Bệnh viêm da dầu: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị

Viêm da dầu (chàm da mỡ/ viêm da tiết bã) là một dạng viêm da mãn tính, dễ tái phát điển hình bởi tình trạng da đỏ, nhờn dính và bề mặt có nhiều mảng, vảy bong. Căn nguyên của bệnh có liên quan đến rối loạn hoạt động bài tiết bã nhờn, yếu tố cơ địa và sự tăng sinh quá mức của vi nấm Malassezia.

Bệnh viêm da dầu (viêm da tiết bã) là một dạng tổn thương da mãn tính và dễ tái phát

Bệnh viêm da dầu là gì?

Viêm da dầu (Seborrheic dermatitis) hay còn được biết với tên gọi chàm da mỡ và viêm da tiết bã. Thuật ngữ này mô tả một dạng viêm da mãn tính, dễ tái phát với tổn thương điển hình là tình trạng da đỏ, nhiều dầu, bề mặt có các mảng da hoặc vảy bong khô, ẩm dính. Ảnh hưởng chủ yếu đến các vị trí da bài tiết nhiều mồ hôi như vùng liên bả vai, ngực, mặt và da đầu.

Viêm da tiết bã thực chất là một trong những hình thái lâm sàng của bệnh chàm. Nguyên nhân và cơ chế khởi phát còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh có liên quan đến sự phát triển quá mức của vi nấm Malassezia, rối loạn hoạt động bài tiết bã nhờn và cơ địa dị ứng dưới tác động của một số yếu tố nội giới và ngoại giới. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành.

Mặc dù có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và căn nguyên chưa được làm rõ nhưng viêm da dầu là bệnh lành tính, chỉ gây thương tổn ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên tổn thương da do bệnh lý này có thể gây ngứa ngáy, nóng rát nhẹ, tác động tiêu cực đến yếu tố thẩm mỹ và tâm lý.

Triệu chứng nhận biết viêm da dầu

Bệnh viêm da dầu có biểu hiện lâm sàng tương đối điển hình và dễ nhận biết. Ngoài ra, hình thái thương tổn, vị trí và tiến triển của bệnh còn phụ thuộc vào độ tuổi.

1. Biểu hiện viêm da dầu ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

Viêm da dầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được dân gian gọi là “cứt trâu”. Bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, thương tổn khởi phát chủ yếu ở vùng da đầu và có xu hướng tự biến mất sau khoảng 3 – 9 tháng.

Viêm da dầu ở trẻ nhỏ thường xảy ra ở vùng da đầu và có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị

Triệu chứng của viêm da dầu ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ:

  • Xuất hiện các mảng dày cứng, bám chặt vào da đầu, khó bong và hơi nhờn dính
  • Mảng da có kích thước đa dạng, màu sắc từ vàng nhạt đến nâu đen
  • Da đầu có thể bị viêm đỏ nhẹ hoặc có màu sắc tương tự các vùng da thông thường
  • Viêm da dầu ở trẻ nhỏ hầu như không gây đau, châm chích hay ngứa ngáy

Đối với những trẻ mắc đồng thời bệnh chàm thể tạng, viêm da dầu có thể tiến triển, lan tỏa toàn thân và gây ra các triệu chứng sau:

  • Da toàn thân đỏ, bề mặt có nhiều vảy tiết
  • Da ẩm dính và nhờn
  • Có tình trạng tăng tiết bã nhờn ở vùng lưng, mặt, ngực và da đầu
  • Có thể xuất hiện các biểu hiện toàn thân như rối loạn bài tiết mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, chậm tăng cân và ăn uống kém

Thực tế, rất hiếm trẻ phát triển dạng tổn thương này. Thống kê cho thấy, hầu hết trẻ bị viêm da dầu đều tự thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn.

2. Triệu chứng của bệnh viêm da dầu ở người lớn

Viêm da dầu ở người lớn xuất hiện từ giai đoạn tuổi vị thành niên, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng tăng lên theo độ tuổi và ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới. Khác với trẻ nhỏ, bệnh xảy ra ở người lớn không chỉ phát sinh thương tổn ở da đầu mà còn ảnh hưởng đến một số vùng da khác như cung mày, ngực, liên bả vai, sau tai và cánh mũi.

