Ung thư dạ dày: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Ung thư dạ dày là bệnh ác tính thường gặp. Bệnh nguy hiểm, dễ di căn và có khả năng đe dọa đến tính mạng. Bệnh thường phát triển từ tình trạng viêm loét không được điều trị, nhiễm Helicobacter pylori (HP), bệnh nhân duy trì chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu hoặc triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh dạ dày thông thường. Điều này khiến đa số bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị và có nguy cơ tử vong cao.
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng đột biến, rối loạn và tăng sinh một cách không kiểm soát của những tế bào có cấu trúc bình thường trong dạ dày. Việc trở nên bất thường khiến những tế bào này trở thành tế bào ung thư và hình thành khối u ác tính. Sau một thời gian nhất định, tế bào ung thư sẽ xâm lấn vào những mô ở gần hay còn gọi là xâm lấn cục bộ và xâm lấn những mô ở xa qua hệ thống bạch huyết (di căn).
Ung thư dạ dày được xác định là bệnh ác tính thường gặp, đứng đầu trong danh sách các loại ung thư xảy ra ở đường tiêu hóa và chiếm đến 10,5% trong tổng các loại ung thư. Bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn đầu hoặc mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh dạ dày thông thường. Điều này khiến bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và tăng nguy cơ tử vong.
Các loại ung thư dạ dày
Những tế bào đột biến và hình thành khối u là những loại ung thư dạ dày. Những tế bào này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa xác định hướng điều trị phù hợp nhất.
Các loại ung thư dạ dày gồm:
- Ung thư Adenocarcinoma: Ung thư Adenocarcinoma là loại ung thư dạ dày bắt đầu trong những tế bào tuyến (Adenocarcinoma). Những tế bào tuyến tồn tại bên trong dạ dày có khả năng tiết ra một lớp màng bảo vệ của chất nhầy. Từ đó giúp niêm mạc dạ dày được bảo vệ khỏi sự tác động của các dịch axit tiêu hóa. Trong tất cả các trường hợp bị ung thư dạ dày, loại ung thư Adenocarcinoma chiếm hơn 90%.
- Ung thư Lymphoma: Ung thư Lymphoma là loại ung thư dạ dày bắt đầu trong những tế bào hệ thống miễn dịch (Lymphoma). Một lượng nhỏ những tế bào của hệ miễn dịch trong thành dạ dày có thể đột biến và phát triển thành ung thư. Tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ung thư hạch trong dạ dày.
- Ung thư Carcinoid: Ung thư Carcinoid là loại ung thư bắt đầu xuất hiện trong những tế bào sản xuất nội tiết tố. Những tế bào mang nhiệm vụ sản sinh hormone có thể đột biến và phát triển thành ung thư Carcinoid. Tuy nhiên loại ung thư này rất hiếm khi xảy ra.
- GIST: Ung thư bắt đầu xuất hiện trong những mô hệ thống thần kinh. Một hoặc nhiều khối u mô đệm đường tiêu hóa (hay còn gọi là GIST) bắt đầu xuất hiện trong những tế bào hệ thống thần kinh cụ thể, những tế bào này được tìm thấy trong dạ dày. GIST được xác định là một hình thức vô cùng hiếm của bệnh ung thư.
Phần lớn bệnh nhân bị ung thư đều được chẩn đoán mắc chứng ung thư dạ dày bắt đầu trong những tế bào tuyến (Adenocarcinoma). Những loại còn lại ít khi xuất hiện.
Những giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày
Những giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày như sau:
- Giai đoạn 0: Những tế bào bất thường xuất hiện ở niêm mạc dạ dày nhưng trong giai đoạn này cấu trúc dạ dày chưa bị đảo lộn.
- Giai đoạn 1 (ung thư niêm mạc): Những tế bào bất thường xuất hiện ở niêm mạc dạ dày có kèm theo tình trạng rối loạn cấu trúc nhưng những rối loạn này chỉ khu trú ở lớp niêm mạc dạ dày.
