Bệnh viêm khớp liên cầu khuẩn: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp liên cầu khuẩn là một loại viêm khớp nhiễm khuẩn xảy ra do Streptococcus (vi khuẩn liên cầu). Bệnh thường khởi phát sau nhiễm trùng mô mềm, chấn thương, rách hở bao khớp trong thời gian dài hoặc do không đảm bảo vô trùng khi thực hiện các biện pháp xâm lấn (nội soi, chọc hút dịch và phẫu thuật khớp).
Viêm khớp liên cầu khuẩn là bệnh gì?
Viêm khớp liên cầu khuẩn là một trong những loại viêm khớp nhiễm khuẩn (chiếm khoảng 20% trường hợp nhiễm bệnh). Bệnh xảy ra khi vi khuẩn liên cầu (Streptococcus) xâm nhập và gây tổn thương ổ khớp. Bệnh lý này thường khởi phát sau khi bị chấn thương và có thể đồng nhiễm với các loại vi khuẩn khác như tụ cầu vàng, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh, thương hàn, E. coli,…
Viêm khớp liên cầu là bệnh viêm khớp cấp tính đặc trưng bởi triệu chứng khởi phát đột ngột, tổn thương ở khớp đi kèm với các dấu hiệu toàn thân. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể gây ra một số biến chứng nặng nề lên sụn khớp, gan, thận, phổi và các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp nhiễm bệnh đều có đáp ứng tốt với điều trị và có thể chữa trị dứt điểm.
Nguyên nhân gây viêm khớp liên cầu khuẩn
Nguyên nhân trực tiếp gây viêm khớp liên cầu do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus) – một loại vi khuẩn có cấu trúc dạng chuỗi, độ dài đa dạng, không có vỏ, không có khả năng di động và phát triển mạnh ở nhiệt độ bình thường của cơ thể (37 độ C).
Vi khuẩn thường trú trên da và niêm mạc họng nhưng không có khả năng gây bệnh. Tuy nhiên khi xuất hiện các điều kiện thuận lợi (chấn thương, da xây xước và có vết rách), vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng ổ khớp.
Các yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ bị viêm khớp liên cầu khuẩn:
- Rách hở bao khớp hoặc chấn thương khớp trong thời gian dài
- Có các bệnh nhiễm trùng do liên cầu ở xung quanh khớp như viêm đường tiết niệu, viêm cơ, viêm gân
- Thực hiện các thủ thuật xâm lấn như chọc dò dịch khớp, tiêm khớp không đảm bảo vô trùng tuyệt đối hoặc thực hiện không đúng kỹ thuật
- Biến chứng của viêm phổi, viêm đa cơ do liên cầu khuẩn
Những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm khớp liên cầu:
- Người có sức đề kháng kém (người cao tuổi, trẻ nhỏ, người bị tiểu đường, nhiễm HIV,…)
- Người phải sử dụng corticoid và các loại thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài
- Người có tiền sử chấn thương khớp và mắc các bệnh nhiễm trùng do liên cầu khuẩn
Triệu chứng của bệnh viêm khớp liên cầu
Như đã đề cập, bệnh viêm khớp liên cầu khởi phát triệu chứng đột ngột, cấp tính và có tiến triển nhanh chóng. Ngoài những triệu chứng tại chỗ, bệnh còn làm phát sinh một số biểu hiện toàn thân.
Triệu chứng tại chỗ của bệnh viêm khớp liên cầu:
- Khớp sưng đỏ và nóng hơn so với những vùng da xung quanh
- Mức độ đau tăng dần theo thời gian – đặc biệt là khi vận động và đi lại
- Co cơ
- Giảm khả năng vận động
- Tràn dịch khớp
- Ổ khớp có thể xuất hiện các ổ mủ
Các triệu chứng toàn thân:
- Đau nhức cơ thể
- Sốt cao (39 – 40 độ C)
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải
- Ớn lạnh, rét run
- Lưỡi bẩn, môi khô
- Hơi thở hôi
Một số bệnh nhân còn có thể gặp phải các triệu chứng ít phổ biến hơn như nổi hạch ở xung quanh khớp và đi kèm tổn thương da (viêm quầng, chốc mép, hăm kẽ, chốc lây,…).
Viêm khớp liên cầu khuẩn có nguy hiểm không?
Viêm khớp liên cầu khuẩn là một trong những dạng viêm khớp nhiễm khuẩn ít gặp. Ngoài triệu chứng tại chỗ, bệnh còn gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, hơi thở hôi và ớn lạnh. Tương tự như các dạng nhiễm trùng khác, viêm khớp liên cầu có thể thuyên giảm nhanh sau khi được điều trị và chăm sóc đúng cách.
