Đau khớp gối nên uống thuốc gì nhanh khỏi?
Đau khớp gối nên uống thuốc gì là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ thương tổn ở ổ khớp. Dựa vào nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm, kháng sinh, thuốc chống thấp khớp,…
Đau nhức khớp gối nên uống thuốc gì?
Đau khớp gối là triệu chứng thường gặp, có thể xảy ra do chấn thương trong quá trình lao động, tham gia giao thông, sinh hoạt và chơi thể thao. Ngoài ra, triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề xương khớp như viêm khớp nhiễm khuẩn, thoái hóa khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp,…
Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị chính đối với đau khớp gối. Trong đó, nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất là thuốc giảm đau và chống viêm. Ngoài ra tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau nhức khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo một số loại thuốc đặc hiệu như kháng sinh, thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm, thuốc chống thấp khớp và thuốc sinh học.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị đau khớp gối, bao gồm:
1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng để giảm cơn đau có mức độ nhẹ đến vừa. Tác dụng giảm đau của thuốc bắt nguồn từ cơ chế tác động đến cyclooxygenase ở hệ thần kinh trung ương, dẫn đến ức chế quá trình sinh tổng hợp prostaglandin. Ngoài ra, Paracetamol còn có tác dụng hạ sốt nhưng không gây hạ nhiệt độ ở người có thân nhiệt bình thường.
Loại thuốc này được đánh giá an toàn ở liều điều trị và có thể sử dụng cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, chống chỉ định Paracetamol cho trường hợp bị viêm gan, suy thận, thiếu hụt G6PD, thiếu máu nhiều lần hoặc có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc. Paracetamol chuyển hóa qua gan nên cần hạn chế sử dụng rượu bia trong thời gian dùng thuốc.
2. Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị đau do các bệnh xương khớp. Ngoài tác dụng giảm đau, nhóm thuốc này còn có hiệu quả chống viêm. Do đó, thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng khi không có đáp ứng đối với Paracetamol.
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase 1 và 2, từ đó ức chế sinh tổng hợp chất trung gian gây viêm prostaglandin. Đồng thời ức chế PGF2 – chất thụ cảm các tín hiệu dẫn truyền cơn đau của dây thần kinh như histamine và serotonin. Do tác động lên cả enzyme cylooxygenase 1 và 2 nên thuốc có thể tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và chống ngưng tập tiểu cầu (gây chảy máu kéo dài).
NSAID thường chỉ được sử dụng trong điều trị ngắn hạn. Dùng thuốc trong thời gian dài còn gây ra các tác dụng phụ có mức độ nặng như viêm thận kẽ cấp, giảm số lượng bạch hầu, suy thận, suy gan và suy tủy. Bệnh nhân có vấn đề về dạ dày và tá tràng nên sử dụng đồng thời với thuốc ức chế sản xuất dịch vị hoặc thuốc bảo vệ niêm mạc để giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa khi dùng NSAID.
Trong trường hợp cơn đau khu trú và không có mức độ quá nặng, nên ưu tiên sử dụng NSAID dạng bôi, xịt hoặc dán. Các dạng bào chế này hầu như chỉ cho tác dụng tại chỗ, không gây tổn thương gan, thận, dạ dày và các cơ quan khác. Tuy nhiên, NSAID dạng dùng ngoài cho hiệu quả hạn chế và có thể gây kích ứng da nếu lạm dụng quá mức.
Chống chỉ định NSAID đối với:
- Phụ nữ mang thai
- Rối loạn đông máu
- Suy gan
- Suy thận
- Tiền sử xuất huyết dạ dày
- Đang bị loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Chống chỉ định tương đối với nhiễm trùng đang tiến triển và bệnh nhân hen phế quản
Các NSAID thường được sử dụng trong điều trị đau khớp gối bao gồm Ibuprofen, Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam,…
3. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Imipramine, Desipramine, Amitriptyline,…) thường được dùng trong điều trị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn lo âu. Tuy nhiên, do có cơ chế ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine (dẫn truyền cảm giác đau) nên thuốc còn dược sử dụng để điều trị các cơn đau mãn tính.