- Giai đoạn 2 (ung thư dưới niêm mạc):
Những tế bào ung thư đã xâm nhập vào các lớp dưới cơ niêm mạc của dạ dày. - Giai đoạn 3 (ung thư thành dạ dày): Những tế bào ung thư đã xâm nhập vào các lớp cơ của dạ dày. nhưng không có dấu hiệu di căn đến các mạch máu, các hạch và những cơ quan lân cận.
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư phát triển mạnh, di căn ra các hạch, các mạch máu hoặc những tạng xung quanh. Trong giai đoạn này, bệnh sẽ được phân loại phù hợp tùy thuộc vào các dạng di căn.
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Hiện tại những căn nguyên bệnh sinh của bệnh ung thư dạ dày vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên những tố được liệt kê dưới đây sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển của bệnh ung thư, bao gồm:
1. Yếu tố ngoại sinh
Nhiễm Helicobacter pylori (HP), mức sống và thói quen ăn uống thiếu khoa học là những yếu tố ngoại sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Helicobacter pylori (HP)
Helicobacter pylori (HP) được xác định là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với căn bệnh ung thư dạ dày. Các nghiên cứu về ung thư đã được thực hiện và cho thấy rằng có đến 35 – 89% trường hợp bị ung thư biểu mô dạ dày có liên quan đến chủng vi khuẩn Helicobacter pylori. Đặc biệt nguy cơ gây ung thư ở HP tuýp 1 cao gấp 5 đến 6 lần những tuýp khác.
Hiện nay vẫn chưa thể biết rõ cơ chế bệnh sinh của vi khuẩn Helicobacter pylori gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã nhận thấy bệnh viêm dạ dày mãn tính xảy ra do Helicobacter pylori sẽ dẫn đến tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày, loạn sản ở niêm mạc dạ dày, dị sản ruột và cuối cùng dẫn đến bệnh ung thư biểu mô dạ dày. Tỉ lệ mắc loại ung thư này sẽ cao hơn ở những người bị nhiễm Helicobacter pylori. Tỉ lệ mắc bệnh sẽ giảm khi nhiễm Helicobacter pylori được điều trị triệt để.
Tuy nhiên vẫn tồn tại một tỉ lệ khá lớn trường hợp bị ung thư không liên quan đến nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Ở Nam Phi, Ấn Độ và một số quốc gia khác, tỉ lệ nhiễm HP rất cao nhưng tỉ lệ mắc bệnh ung thư lại rất thấp.
- Thói quen ăn uống
Thực nghiệm cho thấy việc tiêu thụ những loại thức uống, thực phẩm có nhiều nitrat sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Trong đó các nitrat chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua các loại rau được bón với nhiều nitơ, thịt cá ướp muối, ngũ cốc mốc, thịt hun khói.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, các nitrat trong dạ dày sẽ nhanh chóng phản ứng với các amin cấp 2, amin cấp 3 và tạo ra nitrosamin. Sau khi được tạo thành những nitrosamin sẽ alkyl hóa acid nhân ADN, ARN. Điều này dẫn đến đột biến gen và gây ung thư.
- Do mức sống
Những người thuộc nhóm tầng lớp kinh tế xã hội thấp, không tập trung vào việc bồi bổ và nâng cao sức khỏe sẽ có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao.
2. Yếu tố nội sinh
Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao bởi những yếu tố nội sinh dưới đây:
- Viêm teo niêm mạc dạ dày
Kết quả thống kê cho thấy có 6 – 12% trường hợp bị ung thư dạ dày là những người bị viêm dạ dày mạn tính của tình trạng thiếu máu Biermer và viêm teo niêm mạc dạ dày (đặc biệt là thể có sản ruột).
- Dị sản ruột ở niêm mạc dạ dày
Những trường hợp nhiều dị sản ruột, viêm dạ dày mạn sẽ có nguy cơ hình thành và phát triển ung thư dạ dày cao hơn rất nhiều so với những trường hợp khác.
