10 Món ăn chữa mất ngủ giúp mẹ bầu ngủ ngon ngủ sâu hơn
Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay thức đêm dẫn đến cơ thể mệt mỏi, uể oải là tình trạng thường gặp ở hầu hết các mẹ bầu. Có nhiều cách giúp mẹ ngủ ngon giấc hơn, một trong số đó là điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung các món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu. Dưới đây là 7 món ăn giàu dưỡng chất, vừa cung cấp đủ chất cho sự phát triển của thai nhi vừa giúp an thần để mẹ ngủ ngon giấc hơn.
10 Món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ thai kỳ như do tâm trạng mẹ nhạy cảm, dễ lo âu, căng thẳng, hay suy nghĩ; do gặp vấn đề về tiêu hóa; do sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến hơi thở mẹ chậm và sâu hơn dẫn đến vấn đề về hô hấp hay do sự phát triển ngày một lớn của thai nhi… Khi gặp tình trạng mất ngủ, mẹ có thể bổ sung một số món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu dưới đây:
1. Thịt bò xào hoa thiên lý
Thiên lý hay dạ lý hương, dạ lài hương có hoa thơm, chuyên nở về ban đêm, chủ yếu vào mùa hè. Theo Đông y, hoa thiên lý vị ngọt, tính bình có tác dụng tư bổ tâm, giải nhiệt, an thần, giúp ngủ ngon giấc nên thường được dùng làm món ăn làm mát cơ thể, giải nhiệt độc, chữa mất ngủ, giảm mệt mỏi căng thẳng.
Hoa thiên lý chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, không chỉ giúp mẹ ngủ ngon giấc mà còn giúp em bé trong bụng phát triển tốt. Món thịt bò xào hoa thiên lý là một món ăn bổ dưỡng, vừa giúp mẹ bổ sung sắt cho cơ thể lại vừa có tác dụng an thần, phòng rôm sảy, giảm đau nhức xương cốt khi mang thai.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 100g hoa thiên lý, 200g thịt bò
- Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng, ướp hạt nêm, tỏi băm, dầu hào trong 15 phút
- Hoa thiên lý ngâm với nước muối pha loãng, rửa sạch lại với nước rồi để ráo
- Phi thơm tỏi rồi cho thịt bò vào xào tái, tiếp đó thêm hoa thiên lý vào đảo nhanh tay, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Công dụng chính: Bổ máu, an thần, trị mất ngủ, ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt khi mang thai.
2. Canh hoa thiên lý nấu thịt
Như đã đề cập, hoa thiên lý có tác dụng rất tốt trong việc điều trị mất ngủ cho mẹ bầu. Ngoài việc sử dụng hoa thiên lý xào với thịt bò, mẹ có thể nấu canh loại hoa này với thịt bò hoặc thịt heo nạc.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 100g thịt bò nạc, hoa thiên lý, hành tươi, hạt nêm, gừng, tiêu, bột ngọt
- Thịt bò rửa sạch, cắt miếng mỏng, ướp với 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê nước mắm và gừng băm trong 15 phút
- Hoa thiên lý ngâm với nước muối, rửa sạch lại với nước rồi vớt ra để ráo; hành tươi thái nhỏ
- Phi thơm tỏi băm rồi cho thịt bò vào đảo sơ trên lửa lớn để thịt mềm và ngọt hơn
- Cho 1 tô nước đã đun sôi vào nồi thịt bò, vớt bọt, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho hoa thiên lý vào
- Thả hành tươi đã thái nhỏ, có thể rắc thêm ít tiêu để tăng hương vị.
