Đau xương khớp ở tuổi dậy thì và cách xử lý
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì còn được gọi là đau tăng trưởng. Đây là hiện tượng phát triển hoàn toàn bình thường, phổ biến ở trẻ em 8 – 12 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp thiếu niên hoặc liên quan đến các rối loạn cơ xương khớp và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì là gì?
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì là tình trạng đau chi tái phát và tự giới hạn ở trẻ em trong độ tuổi 8 – 12. Lúc này, các cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên, đau nhói tại các khớp nhưng không rõ vị trí, đau nhiều về đêm (ban ngày bình thường) và không thể lý giải nguyên do.
Triệu chứng này được mô tả lần đầu trong y văn vào năm 1823 và thường bị lẫn lộn với bệnh thấp khớp. Mãi đến giai đoạn 1930 – 1945, chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì mới được định nghĩa rõ ràng, tách biệt khỏi nhóm thấp khớp và bệnh lý thần kinh, với tên gọi đau tăng trưởng. Ngoài ra, tình trạng này còn xuất hiện ở trẻ em 3 – 5 tuổi.
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì là một hiện tượng thường gặp, chiếm 10 – 20% tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học và thiếu niên. Tuy cơ chế sinh lý của đau xương khớp ở tuổi dậy thì chưa được làm rõ nhưng các chuyên gia cho biết, đây là một tình trạng lành tính, sẽ khỏi hẳn theo thời gian và hoàn toàn không để lại di chứng.
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì thường khu trú ở chi dưới. Các cơn đau diễn ra sâu trong xương đùi, xương cẳng chân, mào xương chày, vùng xương chậu và cột sống thắt lưng, hiếm khi xuất hiện tại chi trên. Triệu chứng này thường đi kèm cảm giác nhức mỏi trong xương từ âm ỉ đến dữ dội vào ban đêm, khiến trẻ giật mình giữa đêm vì khó chịu. Đau xương khớp ở tuổi dậy thì có tính chất đơn thuần, không viêm nhiễm, không kết hợp sốt cao, không hạn chế khả năng vận động của trẻ.
Đặc biệt, trẻ em bị đau xương khớp ở tuổi dậy thì vẫn học tập, sinh hoạt và phát triển thể lực bình thường. Khi trẻ vận động khớp hay bẻ khớp (nhất là các khớp ở ngón tay), khớp sẽ phát ra tiếng kêu rắc rắc. Tuy nhiên, điều này không liên quan đến các bệnh về khớp.
Nguyên nhân gây ra đau xương khớp ở tuổi dậy thì
Trong quá trình phát triển nhanh chóng của trẻ ở tuổi dậy thì, trọng lượng cơ thể tạo ra nhiều áp lực lên chân. Khi đầu chi dưới xung huyết sẽ dẫn đến đau chân. Y học hiện đại gọi hiện tượng này là đau chân tăng trưởng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì mà các bậc phụ huynh và con em nên tham khảo:
- Xương phát triển quá nhanh: Vì cơ thể một số trẻ phát triển quá nhanh so với lứa tuổi nên hệ cơ và xương không thể tăng trưởng kịp. Do đó, các đầu gân xương chưa vững vàng, chắc chắn. Nếu xương liên tục dài ra trong khi các sợi cơ chạy dọc ống xương không thể dài kịp thì các sợi cơ này sẽ bị kéo căng, gây đau bắp chân, bắp tay, bụng chân, bụng tay. Trẻ thường cảm thấy nhức mỏi dữ dội về đêm vì đây là thời điểm xương tăng trưởng nhanh nhất.
- Thiếu canxi: Canxi là dưỡng chất quan trọng đối với sự đông máu, co cơ, quá trình hình thành răng, xương cũng như hoạt động truyền tính hiệu của các tế bào thần kinh. Vì vậy, khi thiếu canxi, cơ thể sẽ bị rối loạn co cơ, dẫn đến hiện tượng đau cơ khớp. Đây chính là lý do khiến trẻ thường xuyên đau nhức cẳng chân, cánh tay và bứt rứt khó ngủ về đêm.
