Mất ngủ triền miên là bệnh gì, phải làm sao chữa?

Mất ngủ triền miên là hệ quả do bệnh trầm cảm, suy nhược thần kinh, cường giáp và một số bệnh lý về hô hấp. Mất ngủ kéo dài không chỉ khiến sức khỏe suy yếu mà còn tăng nguy cơ đột quỵ, mắc các bệnh tim mạch và làm giảm tuổi thọ.

Mất ngủ triền miên thường là hệ quả do một số bệnh lý tâm thần, hô hấp, tiêu hóa,…

Mất ngủ triền miên và dấu hiệu nhận biết

Mất ngủ triền miên là tình trạng mất ngủ, khó ngủ và ngủ chập chờn kéo dài hơn 3 tuần. Tình trạng này còn được gọi là mất ngủ mãn tính hoặc mất ngủ kinh niên.

Mất ngủ triền miên được xác định khi bạn mất ngủ ít nhất 3 đêm/ tuần kéo dài khoảng 3 tuần hoặc lâu hơn. Thông thường, tình trạng mất ngủ mãn tính thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh và người có vấn đề sức khỏe đặc biệt.

Mất ngủ đặc trưng bởi tình trạng ngủ không sâu giấc, thường xuyên thức dậy nửa đêm, khó ngủ,…

Dấu hiệu nhận biết mất ngủ kéo dài, bao gồm:

  • Thường xuyên thức dậy giữa đêm
  • Khó ngủ
  • Buồn ngủ nhưng không ngủ được
  • Dễ cáu gắt
  • Giảm trí nhớ
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy chán nản
  • Buồn bã

Mất ngủ triền miên là bệnh gì?

Khác với mất ngủ tạm thời, mất ngủ kéo dài thường khởi phát do một số bệnh lý tiềm ẩn như:

1. Suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là thuật ngữ đề cập đến các rối loạn thần kinh do căng thẳng hoặc dư chấn tâm lý nặng nề. Bệnh lý này có xu hướng phát triển sau khi có các nhân tố kích thích như cuộc sống quá căng thẳng, áp lực từ công việc, nghiện rượu, thiếu ngủ trong nhiều ngày, suy dinh dưỡng,…

Mất ngủ kéo dài có thể là hệ quả do chứng suy n
hược thần kinh

Suy nhược thần kinh gây ra tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc và thường xuyên nằm mơ khi ngủ. Ngoài ra bệnh lý này còn khiến hệ thần kinh nhạy cảm hơn với ánh sáng và tiếng động. Chỉ một âm thanh nhỏ cũng có thể khiến bạn thức giấc và khó khăn để ngủ trở lại.

2. Trầm cảm

Trầm cảm là bệnh lý tâm thần khá phổ biến, đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh thường khởi phát do căng thẳng, dư chấn tinh thần nặng nề, chấn thương não bộ,… Một số trường hợp trầm cảm không thể xác định được nguyên nhân, còn gọi là trầm cảm nội sinh.

Chứng bệnh này gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ (chiếm 95% trường hợp bệnh nhân), mất hứng thú, nét mặt buồn rầu, mệt mỏi, giảm tập trung,…

3. Rối loạn nội tiết tố

Mất ngủ kéo dài cũng có thể là hệ quả của rối loạn nội tiết tố ở nữ giới. Ngoài khả năng sản xuất trứng, điều hòa kinh nguyệt và ham muốn tình dục, nội tiết tố còn ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên và não bộ.

Rối loạn nội tiết không chỉ ảnh hưởng đến kinh nguyệt và sinh lý nữ mà còn tác động đến giấc ngủ

Rối loạn nội tiết có thể gây áp lực lên hệ thần kinh trung ương, làm giảm chức năng tuyến yên và một số cơ quan khác. Do đó trong trường hợp này, bạn có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm trí nhớ,…

4. Cường giáp

Cường giáp hay còn gọi là tăng chức năng tuyến giáp bất thường. Thuật ngữ này đề cập đến trạng thái tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng dư thừa hormone và tăng quá trình trao đổi chất.

Tuyến giáp gia tăng hoạt động có thể gây rối loạn nhịp tim, tiêu chảy, đổ nhiều mồ hôi và lo lắng quá mức. Các triệu chứng này có thể gây ra cảm giác khó chịu, làm giảm sức khỏe và gây ra tình trạng mất ngủ triền miên.

5. Viêm khớp mãn tính

Viêm khớp mãn tính là bệnh xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh có tiến triển mãn tính, kéo dài và dai dẳng. Các triệu chứng của bệnh thường bùng phát vào ban đêm, khiến bạn tỉnh giấc và tăng nguy cơ mất ngủ. Trong giai đoạn cấp tính, cơn đau nhức ở khớp có thể khiến bạn mất ngủ triền miên, suy giảm sức khỏe và mệt mỏi.

