Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Viêm cột sống dính khớp là căn bệnh dễ gây tàn phế nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, bạn nên thận trọng khi thấy các dấu hiệu mắc bệnh như đau âm ỉ ở thắt lưng, đau mông, sốt, chán ăn.

Bệnh viêm cột sống dính khớp là gì?

Viêm cột sống dính khớp là một dạng viêm khớp mãn tính với điểm đặc trưng là tình trạng dính liền của các đốt sống. Điều này khiến cho bệnh nhân bị đau và gặp khó khăn khi thực hiện các cử động động như cúi lên, cúi xuống, xoay người.

Khoảng 0,5 – 1,8% dân số trên toàn cầu mắc bệnh viêm cột sống dính khớp

Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, có khoảng 0,5 – 1,8% dân số bị bệnh. Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là nam giới trong lứa tuổi thiếu niên. Bệnh ít gặp ở phụ nữ và nếu có thì thường bị nhẹ hơn so với nam giới.

Bệnh viêm cột sống dính khớp có thể phát triển ở nhiều vị trí trên cơ thể như:

  • Khớp sacroiliac nằm giữa xương cùng và xương chậu
  • Các đốt sống ở khu vực thắt lưng
  • Những nơi mà gân và dây chằng gắn vào xương gắn cố định vào xương, chủ yếu là ở cột sống và phía sau gót chân.
  • Khớp kháng
  • Khớp vai
  • Sụn nằm giữa xương ức với xương sườn

Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra được cách chữa trị dứt điểm bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên việc điều trị đúng cách có thể giúp làm giảm triệu chứng và làm chậm lại tốc độ tiến triển của bệnh.

Nguyên nhân viêm cột sống dính khớp

Các nguyên nhân gây bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Các nhà nghiên cứu tin rằng, sự khởi phát của bệnh có mối liên quan mật thiết với yếu tố di truyền và gia đình. Đa số các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh đều mang trong mình gen HLA-B27. Mặc dù vậy, loại gen này cũng được tìm thấy ở 10% những người có sức khỏe bình thường và không hề có bất cứ triệu chứng nào của viêm cột sống dinh khớp.

Một số yếu tố cũng được xác định là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Giới tính: Bệnh phát triển ở nam nhiều hơn nữ
  • Tuổi tác: Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát ở giai đoạn tuổi thiếu niên hoặc dưới 20 tuổi.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người từng mắc bệnh hoặc có gen HLA-B27 thì bạn có nguy cơ mắc viêm cột sống dính khớp cao hơn hẳn so với người khác.
  • Môi trường sống: Môi trường sống bị ô nhiễm, ăn uống không hợp vệ sinh khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi trùng. Đây chính là thời cơ thuận lợi cho bệnh viêm cột sống dính khớp phát triển.
  • Thường xuyên sử dụng các chất kích thích: Mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng việc lạm dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá… có thể khiến các dấu hiệu bệnh tái phát và trở nên trầm trọng hơn.
  • Tổn thương khớp: Tổn thương ở các đốt sống và mô sụn có thể là mầm mống để căn bệnh này phát triển.
  • Lối sống không lành mạnh: Ít vận động, làm việc không đúng tư thế, lao động nặng nhọc, thừa cân, căng thẳng kéo dài… cũng là những yếu tố rủi ro thúc đẩy bệnh khởi phát.

Dấu hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp

Các triệu chứng thường gặp của viêm cột sống dính khớp bao gồm:

  • Đau và cứng cột sống: Bệnh nhân có thể bắt gặp các cơn đau liên tục ở lưng, mông và hông kéo dài hơn ba tháng. Cơn đau thường bắt đầu xung quanh khớp sacroiliac ( vị trí nối xương cùng và xương chậu) và sau đó lan rộng sang các vùng của cột sống. Kèm theo đó là tình trạng cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau khi vận động nhiều.
Bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp thường bị đau và cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Dính xương: Tình trạng viêm nhiễm, tổn tương có thể kích thích các tế bào xương phát triển quá mức, từ đó khiến xương nối liền với nhau. Tình trạng này xảy ra ở đốt sống cổ, lưng hay hôn
    g khiến bệnh nhân bị giảm khả năng vận động. Trong khi đó, nếu cột sống bị dính liền với xương sườn hay xương ức có thể gây khó khăn khi hít thở sâu do không thể mở rộng lồng ngực.
  • Viêm và đau ở gân, dây chằng: Hiện tượng viêm nhiễm có thể lan rộng từ cột sống đến các phần mềm xung quanh như dây chằng và gân gây đau ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Các triệu chứng toàn thân: Bên cạnh các dấu hiệu trên, người bị viêm cột sống dính khớp còn có các triệu chứng khác ngoài khớp như sốt, mệt mỏi, chán ăn, đỏ mắt…

Khi nào bạn nên tới gặp bác sĩ?

