15 cách chữa nhiệt miệng hiệu quả nhất dành cho bạn
Tin chắc rằng mỗi người trong chúng ta đều từng bị nhiệt miệng không dưới một lần trong đời. Tuy là một tình trạng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách chữa nhiệt miệng hiệu quả và an toàn từ các nguyên liệu tự nhiên. Cùng bài viết tìm hiểu 15 kinh nghiệm dân gian trị nhiệt miệng tốt nhất.
Nhiệt miệng và các nguyên nhân gây nên nhiệt miệng
Vết loét nhiệt miệng hay còn gọi là lở miệng thường có hình tròn/ oval, đường kính dao động từ vài mm đến 1cm (vết loét khổng lồ). Bên trong là vết thương hở màu trắng hoặc hơi vàng ngà, gây cảm giác đau xót, khó khăn khi ăn uống, nói chuyện. Mép ngoài có thể tròn đều hoặc đỏ, ăn rộng ra do tình trạng viêm.
Cần phân biệt các vết loét bị gây ra bởi nhiệt miệng thông thường hay do virus để có phương pháp điều trị đúng đắn.
Loét do virus Herpes
- Đây là chủng virus thường xuyên gây nên các bệnh lý trên da và niêm mạc.
- Đặc điểm là vết loét lớn, tái đi tái lại nhiều lần và thậm chí bị nhiều vết cùng lúc, có thể lây từ người này sang người khác qua đường nước bọt.
- Cần điều trị bằng các kem thuốc bôi đặc hiệu.
Nhiệt miệng
- Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng thường bắt đầu bằng việc vô tình làm trầy xước niêm mạc miệng. Các yếu tố như thực phẩm cay nóng, vi khuẩn làm kích thích viêm và loét. Bên cạnh đó, thiếu dinh dưỡng làm chậm quá trình lành vết thương cũng khiến tình trạng nhiệt miệng kéo dài dai dẳng hơn.
- Vết loét thường nhỏ, chăm sóc tốt sẽ nhanh chóng lành mà không cần dùng để thuốc.
15 cách chữa nhiệt miệng hiệu quả
Nhiệt miệng vốn là vết thương có thể tự lành. Tuy nhiên, để quá trình này kéo dài sẽ gây nhiều trở ngại khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Chữa nhiệt miệng, thúc đẩy nhanh việc tái tạo niêm mạc là vấn đề luôn được quan tâm, đặc biệt là dựa trên các kinh nghiệm dân gian an toàn và hiệu quả.
Các thảo dược chứa kháng sinh tự nhiên có tác dụng tốt trong điều trị viêm loét miệng lưỡi. Chúng đã và đang được ứng dụng rất nhiều trong các sản phẩm nước súc miệng nhằm cải thiện tình trạng viêm đau hiệu quả.
Trà xanh tốt cho chứng nhiệt miệng
Trà xanh có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm hiệu quả. Thành phần hóa học chứa lượng lớn tanin làm băng se vết thương, cản trở sự xâm nhập của vi khuẩn và giảm đau tương đối tốt nên được dùng nhiều trong các bài thuốc trị mụn. Ngoài ra, vì có chứa các acid amin, vitamin và khoáng chất, trà xanh được xem là một trong những loại thảo dược dễ kiếm hàng đầu để chữa nhiệt miệng.
- Nguyên liệu: 1 nắm lá trà tươi hay 5g búp trà khô
- Cách thực hiện: Tất cả các nguyên liệu đem hãm với nước sôi, để nguội rồi đem súc miệng thật kỹ. Thực hiện 3-5 lần trong ngày sẽ cho kết quả giảm đau và viêm rất tốt.
Vằng đắng (Hoàng liên)
Hoạt chất berberin có màu vàng và vị đắng đặc trưng trong rễ vằng đắng cho tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ đã được khoa học công nhận. Ngoài ra nước sắc vàng đắng còn có tác dụng làm lành vết thương hiệu quả được dùng phổ biến trong trường hợp các vết thương hở.
- Nguyên liệu: 10g rễ vàng đắng
- Cách thực hiện: Sắc kỹ rễ vàng đắng trong 1 lít nước, để nguội rồi cho vào tủ lạnh dùng dần (chỉ nên bảo quản trong vòng 3 ngày).
Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả từ Cam thảo
Một số nghiên cứu tác dụng dược lý trên thỏ cho thấy hoạt chất glycyrrhizin trong rễ cam thảo có tác dụng chống viêm tương tự cortisol. Do đó, việc sử dụng nước sắc cam thảo thường xuyên giúp cải thiện rõ rệt các vết loét nhiệt miệng, giảm đau và làm lành vết thương nhanh chóng.
- Nguyên liệu: 10g rễ cam thảo khô
- Cách sử dụng: Sắc rễ cam thảo khô với 1 lít nước sạch, để nguội rồi đem dùng dần (Có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3 ngày).