Các triệu chứng của bệnh khởi phát đột ngột, có tính điển hình cao và dễ nhận biết. Chính vì vậy, đa phần bệnh nhân đều phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan, chậm trễ khi điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nhiễm trùng ở ổ khớp có thể tiến triển nặng, lan tỏa rộng và gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Trật khớp một phần hoặc toàn thân
- Sụn khớp bị tổn thương, phá hủy
- Dính khớp
- Biến dạng khớp, khớp giảm khả năng vận động
- Nhiễm trùng lây lan
Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng viêm khớp liên cầu khuẩn có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động và làm tổn thương cấu trúc khớp nặng nề. Hơn nữa, chậm trễ trong việc can thiệp các biện pháp y tế còn khiến tổn thương lây lan rộng, dẫn đến khó khăn khi điều trị, gây tốn kém chi phí, tác động không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống.
Chẩn đoán viêm khớp liên cầu khuẩn
Viêm khớp liên cầu khuẩn cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và một số loại viêm khớp nhiễm khuẩn khác. Các kỹ thuật chẩn đoán được áp dụng, bao gồm:
- Khám lâm sàng: Chủ yếu dựa vào triệu chứng tại chỗ và toàn thân. Đa phần các trường hợp bị viêm khớp liên cầu đều có triệu chứng khá điển hình. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể xác định viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu và không do lậu cầu (trong đó bao gồm viêm khớp do liên cầu khuẩn).
- Xét nghiệm máu: Khi bị nhiễm trùng, xét nghiệm máu sẽ nhận thấy các kết quả như tốc độ lắng máu tăng, tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng, số lượng bạch cầu tăng cao và protein C phản ứng tăng.
- Cấy máu: Cấy máu được thực hiện để tìm chủng vi khuẩn gây bệnh. Xét nghiệm này giúp bác sĩ lên phác đồ phù hợp với mức độ nhạy cảm của vi khuẩn.
- Xét nghiệm dịch khớp: Xét nghiệm dịch khớp được thực hiện bằng cách đưa ống tiêm vào ổ khớp và hút lấy dịch. Sau đó, đem dịch khớp soi tươi, đếm tế bào và nhuộm gram. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể nuôi cấy dịch khớp để tìm chủng vi khuẩn gây bệnh.
- Chẩn đoán hình ảnh: Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện siêu âm khớp, chụp X-Quang, chụp xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) để đánh giá mức độ thương tổn ở ổ khớp.
Viêm khớp liên cầu khuẩn được chẩn đoán khi cấy máu/ cấy dịch khớp nhận thấy kết quả dương tính với vi khuẩn và có mủ trong dịch khớp. Đồng thời phải có triệu chứng lâm sàng điển hình và phát hiện tổn thương khớp điển hình qua X-Quang.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp liên cầu
Viêm khớp nhiễm khuẩn nói chung và viêm khớp liên cầu khuẩn nói riêng đều có tiến triển nhanh. Chính vì vậy, bệnh phải được tiến hành chẩn đoán và chỉ định kháng sinh trong thời gian sớm nhất.
Kháng sinh được lựa chọn ban đầu (khi chưa có kết quả cấy máu/ dịch khớp) dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ, tình trạng kháng kháng sinh tại bệnh viện, cộng đồng, độ tuổi của bệnh nhân, dự đoán chủng vi khuẩn gây bệnh qua các yếu tố thuận lợi và kết quả nhuộm gram (xác định được vi khuẩn gram âm hay gram dương).
Để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, cần phải sử dụng ít nhất một loại kháng sinh qua đường tĩnh mạch và cần duy trì dùng kháng sinh trong liên tục 4 – 6 tuần. Ngoài sử dụng thuốc, bác sĩ cũng có thể thực hiện một số biện pháp phối hợp tùy vào tình trạng sức khỏe của từng trường hợp.
1. Sử dụng thuốc
Kháng sinh là thuốc đặc hiệu trong điều trị các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả viêm khớp liên cầu khuẩn. Do bệnh có tiến triển nhanh và các kỹ thuật chẩn đoán (nhuộm gram, cấy dịch hoặc cấy máu) mất nhiều thời gian thực hiện nên bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh dựa trên kinh nghiệm và một số yếu tố khác.
– Khi chưa có kết quả cấy dịch và cấy máu:
- Sử dụng Clindamycin 2.4g đường tĩnh mạch/ ngày, chia thành 4 lần
- Hoặc dùng Nafcillin 2g/ Oxacillin 2g đường tĩnh mạch trong mỗi 6 giờ (tương đương 8g/ ngày)
– Trường hợp nhuộm gram dịch khớp xác định được vi khuẩn gram dương (liên cầu khuẩn là một trong những loại vi khuẩn gram dương có khả năng gây viêm khớp nhiễm khuẩn):
- Sử dụng Clindamycin 2.4g đường tĩnh mạch/ ngày, chia thành 4 lần.
