Tiểu rắt ra máu là bệnh gì, có nguy hiểm không & cách chữa

Tiểu rắt, tiểu buốt là một trong những triệu chứng thường gặp ở cả nam và nữ giới. Thế nhưng tiểu rắt ra máu lại là một hiện tượng bất thường cần được theo dõi và quan tâm nhiều hơn để phòng tránh và nhận biết các bệnh lý hoặc những vấn đề nghiêm trọng mà cơ thể đang gặp phải. Vậy tiểu rắt ra máu là bệnh gì, cách điều trị và phòng tránh ra sao?

Tiểu ra máu là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe

Tiểu rắt ra máu là hiện tượng gì?

Tiểu rắt là tình trạng người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu, tiểu chưa hết và đi nhiều lần trong ngày. Mặc dù vừa mới đi tiểu xong lại muốn đi tiếp, hay xảy ra vào ban đêm khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược cơ thể do mất ngủ. Mỗi lần đi, lượng nước tiểu thường rất ít.

Tiểu ra máu là hiện tượng nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ sẫm do lẫn máu. Trong trường hợp bệnh nhẹ thì rất khó phát hiện do màu sắc nước tiểu chỉ thay đổi đôi chút. Nếu trường hợp tiểu rắt kèm theo ra máu cùng cảm giác đau buốt khó chịu, đau ở vùng bụng dưới và vị trí của bộ phận tiết niệu hay thận, bàng quang thì chứng tỏ bạn đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng cần được kịp thời thăm khám và điều trị.

Nguyên nhân tiểu rắt ra máu

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tiểu rắt ra máu ở cả nam lẫn nữ giới. Cụ thể:

Nguyên nhân sinh lý

Thông thường tình trạng tiểu rắt ra máu nhẹ có thể xuất phát từ những nguyên nhân như:

  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hoặc vệ sinh quá mức gây ra tình trạng viêm nhiễm, tổn thương vùng kín dẫn đến hiện tượng tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Quan hệ tình dục thô bạo, bừa bãi, nhiều bạn tình gây tổn thương bộ phận sinh dục, nhiễm trùng gây ra tình trạng tiểu ra máu, nếu kéo dài có thể gây viêm bàng quang, viêm niệu đạo.
  • Lo lắng, căng thẳng quá mức khiến đầu óc căng thẳng, rối loạn hóc môn. 

Nguyên nhân bệnh lý

Đa phần các trường hợp tiểu rắt ra máu đều là dấu hiệu của các bệnh lý sau đây:

  • Bệnh lý về thận: Viêm cầu thận, lao thận, sỏi thận… đây đều là những bệnh lý nguy hiểm, nếu không sớm điều trị sẽ chuyển thành bệnh mãn tính.
  • Bệnh lý về đường tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi đường tiết niệu.
  • Bệnh lý về tuyến tiền liệt: U xơ, viêm hoặc phì đại tuyến tiền liệt…
  • Bệnh phụ khoa, bệnh xã hội: Nhiễm trùng âm đạo, bệnh lậu…
  • Bệnh lý về máu như bạch cầu, máu khó đông, tiểu máu vi thể…
  • Ung thư: Ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt…

Tiểu rắt ra máu là bệnh gì?

Nếu xuất hiện tình trạng tiểu rắt, nước tiểu có màu đỏ thẫm hoặc hồng kéo dài dễ dàng nhận biết thì rất có thể bạn đã mắc những bệnh lý sau đây:

1. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu

Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp là viêm niệu đạo, viêm bàng quang có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ. Do sự xâm nhập của vi khuẩn và hệ thống đường tiết niệu khiến niêm mạc niệu đạo, bàng quang, cầu thận, đài bể thận viêm và tổn thương. 

Triệu chứng bệnh:

  • Tiểu rắt, tiểu ra máu, có cảm giác châm chích mỗi lần đi tiểu.
  • Nếu nhiễm khuẩn ở bàng quang sẽ có đặc trưng là đi tiểu thường xuyên, nước tiểu kèm theo máu, bụng dưới đau. 
  • Nhiễm khuẩn trong thận gây sốt cao, nôn, buồn nôn, đau vùng lưng phía hai bên sườn.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp ở nữ giới với các triệu chứng như khí hư ra nhiều, ngứa rát vùng kín, tiểu rắt tiểu buốt, tiểu ra máu, đau khi quan hệ

2. Sỏi đường tiết niệu

Là một bệnh lý phổ biến có triệu chứng đặc trưng là tiểu rắt, tiểu buốt kèm theo máu. Sỏi đường tiết niệu cũng có nhiều dạng khác nhau như sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi kẹt ở niệu đạo, sỏi thận… Trong quá trình di chuyển, sỏi khiến niêm mạc đường tiết niệu tổn thương, chảy máu.