3. Cháo cá chép chữa mất ngủ cho mẹ bầu
Cá chép chứa hàm lượng chất béo, đạm, glycine, arginine, axit glutamic cao. Ngoài ra, cá chép cũng chứa canxi, vitamin A, vitamin C, sắt… giá trị dinh dưỡng có thể tương đương thậm chí còn cao hơn cả cá lóc, cá hồi. Trong cá chép chứa nhiều tryptophan, là nguồn sản sinh ra serotonin, chất dẫn truyền thần kinh. Tryptophan có tác dụng giảm căng thẳng, xoa dịu thần kinh, giúp mẹ bầu có giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Nhìn chung các loại cá như cá hồi, cá chép, cá cơm, cá ngừ, cá trích… đều chứa tryptophan, tuy nhiên món ăn tốt nhất cho mẹ bầu là cháo cá chép. Đây là món ăn vừa giúp mẹ ngủ ngon nhất, giảm chứng sưng phù tay chân trong thai kỳ vừa có tác dụng an thai, bổ tỳ vị. Cháo cá chép là món ăn đặc biệt thích hợp cho mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu.
Cách thực hiện:
Sơ chế nguyên liệu:
- Cá chép đánh vảy, mổ cá, bỏ ruột, bóc mang, chặt khúc, rửa sạch dưới vòi nước, để khử mùi tanh của cá, chị em cần dùng muối hạt to để chà sạch trên lớp da
- Đập dập một chút gừng, đun sôi nước, thêm gừng rồi thả cá vào luộc cho cá chín
- Khi đã luộc chín thì vớt ra, để nguội, lọc bỏ xương chỉ lấy thịt, dùng phần thịt này ướp với ít tiêu và 1 thìa nước mắm.
Lưu ý: Cần làm sạch cá, không nên để nguyên con, nếu ăn nhầm phải mật cá chứa Cyprinol sulfate sẽ khiến mẹ có nguy cơ ngộ độc.
Cách 1: Cháo cá chép đậu xanh
- Nguyên liệu: 1 con cá chép, 2 nắm gạo tẻ, 1 nắm đậu xanh nhỏ, 1 nắm gạo nếp, hành lá, thì là, hành khô.
- Hành thái mỏng, phi thơm với dầu rồi đổ cá vào đảo đều cho đến khi cá chín săn
- Gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh vo sạch, trộn đều vào nhau rồi co vào nồi nước luộc cá ninh trong 30 – 40 phút
- Ban đầu để lửa to, sau thì vặn nhỏ lại, trước khi nấu nên ngâm gạo khoảng 30 – 60 phút cho cháo nhanh chín
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp, múc cháo ra bát, cho thịt cá, thì là, hành lá vào trộn đều, ăn khi còn nóng.
Cách 2: Cháo cá chép đậu đỏ
- Nguyên liệu: 1 con cá chép, 100g đậu đỏ, 100g gạo nếp, một ít táo đỏ, trần bì, rau mùi, hành lá, gừng, gia vị.
- Phi thơm hành khô với dầu, rồi đổ cá vào đảo đều cho chín săn
- Đậu đỏ và gạo nếp ngâm trước khi nấu khoảng 30 phút; hành lá, rau mùi thái nhỏ, gừng thái lát mỏng
- Cho đậu đỏ, táo đỏ, trần bì, gạo vào nồi nước luộc cá, ninh cho chín nhừ thì cho phần thịt cá đã xào chín vào nồi, khuấy đều, nêm nếm vừa ăn
- Tắt bếp, múc ra bát, thêm rau mùi, hành lá để thưởng thức.
4. Canh gà hầm củ sen – món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu
Củ sen hay ngó sen là một vị thuốc thường có mặt trong các bài thuốc giải độc gan, bổ máu, điều hòa huyết áp và đặc biệt là chữa mất ngủ trong Đông y. Trong củ sen chứa nhiều khoáng chất như sắt, đồng, kẽm, mangan, magie… có tác dụng bảo vệ tim mạch, giảm căng thẳng mệt mỏi, giảm lượng cholesterol trong cơ thể từ đó giúp mẹ bầu có một giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 500g thịt gà, 500g củ sen, 10g nấm hương, gia vị
- Thịt gà, củ sen rửa sạch, thái miếng vừa ăn; nấm hương ngâm với nước trong 30 phút
- Thịt gà xào săn lại rồi đổ nước vào, thêm nấm hương, củ sen vào hầm chung
- Sau khi sôi thì vặn nhỏ lửa, đun cho đến khi các gia vị chín mềm, nêm nếm vừa ăn.