- Thừa cân, béo phì: Khi trẻ bị thừa cân, béo phì, trọng lượng của cơ thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với sức chịu đựng non yếu của hệ cơ xương khớp. Do đó, trẻ thường cảm thấy nhức mỏi ở khớp gối và vùng thắt lưng.
- Trẻ quá hiếu động, nghịch ngợm (chạy nhảy, nô đùa…), dẫn tới các sự va chạm, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương khớp.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy tình trạng đau xương khớp tuổi dậy thì có liên quan đến các chứng đau tái diễn như: đau đầu, đau bụng… Theo thống kê, khoảng 25% trẻ em bị đau đầu tái diễn đi kèm triệu chứng đau xương khớp tuổi dậy thì. Ngoài ra, nhiều trẻ bị đau nhức xương khớp do ngưỡng chịu đau thấp hơn những trẻ khác.
Dấu hiệu nhận biết của chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì
Các cơn đau xương khớp ở tuổi dậy thì thường là những cơn nhức mỏi, đau nhói cả 2 bên cơ thể. Chúng có thể xuất hiện mỗi ngày nhưng không liên tục. Trong một số trường hợp, trẻ bị đau đầu nhẹ hoặc đau bụng. Bên cạnh đó, dấu hiệu của chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì còn phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng của cơn đau. Những dấu hiệu phổ biến bao gồm:
Đau chân
Khi mắc phải tình trạng này, trẻ thường bị đau nhức âm ỉ ở chân tại các vị trí không rõ ràng. Cơn đau sẽ tự biến mất sau vài ngày. Vì vậy, bé vẫn học tập, sinh hoạt bình thường. Khi đi đưa trẻ đi khám, bác sĩ không phát hiện vấn đề bất thường. Y học định nghĩa tình trạng này là đau tăng trưởng do xương phát triển quá mức.
Đau lưng
Nguyên nhân của triệu chứng này có thể do trẻ vận động quá nhiều trong giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về cột sống. Trong độ tuổi nhạy cảm này, trẻ rất dễ bị cong vẹo cột sống, chủ yếu do thói quen đi gù lưng, ngồi sai tư thế hoặc đeo cặp quá nặng trong một thời gian dài. Thông thường, hiện tượng đau lưng sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài, những cơn đau này có thể gây ra một số bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của trẻ như: vôi hóa cột sống, cong vẹo cột sống, trượt lệch đĩa đệm…
Đau gót chân
Đau gót chân thường gặp ở các bé trai nghịch ngợm, hiếu động, vận động liên tục. Khi xương khớp của trẻ tăng trưởng quá nhanh trong khi cơ, gân, dây chằng không phát triển theo kịp, vùng xương gót chân sẽ hình thành áp lực lớn đè lên xương sụn gót chân, từ đó làm xương sụn nơi đây bị tổn thương. Y học gọi tình trạng này bệnh viêm xương sụn vô khuẩn gót chân (Sever).
Đau khớp
Va chạm mạnh, vận động nhiều, chơi thể thao với cường độ cao, chấn thương do tai nạn… là những nguyên nhân phổ biến của tình trạng đau khớp. Nếu đầu gối trẻ bị sưng đau, lồi củ trên xương chày, ngay dưới bánh chè thì rất có thể trẻ bị bệnh viêm xương sụn vô khuẩn lồi củ chày ở gối (Osgood–Schlatter).
Sưng nóng đỏ, đau cứng khớp gối
Sưng nóng đỏ, đau cứng khớp gối là một trong những dấu hiệu đặc trưng của chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì và viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên. Bệnh lý này thường diễn ra trong vòng vài năm, thậm chí kéo dài qua tuổi trưởng thành và để lại những di chứng nghiêm trọng, gây thoái hóa cứng khớp (đặc biệt là khớp ở ngón tay, bàn tay).