Hiện nay, thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng chủ yếu trong điều trị đau khớp gối do thoái hóa khớp và các bệnh xương khớp mãn tính khác. Ngoài tác dụng giảm đau, thuốc còn giúp giảm cảm giác lo âu và stress quá mức ở một số bệnh nhân bị đau mãn tính.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng cho bệnh nhân bị động kinh, phì đại tuyến tiền liệt, mắc bệnh tim mạch, bí tiểu, suy gan, đang điều trị bằng thuốc tuyến giáp hoặc thuốc ức chế monoamin oxydase.
4. Opioids điều trị đau khớp gối có mức độ nặng
Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids) được sử dụng đối với đau khớp gối có mức độ nặng và không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường. Nhóm thuốc này tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương bằng cách kích thích lên thụ thể kappa, Rp muy, từ đó làm tăng ngưỡng chịu đau, ức chế dẫn truyền tín hiệu đau, làm biến đổi trạng thái tâm lý của bệnh nhân và thay đổi tính chất cơn đau.
Do nguy cơ và rủi ro cao nên opioids thường được sử dụng ở dạng phối hợp (chủ yếu là Tramadol + Paracetamol). Tuy nhiên trong trường hợp đau khớp gối nhiều và nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các opioids đơn độc.
Chống chỉ định thuốc giảm đau gây nghiện đối với:
- Phụ nữ mang thai, cho con bú
- Tiền sử ngộ độc rượu, các thuốc ức chế hô hấp, thuốc gây ngủ
- Trẻ dưới 5 tuổi
- Hen phế quản
- Suy hô hấp
Thuốc giảm đau gây nghiện tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, nên hạn chế điều khiển phương tiện giao thông, máy móc và tránh đưa ra các quyết định quan trọng trong thời gian sử dụng.
5. Thuốc điều trị đau khớp gối Diacerein
Diacerein được sử dụng để điều trị đau khớp gối do thoái hóa khớp. Thuốc có tác dụng chống viêm bằng cách làm giảm các yếu tố tiền viêm, dị hóa tế bào sụn và kích thích sản xuất yếu tố tăng trưởng chuyển dạng TGF-b. Ngoài ra, Diacerein còn ức chế sự di chuyển của đại thực bào và thúc đẩy sản sinh acid hyaluronic, collagen, proteoglycan. Do đó ngoài tác dụng chống viêm, thuốc còn làm chậm quá trình thoái hóa mô sụn.
Tuy nhiên, Diacerein có tác dụng chậm hơn so với các loại thuốc chống viêm dựa trên cơ chế ức chế prostaglandin. Do đó, thuốc thường được dùng phối hợp với thuốc giảm đau, chống viêm trong thời gian đầu để kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm.
Diacerein được đánh giá an toàn hơn so với các loại thuốc chống viêm và giảm đau. Hơn nữa, thuốc còn kích thích quá trình phục hồi và ức chế hoạt động phá hủy, thoái hóa mô sụn. Loại thuốc này hầu như không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng – ngay cả khi dùng quá liều. Một số ít trường hợp có thể gặp phải tình trạng nước tiểu đổi màu (phản ứng thường gặp) và tiêu chảy (thường do sử dụng quá liều lượng khuyến cáo).
6. Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm
Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm thường được dùng để điều trị thoái hóa khớp gối và các bệnh xương khớp có liên quan đến yếu tố tuổi tác. Nhóm thuốc này không tác động trực tiếp đến cơn đau và hiện tượng phù nề. Thuốc thúc đẩy khả năng tái tạo mô sụn, xương dưới sụn và làm chậm quá trình lão hóa.
Các loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm thường được sử dụng, bao gồm:
– Glucosamine:
Glucosamine có chức năng tổng hợp proteoglycan – thành phần chính trong cấu trúc sụn khớp và ức chế các enzyme tiêu hủy mô sụn. Tuy nhiên khi tuổi tác tăng lên, lượng Glucosamine nội sinh có xu hướng giảm dần.
Hiện nay, các viên uống bổ sung Glucosamine thường được chiết xuất từ sụn vi cá mập, vỏ của các loại hải sản và xương bò. Bổ sung Glucosamine giúp phục hồi sụn bị xơ hóa, làm chậm quá trình phá hủy mô sụn và tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể.