5. Chân giò hầm củ sen
Cũng giống như canh gà hầm củ sen, món chân giò hầm củ sen này cũng có tác dụng giảm căng thẳng mệt mỏi, bồi bổ cơ thể, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi và đặc biệt giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc hơn.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 400g giò heo, 3030g củ sen, gia vị
- Củ sen rửa sạch, bào sạch vỏ, cắt miếng vừa ăn, ngâm vào muối loãng để trừ hết nhựa
- Giò heo làm sạch, trụng nước sôi rồi rửa lại với nước ấm, chặt miếng vừa ăn
- Cho củ sen và giò heo vào nồi, thêm 1 muỗng đường, ½ muỗng muối, đun sôi ở lửa lớn với 1 lít nước
- Khi nước sôi thì hầm ở lửa nhỏ trong 15 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn
- Có thể thêm ít hành và tiêu để tăng hương vị.
6. Thịt bò xào cần tây và tỏi chữa mất ngủ cho mẹ bầu
Một trong những món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu mà mẹ không thể bỏ qua chính là thịt bò xào với cần tây và tỏi. Cần tây chứa nhiều khoáng chất, sắt và các chất giúp làm dịu hệ thần kinh, xoa dịu cảm giác mệt mỏi căng thẳng giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hơn thế nữa, thịt bò xào cần tây và tỏi còn giúp mẹ bổ sung một lượng lớn sắt, giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai. Món ăn này cũng có tác dụng tăng cường sức khỏe, kháng viêm, nâng cao sức đề kháng cho mẹ.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 150g thịt bò thăn, ½ bó cần tây, ½ củ hành tây, 1 củ tỏi, 2 cây tỏi tây, 1 quả ớt sừng, dầu ăn, muối, tiêu, hạt nêm.
- Thịt bò rửa sạch, thấm khô, thái miếng mỏng, ướp với muối, tiêu, hạt nêm trong 15 phút cho ngấm gia vị
- Cần tây bỏ gốc, nhặt bớt lá, chỉ lấy phần thân rồi đem rửa sạch, thái khúc dài
- Hành tây rửa sạch, thái múi cau, tỏi tây thái miếng vát chéo, tỏi băm nhỏ, ớt sừng cũng thái miếng vát chéo
- Cho dầu ăn vào chảo phi thơm với tỏi băm rồi cho thịt bò xào ở lửa lớn, khi thịt tái thì xúc ra đĩa
- Làm nóng dầu ăn, phi thơm tỏi băm rồi cho hành tây, cần tây, tỏi tây, ớt vào xào cùng, nêm muối và hạt nêm vừa ăn
- Khi các loại rau trên đã chín thì cho thịt bò vào đảo đều, tắt bếp, thưởng thức khi còn nóng.
7. Cháo long nhãn hạt dẻ – món ăn chữa mất ngủ hiệu quả cho mẹ bầu
Long nhãn hay cùi quả nhãn chứa nhiều nước, giàu đường, chất béo, protein rất tốt cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, long nhãn vị ngọt, tính ôn, có tác dụng ích trí an thần, ích tâm kiện tỳ, tư bổ khí huyết. Thường được sử dụng để chữa thiếu máu, giảm trí nhớ, loạn nhịp tim, lo âu, mất ngủ, mất sức sau sinh.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 20g nhân hạt dẻ, 15g long nhãn, 50g gạo, 3 thìa đường trắng
- Gạo vào hạt giẻ hầm với một lượng nước vừa đủ, khi chín nhừ thì thêm long nhãn và đường vào
- Khuấy đều, đun thêm 5 phút thì tắt bếp và thưởng thức.
Lưu ý: Mặc dù long nhãn tốt cho sức khỏe, có thể giúp cải thiện giấc ngủ nhưng mẹ bầu không nên ăn nhiều. Lý do là lúc này huyết áp của mẹ không ổn định, dễ có triệu chứng nóng trong, ăn nhiều sẽ gây táo bón, thậm chí ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Mẹ chỉ nên sử dụng long nhãn ở 3 tháng cuối, tránh dùng ở giai đoạn đầu của thai kỳ.
