống chứa cồn và chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
Dấu hiệu nhận biết bệnh lao thanh quản
Lao thanh quản khi mới phát triển, người bệnh sẽ có triệu chứng hay sốt về chiều và sụt cân. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương do bệnh gây ra mà các triệu chứng toàn thân sẽ có sự khác nhau ở mỗi trường hợp.
Triệu chứng cơ năng
- Khàn tiếng: Đây là triệu chứng xuất hiện rất sớm là thường gặp nhất khi bị lao thanh quản, ban đầu là khàn nhẹ lâu dần tiếng nói sẽ mất hẳn.
- Nuốt vướng, đau: Nếu sụn phễu và mép sau bị tổn thương sẽ gây đau khi nuốt, cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh ăn, ho hoặc là nói
- Khó thở: Khi bệnh bước sang giai đoạn cuối gây tổn thương nặng nề cho phổi và người bệnh sẽ cảm thấy rất khó thở.
- Ho: Khi bị lao thanh quản, người bệnh thường có triệu chứng ho nhiều, ho khan và từng cơn.
Triệu chứng thực thể
Khi bác sĩ tiến hành thăm khám và kiểm tra bằng các thủ thuật y khoa sẽ thấy vùng thanh quản có các triệu chứng sau:
Giai đoạn đầu: Lớp niêm mạc thanh quản có màu đỏ hồng, hai dây thanh có dấu hiệu sưng đỏ. Sau vài ngày, một dây thanh quản trở lại bình thường, dây còn lại vẫn bị viêm khiến một nửa thanh quản bị sung huyết nhẹ, gây khàn tiếng.
Giai đoạn thứ hai: Khi bệnh lao thanh quản bước sang giai đoạn thứ hai sẽ có các triệu chứng nặng hơn. Vùng dây thanh có dấu hiệu phù nề, lở loét và xuất hiện các nốt sùi đan xen nhau, trong đờm có xuất hiện rất nhiều vi khuẩn lao.
- Phù nề: lớp niêm mạc dày, sưng đỏ và có một vài điểm màu xám nhạt. Nếu toàn bộ bờ thanh quản bị phù nề thì sẽ gây biến dạng thanh quản.
- Loét: Trên lớp niêm mạc bị phù nề sẽ xuất hiện các vết loét, lớp niêm mạc xung quanh vết loét sẽ bị sưng phù, chứa nhiều nước, khi quan sát sẽ thấy có các chấm sáng. Nếu những nang lao này bị vỡ sẽ tạo ra những vết loét lớn và xuất hiện những khối u nhỏ.
- Sùi: Ở mép sau và dọc theo bờ các vết loét có sự xuất hiện của các nốt sùi có hình dạng như súp lơ.
Giai đoạn thứ ba: Ở giai đoạn này, bệnh lao đã tấn công vào sâu trong lớp màng sụn và gây hoại tử.
Hình ảnh về bệnh lao thanh quản
Phương pháp chẩn đoán bệnh lao thanh quản
Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lao thanh quản thông qua các triệu chứng lâm sàng. Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị mắc lao thanh quản, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh như:
– Chẩn đoán xác định lao thanh quản:
- Soi thanh quản: thủ thuật này giúp phát hiện các vết sùi, loét, phù nề bên trong thanh quản.
- Sinh thiết tổn thương thanh quản: Đây là cách giúp chẩn đoán chính xác bệnh lao thanh quản, sinh thiết sẽ được lấy ngay tại vùng bị tổn thương.
– Chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau đây:
- Viêm thanh quản xuất tiết
- Viêm thanh quản mạn tính
- Papilôm thanh quản
- Nấm thanh quản
- Bạch sản thanh quản
- Ung thư thanh quản
Cách điều trị bệnh lao thanh quản
Khi phát hiện bệnh lao thanh quản, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và phác đồ điều trị phù hợp. Lúc này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc chống viêm, thuốc chống phù nề giúp ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện tình trạng bệnh.
– Điều trị đặc hiệu:
- Điều trị theo hai giai đoạn là tấn công và duy trì. Giai đoạn tấn công sẽ điều trị kéo dài từ 2 – 3 tháng, giai đoạn duy trì sẽ kéo dài 4 – 6 tháng.