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì có thể liên quan đến bệnh lý nào?
Đau xương khớp ở độ tuổi dậy thì thường không nghiêm trọng, không cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên, đôi khi, tình trạng này chính là dấu hiệu của một số bệnh lý về cột sống, xương khớp nghiêm trọng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và khả năng vận động của trẻ nói riêng. Các bệnh lý đó có thể là:
Thiếu hụt vitamin D
Việc thiếu vitamin D cùng một số khoáng chất thiết yếu có thể khiến trẻ bị đau xương khớp. Các cơn đau này sẽ nhanh chóng được kiểm soát và đẩy lùi khi trẻ bổ sung đầy đủ vitamin D.
Chấn thương
Một số chấn thương ở cơ, xương và khớp có thể gây đau đớn, sưng đỏ, đồng thời suy giảm khả năng vận động của trẻ em trong độ tuổi dậy thì.
Tăng động
Các khớp của những trẻ em hiếu động thái quá hoặc mắc bệnh tăng động có thể dịch chuyển quá phạm vi hoạt động bình thường. Điều này gây ra tình trạng đau cơ bắp và cứng khớp. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị bong gân, trật khớp và gặp phải những vấn đề chấn thương mô mềm khác. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi vì các cơn đau xương khớp này sẽ được cải thiện đáng kể nếu trẻ chịu ngồi yên nghỉ ngơi.
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể khiến người bệnh đau nhức xương khớp toàn thân, đặc biệt là ở các ngón tay. Các triệu chứng điển hình của bệnh lý này là:
- Mệt mỏi
- Giảm cân
- Đau và sưng khớp
- Cảm thấy nóng rát khi chạm vào chỗ đau
- Phát ban ở các khu vực chịu ảnh hưởng
- Sưng đau ở các hạch bạch huyết
- Rối loạn giấc ngủ
Hội chứng đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia Syndrome – FMS) là rối loạn mạn tính có thể gây ra tình trạng mệt mỏi và đau nhức trong cơ, gân, dây chằng và khớp. Các dấu hiệu nhận biết của hội chứng này bao gồm:
- Lo lắng
- Mất ngủ
- Thiếu tập trung
- Đau đầu
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome – RLS) là hiện tượng hai chân bệnh nhân luôn muốn hoạt động. Bắt nguồn từ các rối loạn thần kinh, tình trạng này gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu tạm thời bên trong xương khớp, thường trở nên nghiêm trọng vào ban đêm hay khi người bệnh nằm hoặc ngồi.
Ung thư xương
Ung thư xương là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, những cơn đau nhức sâu trong xương ống chân hoặc cánh tay chính là dấu hiệu nhận biết của căn bệnh nguy hiểm này. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi trẻ vận động. Khi khối u xuất hiện ở chân, trẻ phải đi khập khiễng. Ngoài ra, ung thư còn khiến xương trẻ trở nên giòn, yếu, dễ gãy.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đa số các cơn đau xương khớp ở tuổi dậy thì đều lành tính và sẽ tự cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu cơn đau của trẻ trở nên nghiêm trọng, kéo dài và kèm theo một số triệu chứng sau, cha mẹ nên đưa con đi thăm khám ngay lập tức:
- Sốt phát ban bất thường
- Mệt mỏi, yếu ớt
- Đau xương khớp vào buổi sáng
- Đau nhức sau khi chấn thương hoặc va chạm
- Cơn đau kéo dài cả ngày
- Bước đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn
- Ít vận động hơn
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chán ăn
- Các khớp ở chân bị sưng nóng đỏ au
- Đau nhức dữ dội
- Nước tiểu màu đen, đặc biệt là sau khi trẻ vận động nhiều
Cách chẩn đoán đau xương khớp ở tuổi dậy thì
Một đặc điểm quan trọng giúp bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chính xác chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì (đau tăng trưởng) là cách bé phản ứng lúc được chạm vào giữa những cơn đau. Các bé bị đau tăng trưởng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bác sĩ xoa bóp trong khi trẻ bị đau vì bệnh lý khác không thích bác sĩ tác động vào chỗ đau của mình (vì cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn).