- Loạn sản niêm mạc dạ dày
Loạn sản niêm mạc dạ dày được xem là tiền ung thư và được chia thành 3 cấp độ. Trong đó loạn sản niêm mạc dạ dày độ 3 là loạn sản nặng và có thể coi như ung thư. Nguyên nhân là do hầu hết những trường hợp này đều mắc bệnh ung thư. Do đó những bệnh nhân bị loạn sản niêm mạc dạ dày cần kiểm tra và theo dõi định kỳ bằng kỹ thuật sinh thiết, nội soi để đánh giá mức độ loạn sản. Từ đó sớm tiến hành điều trị, phẫu thuật cắt bỏ nếu cần thiết.
- Sau cắt đoạn dạ dày
Do thiếu acid hoặc viêm teo niêm mạc dạ dày mạn do dịch mật trào ngược khiến tế bào đột biến và tiến triển thành ung thư.
- Bệnh loét dạ dày
Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ những trường hợp bị ung thư do loét dạ dày. Một số chuyên gia cho rằng tế bào ung thư đã xuất hiện và tiến triển ngay từ lúc đầu nhưng không được phát hiện.
- Polyp dạ dày
Polyp dạ dày có kích thước lớn hơn 2cm kèm theo lông nhung hoặc đa polyp gia đình rất dễ phát triển thành ác tính.
- Tác dụng phụ của thuốc
Nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày sẽ tăng cao hơn ở những người sử dụng thuốc ức chế thụ thể H2 histamin trong thời gian dài.
- Nhóm máu A
Những người có nhóm máu A sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người có nhóm máu khác.
- Yếu tố gia đình (yếu tố di truyền)
Nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày ở những người có thành viên trong gia đình bị ung thư sẽ cao gấp 4 lần so với những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày
Ở giai đoạn rất sớm (có thể điều trị được qua nội soi), ung thư dạ dày thường phát triển mà không kèm theo những biểu hiện lâm sàng. Đa số những trường hợp phát hiện sớm đều dựa vào kết quả nội soi của bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm trong thời gian thăm khám những bệnh lý khác.
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng sau:
- Xuất hiện những rối loạn tiêu hóa: Có cảm giác đầy bụng và khó tiêu, buồn nôn và nô
n ói sau khi ăn, ăn uống mất ngon, chán ăn. Thời gian đầu các triệu chứng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, về sau trở thành thường xuyên. - Thay đổi đặc tính cơn đau: Cơn đau thường xuất hiện một cách đột ngột, mất chu kỳ, đau dai dẳng và kéo dài hơn, không có biểu hiện thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc, ngay cả những loại thuốc đã từng chữa khỏi được cơn đau trước đây. Đau nhiều kèm theo đi ngoài có phân đen hoặc thiếu máu nhược sắc đơn thuần.
- Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi suy nhược, sốt dai dẳng và sút cân nhưng không tìm được cơn đau cụ thể.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn, các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây sẽ xuất hiện:
- Cảm nhận có khối u ở vùng thượng vị: Bệnh nhân có thể nhận thấy khối u ở vùng thượng vị, vị trí của khối u thường ngang rốn hoặc trên rốn. Trong trường hợp dạ dày sa, người bệnh có thể cảm nhận được khối u ở dưới rốn. Khi sờ có thể cảm nhận khối u rắn chắc, di động ít, nổi rõ sao mỗi bữa ăn, lên xuống theo nhịp thở, nhiều sang hai bên và trên, dưới. Trong trường hợp khối u đã dính nhiều vào những phủ tạng lân cận, tính di động của khối u ung thư dạ dày sẽ không còn.
- Tức ngực, khó thở: Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác tức ở ngực và khó thở.
Triệu chứng phát sinh từ những biến chứng của bệnh ung thư gây ra:
- Chảy máu tiêu hóa: Đi ngoài có phân đen hoặc nôn ra máu.
- Thủng dạ dày: Bụng cứng như gỗ, mất vùng đục trước gan, choáng.