Bạn nên tới bệnh viện khám nếu:

  • Cơn đau cứng khớp xuất hiện và có khuynh hướng tệ hơn vào buổi sáng
  • Bạn bị mất ngủ hoặc thường xuyên bị đánh thức giữa đêm vì đau
  • Bệnh viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng đến mắt gây đỏ mắt, mờ mắt hoặc khiến mắt trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Bệnh viêm cột sống dính khớp có nguy hiểm không?

Khi bị viêm cột sống dính khớp nặng, các tế bào xương mới phát triển mạnh như một phần trong nỗ lực chữa lành của cơ thể. Phần xương mới này dần dần thu hẹp khoảng cách giữa các đốt sống và cuối cùng khiến chúng dính liền với nhau. Điều này có thể khiến cột sống trở nên cứng và kém linh hoạt khi vận động.

Người bệnh cũng có thể phải đối mặt với một số biến chứng sau:

  • Cứng lồng xương sườn, hạn chế dung lượng và chức năng phổi
  • Viêm màng bồ đào mắt
  • Gãy xương đốt sống
  • Biến dạng cột sống gây chèn ép vào tủy sống và dây thần kinh, nguy cơ bị tàn phế là rất cao
  • Thiếu máu
  • Viêm ruột
  • Một số vấn về tim mạch: Viêm động mạch chủ, biến dạng và suy yếu chức năng của van động mạch chủ ở tim.

Như vậy, bệnh viêm cột sống dính khớp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị tốt. Để ngăn chặn những rủi ro về mặt sức khỏe, bạn nên ý thức được tầm quan trọng của việc thăm khám, chẩn đoán và chữa trị bệnh ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp

Để khẳng định chính xác bạn có bị viêm cột sống dính khớp hay không và mức độ bệnh như thế nào, bác sĩ sẽ thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán như sau:

  • Thăm khám lâm sàng:

Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp tất cả các triệu chứng đang gặp phải, mức độ, thời điểm chúng diễn ra và tiền sử bệnh tật nếu có. Cùng với đó là cuộc kiểm tra thể chất để đánh giá sơ bộ về tình trạng sức khỏe của bạn hiện tại.

Bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu uốn cong người theo các hướng khau nhằm đánh giá được phạm vi chuyển động của cột sống. Bác sĩ có thể dùng tay ấn vào giữa các đốt sống hoặc xương chậu để xác định được vị trí đau.

Trường hợp bệnh gây ảnh hưởng đến khu vực xương ức và xương sườn, bác sĩ sẽ kiểm tra độ mở của lồng ngực bằng cách yêu cầu bạn hít thở thật sâu.

Bác sĩ khám chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp
  • Xét nghiệm máu:

Nếu các tế bào bạch cầu tăng đột biến trong máu, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị viêm, nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các chuyên viên trong phòng thí nghiệm cũng sẽ sử dụng máu của bạn để tìm kiếm sự hiện diện của gen HLA-B27.

  • Chẩn đoán hình ảnh:

Một số xét nghiệm hình ảnh cũng được sử dụng để chẩn đoán căn bệnh này như:

+ Chụp X-quang: Hình ảnh trên phim chụp X-quang cho phép bác sĩ nhìn ra được những thay đổi ở khớp, cột sống cũng như mô mềm xung quanh khu vực bị ảnh hưởng.

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sử dụng sóng radio kết hợp với từ trường mạnh giúp bác sĩ nhìn thấy hình ảnh chi tiết bên trong xương và mô mềm. Điều này sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm nhưng chi phí chụp MRI thường khá đắt đỏ so với chụp X- quang.

Cách điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp

Không có cách nào giúp điều trị khỏi bệnh viêm cột sống dính khớp. Mục tiêu của điều trị là cải thiện các triệu chứng, kiểm soát tốt bệnh và bảo tồn chức năng hoạt động của xương khớp. Nếu được chữa trị đúng cách, bạn vẫn có thể duy trì một cuộc sống bình thường.

1. Dùng thuốc chữa viêm cột sống dính khớp

Được chỉ định phổ biến là các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID):

Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm, chống đau nhức và cứng khớp vào buổi sáng. Bác sĩ có thể kê đơn các thuốc như Naproxen (Naprosyn), Aspirin và Indomethacin (Indocin). Các thuốc này khi sử dụng kéo dài có thể gây đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy bạn cần tuân thủ dùng đúng theo đơn của bác sĩ.

