Rôm sảy ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị an toàn
Rôm sảy ở trẻ em là hiện tượng phổ biến, thường xuất hiện trong thời tiết nắng nóng. Tuy là bệnh lý da liễu lành tính nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến làn da bé, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Rôm sảy ở trẻ em là gì?
Rôm sảy (phát ban nhiệt) là tình trạng bít tắc lỗ chân lông do nhiễm khuẩn hoặc bụi bẩn. Khi thời tiết nóng bức, cơ thể tiết ra quá nhiều mồ hôi khiến mồ hôi ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi, gây ra các mụn nhỏ màu hồng trên da. Bệnh lý này thường xuất hiện ở vai, cổ, lưng, ngực và bụng của bé. Nếu thời tiết mát mẻ, các vết mẩn trên da sẽ tự biến mất mà không gây ra bất cứ tác hại nào.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những đốm mụn rôm này dẫn đến cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Khi trẻ gãi nhiều, da dễ bị tổn thương, trầy xước, nhiễm khuẩn rồi hình thành mụn nhọt, có mủ. Ngoài ra, bệnh rôm sảy ở trẻ em còn xảy ra khi bé sốt cao, bị vi khuẩn tấn công hoặc vận động quá nhiều.
Tương tự rôm sảy ở người lớn, rôm sảy ở trẻ em có 3 dạng chính:
- Rôm dạng tinh thể (Miliaria Crystalina) có đặc điểm không viêm, các mụn nước ở lớp sừng rất nông, thường xuất hiện lúc trẻ sốt cao. Bệnh chỉ để lại những mảng da mỏng, không hình thành sẹo.
- Rôm đỏ (Miliaria Rubra) gây ra những nốt mẩn đỏ mọc thành đám dày ở lưng, thân mình hay những vùng da thường xuyên cọ xát với quần áo. Đôi khi chúng nổi khắp ngực và lưng bé. Rôm đỏ khiến trẻ nhỏ ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Thể bệnh này có thể dẫn đến tình trạng rôm sảy bội nhiễm.
- Rôm sâu (Miliaria Profunda) xảy ra khi rôm đỏ tái đi tái lại nhiều lần. Dấu hiệu phổ biến của rôm sâu là những nốt mẩn có kích thước 1 – 3 mm, cứng, màu nhạt, chủ yếu mọc tại thân mình. Tuy không gây ra cảm giác ngứa ngáy hay châm chích khó chịu nhưng thể bệnh này có thể làm tổn thương tuyến mồ hôi vĩnh viễn.
Thông thường, rôm sảy ở trẻ em không phải là vấn đề da liễu nghiêm trọng. Thế nhưng, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh lý này sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da dai dẳng và khó trị. Do đó, khi phát hiện con em bị rôm sảy, các bậc phụ huynh nên chủ động can thiệp nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé.
Nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ em
Rôm sảy ở trẻ em xuất hiện khi cơ chế bài tiết gặp trục trặc, các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, mồ hôi không thể thoát ra nên bị dồn ứ dưới da.
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân gây ra bệnh rôm sảy ở trẻ em bao gồm:
- Mồ hôi ứ tắc, không thoát ra được: Tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc trẻ mặc tã lót quá lâu hoặc mặc quá nhiều quần áo. Điều này dẫn đến hiện tượng mồ hôi bị ứng đọng trên da và không thể thoát ra, làm xuất hiện của các mẩn đỏ cùng cảm giác ngứa ngáy.
- Không gian sống nóng bức: Nơi ở chật chội, hầm bí, không có lỗ thông hơi, thiếu thông thoáng hoặc thời tiết oi ả khiến da trẻ bí bách và dễ nổi rôm hơn.
- Di truyền: Theo thống kê, trẻ em trên 2 tuổi được sinh ra trong gia đình có tiền sử cơ địa bị dị ứng thường có nguy cơ mắc bệnh rôm sảy cao hơn.