Viêm da tiết bã ở người lớn đặc trưng bởi tình trạng da viêm đỏ, bề mặt có mảng/ vảy bong và ngứa

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da dầu ở người lớn:

  • Tổn thương da nhờn và khô kết hợp, bề mặt viêm đỏ, ẩm dính và có nhiều vảy bong
  • Ở cung mày và da đầu, thương tổn là các dát đỏ, khu trú hoặc lan tỏa, nổi cộm hoặc bằng phẳng với vùng da xung quanh. Bề mặt dát đỏ bong nhiều vảy trắng mỏng.
  • Ở phần rìa chân tóc, lưng và ngực, tổn thương có hình tròn, hình đa cung hoặc hình nhẫn, màu đỏ/ hồng, gờ cao, nổi cộm và có nhiều vảy trắng
  • Nếu xảy ra ở mặt, da nổi các dát hoặc mảng có màu hồng nhạt hoặc màu đỏ, ranh giới không rõ ràng với những vùng da xung quanh
  • Trong trường hợp xảy ra ở nếp gấp (chủ yếu ở 2 bên cánh mũi), tổn thương có tính chất đối xứng, da bong nhiều vảy trắng, mỏng, bề mặt nhờn và ẩm dính. Nếu xảy ra ở vùng sinh dục, dưới ngực và nách, ban dát thường có màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi.
  • Viêm da dầu xảy ra ở vùng liên bả vai (phần trên thân mình) thường đi kèm với viêm nang lông ở vùng ngực
  • Tổn thương hầu như không gây đau, nóng rát nhưng có thể gây ngứa nhẹ – đặc biệt là khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi
  • Đối với những trường hợp nặng, tổn thương khu trú có thể lan rộng ra toàn bộ cơ thể và gây ra hình thái lâm sàng tương tự vảy nến.

Viêm da dầu thường khởi phát chậm, tiến triển âm thầm nhưng dai dẳng. Bệnh bùng phát mạnh vào mùa thu đông và thuyên giảm vào mùa xuân hè.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da dầu

Như đã đề cập, nguyên nhân gây viêm da dầu vẫn chưa được xác định. Qua nghiên cứu về mô bệnh học, dịch tễ và di truyền, các nhà khoa học nhận thấy bệnh có mối liên hệ mật thiết với sự tăng sinh quá mức của nấm Malassezia trên da, bất thường ở hệ miễn dịch và chức năng bảo vệ da suy giảm.

Sự tăng sinh quá mức của nấm Malassezia là yếu tố kích thích viêm da dầu bùng phát

Một số nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm da dầu, bao gồm:

  • Nấm Malassezia: Malassezia là loại nấm men tồn tại trên da người và một số động vật máu nóng. Thông thường, vi nấm chỉ tồn tại với một số lượng hạn chế. Tuy nhiên khi da tăng sinh dầu thừa và mồ hôi, vi nấm có thể hấp thu lipid và phát triển mạnh. Các chất chuyển hóa của nấm Malassezia được xem là tác nhân kích thích da viêm đỏ, nhờn dính và bong vảy trắng.
  • Chức năng bảo vệ da suy giảm: Chức năng bảo vệ da suy giảm tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập và thúc đẩy nấm men phát triển mạnh. Vì vậy, viêm da dầu thường bùng phát khi da khô ráp, bong tróc và suy yếu.
  • Suy giảm miễn dịch: Suy giảm đề kháng không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng mà còn kích thích bất thường ở tế bào miễn dịch và tạo điều kiện cho nấm men bùng phát. Thực tế, viêm da dầu xảy ra ở nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém như tiểu đường, ung thư, nhiễm HIV,… thường có mức độ nặng, phạm vi ảnh hưởng rộng và diễn tiến dai dẳng hơn so với các đối tượng khác.
  • Rối loạn bài tiết bã nhờn: Malassezia là loại nấm phụ thuộc lipid (chất béo). Vi nấm này thường phát triển ở những vùng da tiết nhiều dầu như như mặt, ngực và da đầu. Do đó, người bị rối loạn bài tiết bã nhờn có nguy cơ bị viêm da tiết bã cao hơn so với người có làn da khô hoặc da thường.
  • Tiền sử gia đình: Hầu hết các bệnh viêm da mãn tính đều có khả năng di truyền ở những người thân cận huyết. Thống kê cho thấy, các trường hợp bị viêm da tiết bã đều có tiền sử gia đình mắc các thể chàm hoặc vảy nến.
  • Ảnh hưởng của các rối loạn thần kinh: Ngoài các tác động ngoại giới, các yếu tố nội giới như trầm cảm, bệnh Parkinson, căng thẳng thần kinh,… cũng có thể thúc đẩy hoạt động bất thường ở hệ miễn dịch và gây bùng phát viêm da dầu.
  • Các yếu tố khác: Ngoài các yếu tố khởi phát trên, viêm da dầu có xu hướng nghiêm trọng hơn khi có các yếu tố tác động như lạm dụng thuốc, chế độ ăn nhiều đường, dầu mỡ, thừa cân – béo phì, vệ sinh da kém,…