Cách trị lở miệng với Bạc hà
Bạc hà được ứng dụng trong nhiều sản phẩm thuốc bôi giảm đau nhờ tinh dầu menthol với tính chất kháng khuẩn và khả năng gây tê mát, hỗ trợ tích cực nhằm làm giảm cảm giác đau xót do vết loét gây ra.
- Nguyên liệu: Vài lá bạc hà tươi
- Cách sử dụng: Giã nát lá bạc hà tươi rồi hòa với nước. Đem hỗn hợp thu được súc miệng hàng ngày sẽ cải thiện tình trạng viêm loét hiệu quả, đồng thời mang lại hơi thở thơm mát, dễ chịu.
Nước muối
Nước muối là dung dịch sát trùng phổ biến, cho tác dụng kháng khuẩn rất tốt.
- Nguyên liệu: Muối ăn và nước sạch theo tỉ lệ 9g muối/ 1 lít nước.
- Cách sử dụng: Đun sôi 5 phút để hòa tan và khử khuẩn, thu dung dịch muối đẳng trương 0,9%. Để nguội, cho vào lọ kín, dùng súc miệng hàng ngày trong vòng 1 tuần.
- Lưu ý: Dùng đúng tỷ lệ muối và nước để thu dung dịch đẳng trương, tránh pha quá đặc (gây rát và kích ứng vết thương) hay quá loãng sẽ giảm hiệu quả diệt khuẩn.
Theo quan điểm Y học cổ truyền, nhiệt miệng nảy sinh là do cơ thể bị “nóng” với biểu hiện đi kèm có thể là phát sốt, tăng viêm, háo khát (khát nước nhiều). Phương pháp điều trị thường được áp dụng là dùng các loại nước mát (nước sắc từ thảo dược có tính mát/ hàn tùy vào mức độ nhiệt của cơ thể).
Nước dừa giải nhiệt cơ thể
Theo Đông y, nước dừa thuộc tính âm, có khả năng giải nhiệt, lợi tiểu, giảm viêm tương đối hiệu quả. Do đó, cách trị lở miệng từ nước dừa được rất nhiều người áp dụng.
- Nguyên liệu: 1 quả dừa nước hoặc dừa xiêm (ngọt hơn)
- Cách dùng: Chặt phần đít quả dừa, lấy nước và uống liền. Không để lâu vì nước dừa chứa nhiều dưỡng chất, là môi trường sinh sôi tốt cho vi khuẩn nên sẽ nhanh bị chua, hỏng.
Nước râu ngô
Nước râu ngô có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều vitamin có lợi cho quá trình làm lành niêm mạc miệng. Vì vậy, uống nước râu ngô từ lâu đã trở thành cách chữa nhiệt miệng đem lại kết quả tốt.
- Nguyên liệu: 1 nắm râu ngô non
- Cách dùng: Đun râu ngô non với 1 lít nước, chia ra dùng nhiều lần trong ngày.
Nước mía trị nhiệt miệng
Đây là loại nước chuyên dùng để giải nhiệt mùa hè. Nước mía có tính mát, làm tiêu phiền nhiệt, giảm viêm do nóng rất hiệu quả.
- Nguyên liệu: 1 cây mía
- Cách dùng: Ép lấy nước uống. Mỗi ngày uống một ly vừa (khoảng 200mL).
- Lưu ý: Mía chứa hàm lượng đường lớn, không thích hợp sử dụng cho người bị tiểu đường.
Nước rau má
Rau má vị đắng, tính mát cho tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Ngoài ra, thành phần vitamin B5 còn hỗ trợ thúc đẩy quá trình lên da non, tái cấu trúc lại tế bào hiệu quả.
- Nguyên liệu: 50g rau má tươi (làm sinh tố) hoặc 5g rau má khô (hãm trà)
- Cách dùng: Xay rau má tươi làm sinh tố hoặc có thể phơi khô hãm trà uống.
Cách chữa nhiệt miệng dân gian bằng nước rau diếp cá
Rau diếp cá có công dụng phong nhiệt, tiêu viêm, sát trùng, giúp vết thương chóng lành.
- Nguyên liệu: 50g rau diếp cá tươi (làm sinh tố) hoặc 5g diếp cá khô (hãm trà)
- Cách dùng: Làm sinh tố uống hoặc cũng có thể sử dụng dưới dạng trà khô.
Lưu ý:
- Các vị thảo dược trên đều thuộc âm, do đó không nên sử dụng cho người tì vị hư hàn, thường xuyên bị lạnh bụng, tiêu chảy.
- Do có thể kèm theo tác dụng lợi tiểu, không nên uống vào ban đêm, trước khi đi ngủ.