6. Các chứng bệnh hô hấp

Ngoài ra chứng mất ngủ triền miên còn có thể xảy ra do một số bệnh lý hô hấp sau:

Triệu chứng của các bệnh hô hấp có thể bùng phát vào ban đêm và gây gián đoạn giấc ngủ
  • Hen suyễn: Hen suyễn là bệnh lý bẩm sinh xảy ra khi các cơ xung quanh đường thở bị thắt chặt, làm giảm lưu lượng không khí và gây ra tình trạng khó thở. Cơn hen cấp thường có xu hướng bùng phát vào ban đêm (do nhiệt độ xuống thấp), gây gián đoạn giấc ngủ và mất ngủ kéo dài.
  • Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ là hệ quả do một số bệnh lý hô hấp như phì đại VA hoặc amidan. Tình trạng này thường khiến bạn thức giấc vào nửa đêm và khó khăn để ngủ trở lại.
  • Tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD): COPD là bệnh lý đặc trưng bởi triệu chứng khó thở và ho. Tương tự hen suyễn, các triệu chứng này có xu hướng bùng mạnh vào ban đêm và gây ra chứng mất ngủ triền miên.

7. Những bệnh lý khác

Bên cạnh đó, tình trạng mất ngủ kéo dài còn có thể xảy ra do những vấn đề sức khỏe sau đây:

  • Trào ngược axit dạ dày
  • Mãn kinh
  • Bệnh Parkinson
  • Tiểu không tự chủ
  • Bệnh tiểu đường
  • Men gan cao
  • Suy tim sung huyết
  • Vảy nến
  • Dị ứng
  • Bệnh Alzheimer

Một số nguyên nhân khác gây mất ngủ triền miên

Ngoài nguyên nhân bệnh lý, mất ngủ triền miên cũng có thể xảy ra do những yếu tố sau:

Dùng thuốc điều trị trong thời gian dài có thể gây mất ngủ, khó ngủ và một số tác hại khác
  • Áp lực do công việc và học tập: Học tập và làm việc hơn 8 giờ/ ngày trong thời gian dài có thể gây áp lực lên não bộ và khiến hệ thần kinh trung ương luôn trong trạng thái “hoạt động”. Tình trạng này kéo dài có thể gây stress, trầm cảm và mất ngủ triền miên.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Điều trị dài hạn bằng thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc nhuận tràng,… có thể gây ra tình trạng khó ngủ và mất ngủ kéo dài.
  • Rối loạn giờ giấc sinh hoạt: Một số người trẻ thường xuyên thức khuya để làm việc, xem phim, học tập,… và có xu hướng thức dậy muộn vào ngày hôm sau. Thói quen này kéo dài có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học và dẫn đến chứng mất ngủ mãn tính.

Tác hại của chứng mất ngủ triền miên

Mất ngủ triền miên thường gây ra tình trạng lờ đờ, thiếu tập trung, giảm hiệu suất học tập và làm việc. Bên cạnh đó ở những trường hợp không can thiệp điều trị, chứng bệnh này có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng khác như:

Mất ngủ kéo dài làm tăng áp lực lên tim mạch, gây huyết áp cao, suy tim sung huyết và thiếu máu cơ tim
  • Giảm tuổi thọ: Nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Arizona trên 1409 người cho thấy, mất ngủ kéo dài làm tăng 58% nguy cơ tử vong.
  • Tăng huyết áp: Mất ngủ gây tăng áp lực lên tim mạch, dẫn đến hiện tượng huyết áp cao và các bệnh lý về tim khác như suy tim sung huyết, thiếu máu cơ tim,…
  • Kích thích phản ứng viêm: Các chuyên gia cho biết, thiếu ngủ và mất ngủ kéo dài có thể kích thích phản ứng viêm trong cơ thể và làm bùng phát triệu chứng của các bệnh mãn tính.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ: Nghiên cứu tại Đại học Cambridge ở Anh trên 9000 người cho thấy, ngủ ít hơn 6 giờ/ ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 46%.

Bên cạnh đó, mất ngủ triền miên còn gây suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, xuất tinh sớm và một số bệnh sinh lý khác.

Bị mất ngủ triền miên phải làm sao?

Mất ngủ triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất. Ngoài ra tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm và gây giảm tuổi thọ. Do đó khi nhận thấy mất ngủ kéo dài, bạn nên tiến hành thăm khám và điều trị để ngăn chặn tác hại và bảo vệ sức khỏe.

1. Thăm khám bác sĩ

Để xác định nguyên nhân gây mất ngủ triền miên, bạn nên tìm gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh lý và các triệu chứng lâm sàng được cung cấp để xác định nguyên nhân.

Mất ngủ triền miên là biểu hiện của các bệnh lý tiềm ẩn, vì vậy bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất

Chẩn đoán nguyên nhân là yếu tố quan trọng trong quá điều trị. Vì vậy bạn cần phải thăm khám trước khi tiến hành các phương pháp khắc phục và cải thiện.