8. Cháo trứng gà hạt kê
Trứng có hàm lượng protein dồi dào, là món ăn giàu dưỡng chất cho mẹ bầu khi mang thai. Trong khi đó, hạt kê vị ngọt mặn, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, bổ thận kiện tỳ hòa vị. Trong hạt kê chứa nhiều sinh tố nhóm B, protein, lipid, hydrat carbon, Canxi, Sắt… Sự kết hợp giữa hạt kê và trứng gà không chỉ giúp mẹ ngủ ngon và sâu giấc hơn mà còn bổ sung dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của em bé trong bụng.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 1 quả trứng gà ta, 100g hạt kê
- Hạt kê vò sạch, hầm với 1 lít nước, đến khi chín nhừ thì đập trứng gà vào
- Khuấy đều, nấu thêm 3 – 5 phút thì tắt bếp, nêm nếm gia vị vừa ăn
Công dụng chính: Thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm cảm giác lo âu, bồn chồn, an thần, xoa dịu thần kinh giúp dễ ngủ, ngủ sâu giấc hơn.
Lưu ý: Không được ăn cùng hạnh nhân vì có thể gây tiêu chảy, nôn ói.
9. Canh gà hạt sen chữa mất ngủ cho mẹ bầu
Không chỉ có củ sen có tác dụng an thần, chữa mất ngủ mà hạt sen cũng có tác dụng này. Theo y học cổ truyền, hạt sen tính bình, không độc, không có cấm kỵ đặc biệt, có tác dụng chữa suy nhược thần kinh, an thần, chữa mất ngủ, kích thích tiêu hóa. Khi dùng hạt sen, mẹ có thể chỉ dùng hạt mà không cần tâm sen cũng giúp chữa mất ngủ tốt.
Hạt sen giàu canxi, sắt, gluxit, lipit, protit, vitamin đặc biệt là B1, B2, C… có tác dụng tốt cho cả mẹ lẫn bé. Trong khi đó, thịt gà giàu canxi, sắt, vitamin A, B1, C, E… Khi kết hợp cùng nhau, món ăn này sẽ vừa giúp chữa mất ngủ, vừa cải thiện nhịp tim, ngăn ngừa thiếu máu rất tốt.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 300g hạt sen non, 400g thịt gà, 200g cà rốt, 100g nấm hương, tiêu đường, hạt nêm, hành tây, cần tây
- Thịt gà rửa sạch, cắt miếng vừa ăn; hạt sen bóc vỏ, tách đôi hoặc để nguyên, lấy tâm sen ra ngoài nếu để nguyên; cà rốt, hành tây, cần tây rửa sạch, thái nhỏ
- Cho hạt sen, thịt gà, cà rốt, nấm hương, hành tây hầm chín nhừ với với nước ở lửa vừa trong 15 – 20 phút cho nguyên liệu mềm
- Nêm nếm gia vị vừa ăn khi gà, hạt sen đã chín mềm rồi tắt bếp, để nguội và thưởng thức.
Lưu ý: Nếu chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ thì nên dùng cả tâm và hạt sen để tăng tác dụng. Tuyệt đối không dùng món ăn này nếu đang bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón.