– Chondroitin:
Chondroitin là một sulfate glycosaminoglycan có trong mô sụn và hầu hết các cơ quan của cơ thể. Thành phần này giữ nhiệm vụ thúc đẩy tổng hợp axit hyaluronic và proteoglycan nhằm giúp sụn khớp dẻo dai, đàn hồi và ổ khớp vận hành trơn tru, nhịp nhàng. Tương tự Glucosamine, hàm lượng Chondroitin được cơ thể tổng hợp có xu hướng giảm dần theo độ tuổi.
Thiếu hụt Chondroitin là nguyên nhân khiến mô sụn dễ bị xơ hóa, tổn thương và giảm khả năng đàn hồi. Vì vậy, bổ sung Chondroitin bằng viên uống tổng hợp có thể cải thiện cấu trúc ổ khớp và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa. Ngoài ra một số nghiên cứu còn cho thấy, Chondroitin có khả năng ức chế các enzyme gây hủy hoại mô sụn như proteolytic, nitric oxide, thúc đẩy tổng hợp dịch nhờn và tăng tổng hợp collagen nội sinh.
– Collagen type 2:
Collagen type chiếm 90% trong cấu trúc xương và sụn. Thành phần này có chức năng chính là liên kết các tế bào, duy trì độ dẻo dai và đàn hồi của hệ thống xương khớp. Giảm collagen type 2 là nguyên nhân khiến xương khớp giòn, thiếu dẻo dai và dễ bị tổn thương.
Hiện nay, các viên uống bổ sung Collagen type 2 thường chứa các hoạt chất chống thoái hóa tác dụng chậm khác như Chondroitin và Glucosamine để thúc đẩy tốc độ phục hồi mô sụn bị xơ hóa, tổn thương và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa ổ khớp.
Ngoài ra, các loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm cũng được khuyến khích dùng cho người cao tuổi để duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh và giảm nguy cơ phát triển của các vấn đề xương khớp liên quan đến yếu tố tuổi tác.
7. Thuốc chống thấp khớp
Thuốc chống thấp khớp (DMARD) được sử dụng để điều trị đau khớp gối do viêm khớp dạng thấp. Khác với thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý có liên quan đến yếu tố tự miễn. Ở bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch bị rối loạn và có xu hướng sản sinh kháng thể tấn công vào màng bao hoạt dịch, da, mô sụn và tế bào xương khỏe mạnh.
Ngoài những triệu chứng tại chỗ, bệnh lý này còn gây tổn thương ở một số cơ quan khác như da, mắt, thận và làm phát sinh các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn và yếu sức.
DMARD có tác dụng ức chế miễn dịch, từ đó ngăn chặn hoạt động tấn công của kháng thể lên ổ khớp và làm chậm tiến triển của bệnh. Nhóm thuốc này không có tác dụng giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên, sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể bảo tồn ổ khớp, giảm mức độ tổn thương sụn, màng bào hoạt dịch và ngăn chặn triệu chứng đau nhức, biến dạng khớp trong tương lai.
Do có tác dụng chậm nên DMARD thường được dùng phối hợp với thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid trong thời gian chờ hiệu lực. Tuy nhiên, thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm không được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Chống chỉ định tuyệt đối với người bị suy gan, thận nặng, suy dinh dưỡng, rối loạn tạo máu và mắc hội chứng suy giảm miễn dịch
- Chống chỉ định tương đối với người uống nhiều rượu, viêm gan và xơ gan
8. Kháng sinh trị đau khớp gối do viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng ổ khớp bị nhiễm trùng do các vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu (không phải do lao, phong, ký sinh trùng hay nấm). Tác nhân chủ yếu gây ra bệnh lý này là do lậu cầu, tụ cầu vàng, phế cầu và liên cầu khuẩn. Bệnh không chỉ gây đau khớp gối mà còn làm phát sinh các biểu hiện toàn thân như sốt, nôn mửa, buồn nôn, đau nhức toàn bộ cơ thể và hơi thở hôi.
Kháng sinh là thuốc đặc hiệu trong điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn. Tùy thuộc vào tác nhân gây nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh Clindamycin, Nafcillin, Amikacin, Gentamycin, Cephalosporin,… dạng uống hoặc tiêm. Khi dùng kháng sinh, bắt buộc phải dùng đúng liều lượng, hạn chế quên liều và sử dụng đều đặn trong thời gian được chỉ định để tránh hiện tượng kháng thuốc và tăng chủng vi khuẩn không nhạy cảm.
