Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu – Nguyên nhân, dấu hiệu & cách chữa

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận. Bệnh lý này thường xảy ra do quá trình mãn kinh, sử dụng ống thông tiểu, vệ sinh kém hoặc do quan hệ tình dục không an toàn. Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu chủ yếu là sử dụng kháng sinh và các loại thuốc cải thiện triệu chứng.

Nhiễm trùng tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UIT) là thuật ngữ đề cập đến tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Thông thường, nhiễm trùng tiết niệu chủ yếu xảy ra do vi khuẩn. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, tình trạng này có thể khởi phát do virus hoặc nấm.

Phần lớn, hiện tượng nhiễm trùng thường xảy ra ở các cơ quan tiết niệu dưới như bàng quang, niệu đạo và rất ít khi xảy ra ở niệu quản hay thận. Mặc dù ít gặp hơn nhưng nhiễm trùng đường tiết niệu trên thường có mức độ nghiêm trọng và dễ dẫn đến các biến chứng nặng nề.

Nhiễm trùng đường tiết niệu được đặt tên cụ thể tùy vào vị trí xảy ra nhiễm trùng. Ví dụ:

  • Nhiễm trùng thận được gọi là viêm bể thận
  • Nhiễm trùng niệu đạo được gọi là viêm niệu đạo
  • Nhiễm trùng bàng quang được gọi là viêm bàng quang
  • Niệu đạo là vị trí rất ít khi xảy ra nhiễm trùng

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu là do vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo rồi di chuyển đến các cơ quan khác như bàng quang, niệu quản hoặc thận.

Loại vi khuẩn phổ biến gây ra bệnh lý này là Escherichia coli (E.coli). Ngoài ra nguyên nhân cũng có thể do một số loại vi khuẩn và virus khác như vi khuẩn lậu cầu, virus herpes, Mycoplasma, Chlamydia,…

Escherichia coli (E. coli) là loại vi khuẩn chủ yếu gây ra nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, bao gồm:

  • Do cấu tạo của cơ quan tiết niệu nữ: Nữ giới thường có nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường tiểu cao hơn nam giới do cấu tạo của cơ quan tiết niệu. So với nam giới, niệu đạo của nữ giới khá ngắn và có vị trí gần với âm đạo. Vì vậy vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong và di chuyển đến bàng quang, niệu quản và thận.
  • Mãn kinh: Mãn kinh là giai đoạn cơ thể nữ giới chấm dứt chu kỳ kinh ngu
    yệt hoàn toàn do hàm lượng hormone estrogen suy giảm. Sự sụt giảm nội tiết tố đột ngột có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan bài tiết nước tiểu.
  • Hoạt động tình dục: Hoạt động tình dục là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn lậu cầu, virus herpes, Mycoplasma,… đặc biệt là ở những trường hợp quan hệ không an toàn.
  • Sỏi tiết niệu: Sự xuất hiện của sỏi đường tiết niệu có thể khiến nước tiểu ứ đọng tại bàng quang trong một thời gian dài. Điều này tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
  • Sử dụng ống thông tiểu: Một số bệnh nhân phải sử dụng ống thông tiểu (suy thận cấp, hư thận) có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn bình thường.
  • Phẫu thuật đường tiết niệu: Nhiễm trùng có thể là biến chứng sau khi phẫu thuật thay thận, loại bỏ sỏi hoặc u xơ tuyến tiền liệt.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Nhiễm HIV, tiểu đường,… có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu và tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
  • Vệ sinh cá nhân kém: Vùng kín – đặc biệt là ở nữ giới luôn trong tình trạng ẩm ướt. Vì vậy nếu không vệ sinh thường xuyên, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng.
  • Yếu tố khác: Sử dụng tampon, thuốc diệt tinh trùng, lạm dụng kháng sinh,…

Triệu chứng & Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiết niệu

Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu phụ thuộc vào vị trí xảy ra nhiễm trùng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe ở từng trường hợp. So với nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới, hiện tượng nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên thường gây ra các triệu chứng rất nghiêm trọng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới thường gây đau vùng chậu và bụng dưới

– Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (niệu đạo và bàng quang):

  • Tiểu nhiều lần
  • Lượng nước tiểu rất ít
  • Nóng rát khi tiểu tiện
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu đậm, mùi khó chịu hoặc có lẫn máu

Ngoài ra nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới thường gây đau trực tràng. Trong khi đó nữ giới thường bị đau vùng chậu và bụng dưới.

– Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu trên (niệu quản và thận):

  • Các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng tiết niệu dưới
  • Đi kèm với hiện tượng sốt, buồn nôn, nôn mửa, ớn lạnh
  • Đau ở vùng lưng và hai bên lưng
  • Có thể đau ở bên mạn sườn

Nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy hiểm không?