- Hẹp môn vị: Hẹp môn vị khiến bệnh nhân nôn ra thức ăn cũ.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có cơ hội được chữa khỏi nếu ung thư được phát hiện kịp thời và điều trị ở giai đoạn sớm.
Cụ thể nếu ung thư dạ dày được phát hiện sớm và chữa trị ở giai đoạn 1 thì tỉ lệ khỏi bệnh của bệnh nhân có thể lên đến 80%. Ngược lại, nếu được phát hiện muộn và chữa trị ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối thì tỉ lệ khỏi bệnh của bệnh nhân chỉ còn 5%. Lúc này tế bào ung thư sẽ di căn đến hạch bạch huyện cùng những cơ quan khác của cơ thể khiến chức năng của các cơ quan bị suy yếu và chết đi.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày
Để kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh ung thư dạ dày, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định một số kỹ thuật sau:
- Nội soi dạ dày: Nội soi dạ dày là một trong những kỹ thuật chẩn đoán quan trọng. Kết quả từ kỹ thuật này cho phép bác sĩ chuyên khoa tìm kiếm hình ảnh tổn thương ung thư và cho ra kết quả chính xác. Đặc biệt thông qua quá trình nội soi sinh thiết làm mô bệnh học, những tổn thương nghi ngờ ung thư sẽ được chẩn đoán xác định. Hơn thế, dựa vào kết quả nội soi, bác sĩ có thể biết được tính chất của khối u và đặc điểm của khối u. Từ đó giúp xác định rõ hơn về các hướng điều trị tiếp theo.
- Nội soi nhuộm màu: Bệnh ung thư biểu mô tuyến dạ dày thường hình thành và phát triển trên nền tế bào biểu mô đã gặp vấn đề và bị tổn thương viêm mạn tính. Kỹ thuật nhuộm màu qua nội soi (thực hiện bằng Indigocarmin) cho phép bác sĩ chuyên khoa tìm thấy những đám tế bào niêm mạc loạn sản thông qua hình ảnh xuất hiện những chất màu không đều. Điều này giúp sinh thiết và chẩn đoán chính xác.
- Siêu âm nội soi: Thông qua hình ảnh nội soi từ thiết bị có gắn đầu dò siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện khối u còn giới hạn, nằm yên trong thành dạ dày, chưa có hạch di căn và chưa xâm lấn ra những tạng lân cận.
- Một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác:
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm cho phép bác sĩ phát hiện di căn hạch tồn tại ở ổ bụng, tụy, gan.
- CT scan: Kết quả từ kỹ thuật CT scan giúp bác sĩ đánh giá chính xác sự thâm nhiễm của khối u, đồng thời phát hiện những khối u di căn.
- Chụp tim phổi: Chụp tim phổi ở những trường hợp cần thiết giúp phát hiện hình ảnh tế bào ung thư di căn phổi, hạch rốn phổi và màng phổi.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày
Việc điều trị ung thư dạ dày và các phương pháp được áp dụng phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn của bệnh. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị loại bỏ hoàn toàn khối u và điều trị triệu chứng, nâng đỡ cơ thể.
1. Điều trị loại bỏ hoàn toàn khối u
Để điều trị loại bỏ hoàn toàn khối u, bệnh nhân sẽ được chỉ định chữa bệnh với những phương pháp sau:
- Cắt dạ dày
Cắt dạ dày là phương pháp điều trị chính đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư dạ dày, bệnh nhân có thể phải tiến hành cắt toàn bộ dạ dày hoặc chỉ cắt một đoạn của dạ dày.
Ở giai đoạn sớm, nếu những tế bào ung thư vẫn còn giới hạn ở niêm mạc, chưa xâm lấn ra các hạch bạch huyết hay các mạch máu lân cận (giai đoạn T1, N0, M0), bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật nội soi để cắt bỏ đám tổ chức ung thư. Trong trường hợp khối u ở giai đoạn M0, N0 hoặc N1, T1 hoặc T2, bệnh nhân sẽ được cắt bán phần dạ dày, sau đó nối dạ dày – hỗng tràng.