Mặc dù là bệnh ngoài da nhưng viêm da tiết bã có căn nguyên và cơ chế bệnh sinh tương đối phức tạp. Thực tế, bệnh lý này thường khởi phát do nhiều yếu tố cộng hưởng và hiếm khi khởi phát do một nguyên nhân cụ thể.

Viêm da dầu có lây không? Biến chứng của bệnh

Viêm da dầu là bệnh da liễu mãn tính, dai dẳng và tái phát nhiều lần. Tuy nhiên, bệnh lý này tương đối lành tính, hầu như chỉ gây thương tổn ngoài da, ngứa ngáy nhẹ và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Bệnh không có khả năng lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh – ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, viêm da tiết bã có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái.

Thương tổn do viêm da tiết bã ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ, ngoại hình và tâm lý

So với các thể lâm sàng khác của bệnh chàm, chàm da mỡ ít khi gây ngứa, hầu như không gây đau hay nóng rát. Tuy nhiên, bệnh có tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và chưa thể điều trị hoàn toàn.

Hơn nữa, viêm da dầu thường phát sinh triệu chứng ở những vùng da hở như da đầu, mặt, cổ và ngực gây ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ, ngoại hình và chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán viêm da dầu bằng cách nào?

Chẩn đoán viêm da dầu bao gồm thăm khám lâm sàng, soi trực tiếp/ nuôi cấy nấm và sinh thiết da để nghiên cứu về mô bệnh học. Nếu không có triệu chứng điển hình (hình thái tổn thương, vị trí, thời điểm bùng phát), bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt với vảy nến và viêm da cơ địa.

Phương pháp điều trị bệnh viêm da dầu

Hiện nay, không có phương pháp điều trị dứt điểm viêm da dầu. Sau khi thuyên giảm, bệnh có thể tái phát nhiều lần nếu có các điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và một số đối tượng, viêm da dầu có thể khởi phát duy nhất 1 lần trong đời và tự thuyên giảm mà không cần can thiệp y tế.

1. Sử dụng thuốc và dầu gội đặc trị

Sử dụng thuốc và dầu gội đặc trị có tác dụng giảm ngứa, loại bỏ vảy bong và cải thiện thương tổn da. Biện pháp này thường được chỉ định trong giai đoạn bệnh phát triển mạnh.

Thông thường, điều trị ưu tiên là sử dụng dầu gội và thuốc bôi. Tuy nhiên ở những trường hợp triệu chứng lan tỏa rộng và đáp ứng kém với thuốc tại chỗ, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc dạng uống.

Điều trị viêm da tiết bã chủ yếu là sử dụng thuốc bôi, dầu gội và thuốc đường uống

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm da dầu ở mặt, cổ, ngực, liên bả vai,… bao gồm:

  • Dung dịch vệ sinh không chứa xà phòng: Xà phòng có thể là nghiêm trọng triệu chứng do viêm da dầu gây ra. Do đó trong thời gian điều trị, nên vệ sinh da 1 – 2 lần với các dung dịch không chứa xà phòng như Cetaphil, nước muối sinh lý, sữa tắm Eucerin,…
  • Thuốc bôi bong vảy: Thuốc chứa Acid salicylic, Prolylen glycol, Acid lactic, Urea,… được sử dụng trực tiếp lên da nhằm loại bỏ vảy bong và cải thiện mức độ tổn thương. Ngoài ra, acid salicylic còn có tác dụng điều tiết bã nhờn, sát trùng và kiểm soát hoạt động của nấm men.
  • Thuốc bôi chống nấm: Thuốc bôi kháng nấm Ciclopirox và Ketoconazole có tác dụng ức chế nấm Malassezia, từ đó làm giảm khả năng chuyển hóa của nấm và cải thiện thương tổn da. Đối với các chủng nấm kháng thuốc chống nấm azol, có thể thay thế bằng Selenium sulfide hoặc Zinc pyrithione. Nhóm thuốc này thường được sử dụng 1 lần/ ngày trong 2 – 4 tuần.
  • Thuốc bôi chứa hydrocortisone: Thuốc bôi chứa hydrocortisone có khả năng chống viêm, giảm ngứa và kháng dị ứng. Thuốc được dùng 2 lần/ ngày trong 1 – 2 tuần. Mặc dù có hiệu quả giảm viêm mạnh nhưng lạm dụng nhóm thuốc này có thể gây giãn mạch, teo da, mỏng da, dày sừng nang lông,…
  • Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus và Pimecrolimus) thường được dùng để điều trị viêm da dầu ở mặt. Loại thuốc này có tác dụng tương tự corticoid nhưng không gây mỏng da hay dày sừng nang lông.
  • Thuốc dạng uống: Nếu bệnh tiến triển nặng hoặc kháng điều trị ở người trưởng thành, có thể sử dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm đường uống (Tetracyclin, Itraconazole). Mặc dù có hoạt tính mạnh và hiệu quả rõ rệt nhưng hầu hết các loại thuốc dạng uống đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nghiêm trọng.

Đối với viêm da dầu ở da đầu, bác sĩ có thể chỉ định một số loại dầu gội sau:

  • Dầu gội kháng nấm chứa Zinc pyrithione, Selenium sulfide, Ciclopirox, Ketoconazole,… được sử dụng 2 lần/ tuần trong ít nhất 30 ngày
  • Dầu gội chứa Acid salicylic giúp giảm vảy bong và hạn chế tình trạng da đầu nhờn rít
  • Kem Tar được sử dụng khi da đầu có nhiều vảy và không thuyên giảm khi dùng Acid salicylic. Thuốc được thoa lên vùng da nhiều vảy và gội đầu lại sau khoảng vài giờ
  • Dầu gội chứa steroid được sử dụng hằng ngày trong khoảng vài ngày để giảm viêm đỏ và ngứa ngáy

2. Liệu pháp ánh sáng (Quang trị liệu)

Đối với trường hợp viêm da dầu lan tỏa rộng, đáp ứng kém với thuốc bôi nhưng chống chỉ định với thuốc uống, có thể cân nhắc dùng quang trị liệu. Liệu pháp này sử dụng ánh sáng nhân tạo nhằm truyền tải tín hiệu đến tế bào, bình thường hóa quá trình chuyển hóa và làm giảm thương tổn do chàm da mỡ gây ra.

Ngoài điều trị chàm da mỡ, liệu pháp ánh sáng còn được ứng dụng trong điều trị các bệnh da liễu mãn tính khác như viêm da cơ địa, eczema đồng tiền, vảy nến, viêm da tiếp xúc dị ứng,… Mặc dù có độ an toàn tương đối cao và đem lại hiệu quả rõ rệt nhưng biện pháp này có thể làm tăng tốc độ lão hóa da.

3. Mẹo chữa viêm da dầu từ thiên nhiên

Nếu tổn thương da có mức độ nhẹ, bạn có thể làm giảm viêm đỏ, loại bỏ vảy bong và giảm ngứa ngáy bằng một số nguyên liệu tự nhiên như:

Cho vài giọt tinh dầu tràm trà vào dầu gội giúp giảm ngứa, viêm đỏ và loại bỏ vảy bong trên da đầu
  • Tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có tác dụng sát khuẩn, ức chế nấm men, giảm ngứa và chống viêm đỏ. Thêm 3 – 4 giọt tinh dầu tràm vào dầu gội có thể cải thiện một số triệu chứng do viêm da tiết bã gây ra như viêm đỏ, ngứa ngáy, da bong vảy,… Ngoài ra, mẹo chữa này còn giúp giảm gàu và cải thiện tình trạng tóc bết rít.
  • Mặt nạ sữa chua: Ngoài vitamin D, axit amin và probiotic, sữa chua còn chứa axit lactic. Thành phần này có khả năng loại bỏ tế bào chết, dưỡng ẩm và làm mềm bề mặt. Sử dụng mặt nạ sữa chua đều đặn 3 – 4 lần/ tuần còn giúp làm đều màu da và cải thiện tình trạng viêm đỏ.
  • Chanh tươi: Acid citric trong chanh có thể loại bỏ vảy bong, giảm dầu thừa và cải thiện hiện tượng viêm đỏ. Cho 1 ít nước cốt chanh trộn đều với dầu gội giúp ức chế nấm men và khắc phục các triệu chứng do viêm da tiết bã gây ra.
  • Sử dụng mật ong nguyên chất: Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất hydrogen peroxide trong mật ong có tác dụng ức chế nấm Malassezia và Candida albicans. Ngoài ra, nguyên liệu này còn chứa nhiều axit amin và polyphenol có khả năng dưỡng ẩm, phục hồi màng lipid của da và chống viêm. Thoa mật ong lên da 10 – 15 phút/ mỗi ngày có thể giảm nhẹ triệu chứng của viêm da dầu và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.