- Vệ sinh không đúng cách: Tỷ lệ nổi rôm sảy của trẻ em sống tại nông thôn, vùng sâu vùng xa, ít được tắm rửa thường cao hơn trẻ em ở các khu vực khác. Tuy nhiên, việc tắm rửa quá thường xuyên cũng là nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ em. Bởi vì việc tắm rửa quá nhiều lần sẽ rửa trôi chất Ceramide (có tác dụng bảo vệ làn da), từ đó gây ra tình trạng da nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt, nếu trẻ gãi quá nhiều, da sẽ bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Thiếu nước: Thời tiết càng nóng bức, cơ thể càng mất đi nhiều nước. Nếu không được bổ sung nước đầy đủ, kịp thời, thận và gan sẽ hoạt động kém hiệu quả, khiến quá trình đào thải độc tố bị chậm lại, sinh ra rôm sảy.
- Dị ứng: Trẻ em dị ứng với thành phần hóa học của sữa tắm, xà phòng… dễ nổi rôm sảy.
- Môi trường: Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khí thải và khói bụi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ em.
Triệu chứng của bệnh rôm sảy ở trẻ em
Trẻ em ở mọi độ tuổi đều có thể bị rôm sảy. Tuy nhiên, tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường của bệnh lý này:
- Nổi nhiều nốt sần nhỏ màu hồng trên da: Làn da của trẻ bị rôm sảy có nhiều mụn/nốt sần màu đỏ hoặc hồng, gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu.
- Xuất hiện nốt sần ở cổ, vai, lưng, bụng: Các nốt sần có thể xuất hiện khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt là tại cổ, lưng, vai, bụng… Ban đầu, nốt sần mọc li ti, riêng lẻ, sau đó mọc tập trung thành mảng dày đặc rồi lan sang các vùng da xung quanh.
- Ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu: Vì các đốm đỏ trên da bị tắc nghẽn, ứ đọng mồ hôi nên trẻ cảm thấy bứt rứt, ngứa ngáy. Nếu phụ huynh không có biện pháp bảo vệ hợp lý, bé sẽ cào gãi nhiều, làm da trầy xước và nhiễm trùng.
Bệnh rôm sảy ở trẻ em có tự khỏi không?
Về bản chất, rôm sảy hình thành khi môi trường xung quanh quá bí bách, nóng nực. Nếu thời tiết ôn hòa, mát mẻ hơn, bệnh sẽ nhanh chóng tự khỏi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh biến mất vĩnh viễn. Thực ra, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết oi ả, khói bụi, ô nhiễm…), các triệu chứng của bệnh sẽ quay lại và tiếp tục làm phiền bé.
Thông thường, sau khi tái phát nhiều lần, bệnh sẽ phát triển thành thể rôm sảy sâu. Đây là giai đoạn các triệu chứng dần trở nên nghiêm trọng. Những tổn thương bắt đầu tác động đến lớp sâu bên trong làn da. Vị trí tổn thương thường bị thâm đen, không thể bài tiết mồ hôi. Do đó, trẻ dễ kiệt sức, nôn ói liên tục, mạch đập nhanh…
Như vậy, trong một số trường hợp, bệnh rôm sảy ở trẻ em khó tự khỏi nếu các bậc phụ huynh không can thiệp hợp lý và đúng lúc. Khi mụn nước trên da bé bị vỡ, nấm và vi khuẩn sẽ tận dụng thời cơ này để xâm nhập vào da, gây nhiễm trùng, viêm da mạn tính, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng huyết và có thể đe dọa đến tính mạng của bé.
Bên cạnh đó, nếu bị rôm sảy kéo dài, trẻ sẽ liên tục ngứa ngáy, quấy khóc cả ngày lẫn đêm, chán ăn khiến cơ thể sụt cân và suy nhược nhanh chóng. Đồng thời, các mụn mủ khi bị vỡ sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của làn da trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Bệnh rôm sảy ở trẻ em có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc kịp thời. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm từ bệnh lý này:
- Mẩn đỏ xuất hiện nhiều hơn, gây sưng đau: Thông thường, khi nổi rôm sảy, các mẩn đỏ màu hồng hoặc đỏ sẽ xuất hiện khiến bé quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Sau 8 – 10 ngày, nếu không được điều trị đúng cách, các đốm đỏ sẽ phát triển, lan rộng, tạo thành những mảng đỏ nhạt kéo dài, đồng thời tình trạng sưng viêm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Rỉ dịch, chảy mủ: Khi trẻ bị rôm sảy trong một thời gian dài, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào sâu bên trong da khiến bệnh tình thêm tồi tệ. Lúc này, các mụn đỏ trên da dễ tích tụ nước mủ. Nếu phụ huynh không vệ sinh con em kỹ lưỡng, da bé sẽ bị rỉ dịch, chảy mủ.
