Viêm họng hạt là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị

Viêm họng hạt là một trường hợp thường gặp của bệnh viêm họng mãn tính, bên cạnh thể teo và thể xuất tiết. Bệnh lý đặc trưng bởi hoạt động tăng sản lành tính của các nang lympho và xuất hiện những hạt nhỏ có màu đỏ, hồng, nổi cộm không gây ngứa và đau ở thành sau họng.

Viêm họng hạt là gì?

Viêm họng hạt hay viêm họng mạn tính quá phát là thuật ngữ đề cập đến tình trạng nhiễm trùng hầu họng kéo dài khiến vùng niêm mạc bị sưng đỏ, dày lên và phù nề tạo thành các trụ giả. Bên cạnh đó, những hạch lympho ở niêm mạc có xu hướng tăng sản lành tính, từ đó hình thành các hạt nhỏ có màu hồng, đỏ, nổi cộm, không gây ngứa hoặc đau ở thành họng.

Viêm họng hạt là một trường hợp thường gặp của bệnh viêm họng mãn tính, bên cạnh thể teo và thể xuất tiết

Các biểu hiện bệnh viêm họng hạt có thể khởi phát đơn độc hay đi kèm với một số vấn đề hô hấp mãn tính như viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi. Do đó, việc điều trị bệnh đòi hỏi kết hợp cả điều trị nguyên nhân và triệu chứng.

Do nguyên nhân khởi phát phức tạp nên bệnh lý có đặc tính kéo dài dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát. Mặc dù bệnh viêm họng hạt không khởi phát đột ngột, ồ ạt và diễn tiến nhanh như viêm họng cấp nhưng về lâu dài, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề, tác động tiêu cực đến chức năng hô hấp cũng như sức khoẻ tổng thể.

Nguyên nhân dẫn đến viêm họng hạt

Thông thường, bệnh viêm họng cấp khởi phát chủ yếu do nhiễm trùng (nấm men, vi khuẩn, virus). Tuy nhiên, viêm họng mãn tính, bao gồm viêm họng hạt có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Một số trường hợp, bệnh lý có thể là hệ quả của nhiều nguyên nhân, yếu tố cộng hưởng.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm họng hạt:

  • Nhiễm trùng hầu họng kéo dài: Tình trạng viêm nhiễm ở hầu họng nếu không được kiểm soát hoàn toàn có thể dẫn đến viêm họng mãn tính thể quá phát hay còn gọi là viêm họng hạt. Nguyên nhân chủ yếu là do nấm, virus, vi khuẩn tấn công ồ ạt vào niêm mạc hầu họng. Lúc này, hạch lympho sẽ bắt giữ, tiêu diệt các tác nhân gây nhiễm trùng để bảo vệ đường hô hấp. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể khiến các nang lympho tăng sinh lành tính và hình thành những hạt nhỏ có màu hồng/ đỏ ở thành họng.
  • Bị ngạt tắc mũi mãn tính: Các cơ quan hô hấp thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, tình trạng ngạt mũi kéo dài (lệch vách ngăn, viêm xoang sau, polyp xoang, polyp mũi,…) có thể ảnh hưởng đến quá trình dẫn lưu mũi – xoang- họng. Tình trạng này khiến viêm họng kéo dài dai dẳng, mãn tính và xuất hiện tăng sản nang lympho ở thành họng.
  • Các thói quen xấu: Viêm họng hạt còn là hệ quả của một số thói quen xấu như lạm dụng bia rượu, tiếp xúc với chất gây dị ứng, hoá chất, thuốc lá thường xuyên. Những thói quan này có thể gây tổn thương ở hầu họng trong thời gian dài, từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt. Nếu tiếp tục duy trì những thói quen xấu sẽ chuyển sang viêm họng mãn tính thể teo (phổ biến ở người cao tuổi).
  • Do cơ địa: Thực tế cho thấy, bệnh viêm họng hạt thường có xu hướng khởi phát ở người có cơ địa dị ứng. Hiện tượng dị ứng không chỉ gây phù nề niêm mạc xoang, mũi mà còn khiến hầu họng bị tổn thương. Lâu dài có thể làm niêm mạc ở thành họng dày lên và xuất hiện nhiều đốm hạt.
  • Biến chứng của một số bệnh hô hấp mãn tính: Viêm họng hạt cũng có thể là biến chứng của các bệnh hô hấp mãn tính như viêm xoang, viêm mũi, viêm amidan. Những bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus, nấm men đến hầu họng. Theo thời gian, nang lympho ở thành họng phát triển mạnh, tăng sản và hình thành các hạt, đốm.
  • Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, bệnh lý còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro như trào ngược dạ dày thực quản, vệ sinh răng miệng kém, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm,… Bên cạnh đó, người làm công việc giao tiếp nhiều, tiếp xúc với hóa chất, người bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài có nguy cơ cao bị viêm họng hạt.

