Hành trình tìm ‘thần dược’ Sâm Ngọc Linh

Sau nhiều tháng ròng lặn lỗi từ đông sang tây Trường Sơn, ông Long cùng đồng nghiệp đã tìm ra loài dược liệu quý hiếm – sâm Ngọc Linh và đang có kế hoạch nhân nuôi bảo tồn nguồn gene.

Năm 1970, đang là giảng viên Đại học Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long (quê xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hảo, Hưng Yên) nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc cho dân và bộ đội. Chàng dược sĩ 30 tuổi lúc ấy đang nằm viện điều trị bệnh thấp khớp teo cơ với một chân bị teo 4 cm, đi lại phải chống gậy.

Để tham gia “chuyến đi mà không biết ngày về”, ông Long tự tìm cách chưa trị đôi chân và chỉ sau khoảng hai tuần chân không còn đau, đi lại được dù vẫn dựa vào cậy gậy. Ông nhờ một người sửa bệnh án từ thấp khớp teo cơ thành đau chân do ngã, rồi vừa chống gậy vừa đeo balô gạch leo núi tập luyện. Sau đó quá trình đi bộ từ Bắc và Trung đã giúp bàn chân ông khỏi hẳn mà không cần nhờ bất kỳ loại thuốc nào.

Gần Tết Nguyên đán năm 1971, dược sĩ Long cùng 13 đồng nghiệp, trong đó có 9 sinh viên mới ra trường bắt đầu hành trình đi tìm thuốc. Họ phải đối mặt với rất nhiều đoạn đường hiểm trở trên dãy Trường Sơn, chỉ cần sơ suất nhỏ là lao ngay xuống vực, chưa kể địch đánh bom khắp nơi.

Hàng tháng trời đi hết tây Trường Sơn, ông lại sang đông Trường Sơn và tìm thêm được hàng trăm cây thuốc khác. Tháng 6/1972 trong một hội nghị dược toàn khu Trung Trung Bộ (khu 5), trong báo cáo về tình hình dược liệu ở khu vực, ông Long cho biết theo nguyên tắc lục địa trôi, nếu Nhật Bản tìm thấy sâm thì Quảng Ninh sẽ có, nhưng thực tế thì không. Còn ở miền Trung, muốn tìm sâm phải đến núi Ngọc Linh, dãy núi cao nhất Trường Sơn 2.500 m so với mặt nước biển.

Dược sĩ Đào Kim Long.

Hành trình tìm sâm Ngọc Linh

Kết thúc hội nghị, Khu ủy khu 5 quyết định thành lập đoàn lên núi Ngọc Linh tìm dược liệu quý, trưởng đoàn là dược sĩ Đào Kim Long. Ban y tế tỉnh Kon Tum còn cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê dẫn đoàn. Hành trang của dược sĩ Long là 7 cuốn thực vật chí Đông Dương nặng hơn chục cân. Sau rằm tháng 10 âm lịch năm 1972, đoàn lên đường đến Kon Tum là 23 Tết. May mắn khu vực Tân Cảnh (Đắk Tô) – căn cứ quân sự của chính quyền miền Nam vừa giải phóng, nên việc đi lại của đoàn thuận lợi hơn rất nhiều.

Để tìm sâm quý, đoàn chia làm hai nhóm, một của ông Nguyễn Bá Hoạt (nguyên Viện phó dược liệu hiện nay) đi dưới chân núi, còn ông Long cùng học trò Châu Giang lên đỉnh núi Ngọc Linh. Trải qua nhiều đoạn đèo dốc hiểm trở, nhóm dược sĩ Long phát hiện hàng trăm thực vật quý, nhưng không phải sâm.

Trên đường đi, đến làng Đắc Rơ Man (huyện H80), dược sĩ Long được trưởng bản mời uống rượu và kết nghĩa anh em. Biết ông là người từ Hà Nội vào lại là dược sĩ, vị trưởng bản này lập tức mởi các già làng, trưởng bản khác quanh vùng núi Ngọc Linh đến nghe ông Long phổ biến về tác dụng và cách chữa bệnh của một số loài cây cỏ. Buổi gặp gỡ quen biết này về sau giúp ông dễ dàng hơn khi đi qua các bản làng trong hành trình lên đỉnh núi Ngọc Linh.