Bên cạnh đó, dựa vào một số tiêu chuẩn lâm sàng dưới đây, bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh tình trạng này mà không cần tiến hành chụp chiếu hay xét nghiệm.
- Tháng nào trẻ cũng bị đau, kéo dài ít nhất 3 tháng.
- Trẻ đau từng đợt, có những giai đoạn không đau (khoảng vài ngày) xen kẽ
- Trẻ đau dữ dội hơn khi hoạt động nhiều vào ban ngày
- Cơn đau thường xuyên xuất hiện vào cuối ngày và không liên quan đến khớp
Phương pháp điều trị đau xương khớp ở tuổi dậy thì
Đây là tình trạng không nghiêm trọng. Sau một khoảng thời gian, bệnh sẽ tự khỏi nên không cần điều trị. Nếu triệu chứng diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ kết hợp điều trị bằng thuốc với các biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây.
Chăm sóc trẻ tại nhà
Để giúp trẻ nhanh chóng cải thiện các cơn đau nhức, phụ huynh có thể:
- Ôm ấp, xoa bóp nhẹ nhàng
- Khuyến khích trẻ tập luyện các bài tập thư giãn và kéo căng cơ
- Chườm nóng để làm dịu cơn đau
- Cho trẻ tắm nước nóng trước khi đi ngủ
- Để trẻ phơi nắng nhằm bổ sung vitamin D
Điều trị bằng thuốc
Nếu trẻ đau nhức dữ dội, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng giảm đau, tăng cường chức năng xương khớp, đồng thời ngăn ngừa tổn thương như:
- Thuốc kháng viêm không chứa Steroid (NSAIDs) như Naproxen Natri, Ibuprofen… giúp ức chế sưng, viêm và đẩy lùi cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể dẫn đến chứng đau dạ dày và một số vấn đề về gan.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) có khả năng điều trị viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa một số biến chứng trong tương lai. Lưu ý, loại thuốc này có thể gây ra hiện tượng buồn nôn và các vấn đề về gan.
- Corticosteroid thường được chỉ định trong trong các trường hợp đau nhức xương khớp nặng. Thuốc có thể được dùng thông qua đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó là tác động tiêu cực đến sự phát triển bình thường của trẻ, gây yếu xương, viêm quanh màng tim, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, phụ huynh chỉ cho con sử dụng loại thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì có thể xuất hiện ở bất kỳ đứa trẻ nào. Muốn đồng hành với con bước qua giai đoạn phát triển đầu đời này, cha mẹ cần chủ động cập nhật kiến thức và chăm sóc con một cách khoa học. Để đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ, khi phát hiện một số triệu chứng bất thường, các bậc phụ huynh nên đưa con em đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Liệt dương hoàn toàn là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh
Tin mới nhất
- Những nguyên nhân gây tê ngón và bàn tay chớ dại mà bỏ qua
- Các xét nghiệm trào ngược dạ dày 2020 và lưu ý
- 4 mẹo thần thánh giúp mẹ không bị rách âm hộ khi sinh
- Cách tăng ham muốn ở phụ nữ mãn kinh
- Nhận biết và điều trị viêm họng loét chính xác thế nào?
- Chuột rút: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử lý, phòng tránh hiệu quả
- Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước? 10 lợi ích bất ngờ khi bạn uống đủ nước
- Viêm hang vị dạ dày trào ngược dịch mật: Nguyên nhân và cách điều trị
- Bài thuốc viêm họng, viêm amidan Đỗ Minh Đường – Giải pháp trị bệnh TẬN GỐC
- Ngâm rượu nấm lim xanh thế nào? Lưu ý gì khi ngâm rượu nấm lim