Các triệu chứng nhận biết bệnh lý

Các biểu hiện viêm họng hạt thường ở mức độ nhẹ, khởi phát chậm và khó nhận biết hơn so với bệnh viêm họng cấp tính. Tuy nhiên, bệnh lý có các triệu chứng thực thể điển hình, rõ rệt hơn so với giai đoạn cấp.

Dịch đờm dính dẻo, đặc, không loãng và trong suốt

Một số triệu chứng cơ năng của bệnh lý, bao gồm:

  • Cổ họng đau nhẹ, khô, nóng rát và khó chịu
  • Thường xuyên có cảm giác ngứa và vướng ở cổ họng, nhất là sau khi ngủ dậy
  • Người bệnh luôn có cảm giác vướng, khó chịu ở cổ họng nên dẫn đến thói quen thường xuyên khạc đờm, đằng hắ
    ng
  • Dịch đờm dính dẻo, đặc, không loãng và trong suốt
  • Bị nghẹn khi nuốt nước bọt hoặc ăn uống
  • Thường xuyên có cảm giác buồn nôn do cổ họng nhạy cảm
  • Hơi thở có mùi
  • Một số trường hợp có thể bị khàn giọng sau khi giao tiếp nhiều, hút thuốc lá hoặc uống rượu bia
  • Ho có đờm hoặc ho khan vào sáng sớm và buổi đêm.

Bên cạnh các triệu chứng cơ năng, người bệnh có thể nhận biết bệnh viêm họng hạt qua một số triệu chứng thực thế như sau:

  • Quan sát niêm mạc họng nhận thấy lưỡi gà, màn hầu có hiện tượng đỏ, dày lên hơn bình thường, eo họng bị thu hẹp đáng kể.
  • Thành họng xuất hiện những hạt nhỏ nổi cộm có màu hồng, đỏ, xuất hiện đơn lẻ hoặc mọc thành từng đám.
  • Niêm mạc cạnh trụ amidan có biểu hiện dày lên, sưng và tạo thành các trụ giả

Viêm họng hạt nguy hiểm không?

Các biểu hiện bệnh viêm họng hạt không bùng phát đột ngột, ồ ạt như viêm họng ở giai đoạn cấp. Do đó, nhiều người bệnh có tâm lý chủ quan, không tiến hành thăm khám và điều trị đúng cách.

Tình trạng viêm họng hạt kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp

Mặc dù không diễn tiến nhanh như bệnh viêm họng cấp nhưng về lâu dài, bệnh lý có thể tiến triển nặng nề và gây ra một số biến chứng như:

  • Suy nhược cơ thể: Các biểu hiện của bệnh viêm họng hạt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, gián đoạn giấc ngủ. Lâu dần sẽ gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, đặc biệt là ở người cao tuổi và người trung niên.
  • Viêm họng teo: Đây là một trong những thể bệnh của viêm họng mãn tính. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm có thể chuyển sang thể teo do tuyến nhầy và nang tân bị xơ hoá. Viêm họng teo đặc trưng bởi tình trạng eo họng bị rộng ra, niêm mạc trắng và mỏng, nhẵn.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp khác: Tình trạng viêm họng hạt kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm áp xe amidan, viêm amidan cấp tính, viêm thanh quản mãn tính, viêm khí phế quản mãn tính,…

Phương pháp điều trị viêm họng hạt

Bệnh viêm họng nói chung và viêm họng hạt nói riêng có thể được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, do bệnh khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có đặc tính kéo dài dai dẳng và rất dễ tái phát nên đòi hỏi người bệnh phối hợp điều trị nguyên nhân và triệu chứng. Bên cạnh đó, kết hợp chế độ chăm sóc đúng cách để hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất, đồng thời phòng ngừa bệnh tái phát.

1. Điều trị nguyên nhân

Thực tế cho thấy, các triệu chứng bệnh lý có thể khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, người bệnh cần tiến hành thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán nguyên nhân cụ thể, từ đó áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.

Với trường hợp viêm họng hạt do lệch vách ngăn, polyp mũi,… bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phẫu thuật

Căn cứ vào nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp điều trị như:

  • Loại bỏ những yếu tố kích thích: Kích ứng, dị ứng kéo dài là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh viêm họng hạt và các thể viêm họng mãn tính khác. Nếu khởi phát do nguyên nhân này, người bệnh cần loại trừ những yếu tố kích thích như bia rượu, thuốc lá, nấm mốc, hoá chất, mạt bụi, lông chó mèo, phấn hoa,…
  • Đảm bảo lưu thông mũi: Một số bệnh lý gây ra tình trạng nghẹt mũi là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mãn tính ở hầu họng, nang lympho quá sản, từ đó hình thành những đốm ở sau thành họng. Với trường hợp này, người bệnh cần tiến hành phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi, điều trị tình trạng viêm ở các mô xoang, cắt polyp.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh hô hấp: Viêm họng hạt có thể là hệ quả của các bệnh hô hấp như viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản,… Do đó, để kiểm soát các triệu chứng viêm họng hạt cũng như phòng ngừa tái phát, cần tiến hành điều trị dứt điểm các bệnh lý này.
  • Một số biện pháp điều trị khác: Trong một số trường hợp, bệnh viêm họng hạt có thể là hệ quả của bệnh tiểu đường, trào ngược dạ dày, nhiễm HIV,… Nếu khởi phát do những nguyên nhân này, bạn cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp, ăn uống điều độ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