- Sưng bạch huyết ở nách, cổ và bẹn: Triệu chứng này xuất hiện khi tình trạng nhiễm trùng trên da bé đã chuyển nặng. Khi đó, nếu không được chữa trị kịp thời, bé sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.
- Sốt trên 37,5 độ C: Khi mắc bệnh rôm sảy lâu ngày, không được vệ sinh đúng cách và điều trị kịp thời, trẻ sẽ bị sốt nhẹ.
Phương pháp điều trị rôm sảy ở trẻ em
Rôm sảy ở trẻ em là bệnh lý lành tính. Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể chữa bệnh cho con tại nhà theo các cách sau:
Chăm sóc da cho trẻ và làm mát cơ thể
Một số thành phần hóa học của phấn rôm như bột talc, bột kẽm oxit… có công dụng hút ẩm, làm thông thoáng da, nhờ đó cải thiện triệu chứng rôm sảy một cách hiệu quả. Vì vậy, khi trẻ mắc phải bệnh lý này, cha mẹ nên dùng phấn rôm xoa đều lên vùng da nổi mẩn 2 – 3 lần/ngày.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên lựa chọn các sản phẩm có đặc tính se da, sát khuẩn và không chứa chất bảo quản hoặc hóa chất độc hại nhằm nâng niu, bảo vệ làn da, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ gây kích ứng, viêm da ở trẻ. Thêm vào đó, cha mẹ không cần mua thuốc mỡ kháng sinh để bôi cho con. Vì loại dược phẩm này có thể làm bít tắc lỗ chân lông, cản trở sự bài tiết mồ hôi, góp phần gây ra viêm da.
Hơn nữa, độc giả không nên tắm cho trẻ với sữa tắm hay xà phòng. Hãy nhẹ nhàng làm sạch cơ thể bé bằng nước chanh pha loãng cùng nước ấm, nước khổ qua xay nhuyễn hoặc tận dụng lá kinh giới, lá tía tô trong các mẹo dân gian được đề cập phía dưới. Bạn tuyệt đối không dùng xơ mướp, bàn chải hay khăn bông chà mạnh lên da để giúp bé giảm ngứa. Bởi cách làm này có thể gây trầy xước và nhiễm trùng da.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể đẩy lùi triệu chứng rôm sảy bằng cách cởi hết quần áo của con rồi đưa trẻ vào phòng mát hoặc nơi có bóng râm, sau đó, dùng khăn ướt lau khắp cơ thể nhằm loại bỏ mồ hôi và bã nhờn. Dùng khăn ẩm đắp lên vùng da mọc rôm sảy cũng là cách hay để bớt ngứa, hạ nhiệt độ và giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Ngoài ra, muốn giảm thiểu nguy cơ tổn thương da bé, thay vì lau mình trẻ bằng khăn, phụ huynh nên quạt khô người trẻ.
Chữa rôm sảy cho trẻ bằng các thảo dược dân gian
Để xử lý bệnh rôm sảy ở trẻ em một cách an toàn và nhanh chóng, cha mẹ có thể áp dụng các mẹo dân gian đơn giản dưới đây:
Chanh
- Vắt 1 – 2 trái chanh tươi
- Hòa nước cốt chanh vào nước ấm để tắm cho bé
Gừng
Cách 1:
- Rửa sạch, xay nhuyễn 70g gừng tươi
- Dùng bông gòn thấm nước cốt gừng vừa làm rồi bôi nhẹ lên vùng da nổi rôm sảy của trẻ
- Thực hiện 2 – 3 lần/ngày trong vòng 5 ngày liên tục
Cách 2:
- Rửa sạch, xay nhuyễn 50g gừng tươi
- Pha nước cốt gừng tươi với 2 lít nước rồi nấu sôi
- Để nguội dung dịch, sau đó dùng nước này tắm cho trẻ
- Thực hiện 1 lần/ngày vào buổi sáng
Ngải cứu
- Chuẩn bị 20g lá sài đất, 30g lá ngải cứu, 50g lá nhài
- Rửa sạch các nguyên liệu
- Cho tất cả vào ấm với một lượng nước vừa đủ, sắc lấy thuốc
- Chia thuốc ra uống 2 – 3 lần/ngày trong vòng 3 – 5 ngày
- Lưu ý, bài thuốc này không áp dụng cho trẻ sơ sinh.