10. Canh vịt nấu bí xanh – món ăn chữa mất ngủ bổ dưỡng cho mẹ bầu
Bí xanh tính mát, nhiệt lượng thấp, có công dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, ổn định thần kinh, an thần, giải độc. Sử dụng bí xanh thường xuyên không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi mà còn giúp mẹ bầu cải thiện được chất lượng giấc ngủ đơn giản, an toàn, dễ thực hiện nhất. Canh vịt nấu bí xanh là món ăn thanh nhiệt, an thai, an thần rất tốt mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 1 con vịt trắng, 5 lạng bí xanh, 30g mạch môn, 30g phục thần, gừng, gia vị
- Vịt làm sạch lông, chặt khúc vừa ăn; phục thần và mạch môn cho vào túi lọc buộc chặt lại; bí xanh gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch và thái miếng
- Cho vịt vào nồi nấu cùng phục thần và mạch môn đã cho vào túi lọc trong 30 phút
- Khi chín thì thêm ít gừng và bí đao vào nấu chín, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Những lưu ý để mẹ bầu có giấc ngủ ngon
Mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc mãi mà không thể đi vào giấc ngủ là tình trạng thường gặp ở các mẹ bầu ở giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm này mẹ nên cố gắng ngủ đúng giờ, đủ giấc để đảm bảo cho quá trình vượt cạn sắp tới. Để có một giấc ngủ ngon, khi áp dụng các món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu, mẹ cần nhớ:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, nên tăng cường ăn các thực phẩm có khả năng cải thiện giấc ngủ như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt vừng; thực phẩm giàu vitamin B6 như cá hồi,cá mòi, bông cải xanh; các loại trái cây như bơ, chuối, quả anh đào…
- Tránh xa các thực phẩm không tốt cho sức khỏe, dễ khiến tình trạng mất ngủ thêm nghiêm trọng hơn như đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn, các món ăn cay, trái cây chua, cà phê, trà đặc, nước chè…
- Trước khi đi ngủ 1 – 2 tiếng không dùng điện thoại di động, hãy tắt hết thiết bị điện tử vì ánh sáng từ các thiết bị này khiến chất lượng giấc ngủ của mẹ kém đi rất nhiều
- Mẹ cần tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, tránh suy nghĩ nhiều, có thể nghe tiếng mưa rơi, tiếng nhạc nhỏ nhẹ để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn
- Tạo không gian thoải mái, dễ chịu, tốt nhất mẹ nên đặt nhiều gối xung quanh bản thân, thay đổi tư thế ngủ để có một giấc ngủ tốt hơn.
- Trước khi đi ngủ, mẹ có thể thử tập thiền, tập hít thở chậm và sâu, hãy tưởng tượng đến những khung cảnh yên bình, vắng lặng để cơ bắp bạn được thư giãn.
- Ngoài ra, mẹ có thể ngâm chân với nước muối loãng ấm pha gừng đồng thời tránh uống nhiều nước hoặc ăn quá no trước khi đi ngủ.
Như vậy, có rất nhiều món ăn chữa mất ngủ cho mẹ bầu vừa giúp an thần, xoa dịu thần kinh, giúp mẹ dễ dàng đi vào giấc ngủ lại vừa cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất ngủ ngày một nghiêm trọng, mẹ không thể nào chợp mắt được, cơ thể suy nhược, mệt mỏi thì nên trao đổi với bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp. Tuyệt đối không nên chủ quan khi bị mất ngủ lâu ngày vì có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Có thể bạn quan tâm:
- Mất ngủ sau sinh: Những điều cần biết và cách chữa trị
- 10+ Loại trà chữa mất ngủ giúp ngủ ngon ngủ sâu hơn
Xem thêm: 8 bài thuốc dân gian chữa viêm hang vị dạ dày từ thảo dược dễ tìm
Tin mới nhất
- Nấm lim xanh chữa ung thư với cách dùng nấm lim xanh đúng cách
- Bệnh Zona thần kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
- Gây mê: Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể bạn?
- 10+ cách trị táo bón ở người lớn đơn giản, nhanh khỏi
- Khám phá 20 lợi ích đáng ngạc nhiên của ánh nắng mặt trời
- Trĩ nội cấp độ 1: Dấu hiệu và cách trị ngay tại nhà
- Làm thế nào điều trị sỏi bàng quang hiệu quả?
- Nâng mũi bọc sụn là gì? Có an toàn và vĩnh viễn không?
- Chế tạo thành công Protein sốc nhiệt chữa tất cả các bệnh ung thư
Video
- TIN TỨC UNG THƯ Trào ngược dịch mật: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- CHĂM SÓC NGƯỜI UNG THƯ Phong thấp ra mồ hôi tay chân nguyên nhân do đâu? Điều trị thế nào?
- Nấm lim xanh Tiên Phước Tác dụng của nấm lim xanh trong điều trị ung thư hạch như thế nào
- TIN TỨC UNG THƯ CÁC SẢN PHẨM TĂNG CHẤT LƯỢNG TINH TRÙNG