Trong giai đoạn muộn, nếu những tế bào ung thư phát triển ở đoạn dưới thân vị và hang vị, bệnh nhân phải cắt 4/5 hoặc 3/4 dạ dà
y, nạo bỏ hạch di căn kết hợp với nối dạ dày – hỗng tràng. Nếu tế bào ung thư phát triển ở đoạn trên thân vị và tâm vị, bệnh nhân buộc phải cắt toàn bộ dạ dày để đảm bảo tối đa mức độ an toàn.
Theo các chuyên gia, phẫu thuật cắt toàn phần sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn và giảm khả năng tái phát hơn so với việc chỉ cắt ở cực trên hoặc cắt bán phần. Bởi phương pháp phẫu thuật cắt toàn phần cho phép bác sĩ chuyên khoa nạo bỏ toàn bộ tổ chức hạch di căn. Lúc này tỉ lệ tái phát sẽ thấp hơn.
- Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tác động và tiêu diệt tế bào ung thư. Đới với những trường hợp phát hiện và điều trị ung thư giai đoạn sớm, bệnh nhân sẽ được hóa trị nhằm thu nhỏ kích thước khối u và hỗ trợ quá trình phẫu thuật. Đối với những trường hợp điều trị muộn, hóa trị sẽ được áp dụng sau phẫu thuật với mục đích tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, làm giảm nguy cơ tái phát.
- Xạ trị
Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng tia phóng xạ. Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật, áp dụng sau phẫu thuật để đẩy nhanh tiến độ tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.
Ngoài ra xạ trị có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị để giảm nhẹ triệu chứng khó chịu và thu nhỏ kích thước của khối u. Từ đó giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.
2. Điều trị triệu chứng, nâng đỡ cơ thể
Hầu hết những bệnh nhân mắc bệnh ung thư dạ dày cần phải thiết lập lại sự cân bằng về dinh dưỡng, tăng cường bổ sung những loại thực phẩm cần thiết, tốt cho sức khỏe và có khả năng cải thiện sức đề kháng. Cụ thể: Thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất, thực phẩm giàu axit béo omega-3, thành phần dinh dưỡng có trong trái cây tươi và rau xanh.
Trong trường hợp ung thư làm phát sinh cơn đau, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc giảm đau dựa theo mức độ nghiêm trọng. Trường hợp đau nhẹ có thể sử dụng nhóm giảm đau paracetamol. Trường hợp đau nặng có thể cân nhắc sử dụng nhóm thuốc giảm đau gây nghiện như morphin hoặc dolargan.
- Theo dõi điều trị bệnh
Sau phẫu thuật, bệnh nhân bị ung thư dạ dày cần phải tái khám định kỳ 3 tháng/ lần, tái khám liên tục trong 3 năm đầu, trong 2 năm tiếp theo cần tái khám định kỳ 6 tháng/ lần và tái khám định kỳ 1 năm/ lần trong những năm tiếp theo.
Mỗi năm bệnh nhân điều phải tiến hành kiểm tra công thức máu, chụp tim phổi, kiểm tra chức năng gan, nội soi dạ dày, đặc biệt là khi xuất hiện những triệu chứng mới.
- Điều trị đích ung thư dạ dày
Dựa trên những phát hiện thông qua sự quá phát của protein thụ thể HER2 và sự khuếch đại gen gây ung thư HER2, cụ thể như bệnh sinh của ung thư (một kháng thể đơn dòng chống lại thụ thể HER2), bệnh nhân sẽ được tiến hành chữa bệnh với thuốc điều trị đích ung thư dạ dày là Trastuzumab. Loại thuốc này được sử dụng đầu tiên với mục đích ức chế bệnh.