Đến Mô- Gia – ngôi làng được đặt theo một một nhạc sĩ nổi tiếng, dược sĩ Long ngỏ lời nhờ địa phương dẫn đường nhưng bị từ chối, bởi trước đây họ từng cõng người Pháp lên núi nhưng bắt gặp rất nhiều bò tót, đa số con gần một tấn. Họ còn tin rằng Ngọc Linh là ngọn núi thiêng, ai lên đó sẽ chết nên không ai dám đi.

“Chúng ta cùng là người Việt Nam, không phải người Pháp. Chúng tôi còn có súng và phương tiện tốt hơn trước, mọi người hãy đi cùng, đừng sợ”, ông Long thuyết phục nhưng vẫn bị từ chối.

Đường lên đỉnh Ngọc Linh rất hiểm trở, núi cao dựng ngược, ba người cứ thế lần mò trong rừng với “người dẫn đường” là bản đồ pháo binh; trên vai họ còn vác khoảng 40 kg hành trang quân dụng, đồ ăn và súng. Đó là chưa kể đến biệt kích, các tộc người sẵn sàng vây bắt và rất nhiều thú dữ lớn trong rừng.

Theo sườn đông nam của dãy Ngọc Linh, đến độ cao 1.800 mét thì lương thực đoàn mang theo đã hết, trong khi đoạn đường lên đỉnh núi còn rất dài, mất cả tháng đi bộ. May mắn bất ngờ đến với đoàn khi vào 9h sáng ngày 19/3/1973, người học trò tên Nguyễn Châu Giang trên tay cầm một thân cây và chạy lại hỏi: “Thầy ơi cây gì đây”. Quan sát cành lá, thân nhiều đốt trúc cùng khóm hoa trắng li ti, ông Long biết ngay đó là loài panax, chi sâm quý hiếm.

Ông hỏi lại: “Em lấy cây ở đâu”. Ông Giang chỉ về phía sau chỉ vài bước chân. Dược sĩ Long liền lấy con dao dắt trong người đào củ lên, rồi dùng đoạn gỗ gõ vào cây để đất rơi ra. Nhìn thấy từng đốt củ hiện ra, ông thì thầm với học trò: “Đây là cây chúng ta đang tìm đấy”. Ông thì thầm để chị Lê người địa phương đi cùng không biết, tránh thông tin lộ ra ngoài. Mặt khác, ông cũng chưa đủ cơ sở khoa học để phát ngôn nên không dám nói to.

Như bị sâm hơp hồn, dược sĩ Long khi đó còn quỳ xuống trải khiếc khăn trắng xuống mặt đất, đặt cây nhân sâm lên và cúi xuống hôn lên, rồi liên tiếp chụp ảnh. Ông và Châu Giang còn khắc lên thân một cây to với dòng chữ: “Cây sâm đầu tiên được phát hiện ở đây”. Họ quyết định nán lại để xem còn bao nhiêu cây khác. Kết quả nhóm thu được 10 cây và thống kê thêm 100 loài thực vật.

Cho rằng đây chưa phải là trung tâm của sâm, ba người tiếp tục lên cao nữa. Đến 17h cùng ngày, ở độ cao 2.000 mét so với mặt nước biển, đoàn gặp con suối và quyết định nghỉ lại vì trời đã tối. Đặt ba lô xuống ông Long giật mình khi đó lại chính là thảm sâm, chúng mọc bạt ngàn cả khu vực lớn, hoa thơm ngát, ong bướm bay lượn xung quanh.

“Chúng tôi òa óc vì biết đã đến được vùng có sâm Ngọc Linh”, ông Long nhớ lại. Đoàn dựng trại và tạo một lối đi riêng xuống suối lấy nước nhằm tránh giẫm lên sâm. “Sâm mọc dày đặc, phải đi rất cẩn thận, từng tý một mới không làm tổn hại đến chúng. Tôi nghĩ nó đã ở đây rất lâu, mà chưa có sự can thiệp của con người”, ông nói.