Triệu chứng bệnh:

  • Đau quặn thận diễn ra đột ngột, dữ dội, nhất là khi vận động, đau thường giảm đi khi tiểu được và nghỉ ngơi.
  • Đau ở thận do bể thận, đài thận tắc nghẽn: Cơn đau thường xuất hiện ở hố thắt lưng và lan dần về phía hố chậu và rốn.
  • Đau ở niệu quản bắt đầu ở vùng hố thắt lưng, lan dọc theo đường đi của niệu quản.
  • Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, tùy theo tình trạng tổn thương mà nước tiểu sẽ có màu từ hồng nhạt đến đỏ toàn bãi.
  • Nếu viêm đài bể thận có thể gây đau vùng thắt lưng, sốt cao, rét run, nôn mửa, ăn không ngon miệng.

3. Viêm cầu thận

Viêm cầu thận là hiện tượng tổn thương viêm cấp của cầu thận do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu hoặc virus gây ra. Có liên quan đến các bệnh hệ thống, đái tháo đường, viêm mạch thận và các bệnh lý khác như thận đa nang, huyết khối động mạch, tĩnh mạch thận.

Triệu chứng bệnh: 

  • Nước tiểu nhiều bọt do có chứa protein, có màu đậm hơn bình thường hoặc có màu hồng do lẫn máu.
  • Người thiếu máu, mệt mỏi, suy thận, huyết áp và cholesterol cao.
  • Tay chân, bụng, mặt xuất hiện tình trạng phù nề do tích nước. 

4. Các khối u ở hệ tiết niệu

Tiểu rắt, tiểu ra máu cũng có thể là biểu hiện của khối u ở hệ tiết niệu như u thận, u bàng quang. Thông thường, khi mới xuất hiện, các khối u này không thể hiện triệu chứng rõ ràng. 

Triệu chứng bệnh:

  • Tiểu ra máu, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ thẫm, cơ thể mệt mỏi.
  • Người gầy yếu, ăn uống kém, đau tức ở hạ vị.
  • Nếu không kịp thời phát hiện, khối u sẽ xâm lấn và di căn nhiều nơi gây tiểu ra máu đại thể. 

5. Bệnh về tuyến tiền liệt

Vị trí của tuyến tiền liệt

Như đã đề cập, tình trạng đi tiểu rắt ra máu có thể là dấu hiệu của các bệnh về tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là bộ phận chỉ có ở nam giới, các bệnh lý thường gặp là viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Triệu chứng bệnh: 

  • Tuyến tiền liệt sưng to, đau ở háng bụng, trực tràng, giữa dương vật, đau tăng lên khi quan hệ và xuất tinh.
  • Đái buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu hoặc mủ kèm theo sốt cao 38 – 39 độ C, người rét run khó chịu.
  • Nếu nhẹ thì tiểu máu vi thể, nặng có thể xuất hiện tình trạng đi tiểu ra máu tươi đại thể.

6. Bệnh lý về máu

Một số bệnh lý về máu như bệnh máu khó đông, bạch cầu cấp và mãn tính cũng có thể gây ra tình trạng tiểu rắt, tiểu ra máu. Trong đó, bệnh bạch cầu thường xuất hiện ở nam giới hơn phụ nữ.

Triệu chứng bệnh:

  • Người mệt mỏi, khó thở
    , tiểu rắt, nước tiểu có lẫn máu.
  • Chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da.

7. Nhiễm trùng âm đạo

Nhiễm trùng âm đạo hay viêm âm đạo do vi trùng là tình trạng số lượng vi khuẩn trong âm đạo phát triển quá mức gây kích ứng, sưng viêm ở âm đạo, có thể ảnh hưởng tới niệu đạo, bàng quang. Theo thống kê, có đến 75% phụ nữ từng bị nhiễm khuẩn âm đạo do nấm, thường gặp ở độ tuổi từ 15 – 44. 

Triệu chứng bệnh: 

  • Ngứa, rát âm đạo và âm hộ, dịch tiết âm đạo thất thường, khí hư có màu trắng.
  • Vùng da quanh âm hộ viêm, tấy đỏ, đau khi giao hợp.
  • Nếu viêm nhiễm nặng có thể gây ra tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có lẫn máu.

Tiểu rắt ra máu có nguy hiểm không?