Rau sam
- Rửa sạch, xay nhuyễn 1 nắm rau sam
- Lấy nước cốt rau sam hòa tan vào nước ấm để tắm cho bé
Khổ qua
- Rửa sạch, xay nhuyễn 1 – 2 trái khổ qua tươi
- Lấy bã cho vào miếng vải, buộc chặt rồi bỏ vào nồi nấu nước tắm cho trẻ
- Thực hiện 1 – 2 lần/ngày trong vòng 1 tuần
Kinh giới
- Vò nát 1 nắm lá kinh giới tươi để lấy nước cốt rồi hòa vào nước ấm, sau đó tắm cho bé
- Nếu dùng lá kinh giới khô, bạn đem nấu sôi với một lượng nước vừa đủ rồi làm tương tự
- Cha mẹ có thể kết hợp dược tính của trái khổ qua và lá kinh giới để tăng cường công dụng chữa bệnh
Lá khế
- Rửa sạch 1 nắm lá khế với nước muối pha loãng
- Cho vào nồi, nấu sôi
- Chờ nước lá khế nguội bớt rồi dùng nước này tắm cho trẻ
- Thực hiện 3 lần/tuần
- Lưu ý, chị em không nên áp dụng cách này quá thường xuyên vì nhựa của lá khế có thể khiến da bé xỉn màu.
Lá trà xanh
- Rửa sạch 1 nắm trà xanh
- Nấu sôi lá trà với một lượng nước vừa đủ
- Lấy nước này tắm cho trẻ
Lá tía tô
- Xay nhuyễn lượng lá tía tô vừa đủ
- Lấy nước cốt chấm lên vùng da nổi rôm sảy của bé
- Sau 10 – 15 phút, tắm hoặc lau người trẻ bằng nước ấm
- Thực hiện 2 – 3 lần/ngày
Lá dâu tằm
- Ngâm 1 nắm lá dâu tằm với nước muối, sau đó rửa sạch
- Cho tất cả lá dâu vào một túi vải lớn, bỏ vào nồi rồi đổ thêm nước, nấu sôi
- Để nguội dung dịch, pha loãng với nước rồi tắm cho bé
Thuốc tím pha loãng
- Pha loãng thuốc tím hoặc Lactacyd với nước theo tỷ lệ 1:10.000
- Lấy dung dịch thu được tắm cho trẻ
- Thực hiện 1 lần/ngày
Trước khi áp dụng các mẹo dân gian trên, phụ huynh cần tắm bé bằng sữa tắm chuyên dụng vì những loại lá trên chỉ có tác dụng làm mát hoặc cung cấp chất kháng sinh tự nhiên và không thể hòa tan chất nhờn trên da. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Xác định rõ da bé thuộc loại da gì, có nên tắm với nước lá hay không và nếu có thì cần chọn loại lá nào cho phù hợp.
- Đảm bảo rửa sạch các loại thảo dược trên bằng nước muối pha loãng hoặc thuốc tím trước khi xay nhuyễn hay nấu sôi.
- Sau khi tắm xong, cha mẹ nên rửa sơ người con bằng nước ấm để loại bỏ lượng tinh bột của lá còn tồn đọng trên da nhằm hạn chế nhiễm khuẩn.
- Không thêm quá nhiều chanh hoặc muối vào nước tắm, vì điều này có thể dẫn đến kích ứng, viêm da, nhiễm khuẩn.