9. Corticosteroid
Corticosteroid (thuốc chống viêm steroid) có tác dụng tương tự hormone cortisol được tuyến thượng thận sản xuất. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch, kháng viêm và chống dị ứng. Nếu sử dụng trong điều trị các bệnh về xương khớp, bác sĩ chủ yếu dùng các corticosteroid mạnh về tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch.
Corticosteroid gây ra nhiều rủi ro và biến chứng nặng nề khi sử dụng. Do đó, thuốc chỉ được dùng trong trường hợp đau nặng và không có đáp ứng với các loại thuốc giảm đau, chống viêm thông thường. Hiện nay, corticosteroid chủ yếu được dùng để điều trị đau do viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp trong thời gian chờ hiệu lực của thuốc chống thấp khớp và thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm.
Chống chỉ định Corticosteroid trong những trường hợp sau:
- Mang thai, cho con bú
- Tiền sử xuất huyết dạ dày
- Đang bị nhiễm trùng tiến triển
- Đục thủy tinh thể
- Cao huyết áp
- Tiểu đường
- Bệnh lao hoặc lao tiến triển
- Viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển
10. Thuốc sinh học điều trị đau khớp gối do tự miễn
Thuốc sinh học là được tạo ra từ các tế bào của động vật, con người hoặc qua công nghệ tái tổ hợp ADN. Trong những năm gần đây, nhóm thuốc này bắt đầu được sử dụng để điều trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và bệnh vảy nến.
Mặc dù có nhiều ghi nhận cho thấy cải thiện rõ rệt khi dùng thuốc sinh học nhưng loại thuốc này có chi phí khá cao và cơ chế chưa được nghiên cứu rõ ràng. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc sinh học vào điều trị đau khớp gối chưa thực sự phổ biến.
Một số lưu ý khi dùng thuốc trị đau khớp gối
Các loại thuốc điều trị đau khớp gối có thể kiểm soát cơn đau, giảm viêm, phù nề, làm chậm quá trình thoái hóa, ức chế miễn dịch và bảo tồn cấu trúc ổ khớp. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc, nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu bị chấn thương khớp gối nhẹ, có thể sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ hoặc Paracetamol để cải thiện. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau 3 – 5 ngày, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Người bị đau khớp gối do các bệnh xương khớp đều phải tiến hành chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham vấn y khoa.
- Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng. Nếu không nhận thấy cải thiện, nên thông báo với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều hoặc thay thế bằng nhóm thuốc có cơ chế mạnh hơn.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị tiểu đường, cao huyết áp, mắc bệnh gan, thận,… phải thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe để được cân nhắc về việc sử dụng thuốc.
- Không dùng thuốc Tây trị đau khớp gối với thuốc Đông y nếu chưa tham vấn y khoa. Tự ý phối hợp có thể làm tăng nguy cơ tương tác và dẫn đến các tình huống rủi ro.
- Để giảm tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị đau khớp gối, cần ăn uống điều độ, không dùng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, hạn chế stress và lo âu quá mức.
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên để phục hồi chức năng của xương khớp, kiểm soát cơn đau và làm chậm tiến triển của bệnh.
- Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, nên cân nhắc phẫu thuật nếu cần thiết.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Đau khớp gối nên uống thuốc gì?” và đề cập đến một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế rủi ro phát sinh, nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Xem thêm: Những điều bạn cần biết về bảo hiểm sức khỏe toàn diện
Tin mới nhất
- Bật mí 7 lợi ích của bàn tăng giảm chiều cao với dân công sở
- Hướng dẫn khám chữa bệnh ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
- Tinh trùng ít là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Viêm khớp gối có nguy hiểm không? Có chữa được không?
- Ổ tụ máu
- TOP 7 cách chữa sỏi bàng quang dân gian bằng thuốc nam hiệu quả
- Cách nhận biết nấm lim xanh rừng qua hình dáng mùi vị và giá cả
- 14 Cách chữa đau họng cho bà bầu bằng tự nhiện an toàn tại nhà
- Một vài ý kiến về “làng ung thư”
- Stress gây đau dạ dày – Lý do khiến bệnh ngày càng tăng