Gạo không còn, thực phẩm chính của đoàn là rau rừng, nước sâm, nhộng ong và những thứ cây cỏ có thể ăn được. Sau gần một tháng chụp ảnh, ghi chép và nghiên cứu tỉ mỉ về quần thể, thổ nhưỡng, sinh sản phát triển của sâm, dược sĩ Long khẳng định loài này không đi từ Hoa Nam hay Ấn Độ xuống mà là đặc hữu của Việt Nam.

Củ sâm Ngọc Linh trên 50 năm.

Ông đặt tên nó là sâm Ngọc Linh, tên khoa học Panax Articulatus Kim Long Đào, sau này theo tên mới là Panax vietnamensis Hà Thị Dung và I.V Grushvistky. Đây là loài sâm thứ 20 trên thế giới, trước đó có ba loại nổi tiếng là sâm Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên.

Khi sắp hoàn thành cuộc điều tra, trong một lần ông Long cùng ông Giang đi dọc suối tìm dược liệu thì một cô gái dân tộc Xê Đăng phát hiện và hỏi: “Các ông đi đâu?”.

Muốn bí mật việc đi tìm thuốc nên ông Long trả lời: “Chúng tôi đi bắn chim”. Cô gái liền chỉ tay về phía trước: “Cây đằng kia nhiều chim lắm”, rồi chạy đi. Một lúc sau, hai thầy trò bị cả trăm người với súng ống, cung nỏ bao vây và tóm gọn. Họ tưởng ông Long là biệt kích.

Về đến đầu bản, đập vào mắt là đầu bò tót khổng lồ khiến ông có cảm giác sợ hãi. Hai thầy trò bị trói đứng giữa khoảng sân rộng chờ trưởng bản đến phán quyết. Trong tâm thế chờ đợi cái chết thì một tiếng nói vang lên: “Hai người này ta biết, họ lên núi tìm cây thuốc chứ không phải biệt kích”.

“Hóa ra vị trưởng bản này đã từng gặp ông Long trong hội nghị ở làng Đắc Rơ Man trước đây”, ông Long nói. Hai người lập tức được thả ra và trò chuyện vui vẻ cùng. Trước khi về họ còn cho hai người gùi khoai và mật ong.

Để cảm ơn vì cứu mạng, ông Long liền lấy trong ba lô mấy củ sâm và tặng cho trưởng ban. Dược sĩ Long còn hướng dẫn kỹ càng cách sử dụng, trong trường hợp nào thì dùng đến và không quên dặn: “Các ông phải giấu kỹ không được kể ra ngoài, nếu không quân giặc mà biết thì sẽ lấy hết”. Cái tên “thuốc Giấu” được người dân truyền tai nhau đến nay.

Ra khỏi làng, ông Long và ông Giang quay lại vùng ven sông để thu thập thêm số liệu khoảng hai tuần, rồi quyết định quay về quân khu 5 (Nam Trà My). Hành trình trở về cũng đầy vất vả khó khăn. Đoàn nhiều lần bị đích phục kích nhưng may mắn thoát được. Có lần dựng lều ở bên bờ sông Tranh để ngủ, về đêm một con hổ xuất hiện, ông Long dùng súng K54 bắn nhưng không trúng, rất may nó lại chạy đi, nhưng cả ba người không dám ngủ nữa.

Sáng hôm sau, ông Long lại sốt rét. Lúc qua con suối, ông bị dòng nước cuốn đi, rất may không sao, nhưng sức khỏe của ông ngày càng giảm sút.

Khoảng ngày 27/5/1973 dược sĩ Long mới trở về đến Khu 5 và báo cáo trực tiếp với ông Võ Chí Công (Bí thư khu ủy) vào sáng 28/5/1973 về chuyến đi vừa qua. Kết quả ông đã phát hiện 800 thuốc cùng sâm Ngọc Linh. Sau đó, toàn bộ ba lô, các bức ảnh, tài liều cũng như ghi chép của ông Long được thu lại và gửi ra miền Bắc để nghiên cứu.