2. Tiến hành điều trị

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị bạn áp dụng các biện pháp điều trị sau:

– Liệu pháp hành vi nhận thức

Liệu pháp hành vi nhận thức là phương pháp điều trị ưu tiên với những người bị mất ngủ triền miên. Phương pháp này có thể cải thiện giấc ngủ, điều chỉnh hành vi và cân bằng cảm xúc.

Liệu pháp này bao gồm một số kỹ thuật sau:

  • Kiểm soát kích thích
  • Kỹ thuật nhận thức
  • Kỹ thuật thư giãn
  • Ý định nghịch lý

– Dùng thuốc ngủ

Với những trường hợp mất ngủ nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc an thần và gây ngủ để cải thiện.

Các loại thuốc có thể được sử dụng, bao gồm:

  • Temazepam
  • Ramelteon
  • Doxepin
  • Zolpidem
  • Diazepam
  • Thuốc bổ sung
    Melatonin

Thuốc ngủ có thể cải thiện các triệu chứng rối loạn giấc ngủ nhanh chóng. Tuy nhiên nhóm thuốc này không tác động đến nguyên nhân, do đó bạn cần phối hợp việc sử dụng với một số biện pháp khác. Ngoài ra, lạm dụng thuốc ngủ có thể gây ra một số tác hại như tăng đường huyết, phát triển vú ở nam giới, vàng da, an thần quá mức,…

– Bài thuốc Đông Y

Bên cạnh việc sử dụng thuốc ngủ, bạn cũng có thể làm giảm chứng mất ngủ triền miên bằng cách dùng bài thuốc Đông Y. Các bài thuốc này tận dụng đặc tính an thần, thanh tâm và ích khí của các dược liệu để bồi bổ sức khỏe, giúp ăn khỏe và ngủ ngon.

Các bài thuốc từ Đông y có tác dụng thanh tâm, định thần, bổ huyết và ngủ ngon

Bài thuốc 1: Thích hợp với người ngủ mơ màng, dễ thức giấc, ăn uống kém và suy giảm trí nhớ.

  • Chuẩn bị: Sinh khương 3 lát, phục linh 10g, tri mẫu 10g, bá tử nhân 10g, viễn chí 10g, mộc hương (mài sống) 5g, long nhãn 10g, bạch truật 10g, đảng sâm 12g, đương quy 8g, đại táo 3g, phục thần 12g, ngũ vị tử 5g, táo nhân (sao đen) 12g, xuyên khung 5g và cam thảo 3g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc 2: Thích hợp với người ngủ không ngon, mất ngủ, ăn không ngon miệng, hay quên, tim đập nhanh và tinh thần uể oải.

  • Chuẩn bị: Bá tử nhân, nhân sâm, đương quy, phục linh và phục thần mỗi thứ 12g, nhục quế 6g, ngũ vị tử, viễn chí (bỏ lõi) và xuyên khung mỗi thứ 8g, chích cam thảo 4g và hoàng kỳ 16g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày.

Bài thuốc 3: Dành cho người mất ngủ, khi ngủ thường xuyên mơ thấy ác mộng.

  • Chuẩn bị: Toan táo nhân, long xỉ, phục thần, phục linh, xương bồ mỗi thứ 12g, viễn chí và nhân sâm mỗi thứ 8g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

Lưu ý: Trong trường hợp mất ngủ do các bệnh về hô hấp, xương khớp,… bạn cần sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh lý và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

3. Điều chỉnh lối sống và thay đổi thói quen

Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên sâu, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh để làm giảm các triệu chứng rối loạn giấc ngủ.

Giữ không gian phòng ngủ thông thoáng nhằm đem lại cảm giác thư giãn và thoải mái

Lối sống lành mạnh dành cho người bị mất ngủ kéo dài, bao gồm:

  • Không dùng đồ uống chứa cồn và caffeine như trà đặc, cà phê, rượu bia,…
  • Tránh ăn bữa tối quá no hoặc ăn quá sát giờ đi ngủ.
  • Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi,…
  • Tránh suy nghĩ quá nhiều trước khi ngủ, thay vào đó nên nghe nhạc, ngồi thiền và đọc sách để thư giãn đầu óc.
  • Tập thể dục 15 – 20 phút/ ngày giúp giải tỏa căng thẳng, giảm suy nhược cơ thể và điều hòa tuần hoàn máu. Thói quen này có thể giúp bạn nhanh chìm vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
  • Không ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và gia vị. Nên bổ sung nhiều nước, trái cây và rau xanh để điều hòa quá trình trao đổi chất và nâng cao thể trạng.
  • Không nên ngủ trưa quá lâu, chỉ nên ngủ từ 20 – 30 phút. Đồng thời cần tập thói quen ngủ và thức dậy đúng giờ.
  • Thay đổi không gian phòng ngủ nhằm tạo cảm giác thoải mái và thư giãn.

Mất ngủ triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và thể trạng. Vì vậy bạn cần tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị kịp thời.

Xem thêm: Hội chứng kém hấp thu

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!