Ngoài súc miệng thì thuốc đắp trực tiếp cũng cho tác dụng tương đối rõ rệt. Các bài thuốc từ nguyên liệu tự nhiên được trình bày dưới đây chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng với kết quả mà nó mang lại.
Rau ngót – Cách chữa nhiệt miệng đơn giản
Rau ngót thuộc tính hàn, có công dụng thanh nhiệt giải độc, là lựa chọn đáng cân nhắc cho cách trị nhiệt miệng hiệu quả.
- Nguyên liệu: Vài lá rau ngót
- Cách dùng: Giã nát lá rau ngót rồi đắp vào miệng vết thương. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn canh rau ngót hoặc uống sinh tố rau ngót tươi để tăng cường hiệu quả.
- Lưu ý: Không sử dụng cho phụ nữ có thai do làm tăng co bóp tử cung, gây sảy thai.
Rau đắng trị nhiệt miệng nhanh chóng
Rau đắng chứa hàm lượng cao saponin và flavonoid giúp chống oxy hóa, giảm hiện tượng kích ứng gây viêm. Theo Đông y, rau đắng có tính mát với tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm rất tốt.
- Nguyên liệu: Vài lá rau đắng
- Cách dùng: Giã nát, đắp trực tiếp lên vết nhiệt miệng.
Lá húng chó – cách trị nhiệt miệng ai cũng nên biết
Hỗn hợp tinh dầu camphene, eugenol và cineole phong phú giúp làm giảm tình trạng sung huyết và đau do viêm. Đồng thời húng chó còn có khả năng chống nấm và kháng khuẩn hiệu quả.
- Nguyên liệu: Vài lá húng chó
- Cách dùng: Đắp lá húng chó đã giã nát lên vết loét.
Cách trị lở miệng với dầu thực vật
- Các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu oliu, dầu dừa chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa, làm chậm các phản ứng viêm cũng như hạn chế ảnh hưởng xấu của yếu tố viêm lên tổ chức mô. Từ đó, chúng đóng vai trò hữu ích trong điều trị các vết lở miệng.
- Nguyên liệu: Dầu mè/ dầu oliu/ dầu dừa,…
- Cách dùng: Cho đầu tăm bông chấm đẫm dầu thực vật rồi chấm nhẹ lên vết lở miệng.
Mật ong – Cách chữa nhiệt miệng dễ thực hiện
Mật ong chứa nhiều hoạt chất hỗ trợ giảm đau, kháng viêm, giảm thiểu hiện tượng sưng tấy và giúp vết thương chóng lành.
- Nguyên liệu: Mật ong sạch hoặc mật ong ngâm nghệ tươi
- Cách dùng: Có thể bôi trực tiếp một mình mật ong hoặc dịch chiết nghệ mật ong để tăng hiệu quả kháng khuẩn, làm lành vết thương.
Phòng ngừa nhiệt miệng như thế nào?
Bên cạnh tìm ra cách chữa nhiệt miệng hiệu quả thì phòng ngừa là việc hết sức quan trọng. Điều chỉnh lại lối sống, đặc biệt là thói quen ăn uống sẽ giúp bạn tránh xa tình trạng nhiệt miệng.
- Hạn chế các đồ ăn cay nóng (như ớt, tiêu, tương,… ), các đồ ăn chế biến sẵn và đồ nhiều dầu mỡ.
- Ăn đồ mát, uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày tùy thể trạng. Có thể bổ sung nước từ hoa quả, sinh tố, nước canh.
- Tránh các va đập làm trầy xước niêm mạc miệng.
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng 2 lần/ ngày để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hại.
- Tránh thức khuya, căng thẳng quá mức hay các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… cũng là một cách hạn chế sự kích thích phản ứng viêm trong nhiệt miệng.
Trên đây là những cách trị nhiệt miệng được rất nhiều người áp dụng và đạt kết quả mong muốn. Hy vọng bài viết đã đem lại kiến thức hữu ích cho bạn và người thân trong phòng ngừa và hạn chế được sự khó chịu mà các vết loét nhiệt miệng gây ra.
Tin mới nhất
- Bệnh tổ đỉa kiêng ăn gì? Nên ăn gì nhanh khỏi? Lời khuyên của chuyên gia
- Thuốc giục sinh: Khi nào nên sử dụng?
- Viêm khớp sụn sườn là gì? Dấu hiệu và cách điều trị
- Tổn thương não không hồi phục vì rượu
- Đau họng nên ngậm gì cho thanh cổ giảm đau mau khỏi?
- Viêm họng Vincent là gì? Dấu hiệu, Nguyên nhân, Điều trị
- Viêm khoang tai ác tính
- Dịch mũi có lẫn máu cảnh báo bệnh gì?
- Cảnh báo bệnh tiểu đường có thể dẫn đến suy giảm thị lực
- Bệnh sùi mào gà có chữa được không?