Vì sao sâm ngọc Linh “được cả thế giới săn đón”

Việc tìm ra sâm Ngọc Linh đã đặt nền móng cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học từ đó đến nay. Nhưng người đầu tiên có công và tâm huyết theo đuổi, đưa nó ra đến với quốc tế là dược sĩ Nguyễn Thới Nhâm.

Tháng 4/1974, với sự giúp đỡ của dược sĩ Nguyễn Văn Bàng (Viện dược liệu), ông Nhâm đã có nghiên cứu ban đầu cho thấy trong sâm Ngọc Linh có chứa hoạt tính saponin giống với sâm Triều Tiên.

Đầu năm 1975, được sự cho phép của Bộ Y tế, ông Nhâm (khi đó là Trưởng xưởng dược miền Trung Trung bộ và xưởng thủy tinh liên khu 5) mang sâm Ngọc Linh đi phân tích nhằm phục vụ đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở Ba Lan. Công trình này đã chứng minh sâm Ngọc Linh có đầy đủ tác dụng như sâm Triều Tiên.

Nhưng đó cũng chỉ là nghiên cứu ban đầu, cho đến năm 1987, tiến sĩ Nhâm (lúc này là Giám đốc Trung tâm sâm Việt Nam do Bộ Y tế thành lập 1985) đã hợp tác với chuyên gia hàng đầu đến từ các viện dược liệu ở Ba Lan, Nhật Bản… nghiên cứu về sâm. Qua đó, các nghiên cứu đã chỉ ra thân rễ và rễ củ sâm Việt Nam chứa 52 Saponin triterpen – thành phần hóa quan trọng nhất chứa các tác dụng của sâm, gồm nhiều hợp chất khác nhau có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axid béo…

Trong số đó có 26 Saponin cấu trúc mới với tổng số hàm lượng là 10,82%. Giá trị này của sâm Ngọc Linh gấp 3 lần sâm Triều Tiên (chỉ có 26 Saponin với tổng số hàm lượng là 3,52%); hai lần sâm Mỹ (chỉ 14 Saponin với tổng hàm lượng là 3,83%) và Trung Quốc (23 Saponin với hàm lượng 4,87%).

Bảng so sánh thu suất toàn phần hàm lượng saponin theo nghiên cứu do ông Nguyễn Thới Nhâm và đồng nghiệp.

Sau đó khoảng 50 công trình tiến sĩ, thạc sĩ ở các viện nghiên cứu hàn lâm khoa học khắp nơi thế giới đã chứng minh sâm Ngọc Linh là vị thuốc đặc biệt quý, đứng trên cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ.

Về tác dụng của sâm Ngọc Linh, tiến sĩ Nhâm cũng như nhiều nhà khoa hoc khác đã chứng minh ngoài tác dụng của các sâm khác, sâm Ngọc Linh có tác dụng vượt trội hơn hẳn như tính kháng khuẩn, tác dụng với loại bệnh trầm cảm, lo âu….

Tại nhiều hội thảo quốc tế về sâm, các nươc trên thế giới cũng đã thừa nhận “sâm Ngọc Linh là sâm quý nhất Việt Nam và là một trong bốn sâm quý nhất thế giới cùng với Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc”. Theo ông Long, từ trẻ sơ sinh đến người già đều sử dụng sâm Ngọc Linh mà không lo có độc, trong khi sử dụng sâm khác trẻ có thể bị suy thận, dẫn đến tử vong; người già thì mất ngủ.

Các công trình khoa học của Việt Nam đã chứng minh giá trị sâm Ngọc Linh còn ở chỗ giúp tăng hồng cầu, tiểu cầu; tăng miễn dịch, giải độc và tốt cho gan, thận. Nó góp phần chữa hều hết các bệnh hiểm nghèo, thậm chí giúp người sử dụng thường xuyên trẻ lâu, không bệnh.

Nguồn: https://samngoclinhtumorong.com/hanh-trinh-tim-than-duoc-sam-ngoc-linh/

Xem thêm: Tổng quan phương pháp chữa viêm họng bằng diện chẩn

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!