Tiểu rắt ra máu là tình trạng nguy hiểm cần được quan tâm đúng mức

Có thể khẳng định, tiểu rắt ra máu là tình trạng nguy hiểm, người bệnh nên sớm thăm khám và điều trị để ngăn ngừa các biến chứng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra tình trạng:

  • Suy giảm chức năng tình dục: Tiểu rắt ra máu có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ. Ở nam giới, bệnh có thể gây ra các bệnh lý về tuyến tiền liệt khiến chất lượng và số lượng tinh trùng, tinh dục giảm sút, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản. Ở nữ giới có thể khiến môi trường âm đạo thay đổi, gây nguy cơ vô sinh.
  • Ảnh hưởng tâm lý người bệnh: Tình trạng này khiến nhiều người lo sợ căng thẳng, không dám đi tiểu nhiều khiến các bệnh lý có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Có thể dẫn đến ung thư hoặc ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. 

Cách chữa tiểu rắt ra máu

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:

Phương pháp dân gian

Với các trường hợp tiểu rắt ra máu nhẹ, mới xuất hiện, người bệnh có thể thử cải thiện bằng các phương pháp dân gian như:

  • Bí xanh: Bí xanh tính mát, thanh nhiệt, trừ phiền nhiệt, thông tiểu tiện, giảm sưng hỗ trợ điều trị tốt cho chứng tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu lẫn máu. Có thể lấy bí xanh gọt vỏ, giã lấy nước cốt, hòa với ít muối cho dễ uống. 
  • Củ sắn dây: Sắn dây rửa sạch, cạo vỏ, phơi khô, giã nhỏ sao cho mịn rồi hòa với nước, có thể thêm một ít đường cho dễ uống. 
  • Da vàng của mề gà: Lấy 20 cái da vàng của mề gà rang cho cháy, tán mịn, chia làm 4 lần uống với nước trắng. Sử dụng trong 1 tuần sẽ thấy chứng tiểu rắt lẫn máu cải thiện.
  • Mồng tơi: Lấy một nắm mồng tơi rửa sạch, để ráo nước, sắc rau mồng tơi lấy nước để uống, chia làm nhiều lần sử dụng trong ngày.

Điều trị chuyên khoa

Thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể khi có triệu chứng tiểu rắt ra máu

Đa số các trường hợp tiểu rắt ra máu đều có liên quan đến bệnh lý, do đó, việc áp dụng các phương pháp dân gian chỉ là biện pháp hỗ trợ cho các trường hợp nhẹ. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc xuất hiện kèm theo nhiều triệu chứng nghi là bệnh lý thì nên nhanh chóng thăm khám để được điều trị. 

Các bệnh lý có triệu chứng tiểu rắt ra máu đều khá nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng. Khi bệnh kéo dài, không chỉ sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng mà còn khiến bệnh trở nên nghiêm trọng, khó điều trị và tốn kém hơn. 

Mỗi bệnh lý sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Để đưa ra cách chữa bệnh tốt nhất các bác sĩ sẽ xét nghiệm, siêu âm để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp bệnh nhẹ, sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, giảm viêm nhiễm, điều trị triệu chứng. Nếu trường hợp nặng thì phải tiến hành phẫu thuật hoặc điều trị dài ngày theo liệu trình cụ thể.

Phòng ngừa tiểu rắt ra máu

Để không gặp phải tình trạng tiểu rắt ra máu cần phòng ngừa bằng cách:

  • Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích kể cả thuốc lá, cà phê vì chúng đều khiến đường tiểu và bàng quang bị kích thích.
  • Uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể đào thải độc tố và dòng nước tiểu trong hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, nên ăn nhiều chất xơ, vitamin, các thực phẩm giàu dưỡng chất…
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc quá mặn vì sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận. 
  • Thường xuyên vệ sinh vùng kín, không mặc quần áo bó sát hoặc ẩm ướt.

Tóm lại, tiểu rắt ra máu là triệu chứng bất thường của cơ thể, có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm về đường tiết niệu, cơ quan sinh dục, thận, máu… Khi cơ thể thường xuyên xuất hiện tình trạng nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt, nên nhanh chóng thăm khám để tìm ra nguyên nhân và được điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

  • Một số bài thuốc trị tiểu rắt cực hay ngay tại nhà
  • Đi tiểu ra máu ở phụ nữ là bệnh gì và cách chữa

Xem thêm: Các thuốc chữa trị bệnh tiểu đường hiệu quả (loại mới nhất)

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!