Các công thức từ thiên nhiên có thể giảm ngứa ngáy, viêm đỏ và hỗ trợ loại bỏ vảy bong trên bề mặt. Ngoài ra thực hiện mẹo chữa này đều đặn còn giúp phục hồi màng lipid và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên các nguyên liệu tự nhiên thường có tác dụng chậm và chỉ đem lại hiệu quả đối với tình trạng nhẹ. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bạn nên phối hợp với các biện pháp y tế được bác sĩ chỉ định.

Chế độ chăm sóc và ngăn ngừa viêm da dầu tái phát

Tương tự các bệnh da liễu mãn tính, viêm da đầu không thể điều trị hoàn toàn và có khả năng tái phát cao. Do đó ngoài các biện pháp y tế, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ quá trình điều trị, hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc và giảm tần suất bệnh tái phát.

Sử dụng kem dưỡng thường xuyên giúp giảm viêm đỏ, ngứa ngáy và phục hồi hàng rào bảo vệ da

Chế độ chăm sóc giúp kiểm soát và phòng ngừa viêm da tiết bã nhờn, bao gồm:

  • Vệ sinh da 1 – 2 lần/ ngày với các sản phẩm dịu nhẹ. Tránh sử dụng sản phẩm chứa xà phòng, độ pH cao và có nhiều thành phần gây kích ứng.
  • Nên sấy tóc khô hoàn toàn và tránh đội mũ trong thời gian dài nhằm hạn chế da dầu bài tiết mồ hôi quá mức, tạo điều kiện cho nấm men bùng phát và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Không nên trang điểm, tạo kiểu và sử dụng hóa chất lên tóc trong thời gian điều trị viêm da tiết bã.
  • Thận trọng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da và tóc. Nếu có thể, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn sản phẩm an toàn, lành tính.
  • Không cào gãi và ma sát mạnh lên da. Hạn chế mặc quần áo bó sát, dày cứng và tránh cột tóc quá chặt.
  • Căng thẳng có thể khiến tổn thương da lan tỏa rộng, viêm đỏ và ngứa ngáy nhiều. Vì vậy, bạn nên giảm thời gian làm việc, nghỉ ngơi, đọc sách, ngủ đúng giờ và tập thể dục thường xuyên để giải tỏa các suy nghĩ tiêu cực và giảm mệt mỏi.
  • Nên sử dụng kem dưỡng ẩm từ 2 – 3 lần/ ngày tùy vào điều kiện thời tiết và nhu cầu của da. Thói quen này có thể làm giảm viêm đỏ, hỗ trợ cải thiện ngứa ngáy và phục hồi hàng rào bảo vệ.
  • Hạn chế gia vị, dầu mỡ, thức ăn dị ứng, nước ngọt có gas và đồ uống chứa chất kích thích. Các loại thực phẩm và thức uống này có thể khiến da tiết nhiều bã nhờn, tạo điều kiện cho nấm phát triển và gây viêm đỏ da nặng nề.

Viêm da dầu là bệnh da liễu tương đối phổ biến, tiến triển mãn tính và dễ tái phát. Mặc dù chưa thể điều trị hoàn toàn nhưng bệnh có thể được kiểm soát nếu chăm sóc đúng cách và tích cực điều trị. Để được thăm khám và đề xuất hướng điều trị cụ thể, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

Nguồn: https://vimed.org/benh-viem-da-dau-65.html

Xem thêm: Bệnh trĩ nên ăn gì tốt? Top 12 + nhóm thực phẩm nhất định phải biết

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!