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể thuyên giảm hoàn toàn và không để lại biến chứng nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Ngược lại, chậm trễ trong quá trình khắc phục có thể khiến nhiễm trùng phát triển mạnh và để lại các biến chứng nặng nề.

Một số biến chứng do nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây ra:

  • Tổn thương thận vĩnh viễn: Viêm bể thận là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng có thể gây hư thận vĩnh viễn.
  • Nhiễm trùng tái phát: Ở nữ giới, nhiễm trùng tiết niệu có khả năng tái phát nhiều lần trong một năm và dẫn đến chứng nhiễm trùng mãn tính.
  • Hẹp niệu đạo: Viêm niệu đạo tái phát nhiều lần (thường là do lậu cầu) có thể khiến thành niệu đạo sưng viêm và khiến không gian trong cơ quan này bị thu hẹp.
  • Sảy thai và sinh non: Nhiễm trùng tiết niệu trong thời gian mang thai có thể tăng nguy cơ sinh non và sảy thai nếu không được kiểm soát kịp thời.
  • Nhiễm trùng máu: Là biến chứng nặng nề nhất của nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nhiễm trùng máu có thể đe dọa đến chức năng tim mạch, não bộ hoặc thậm chí gây tử vong.

Chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thực hiện các chẩn đoán cần thiết. Quá trình này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và vị trí bị nhiễm trùng, từ đó có các biện pháp điều trị tương ứng.

Xét nghiệm nước tiểu là chẩn đoán bắt buộc đối với trường h
ợp nghi ngờ nhiễm khuẩn tiết niệu

Các kỹ thuật chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bao gồm:

  • Phân tích nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu là kỹ thuật chẩn đoán bắt buộc đối với những trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu. Kết quả phân tích nước tiểu có thể cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn hoặc sự tăng lên bất thường của tế bào bạch cầu và hồng cầu.
  • Nuôi cấy vi khuẩn: Khi nhận thấy sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu, bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng trước khi đưa ra phác đồ điều trị.
  • Xét nghiệm hình ảnh: CT và MRI có thể được chỉ định với những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần. Hình ảnh hiển thị từ xét nghiệm này có thể cho thấy sự bất thường trong cấu trúc niệu đạo.
  • Nội soi bàng quang: Nội soi bàng quang sử dụng ống nội soi nhỏ đưa vào niệu đạo và bàng quang nhằm quan sát biểu hiện ở trong cơ quan này. Kỹ thuật chẩn đoán này được thực hiện với những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát.

Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán khác tùy vào triệu chứng lâm sàng và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp.

Cách chữa nhiễm trùng đường tiết niệu nữ và nam

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ và nam giới thường không có sự khác biệt. Nguyên tắc điều trị là ức chế nhiễm trùng, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Bác sĩ thường chỉ định phương pháp tùy thuộc vào mức độ, vị trí nhiễm khuẩn và triệu chứng lâm sàng.

1. Nhiễm trùng cấp

Với nhiễm trùng cấp, kháng sinh là lựa chọn ưu tiên trong quá trình điều trị. Loại kháng sinh được chỉ định tùy thuộc vào chủng vi khuẩn gây bệnh, vị trí nhiễm trùng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.

Kháng sinh thường được chỉ định trong 7 – 10 ngày nhằm ức chế chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng

Một số loại kháng sinh được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng tiết niệu ở nam và nữ giới, bao gồm:

  • Cephalexin: Cephalexin thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ 1. Loại kháng sinh này thường được sử dụng cho trường hợp viêm bàng quang và viêm tuyến tiền liệt. Cephalexin thường được sử dụng ưu tiên trong điều trị nhiễm trùng với vi khuẩn nhạy cảm, do thuốc ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, Cephalexin thường không có đáp ứng tốt.
  • Nitrofurantoin: Là thuốc kháng khuẩn đường tiết niệu được sử dụng khá phổ biến. Loại thuốc này là dẫn xuất của nitrofuran nhạy cảm với nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm như E. coli, Klebsiella, Staphylococcus aureus, Staphylococcus saprophyticus,… Tuy nhiên Nitrofurantoin thường không được chỉ định với trường hợp nhiễm trùng thận (viêm bể thận) và áp xe quanh thận.
  • Kháng sinh phối hợp Trimethoprim và Sulfamid: Loại thuốc này thường được sử dụng cho trường hợp nhiễm khuẩn khá nghiêm trọng. So với việc dùng đơn độc một loại kháng sinh, kháng sinh phối hợp thường có tác dụng ức chế vi khuẩn mạnh.
  • Ciprofloxacin: Là kháng sinh nhóm quinolone. Loại thuốc này hiếm khi được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu vì có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định Ciprofloxacin hoặc một số kháng sinh nhóm quinolon nếu không còn lựa chọn nào khác.