2. Điều trị tại chỗ

Song song với các phương pháp điều trị nguyên nhân, người bệnh cần phối hợp biện pháp điều trị tại chỗ nhằm loại bỏ virus, vi khuẩn, nấm, dị nguyên và làm giảm các triệu chứng khó chịu ở hầu họng.

  • Sử dụng thuốc điều trị: Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc chấm họng có chứa Glycerin borat 3%, dung dịch
    kiềm súc miệng, khí dung chứa hydrocortisone + kháng sinh giúp giảm viêm, ức chế hại khuẩn và cải thiện các biểu hiện ở hầu họng do bệnh lý gây ra. Đối với những trường hợp viêm họng hạt ở mức độ nhẹ, hạt lympho có thể mất mất sau một thời gian điều trị.
  • Đốt viêm họng hạt: Trường hợp các hạt sau thành họng không có xu hướng thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc. Người bệnh có thể được bác sĩ chuyên khoa chỉ định đốt viêm họng hạt bằng điện, nito lạnh hoặc bằng laser. Những thủ thuật này sẽ giúp loại các hạt, đốm tăng sinh ở thành họng, giảm cảm giác khó chịu, vướng víu, vướng nuốt, nghẹn. Tuy nhiên, một số trường hợp, các hạt ở sau thành họng có xu hướng tái phát sau một thời gian nhất định.

Việc sử dụng thuốc và đốt viêm họng hạt là các phương pháp được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả cao nhưng lại có một số hạn chế nhất định. Lạm dụng thuốc Tây có thể phát sinh nhiều tác dụng phụ như suy gan thận, nhờn thuốc, đau viêm dạ dày,… Trong khi đó, đốt hạt chỉ có thể xử lý những hạt to và có thể khiến thành họng bị tổn thương sâu, hình thành sẹo xơ cứng hoặc viêm nhiễm sau phẫu thuật. Để đảm bảo an toàn cũng như đạt kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Cách phòng ngừa viêm họng hạt hiệu quả

Viêm họng hạt cũng như các thể bệnh viêm họng mãn tính thường có xu hướng tiến triển dai dẳng, dễ tái phát gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ăn uống, giao tiếp hàng ngày. Nghiêm trọng hơn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Chải răng đều đặn mỗi ngày 2 lần và súc miệng với nước muối sinh lý hoặc dung dịch kiềm để tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng

Do đó, sau điều trị bạn cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái phát như sau:

  • Cần mang khẩu trang khi tiếp xúc với bụi, hoá chất, lông chó, mèo, nấm mốc, phấn hoa. Đồng thời, nên cân nhắc thay đổi công việc nếu bệnh lý có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp.
  • Chải răng đều đặn mỗi ngày 2 lần và súc miệng với nước muối sinh lý hoặc dung dịch kiềm để tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ các chất dị ứng, kích ứng,… Biện pháp này không chỉ có tác dụng phòng ngừa viêm họng hạt mà còn giảm nguy cơ bị viêm nha chu, sâu răng, viêm VA,…
  • Kiêng sử dụng bia rượu và hút thuốc lá. Bên cạnh đó, hạn chế uống nước lạnh khi thời tiết thay đổi.
  • Chủ động điều trị dứt điểm các bệnh tiêu hoá, hô hấp và kiểm soát một số bệnh nội khoa, điển hình là tiểu đường nhằm làm giảm nguy cơ viêm họng hạt
  • Chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, hạn chế di chuyển ngoài trời khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Trường hợp bị dị ứng quanh năm, bạn có thể cân nhắc sử dụng các thiết bị lọc không khí, máy tạo độ ẩm nhằm loại bỏ chất dị ứng, kích ứng trong không gian sống, giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh lý.
  • Không sử dụng các loại đồ uống, thực phẩm gây kích thích niêm mạc cổ họng như thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, kem, gia vị cay nóng, thức ăn có kết cấu cứng, khô,…
  • Tăng cường miễn dịch, nâng cao sức khỏe bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc. Với những người có sức đề kháng kém, có thể bổ sung viên uống vitamin C, E, kẽm,… giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp.

Viêm họng hạt là bệnh hô hấp phổ biến ở nhiều đối tượng. Mặc dù không đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ tổng thể nhưng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh cần chủ động thăm khám, điều trị và áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lý tái phát.

Xem thêm: Ung thư vú ER dương tính: Loại ung thư đáng được quan tâm

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!