  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs):

Nếu dùng NSAID không đủ mạnh, bạn sẽ được chỉ định dùng các thuốc DMARDs như Methotrexate ( Rheumatrex). Chúng có tác dụng làm chậm tiến trình phá hủy của sụn và xương.

  • Thuốc sinh học:

Đây là một loại thuốc mới được chỉ định khi bạn dùng NSAID mà không thấy hiệu quả. Nhóm thuốc này bao gồm:

+ Thuốc chẹn TNF: Giúp ức chế hoạt động của một loại protein tế bào gây viêm trong cơ thể, qua đó giúp cải thiện tình trạng sưng đau và cứng khớp. Năm thuốc chẹn TNF được Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm phê duyệt để điều trị viêm cột sống dính khớp là: Adalimumab (Humira), Pegolumumab (Cimzia), Etanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), Golimumab (Simponi; Simponi Aria) và Secukinumab (Cosentyx). Chúng được sử dụng theo đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

+ Thuốc ức chế interleukin 17 (IL-17): Giúp giảm viêm, bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Các loại thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp kể trên tuy cho hiệu quả nhanh nhưng có thể kích hoạt lại bệnh lao tiềm ẩn và khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.

  • Thuốc chống trầm cảm: 

Thuốc chống trầm cảm Cymbalta cũng đã được phê duyệt cho đau lưng mãn tính giúp bệnh nhân bớt lo lắng, căng thẳng và ngủ ngon giấc hơn.

Dùng thuốc điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gặp tác dụng phụ

2. Cách chữa bệnh viêm cột sống dính khớp bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn có tác dụng giảm đau, tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt của xương khớp. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các bài tập chuyển động và kéo dài kết hợp các phương pháp khác như siêu âm, sóng xung kích, điện trị liệu… để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu.

3. Tập thể dục

Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày giúp giảm cứng khớp, tăng tính dẻo dai của cơ bắp quanh khớp và hạn chế các biến chứng. Bạn có thể tập luyện các bài tập sau:

  • Hít thở sâu: Giúp lồng ngực hoạt động linh hoạt hơn
  • Bơi lội: Có tác động đến toàn bộ các khớp trên cơ thể, giảm stress
  • Các hình thức luyện tập khác: Yoga, đạp xe đạp, tập thể dục dưỡng sinh…

4. Điều trị viêm cột sống dính khớp bằng phẫu thuật

Phẫu thuật sẽ được chỉ định trong trường hợp bạn bị đau nặng, khớp hông hoặc khớp đầu gối bị tổn thương hoặc bị phá hủy. Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để thay thế khớp nhân tạo cho bạn.

5. Lối sống giúp hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà

  • Tránh hút thuốc lá: Thuốc lá có thể khiến các triệu chứng thêm trầm trọng và ảnh hưởng đến kết quả điều trị viêm cột sống dính khớp.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Nếu khớp có hiện tượng sưng viêm kèm theo đau, bạn có thể chườm đá lạnh mỗi ngày vài lần. Trường hợp bị đau cứng khớp thì chườm nóng, tắm nước ấm sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Tránh tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày: Các động tác có tính đột ngột như vặn mình, té ngã, nhảy… Không đứng và ngồi lâu ở một vị trí. Lao động vừa sức và đúng tư thế.
  • Nghỉ ngơi nhiều: Trong thời gian đang bị đau, bạn nên nghỉ ngơi trên giường phẳng hoặc nệm cứng. Tốt nhất là nằm ngửa để giữ cho lưng thẳng và tránh sử dụng gối quá cao.
  • Có chế độ ăn lành mạnh: Người bị viêm cột sống dính khớp được khuyên nên ăn một số loại thực phẩm có đặc tính kháng viêm, giảm đau tự nhiên như rau bina, bơ, cá hồi, bông cải xanh, các loại quả mọng, dầu thực vật… Tránh ăn nhiều thức béo, đồ ngọt hoặc uống nhiều rượu bia.

Bên cạnh việc tích cực điều trị viêm cột sống dính khớp theo hướng dẫn, bạn cũng nên tái khám thường xuyên để theo dõi được diễn tiến của bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi kế hoạch điều trị nếu phương pháp bạn đang áp dụng không mang lại hiệu quả.

Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ trước khi áp dụng.

* Tham khảo thông tin chi tiết: Nên ăn gì khi bị viêm cột sống dính khớp?

Xem thêm: Uống collagen có tác dụng gì? Cách dùng hiệu quả nhất tốt cho sức khỏe

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!