Thông thường điều trị kháng sinh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày hoặc hơn. Song song với việc sử dụng kháng sinh, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc làm giảm sốt và đau nhức như Paracetamol, Diclofenac, Ibuprofen,…

2. Nhiễm trùng tái phát

Với trường hợp viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể đưa một số biện pháp điều trị và phòng ngừa như sau:

  • Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh liều thấp trong thời gian dài (khoảng 6 tháng) có thể giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiểu tái phát. Ngoài ra bạn cũng có thể được chỉ định dùng 1 liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ tình dục nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm khuẩn bắt nguồn từ hoạt động tình dục.
  • Liệu pháp estrogen: Trong trường hợp nhiễm trùng có liên quan đến mãn kinh, bạn có thể được cân nhắc áp dụng liệu pháp estrogen. Tuy nhiên trước khi thực hiện liệu pháp này, bác sĩ sẽ loại trừ các tình trạng bệnh lý có phụ thuộc vào nồng độ nội tiết.

3. Nhiễm trùng có mức độ nghiêm trọng

Với những trường hợp nhiễm trùng có mức độ nghiêm trọng như viêm bể thận cấp, bạn có thể phải điều trị nội trú tại bệnh viện. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường tiêm và điều trị triệu chứng để kiểm soát tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu tại nhà

Bên cạnh các biện pháp đặc hiệu, bạn cũng có thể thực hiện một số cách hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ngay tại nhà như sau:

Bổ sung nhiều nước có thể tăng số lượng vi khuẩn được đào thải qua nước tiểu
  • Uống nhiều nước: Bổ sung từ 2 – 3 lít nước/ ngày giúp làm loãng nước tiểu và tăng số lần tiểu tiện. Khi tiểu tiện, lượng vi khuẩn tồn đọng trong niệu quản, bàng quang sẽ đi ra bên ngoài theo nước tiểu.
  • Chườm ấm: Để giảm cơn đau do nhiễm trùng tiết niệu, bạn có thể sử dụng túi chườm ấm lên vùng chậu và hông.
  • Dùng nước ép nam việt quất: Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, hợp chất proanthocyanidins trong quả nam việt quất có thể ức chế vi khuẩn E. coli. Do đó bổ sung loại nước ép này thường xuyên sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
  • Sữa chua: Sữa chua chứa số lượng lợi khuẩn (probiotic) dồi dào. Việc bổ sung lợi khuẩn có thể cân bằng hệ vi sinh trong đường tiết niệu và hạn chế nguy cơ vi khuẩn có hại bùng phát đột ngột. Ngoài ra, cung cấp probiotic có thể làm giảm tác hại lên hệ tiêu hóa khi sử dụng kháng sinh kéo dài.
  • Bổ sung nhiều rau xanh: Rau xanh có tác dụng kiềm hóa nước tiểu và ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong bàng quang. Vì vậy trong thời gian điều trị, bạn nên tăng cường bổ sung rau xanh để rút ngắn thời gian hồi phục và cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tái phát khi có điều kiện thuận lợi. Vì vậy ngay khi kết thúc quá trình điều trị, bạn cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.

Vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ giúp làm giảm nguy cơ tái phát nhiễm khuẩn tiết niệu

Các biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát:

  • Bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày, đồng thời hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và thức uống làm thay đổi độ pH trong nước tiểu như cà phê, rượu bia, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị,…
  • Cần đi vệ sinh ngay khi có thể có nhu cầu.
  • Vệ sinh vùng kín thường xuyên. Khi làm sạch vùng kín, cần lau từ trước ra sau để tránh nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và cơ quan bài tiết nước tiểu.
  • Không nên sử dụng thuốc diệt tinh trùng và các loại thuốc gel bôi trơn không rõ nguồn gốc. Thay vào đó có thể thực hiện một số biện pháp ngừa thai an toàn hơn như sử dụng bao cao su, uống thuốc tránh thai,…
  • Đi tiểu và làm sạch vùng kín ngay sau khi quan hệ tình dục.
  • Không quan hệ với người đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu và sinh dục.
  • Lựa chọn dung dịch vệ sinh vùng kín có độ pH trung tính, ít xà phòng và không chứa hương liệu.
  • Thường xuyên thay quần lót và sử dụng các loại quần lót có chất liệu vải mỏng thông thoáng, thấm hút.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những bệnh lý phổ biến ở nữ giới. Bệnh có thể được kiểm soát và điều trị dứt điểm nếu phát hiện và khắc phục sớm. Vì vậy ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.

Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng và tập thể dục sau khi phẫu thuật ung thư vú

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!