Dựa vào kết quả nghiên cứu được thực hiện trên cơ thể của những bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn III, thuốc Trastuzumab mang đến hiệu quả cao trong việc điều trị đích gastric adenocarcinoma – ung thư dạ dày thể tuyến và gastroesophageal junction GEJ – ung thư dạ dày thực quản thể tuyến có HER2 (+) tính.
Ngoài ra trong một thử nghiệm lâm sàng, việc sử dụng kết hợp thuốc Trastuzumab cùng với phương pháp hóa trị liệu có thể giúp bệnh nhân kéo dài đáng kể thời gian sống, hiệu quả hơn so với việc hóa trị liệu một mình.
Biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày
Không có cách nào ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của bệnh ung thư dạ dày do nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày bằng cách thiết lập chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt mỗi ngày.
- Ăn nhiều rau quả và trái cây: Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bạn nên kết hợp nhiều loại rau quả và trái cây vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày. Tốt nhất nên tăng cường bổ sung những loại rau và trái cây có nhiều màu sắc, điểu hình như các loại quả mọng, cà chua, cà tím, đậu bắp, rau lá xanh đậm, bông cải xanh, bông cải trái, đu đủ, ớt chuông, quả bơ, việt quất, quả cherry…
- Giảm thực phẩm hun khói và giảm lượng muối: Việc hạn chế sử dụng thực phẩm hun khói, thực phẩm mặn, nhiều muối sẽ giúp bảo vệ dạ dày, làm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cụ thể bạn nên hạn chế ăn cải muối, dưa muối, thịt xông khói, thịt nướng…
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá: Ngừng hút thuốc lá là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày và nhiều loại ung thư khác. Bởi những thành phần trong thuốc lá có thể kích thích sự phát triển đột biến của những tế bào.
- Điều trị những bệnh lý ở dạ dày: Nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày sẽ tăng cao khi bạn bị nhiễm Helicobacter pylori (HP), viêm dạ dày thể teo, loét dạ dày tá tràng, thiếu máu, polyp dạ dày và một số bệnh lý khác ở dạ dày – tá tràng nhưng không được điều trị. Chính vì, ngay sau khi được chẩn đoán, bạn nên áp dụng các phương pháp chữa trị dứt điểm theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh chủ quan trong việc điều trị vì điều này sẽ khiến các bệnh lý tiến triển và gây ung thư.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe, nội soi định kỳ sẽ giúp bạn tầm soát bệnh ung thư dạ dày, sớm phát hiện các triệu chứng, ung thư giai đoạn đầu hoặc những yếu tố nguy cơ để t
iến hành điều trị triệt để. Đặc biệt những đối tượng có nguy cơ cao như người có tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh, nhiễm Helicobacter pylori… cần được tầm soát ung thư 6 tháng/ lần.
Ung thư dạ dày được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao. Cách tốt nhất để chữa khỏi bệnh là sớm phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn đầu. Để làm được điều này, bạn nên tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/ lần (đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị ung thư). Bên cạnh đó bạn cần giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách ăn uống điều độ, bổ sung đủ chất và điều trị dứt điểm những bệnh lý liên quan.
Xem thêm: Bệnh vảy nến da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa dứt điểm
Tin mới nhất
- Cây xạ đen chữa bệnh gì? Cách nấu, sắc và uống nước xạ đen tốt nhất
- Bánh cho người tiểu đường: Gợi ý 3 loại vừa ngon vừa an toàn
- Dấu hiệu của suy nhược thần kinh và cách điều trị bệnh hiệu quả
- 8 cách chữa viêm họng mãn tính bằng mật ong cực đơn giản
- Các loại thuốc điều trị sỏi mật và lưu ý khi dùng
- Nấm lim xanh uống như thế nào và cách nấu uống nấm lim xanh rừng
- 12 nguyên nhân gây khó thở và các biến chứng đi kèm
- 12 dấu hiệu ung thư da người bệnh có thể dễ dàng nhận biết
- Ung thư dạ dày sống được bao lâu theo từng giai đoạn?
- Thoái hoá khớp vai: Chẩn đoán nguyên nhân và phương án điều trị