- Phác đồ điều trị kiểm soát bệnh sẽ dựa trên chương trình DOTS: 2RHSZ/6HE, SHRZE/1HRZE/5H3R3E3.
– Điều trị không đặc hiệu:
- Người bệnh không nên làm việc, nên có chế độ nghĩ ngơi phù hợp giúp sức khỏe có thể hồi phục một cách nhanh chóng.
- Chế độ dinh dưỡng của người bệnh phải cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, giúp sức khỏe nhanh chóng phục hồi, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây hại.
- Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến bệnh chuyển biến nặng và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
- Trong quá trình điều trị, không nên quá lạm dụng giọng nói sẽ gây kích thích đến vùng thanh quản.
- Nếu lao thanh quản gây ra biến chứng khiến người bệnh cảm thấy khó thở, bác sĩ sẽ tiến hành mở khí quản giúp quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi hơn.
– Tiên lượng:
- Trường hợp lao thanh quản đơn thuần, nếu áp dụng phác đồ điều trị phù hợp thì sau điều trị bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
- Trường hợp nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc bệnh nhân sẽ phải phối hợp sử dụng nhiều loại thuốc, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng nhóm quinolon có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Lao thanh quản rất dễ bị nhầm lẫn một số bệnh ở đường hô hấp khác như cảm cúm, viêm thanh quản, u nang thanh quản,… Vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị sẽ khiến bệnh trở nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị và nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh lao thanh quản có lây không?
Lao thanh quản là căn bệnh có khả năng lây nhiễm rất nhanh thông qua đường hô hấp. Nếu người bình thường có tiếp xúc với dịch nước bọt hoặc đờm của người bệnh, các vi khuẩn lao sẽ theo đó xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Những trường hợp người bệnh đã tiến hành điều trị thuốc trên 2 tuần, thực hiện xét nghiệm đờm AFB cho ra kết quả âm tính thì sẽ không có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác. Vì vậy, bạn cần phải thận trọng khi tiếp xúc với người bệnh lao thanh quản và có các biện pháp phòng tránh hiệu quả như:
- Bệnh nhân bị lao thanh quản cần được cách ly ở ra phòng riêng sạch sẽ và thoáng khí.
- Người bệnh tuyệt đối không ho khạc đờm lung tung, điều này sẽ khiến vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập vào không khí và lây nhiễm cho người khác.
- Không nên sử dụng chung vật dụng cá nhân với những người đang bị nhiễm bệnh.
- Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và tụ tập tại những nơi đông người, nên có các biện pháp bảo vệ bản thân khi ra ngoài.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên giặt giũ và phơi chăn, chiếu, màn,…dưới nắng to để loại bỏ các tác nhân gây hại.
Trên đây là những thông tin về bệnh lao thanh quản chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo. Hy vọng chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh, có các biện pháp điều trị và phòng tránh hiệu quả để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất. Lao thanh quản là một căn bệnh có khả năng lây nhiễm rất lớn và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, khi thấy các dấu hiệu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- U nang thanh quản là gì, nguy hiểm không và cách điều trị
- Polyp thanh quản là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Xem thêm: 5 loại chất chống lão hóa hiệu quả để sống khỏe trẻ lâu
Tin mới nhất
- Hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả với nấm lim xanh rừng tự nhiên
- Bệnh tiểu đường nên ăn gì là tốt cho sức khỏe?
- 12 lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe
- Vi khuẩn Hp (H. pylori) là gì? Có lây không? Nguy hiểm không?
- Trào ngược dạ dày độ a là gì? Nặng hay nhẹ? Nguy hiểm không?
- Thuốc và cách giảm đau bệnh trĩ nhanh chóng, hiệu quả 2020
- Chùm Ngây: Loài Cây Vạn Năng
- Uống tam thất chữa u xơ tử cung – Điều cần biết
- Omega 3 là gì? Công dụng và cách bổ sung cho cơ thể
- Tác dụng của đông trùng hạ thảo loại tiên dược chốn nhân gian có thể bạn chưa biết