- Hoặc dùng Nafcillin 2g/ Oxacillin 2g đường tĩnh mạch trong mỗi 6 giờ (tương đương 8g/ ngày)
– Sau khi có kết quả cấy máu và dịch khớp:
- Đối với vi khuẩn liên cầu, cần sử dụng kháng sinh penicillin G 2.000.000 UI truyền tĩnh mạch trong mỗi 4 giờ và dùng liên tục trong 2 tuần
- Hoặc có thể tiếp tục sử dụng kháng sinh theo điều trị ban đầu nếu nhận thấy đáp ứng tốt
Bên cạnh kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ định dùng Paracetamol hoặc một số loại thuốc chống viêm không steroid nhằm hạ sốt, giảm đau và giảm viêm ở ổ khớp. Các loại thuốc này thường được sử dụng trong vài ngày. Ngược lại, cần dùng kháng sinh đều đặn trong 2 tuần hoặc hơn tùy theo chỉ định của bác sĩ để điều trị nhiễm trùng dứt điểm, đồng thời hạn chế nguy cơ tái nhiễm và kháng thuốc.
2. Các biện pháp phối hợp
Ngoài sử dụng thuốc, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số biện pháp điều trị phối hợp trong trường hợp cần thiết.
– Dẫn lưu khớp:
Kỹ thuật này được thực hiện khi ổ khớp mưng mủ và tràn dịch khớp nặng. Dẫn lưu khớp giúp giảm lượng mủ và dịch ứ trong ổ khớp, từ đó cải thiện tình trạng phù nề và đau nhức.
– Nội soi rửa khớp:
Nội soi rửa khớp có tác dụng làm sạch ổ mủ và giảm số lượng vi khuẩn trong ổ khớp. Phương pháp này được thực hiện khi dịch mủ đặc và không thể dẫn lưu dịch hoặc dẫn lưu dịch nhiều lần nhưng thất bại.
– Phẫu thuật:
Trong trường hợp nhiễm khuẩn kèm theo nhiễm khuẩn sụn, xương và mô mềm lân cận, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ tổ chức bị nhiễm khuẩn. Nếu bị nhiễm khuẩn ở khớp nhân tạo, cần lấy khớp nhân tạo ra khỏi cơ thể và dùng kháng sinh ở đường tĩnh mạch trong 4 – 6 tuần. Sau thời gian này, bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá có nên làm lại khớp nhân tạo hay không.
Ngoài ra, phẫu thuật cũng được thực hiện đối với những khớp không thể dẫn lưu và nội soi rửa khớp như khớp háng. Nếu chậm trễ, vi khuẩn có thể phát triển mạnh và gây hoại tử chỏm xương đùi.
Phòng ngừa bệnh viêm khớp liên cầu khuẩn
Viêm khớp liên cầu khuẩn là một dạng viêm khớp nhiễm khuẩn ít phổ biến. Tuy nhiên do liên cầu là vi khuẩn thường trú trên cơ thể nên bệnh có thể tái phát trở lại – đặc biệt là đối với người dễ bị chấn thương khớp và có hệ miễn dịch suy yếu.
Do đó, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm khớp liên cầu như:
- Cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín khi thực hiện các biện pháp xâm lấn như nội soi, dẫn lưu và phẫu thuật khớp.
- Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng – đặc biệt là ở da, xương và mô mềm.
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống điều độ.
- Khi khớp bị chấn thương, cần tích cực điều trị và vệ sinh vết thương theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế nguy cơ bị viêm khớp nhiễm khuẩn.
Viêm khớp liên cầu khuẩn là một trong những bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn. Mặc dù hiếm khi đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, chức năng vận động và sức khỏe tổng thể. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị y tế khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm: Mẹo dùng mật ong chữa khàn tiếng, mất giọng cực đơn giản
Tin mới nhất
- Công dụng và cách sử dụng cây xạ đen tươi, khô chữa bệnh tốt nhất
- Khám phụ khoa gồm những gì? Quy trình và lưu ý
- Các loại thuốc dạ dày của Ấn Độ có thực sự tốt?
- 5 công dụng của BCAA có thể bạn chưa biết
- Trung tâm Thuốc dân tộc chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch Corona
- Nấm lim xanh hỗ trợ điều trị căn bệnh ung thư mở ra hy vọng mới
- Cách nấu nước nấm lim xanh liều lượng sử dụng nấm lim xanh rừng
- Mách bạn các 4 món ngon từ mãng cầu xiêm
- Viêm dạ dày ruột là gì? Mức độ nguy hiểm và cách chữa
- Tiểu đêm tiểu rắt do đâu? Có nguy hiểm không? Cách phòng tránh