- Không tắm nước lá khi da trẻ đang bị sưng đỏ, mưng mủ, trầy xước, viêm nặng, bởi lúc này da đã mất đi lớp màng bảo vệ. Việc tắm bằng nước lá có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, khiến bệnh trở nặng và gây ra một số biến chứng nguy hiểm.
Bôi thuốc trị rôm sảy
Khi những nốt rôm tập trung thành mảng lớn, dày đặc, sưng đỏ, phụ huynh nên mua kem trị rôm để giúp bé đỡ khó chịu, ngứa ngáy, đồng thời ngăn ngừa viêm nhiễm. Hai loại thuốc trị rôm sảy phổ biến dành cho trẻ nhỏ:
- Calamine làm dịu làn da, giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy.
- Anhydrous Lanolin có tác dụng đẩy lùi tình trạng bít tắc các ống ở tuyến mồ hôi, đồng thời ức chế sự phát sinh của các nốt rôm mới.
Lưu ý, làn da trẻ rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Vì vậy, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.
Biện pháp phòng tránh
Các chuyên gia da liễu cho biết, cha mẹ nên phòng tránh rôm sảy cho con dựa trên nguyên tắc sạch sẽ, mát mẻ, thoáng khí, hạn chế ra nhiều mồ hôi và chống viêm da.
- Cho trẻ mặc quần áo bằng vải mỏng, mềm, nhẹ, có khả năng hút ẩm tốt.
- Không để bé mặc trang phục quá nhiều, quá chật hay ủ con quá kỹ.
- Khi thời tiết nóng bức, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đồng thời dùng quạt điện, máy điều hòa để làm không gian thông thoáng.
- Nơi ngủ phải luôn gọn gàng, thông thoáng và mát mẻ.
- Tắm con bằng nước mát, không sử dụng loại xà phòng gây khô da, có thể tắm trẻ bằng các loại nước thảo dược trên (chú ý rửa sạch, đun kỹ nhằm tránh làm da bé nhiễm khuẩn).
- Tuyệt đối không cho bé ra nắng, đặc biệt là trong khung giờ 10 giờ – 16 giờ hàng ngày. Vì đây là thời điểm tia cực tím (UVA và UVB) có cường độ cao nhất. Nếu tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian này, trẻ dễ bị bỏng rát, cháy nắng, thậm chí ung thư da.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, duy trì không gian sống sạch sẽ, thoáng mát.
- Đảm bảo làn da bé luôn khô thoáng, sạch sẽ.
- Không nên thoa nhiều loại kem, phấn, sản phẩm dưỡng da cho bé vì điều này sẽ bịt kín lỗ chân lông, khiến con dễ bị nổi rôm sảy hơn.
- Không cho trẻ đến nơi quá hầm bí, đông đúc, ngột ngạt.
Rôm sảy ở trẻ em là bệnh lý lành tính, không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý chăm sóc và phòng ngừa đúng cách để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu có con em bị nổi rôm sảy, bạn nên hết sức thận trọng, không tự ý cho trẻ dùng thuốc điều trị khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Xem thêm: Thoái hoá khớp vai: Chẩn đoán nguyên nhân và phương án điều trị
Tin mới nhất
- Đau đầu gối là bệnh gì? Cách nhận biết, điều trị, phục hồi
- Cách làm nấm lim xanh sắc nấu uống ngâm rượu đắp mặt nạ nấm lim
- Bà bầu bị viêm amidan: Triệu chứng và cách điều trị an toàn cần biết
- Đau u tủy xương
- Quan hệ xong bị ngứa vùng kín: “Nỗi niềm” không của riêng ai
- Bệnh tăng globulin đại phân tử Waldenstrom
- Hoa Đu Đủ Đực – Công Dụng, Cách Dùng, Giá Bán Và Những Lưu Ý
- Hành trình gian nan “săn" cây nấm lim xanh thiên nhiên quý hiếm
- Lưu Ý Những Người Không Nên Dùng Đông Trùng Hạ Thảo
- Top 6 viên uống đẹp da cho phụ nữ sau sinh an toàn, hiệu quả nhất